“Gian nan là nợ anh hùng phải vay”. Người tự tin vào việc mình làm là đúng, là cần thiết sẽ đón nhận án phạt một cách bình thản. Buồn, tiếc, rút kinh nghiệm là chuyện tất nhiên, nhưng cay cú, oán hận, suy sụp hay tính chuyện trả đũa thì tuyệt nhiên không. "Đại nhân vị đại cuộc" sẽ đón nhận nó như một tai nạn, một chuyện không may. Cái duy nhất không mơ ước, không cố gắng phấn đấu để đạt được vẫn từ trên trời rớt xuống thì đó chỉ có thể là tai vạ.



TRUYỀN THÔNG, NGUYÊN NHÂN VÀ NGUYÊN CỚ

NGUYỄN HỒNG LAM

Một số bạn đọc đã inbox, comment, gọi điện hỏi tôi: “Tại sao Tuổi Trẻ Online lại bị phạt nặng thế?”. Tôi trả lời rằng lý do, chính Tuổi Trẻ và nhiều báo khác đã thông báo, đọc đi chứ hỏi cái gì. Tuy nhiên không ai thỏa mãn, bảo là vì vậy nên mới hỏi. Tất nhiên, tôi trả lời: “Tôi không phạt họ, tôi không biết”.
Mà thực tế là không biết thật!
Thường thì sau khi cơ quan quản lý kỷ luật, phạt đơn vị trực thuộc; hoặc cấp trên phạt cấp dưới, sẽ có hai dạng câu hỏi được đặt ra. Người vô can, chỉ thuần túy tò mò sẽ hỏi phạt về vụ gì? Câu trả lời chỉ là nguyên cớ. Người hiểu chuyện, có quan tâm thật sự sẽ hỏi tại sao (anh A, cơ quan X…) lại bị phạt? Câu trả lời sẽ đề cập vào nguyên nhân.
Trong những vụ việc minh bạch, sai phạm có tính vụ việc cụ thể, mức phạt công bằng, tương xứng và cần thiết, nguyên nhân cũng là nguyên cớ. Nhận định này, tôi nghĩ không thích hợp để mô tả hay giải thích đầy đủ vụ phạt 220 triệu cho 2 lỗi, đình bản 3 tháng đối với Tuổi Trẻ Online công bố ngày hôm qua, 16 - 7 - 2018.
Trong loại kỷ luật vì nguyên nhân thường có hai dạng.
Một là, kỷ luật cần đưa ra vì có sự tích tụ, xâu chuỗi các “nguyên nhân” trong một thời gian dài, đồng thời chuyện phạt đã nằm trong ý muốn của người có quyền, cơ quan chủ quản đối với cá nhân hoặc đơn vị cấp dưới. Không phạt chịu không được thì cái cần là tìm nguyên cớ. Cấp dưới ngang ngạnh, chướng tai gai mắt, trên bảo dưới không nghe (một cách gọi khác của chính trực, trung thực và dũng cảm) gặp phải cấp trên nguyên tắc, đúng quy trình (một cách gọi khác của thái độ tiểu tâm) sẽ ưa gặp phải các kỷ luật dạng này.
Thứ hai, kỷ luật đưa ra nhưng mục đích trừng phạt, răn đe không, hoặc không chỉ nhắm đến đối tượng nhận án phạt mà nhắm đến đối tượng khác. Trong trường hợp này, để gọi là nguyên nhân, án phạt sẽ nêu ra nhiều nguyên cớ, nhiều lý do. Bên cạnh lý do chính sẽ có 1, 2, n… lý do phụ. Đôi khi lý do dù "hợp lý" vẫn chẳng ăn nhập gì với chuyện cần phạt nhưng lại rất liên quan trong việc gây hoài nghi tranh cãi.
“Gian nan là nợ anh hùng phải vay”. Người tự tin vào việc mình làm là đúng, là cần thiết sẽ đón nhận án phạt một cách bình thản. Buồn, tiếc, rút kinh nghiệm là chuyện tất nhiên, nhưng cay cú, oán hận, suy sụp hay tính chuyện trả đũa thì tuyệt nhiên không. "Đại nhân vị đại cuộc" sẽ đón nhận nó như một tai nạn, một chuyện không may. Cái duy nhất không mơ ước, không cố gắng phấn đấu để đạt được vẫn từ trên trời rớt xuống thì đó chỉ có thể là tai vạ.
Năm 2003, nhà báo Võ Đắc Danh bị tước thẻ vì bài viết có trích 4 câu thơ của Bùi Chí Vinh đăng trên Văn Nghệ Trẻ vào một thời điểm rất không đúng lúc, bị coi là quá nhạy cảm. Khiếu nại nhiều nơi không kết quả, người đến từ “Đồng cỏ chát” đành chấp nhận. BBC phỏng vấn, xoáy vào ý có phải anh bị tước thẻ vì viết nhiều bài chống tiêu cực, vạch trần những cái sai, sự mất dân chủ cơ sở của chính quyền nhiều địa phương, nhất là ở nông thôn nên bị “đì” hay không? Gã giang hồ gốc ruộng đã trả lời: “Tôi bị thu thẻ vì bài viết của tôi có điểm sai”. Điều đó đã vắn tắt những gì ghi sẵn trong quyết định thu thẻ, ai chả biết. Dụng ý tìm câu trả lời theo hướng lèo lái của “báo bạn” đã không được thỏa mãn. Bởi, anh Võ Đắc Danh đã nghĩ về cái lớn hơn nên không lấy thua thiệt của cá nhân làm cay cú, không trả đũa hay trút ấm ức vào người ra quyết định kỷ luật mình. Được cấp trên từ Bộ VHTT gọi hỏi, anh Trương Vĩnh Tuấn, khi đó là Phó Tổng Biên tập báo Văn Nghệ đã nói thẳng: “Thằng Danh nó đàng hoàng, xử sự người lớn hơn các anh đấy”. Tiện tay, Anh Tuấn cũng bị ký án kỷ luật luôn, vì đã ký duyệt đăng bài. Ông Hữu Thỉnh- Tổng Biên tập thì không sao, vẫn "tuyệt vời”, đó đích thực là thơ".
Báo Tuổi Trẻ Online cũng thế. Hôm qua họ đã chấp nhận kỷ luật, chỉ thông báo, không giải thích hay biện minh, chấp nhận có sai thì chịu phạt, thì sửa. Vì họ hiểu rõ vì sao mình bị phạt. Đó là một cách giữ quyền im lặng để không phải dính lụy thêm vế sau như câu nhân vật cảnh sát trong phim Mỹ hay nói.
Một tờ báo lớn, vì không kiểm soát tốt comment có thể bị phạt 170 triệu đồng và 3 tháng đình bản thì các trang Facebook cũng chẳng có năng lực gì ngăn được không bị biến mất vĩnh viễn. Khả năng kiểm soát trên Facebook chắc chắn là yếu hơn nhiều trên báo. Bạn đọc Facebook cũng cẩu thả, ít nghĩ đến trách nhiệm hơn nhiều so với bạn đọc báo. Nhiều bạn bị nhắc nhở là sẵn sàng chửi mắng chủ Facebook là bút nô, là hèn, là vì tiền, dù họ hoàn toàn đọc miễn phí, đăng ý kiến thể hiện mình không hề phải trả tiền. Điều đó thật vô lý, không chấp nhận được. Nếu thật sự vì dân chủ, bạn nên nghĩ đến quyền lợi, sự tồn tại của chính người bạn đang bất đồng và phê phán. Và nhất định phải làm. Bởi, xóa hoặc block bạn sẽ dễ làm, cũng dễ chịu hơn nhiều so với việc cố tỏ ra dân chủ và can đảm, chấp nhận ngồi chờ comment của bạn dẫn tai vạ đến.
Giờ thì bạn tự có câu trả lời rồi đấy.