Cuốn “Nhà Triệu mấy vấn đề lịch sử” do Trương Sỹ Hùng, Nguyễn Khắc Mai (đồng chủ biên), gần 420 trang sách khổ 14,5 x 20,5cm được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tháng 7 năm 2017. “Lời mở sách” được người đồng chủ biên Nguyễn Khắc Mai viết: “cảm ơn nhà xuất bản Hội Nhà Văn, đã hợp tác và dầy công biên tập để cuốn sách được phát hành” (trang 13). Nhưng đọc ngay vài dòng bên dưới Lời mở sách đã thấy lỗi trình bày vì dính chữ. Thậm chí có một câu này rất hài hước: “công trình của nhóm tác giả là những nhà nghiên cứu khoa học chuyển ngành”. Chuyển ngành là sao? Phải chăng ở đây thừa mất dấu hỏi? Đây cũng là câu hỏi chúng tôi muốn nêu ra về sự dày công biên tập của đơn vị cấp phép xuất bản.



NHỮNG CUỐN SÁCH THIẾU BÀN TAY BIÊN TẬP

KIỀU MAI SƠN

Viết ẩu không kiểm chứng tư liệu
Cuốn “Người Việt nghiên cứu” của tác giả Trần Quốc Việt, Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành quý I năm 2015. Cứ theo “Lời tựa” được viết ở trang 5 cuốn sách, tác giả thổ lộ như sau: “Tại sao tôi viết quyển sách này? Tôi được đi nhiều, nghiên cứu nhiều, là giáo viên kiêm chức nhiều năm; Nghỉ ngơi mà không tổng kết lại cho cán bộ mình, anh em bạn bè mình, con cháu mình, quả là phí phạm”.
“Người Việt nghiên cứu” với 308 trang nội dung, khổ 13 x 19cm, chia làm hai phần: Phần 1 - Các tiểu luận nghiên cứu (Nghiên cứu lịch sử, Nghiên cứu về dân tộc, Nghiên cứu về cuộc chiến tranh Việt Nam, Nghiên cứu về quốc tế, Nghiên cứu triết học); Phần 2 - Trang văn học (Lý luận văn học, Thơ và tùy bút, Tùy bút). 
Đánh giá tổng thể cuốn sách thì đây là những bài viết trên blog Bantroik5 của tác giả được tập hợp lại. Viết blog gần như dạng vui chơi, nhớ gì viết đấy, không kiểm chứng tư liệu kỹ càng, đến khi đưa vào sách in cũng không biên tập. Nếu so sánh như tác giả viết giới thiệu về cuốn hồi ký của cụ thân sinh mình trong sách này “chỉ có gần 100 trang mà tới hơn 300 lỗi, dễ gây hiểu lầm” (trang 232) thì “Người Việt nghiên cứu” lỗi cũng ở cấp số nhân của 308 trang nội dung. 
Đến như Lời tựa mà còn chình ình ngay cái lỗi “hạnh phúc” thành “hạnh phíc” thì đủ biết độ cẩu thả của những người làm sách đến thế nào. Dưới đây, chúng tôi xin dẫn 2 ví dụ khác để chứng minh tác giả viết ẩu, không hề kiểm chứng tư liệu.
Trong bài “Cụ Phó bảng và đám bèo tây”, tác giả Trần Quốc Việt viết: “Cụ Bùi Bằng Đoàn, bố Bùi Tín là một trí thức, nguyên là Thượng thư Bộ Hình, sau CMT8 đi theo cách mạng làm Uỷ viên thường vụ Quốc hội và bị biệt kích Pháp giết, cụ ấy là một anh hùng” (trang 81).
Ông Trần Quốc Việt đã nhầm cụ Bùi Bằng Đoàn (1889 - 1955) sang cụ Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947). Cụ Nguyễn Văn Tố nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tháng 3/1946 đến tháng 11/1946), Bộ trưởng Không giữ Bộ nào bị Pháp bắt tại Bắc Kạn trong chiến dịch Thu Đông 1947 và đã hy sinh. Còn cụ Bùi Bằng Đoàn là Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tương tự chức Chủ tịch Quốc hội hiện nay) từ tháng 11/1946 đến khi cụ tạ thế ngày 13/4/1955.
Trang 85 sách này, tác giả viết tiếp: “Cụ Vũ Đình Huỳnh là thân sinh Vũ Thư Hiên; cụ là một trí thức Công giáo, học ở Pháp, cùng bác Trần Đại Nghĩa (bố bạn Trần Dũng Triệu) theo Bác Hồ đi tàu thủy về tham gia Cách mạng. Cụ Huỳnh là một trong những thư kí cho Bác Hồ từ 1945 - 1947”.
Ông Trần Quốc Việt tiếp tục nhầm. Cụ Vũ Đình Huỳnh (1907 - 1990) quê gốc ở Nam Định là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn người theo Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp về nước năm 1946 (cùng kỹ sư Trần Đại Nghĩa) đó là kỹ sư Võ Đình Quỳnh (1917 - 2010) quê gốc ở Quảng Ngãi.
Lỗi... cô Tuyết ngây thơ
Cuốn “Hà Nội xưa và nay” (ký) của nhà báo Bạch Diện - Nguyễn Văn Cư, Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tháng 10 năm 2015. Cuốn sách 400 trang, khổ 14,5 x 20,5cm do Võ Việt Dũng tổ chức bản thảo, Thái Thành Đức Phổ nhuận sắc. Về biên tập thì cuốn này có những lỗi sai rất… cô Tuyết ngây thơ. Đó là trang 9 giới thiệu nhà báo Bạch Diện - Nguyễn Văn Cư có 4 người con gái. Ba người là Nguyễn Thị Bích Thuận, Nguyễn Thị Thu Yến, Nguyễn Thị Ngọc Hồ, đến người con gái thứ tư tên là Nguyễn… Văn Kim. Nội dung trang 334 được in lại… hai lần.
Về phần nội dung, sách do tác giả Bạch Diện viết có quá nhiều điều sai với lịch sử. Trang 15 có câu: “Chùa Một Cột xây năm 1049 dưới triều vua Lý Thánh Tông được coi là một kỳ quan của Hà Nội”. Chùa này do vua Lý Thái Tông (1028 - 1054), cha của vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) xây dựng mới đúng. Điều này các sách chính sử như “Đại Việt sử ký toàn thư” đã viết rất rõ. Đây là một chi tiết thông sử quen thuộc mà còn sai.
Vẫn trang 15, viết về nhà đại bái của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám “có treo một bức hoành phi sơn son thếp vàng bốn chữ “Vạn thế sự biểu” (nghĩa là Bậc thầy tiêu biểu của muôn đời), do chính bút tích của vua Càn Long nhà Thanh cung tiến vào Văn Miếu dưới triều Nguyễn”. Bốn chữ Vạn thế sư biểu, chữ sư (người thầy) đã có thêm dấu nặng, thành chữ sự, là sai. 
Còn nếu cho rằng bức hoành phi bốn chữ “Vạn thế sự biểu” do chính vua Càn Long nhà Thanh cung tiến vào Văn Miếu dưới triều Nguyễn thì đó là chuyện… Trạng Quỳnh. Bởi vì dưới thời phong kiến, các triều đại Trung Quốc luôn coi mình là thiên triều, các triều đại phong kiến Việt Nam chỉ là thuộc quốc, vẫn phải sang triều cống hàng năm. 
Hoàng đế của thiên triều chỉ có ban tặng chứ không có chuyện cung tiến cho thuộc quốc. Nhà vua đứng trên bách thần. Rõ ràng hơn nữa là, vua Càn Long nhà Thanh mất năm 1799 thọ 89 tuổi, còn nhà Nguyễn thì phải đến năm 1802 mới ra đời. Không lẽ ở dưới âm phủ 3 năm rồi vua Càn Long còn “cung tiến” được chữ cho Văn Miếu?
Trang 249 đổi họ cụ Bảng Bí - tức Phó bảng Hoàng Tăng Bí - thành Đặng Hoàng Bí. Đến trang 251 lại có câu: “Riêng cụ Bảng Hoàng Tăng Bí là cháu họ ngoại cụ Nguyễn Tư Giản - một vị đại thần dưới triều Tự Đức - được một số quan lại bạn đồng liêu của cụ Tư Giản xin cho cụ Bảng Bí không phải đi đày Côn Đảo mà phải an trí ở Huế (đến năm 1926, cụ Bảng Bí mới được trở về Hà Nội)”.
Trong các sách viết về tiểu sử cụ Hoàng Tăng Bí và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đều viết rõ, cụ Hoàng Tăng Bí không phải đi đày ra Côn Đảo là vì bố vợ lúc đó là cụ Cao Xuân Dục là đại thần triều đình bảo lãnh cho.
Những chuyện lịch sử phong kiến xa xôi xin tạm dừng, tôi muốn nhắc đến những sự kiện lịch sử Việt Nam hiện đại cũng cho thấy người biên tập quả thật thiếu kiến thức lịch sử (nếu có đọc biên tập). Trang 331 hai lần nhắc về sông Kỳ Mạt Phục. “Năm 1945, nước sông Kỳ Mạt Phục lên to, Hà Nội nước lên đến mức báo động số 3”. Không rõ sông Kỳ Mạt Phục ở Hà Nội là sông nào? Chúng tôi mong nhận được phản hồi của Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Còn tiếp đó liên tục các sự kiện lịch sử viết sai: ngày 22-8-1945 Chính phủ lâm thời thành lập do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Võ Nguyên Giáp giữ Bộ Quốc phòng; ngày 24-8-1945, Bảo Đại tuyên bố thoái vị; bản Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chủ tịch khởi thảo tại số nhà 49 phố Hàng Ngang… 
Những sự kiện này phải sửa lại cho đúng như sau: Ngày 28-8-1945 Chính phủ lâm thời thành lập, ông Võ Nguyên Giáp giữ Bộ Nội vụ; ngày 30-8-1945, Bảo Đại tuyên bố thoái vị; bản Tuyên ngôn Độc lập khởi thảo tại số nhà 48 phố Hàng Ngang…
Vẫn thiếu bàn tay biên tập
Cuốn “Nhà Triệu mấy vấn đề lịch sử” do Trương Sỹ Hùng, Nguyễn Khắc Mai (đồng chủ biên), gần 420 trang sách khổ 14,5 x 20,5cm được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tháng 7 năm 2017. “Lời mở sách” được người đồng chủ biên Nguyễn Khắc Mai viết: “cảm ơn nhà xuất bản Hội Nhà Văn, đã hợp tác và dầy công biên tập để cuốn sách được phát hành” (trang 13). Nhưng đọc ngay vài dòng bên dưới Lời mở sách đã thấy lỗi trình bày vì dính chữ. Thậm chí có một câu này rất hài hước: “công trình của nhóm tác giả là những nhà nghiên cứu khoa học chuyển ngành”. Chuyển ngành là sao? Phải chăng ở đây thừa mất dấu hỏi? Đây cũng là câu hỏi chúng tôi muốn nêu ra về sự dày công biên tập của đơn vị cấp phép xuất bản.
Lỗi kỹ thuật dính chữ rất nhiều trong bài viết “Vấn đề Triệu Đà” của GS Kiều Thu Hoạch, bài “Triệu Đà trong Sử học Việt Nam thế kỷ XX” của Trương Sỹ Hùng… và nhiều lỗi khác. Riêng nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên (Vĩnh Phúc) sẽ bị mất quyền tác giả bài “Tể tướng Lữ Gia” vì tên ông đã bị sửa thành Lê… Lim Thuyên (trang 389).
Gần đây nhất, cuốn “Những kỷ niệm sâu sắc”, hồi ký nhiều tác giả, do Tuấn Long chủ biên, kỷ niệm 70 năm Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc - Đoàn Văn Công Quân khu I (31/10/1947 - 31/10/2017), in xong và nộp lưu chiểu quý 4 năm 2017 cũng cho thấy thiếu bàn tay người biên tập.



Nguồn: Văn Nghệ Công An