Ứng cử viên của giải Nobel Hoà bình 2018 là một gương mặt đặc biệt - cô Amanda Nguyen. Cô thuộc thế hệ 9X, năm nay mới bước sang tuổi 26, là người Mỹ gốc Việt. Từng là nạn nhân của tấn công tình dục, trong quá trình đấu tranh để bảo vệ bản thân, cô đã bắt tay vào soạn thảo và vận động cho dự luật Quyền của nạn nhân bị tấn công tình dục. Tháng 10/2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký quyết định thực hiện dự luật của Amanda, sau khi được Quốc hội chấp thuận. Amanda đã làm thay đổi luật tấn công tình dục của Mỹ. Cô còn là người sáng lập RISE, tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho quyền của nạn nhân bị tấn công tình dục trên khắp nước Mỹ.



Câu chuyện bắt đầu từ nỗi đau của Amanda Nguyen. Năm 2013, Amanda Nguyen bị tấn công tình dục bởi bạn học tại Đại học Harvard ở Massachusetts Mỹ. Ở thời điểm đó, thời hạn xét xử một vụ án hiếp dâm là 15 năm. Trong khi luật tiểu bang lại quy định các tài liệu điều tra giúp truy tố thủ phạm sẽ bị hủy sau 6 tháng, nếu nạn nhân không làm đơn gia hạn. Cô đã nộp một bộ bằng chứng y tế lên chính quyền bang Massachusetts và sau đó được giao một cuốn tài liệu nhỏ, trong đó nói rằng bộ bằng chứng sẽ bị hủy nếu cô không nộp đơn đề xuất gia hạn, nhưng lại không hướng dẫn cụ thể phải thực hiện như thế nào. 
Dù có quy chế cho phép nạn nhân bị tấn công tình dục có 15 năm để quyết định nộp hay không nộp đơn kiện, cơ quan chức năng vẫn sẽ hủy bộ bằng chứng y tế trên sau 6 tháng nếu các nạn nhân không nộp đơn xin gia hạn, khiến Amanda Nguyen phải làm việc này 6 tháng một lần.
Nhận thấy những bất cập của các quy định hiện hành, Amanda đã cùng các bạn nghiên cứu soạn thảo và vận động cho dự luật Quyền của nạn nhân bị tấn công tình dục. Dự luật được đưa ra vào năm 2016 với hy vọng bộ luật mới sẽ bảo vệ những người không may mắn như mình nhằm tạo ra thủ tục nhất quán để truy tố các tội phạm tình dục và bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân. 
Hiểu được những khó khăn trong hành trình đòi lại công lý cho những người từng bị tấn công tình dục từ chính trải nghiệm của mình, Amanda đã nỗ lực để dự luật được thông qua không chỉ tại Massachusetts mà còn ở các bang khác tại Mỹ.
Vào tháng 10/2016,  Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký quyết định thực hiện dự luật của Amanda, sau khi được Quốc hội chấp thuận. Theo luật mới này, nạn nhân của các vụ tấn công tình dục cần được thông báo 60 ngày trước khi hồ sơ, chứng cứ bị hủy. Họ cũng sẽ được biết các quyền và lựa chọn ở cấp độ bang, cùng quyền tiếp cận thông tin y tế của mình. 
Sau đó, đạo luật này nhận được phản ứng tích cực từ các cá nhân, tổ chức, cơ quan lập pháp. Hiện tại, 15 bang tại Mỹ áp dụng luật mới này. Cô còn là người sáng lập RISE, tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho quyền của nạn nhân bị tấn công tình dục trên khắp nước Mỹ. Amanda và RISE hy vọng sẽ vận động được những nơi khác thông qua cũng như thực hiện. 
Trước những nỗ lực không mệt mỏi của Amanda, và tầm ảnh hưởng lớn lao của dự luật do Amanda soạn thảo không chỉ trong nước Mỹ mà trên cả thế giới, Nghị sĩ California Mimi Walters và Zoe Lofgren (hai đại biểu của California, Mỹ) đã đề cử cô gái gốc Việt - Amanda Nguyễn - cho giải Nobel Hoà bình. Đề cử ghi nhận những đóng góp của cô trong việc soạn thảo, vận động cho đạo luật về quyền của người từng bị tấn công tình dục.
Quá trình xem xét các ứng viên và trao giải Nobel Hòa bình được thực hiện ở Na Uy. Các đề cử phải được gửi đến Ủy ban Nobel Na Uy trước ngày 1/2/2019. Trong thông cáo báo chí mới đây, tổ chức RISE nói rằng đề cử Nobel Hòa bình dành cho Amanda là sự công nhận đối với "những nỗ lực chưa từng có trong việc bảo vệ bình đẳng theo luật và các quyền cơ bản của con người đối với tất cả nạn nhân sống sót sau các vụ tấn công tình dục".


Nguồn: Văn Nghệ Công An