Băn khoăn về thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Theo Luật Giáo dục hiện hành thì phải thi tốt nghiệp. Chính vì thế mà cuộc họp hôm qua thống nhất rằng các kỳ thi năm 2019, 2020 có mục đ...
http://www.lethieunhon.vn/2018/07/ban-khoan-ve-thi-tot-nghiep-trung-hoc.html
Theo
Luật Giáo dục hiện hành thì phải thi tốt nghiệp. Chính vì thế mà cuộc họp hôm
qua thống nhất rằng các kỳ thi năm 2019, 2020 có mục đích là để xét công nhận tốt
nghiệp phổ thông, đề thi và cách tổ chức phải phù hợp với mục đích đó. Tỷ lệ đỗ
tốt nghiệp ở nước ta những năm gần đây loanh quanh 97-99% (năm nay gần 98%). Ai
cũng biết tỷ lệ đó không thực chất và nếu cứ ổn định ở mức cao như thế mãi thì
tổ chức thi làm gì cho mất công, tốn của? Như anh Lê Trường Tùng (ĐH FPT) nhận
xét rất chính xác: bỏ bao công chỉ để loại 2% là không đáng! Tôi cũng nghĩ là
không đáng. Nhưng để việc tốt nghiệp phổ thông đúng thực chất thì sẽ phát sinh
nhiều vấn đề đau đầu.
Băn khoăn về thi tốt nghiệp trung học phổ thông
LƯƠNG HOÀI NAM
Nhiều
người hỏi: cuộc họp hôm qua có thảo luận bỏ hay không bỏ thi tốt nghiệp, nếu có
thì có sự thống nhất không? Tôi xác nhận là có những ý kiến trao đổi về vấn đề
đó, nhưng không có sự thống nhất nào cả. Một số người (ví dụ, GS Nguyễn Minh
Thuyết, tôi…) ủng hộ việc bỏ kỳ thi quốc gia tốt nghiệp phổ thông, giao nhà trường
xét và cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. GS Thuyết nêu
lập luận khá thuyết phục: hiệu trưởng cấp được chứng chỉ tiểu học (cấp 1),
trung học cơ sở (cấp 2), bằng đại học (tạm gọi là “cấp 4”), lý gì lại không cấp
được chứng chỉ trung học phổ thông (cấp 3)? Tôi có những lập luận khác cho cùng
một đề xuất.
Nhưng
có không ít người (ví dụ GS Nguyễn Lân Dũng, một cô hiệu trưởng trường THPT ở
Hà Nội…) đề nghị tiếp tục giữ kỳ thi quốc gia tốt nghiệp phổ thông, lập luận
chính của các vị đó là có thi thì học sinh mới chịu học và không học lệch. Cũng
có đề xuất giữ kỳ thi này, nhưng xét tốt nghiệp chỉ dựa trên điểm thi, không
xét học bạ (vì điểm trong học bạ không hẳn đã đúng thực chất), đỗ được bao
nhiêu thì đỗ. Cũng là những lập luận không phải vừa.
Thực
ra, đây là cuộc trao đổi về sửa đổi Luật Giáo dục sắp được Chính phủ trình Quốc
hội. “Giữ” hay “bỏ” tùy thuộc vào Luật Giáo dục sửa đổi tới đây quy định thế
nào. Được biết, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiên cứu toàn diện vấn đề thi tốt nghiệp
phổ thông trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục trước khi trình Quốc hội. Đây là
một vấn đề lớn, không phải vấn đề nhỏ.
Theo
Luật Giáo dục hiện hành thì phải thi tốt nghiệp. Chính vì thế mà cuộc họp hôm
qua thống nhất rằng các kỳ thi năm 2019, 2020 có mục đích là để xét công nhận tốt
nghiệp phổ thông, đề thi và cách tổ chức phải phù hợp với mục đích đó.
Tỷ lệ
đỗ tốt nghiệp ở nước ta những năm gần đây loanh quanh 97-99% (năm nay gần 98%).
Ai cũng biết tỷ lệ đó không thực chất và nếu cứ ổn định ở mức cao như thế mãi
thì tổ chức thi làm gì cho mất công, tốn của? Như anh Lê Trường Tùng (ĐH FPT)
nhận xét rất chính xác: bỏ bao công chỉ để loại 2% là không đáng! Tôi cũng nghĩ
là không đáng.
Nhưng
để việc tốt nghiệp phổ thông đúng thực chất thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề đau đầu.
Thứ
nhất là sẽ phải làm chặt chẽ hơn việc xét lên lớp từng năm, với số lượng học
sinh lưu ban tăng lên đáng kể. Nhiều học sinh lưu ban thì tăng chi phí giáo dục
cho xã hội và các gia đình. Nhưng vấn đề không phải chỉ là tiền. Còn chuyện thiếu
cơ sở vật chất (trường lớp). Còn chuyện tâm lý học sinh, phụ huynh, nhất là ở
các địa phương miền núi. Có lần tôi đến thăm một trường miền núi, tất cả học
sinh là người dân tộc thiểu số. Cô hiệu trưởng bảo, có em đến lớp 4, lớp 5 còn
chưa đọc thông viết thạo. Tôi thắc mắc, thế thì các em tiếp thu tốt thế nào được
nội dung chương trình, các em không bị lưu ban à? Cô hiệu trưởng lắc đầu, bắt
lưu ban là các em bỏ học liền! Nhiều học sinh bỏ học thì gây ra các hệ lụy về
chính sách xã hội, chỉ tiêu phổ cập trung học cơ sở, đến chương trình “Giáo dục
cho mọi người”của UNESCO…
Thứ
hai, một khi coi rằng học sinh lên lớp đều đủ điều kiện kiến thức để lên lớp (học
sinh có quyền nghĩ như thế), việc để một tỷ lệ cao học sinh trượt tốt nghiệp ở
kỳ thi tốt nghiệp về logic kể ra cũng vô lý. Suốt từ lớp 1 đến lớp 12, nhà trường
luôn công nhận tôi đạt điều kiện lên lớp, bỗng dưng hết lớp 12 tôi bị trượt tốt
nghiệp, thế là thế nào? Chẳng nhẽ học lực của tôi bị sa sút nhiều thế chỉ trong
một năm học cuối cùng? Không dễ trả lời những thắc mắc kiểu đó. Chặt là phải chặt
xuyên suốt cả quá trình, chứ cả quá trình đã lỏng, đến cuối cùng mới thắt, siết
thì ắt sẽ sinh chuyện.
Thứ
ba, chính là chữ “chuyện” ở câu trên. Do có thi tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp,
tấm bằng này trở thành điều kiện đầu vào để học trung cấp nghề, để làm công nhân
ở hầu hết các công ty. Học hết lớp 12 mà không đỗ tốt nghiệp sẽ không được học
trung cấp, đi làm công nhân cũng khó. Số lượng ít thì các em đó còn quay lại lớp
12 học để năm sau thi lại, nhưng thử hình dung 30%, tức khoảng 300.000 em mỗi
năm bị trượt tốt nghiệp mà xem điều gì sẽ xảy ra? Trường lớp, giáo viên đâu cho
đủ cho ngần đó em học lại lớp 12? Rất căng.
Trong
thâm tâm tôi muốn có một kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc, phản ánh đúng thực chất
kiến thức, năng lực của học sinh. Nhưng là người thực tế, tôi hình dung rằng những
cái giá phải trả để kỳ thi tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp đúng thực chất là quá
khả năng chịu đựng của xã hội ta. Thế nên, dù có nêu khẩu hiệu thực chất, cuối
cùng e lại quay về hình thức thôi.
Mà
hình thức thì thi làm gì?
Như
trong bản tổng hợp của Bộ GD-ĐT cung cấp tại cuộc họp hôm qua, một số nước
không có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, nhà trường xét và cấp chứng chỉ hoàn
thành chương trình giáo dục phổ thông và công nhận tốt nghiệp. Ví dụ Hàn Quốc,
Nhật Bản. Họ chỉ tổ chức thi đại học, mà thi đại học ở họ thì căng thẳng kinh
hoàng, không có chuyện nhẹ nhàng đâu.
Tôi nghĩ làm như mấy nước đó cũng ổn. Họ vẫn thành các cường quốc
kinh tế đấy thôi...