Tập truyện “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa được công bố chiến thắng tại Giải thưởng Literaturpreis – Đức. Đây là giải thưởng dành cho nhà văn nữ, do Hội văn hóa Litprom và Hội sách Frankfurt phối hợp tổ chức. Tập truyện “Cánh đồng bất tận” được nhóm dịch giả Günter Giesenfeld, Marianne Ngo, Aurora Ngo và Nguyễn Ngọc Tân chuyển ngữ với tựa đề "Endlose Felder", phát hành tại Đức vào tháng 7/2017. Ngoài bằng khen vinh danh, Giải thưởng Literaturpreis kèm theo tiền thưởng 3 ngàn euro (khoảng 80 triệu đồng Việt Nam)





Giá trị trụ cột của tập truyện “Cánh đồng bất tận” là truyện dài cùng tên. Truyện có dung lượng hơn 16 ngàn chữ, chia làm 8 chương ngắn. Nội dung tác phẩm xoay quanh cuộc đấu tranh sinh tồn của những người nông dân nơi kênh rạch miệt thứ mênh mông và lặng lẽ. Đây là tác phẩm có dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Sinh trưởng trong gia đình nghèo trên mảnh đất Cà Mau, Nguyễn Ngọc Tư phải dang dở việc học hành từ năm 15 tuổi. Tự rèn luyện để cầm bút, Nguyễn Ngọc Tư chắt chiu những mảnh đời xung quanh mình để viết “Cánh đồng bất tận” vào năm 2005. Vừa ra đời, “Cánh đồng bất tận” đã gây tranh luận trái chiều, và cuối cùng được Hội nhà văn VN trao giải thưởng văn học năm 2006. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã đưa “Cánh đồng bất tận” lên màn ảnh vào năm 2010, cũng tạo được cơn sốt vé trong cộng đồng.

Trước khi được in tại Đức, tập truyện “Cánh đồng bất tận” cũng đã được dịch tại Hàn Quốc, do NXB Asia tại Seoul ấn hành 3 ngàn bản. Sau “Cánh đồng bất tận”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có những truyện dài khác như “Gió lẻ”, “Sông”, “Khói trời lộng lẫy”… cũng khai thác đời sống nông dân miền Tây Nam bộ. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói về tác phẩm có tiếng vang nhất của mình: “Khi nghĩ đến tôi người ta hay nghĩ đến "Cánh đồng bất tận", mặc dù tôi đã bỏ chỗ đó và đã đi rồi. Tôi đã viết những cái khác. Người ta vẫn đòi hỏi tôi phải viết giống như "Cánh đồng bất tận". Điều đó là trái tự nhiên, như một dòng sông mà không chảy được. Cây đến mùa thì thay lá, quả đến mùa thì chín, rụng, tiêu tan đi. Mọi người cứ muốn tôi là thứ quả nhựa xanh mãi, treo lúc lỉu trên cành thì cũng khổ tâm. Tôi đã đi rất xa mà bạn đọc cứ ngồi ở chỗ cũ, mong chờ tôi cũng ở đó. Trong một nhà văn, cái lớn nhất là vận động và đi tới, bỏ hào quang lại sau lưng và tìm kiếm những điều mới mẻ với mình”.
                                                    PV