Nhà thơ Vũ Đình Huy đã tạ thế vào lúc 23h ngày 1.6.2018, hưởng thọ 76 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ 15h ngày 2-6-2018 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thống Nhất, số 1 Lý Thường Kiệt, Phường 7, Quận Tân Bình, Tp. HCM. Lễ truy điệu và động quan diễn ra vào lúc 5h30 gngày 4.6.2018 (tức ngày 21.4 năm Mậu Tuất). An táng tại Khu E6.6, hàng 8, số 5 Hoa Viên Nghĩa trang Bình Dương. Nhà thơ Vũ Đình Huy sinh ngày 18-04-1943, ông là Giáo sư – Tiến sĩ hàng đầu trong lĩnh vực hóa học, được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học của Nga và Mỹ!




VŨ ĐÌNH HUY NHÀ HÓA HỌC MÊ ĐẮM THI CA

LÊ THIẾU NHƠN

Tôi đã nghe tên tuổi Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Đình Huy trước khi có cơ hội hạnh ngộ ông ngoài đời. Trong suy nghĩ chủ quan, tôi cứ cho rằng sau khi được Viện Hàn lâm Khoa học New York – Mỹ bầu làm Viện sĩ, chắc ông sẽ tiếp tục hành trình tìm kiếm danh vọng ở xứ sở giàu sang văn minh nào đó. Không ngờ, tại mảnh đất Sài Gòn nhiều nắng gió, bao nhiêu năm nay tôi lại có dịp đánh đu với ông bằng tư cách… bạn thơ!

Từ cậu bé bán kem trên phố Hà Nội…
Dáng dong dỏng cao, phong thái ung dung và điềm đạm, Vũ Đình Huy luôn mang đến cho người đối diện một cảm giác tin cậy. Khuôn mặt ông lúc nào cũng nhẹ nhõm, nhưng dưới vầng trán rộng là một đôi mắt chất chứa ưu tư. Chỉ cần một chút tinh tế sẽ dễ dàng nhận ra rằng, ai có đôi mắt như thế đều không thể có một cuộc đời suôn sẻ và càng không thể có một cuộc đời nhạt nhẽo.
Cung cách khiêm nhường của một bậc trí thức khiến Vũ Đình Huy rất hiếm khi nói về chính mình. Tôi luôn ám ảnh nét cười của ông khi đôi lần tôi gặng hỏi về những thành tựu mà ông đã gặt hái được. Tôi không thể nào phân biệt được, đó là nét cười xoa dịu của một học giả, hay đó là nét cười tri túc của một nhân sĩ? Ở thời đại nhiều thứ chông chênh này, càng thấu thị càng hoang mang, càng sâu sắc càng rã rời, vì vậy tôi thường không nỡ làm khó ông bằng những vặn vẹo riết róng của một kẻ trót theo nghề săn đuổi thông tin. Tôi đành hiểu ông bằng cách khác, vì ngoài đam mê nghiên cứu khoa học, Vũ Đình Huy vẫn hay trải lòng mình ra… thơ!
Khoa học rất kín kẽ, nhưng thơ bao giờ cũng rất…sơ hở. Tiếp cận một công trình khoa học không thể thấy chân dung người cặm cụi trên bàn nghiên cứu, nhưng đọc một câu thơ sẽ thấy ngay gan ruột của người viết ra. Năm 1962, lúc 19 tuổi, Vũ Đình Huy có bài thơ “Rung động đầu đời” gửi cho một bóng hồng mà mình thầm thương trộm nhớ, trong đó có câu tự thú: “Anh xách phích kem rao rát cổ/ Nhựa đường chảy lỏng bỏng bàn chân”. Tôi hỏi: “Ông đi bán kem mấy năm?”. Vũ Đình Huy trả lời không cần đắn đo: “Hơn 2 năm. Mỗi ngày tôi đi học một buổi, còn một buổi hai vai vác hai thùng kem đi bán khắp phố cổ Hà Nội. Nhà tôi nghèo, 7 anh em đều phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Ngoài bán kem, tôi còn đi khiêng gạch, đập đá, quay sợi, đẩy xe than…”.
Tôi nắc nỏm: “Dạo ấy, hầu hết đều khổ cực, nhưng với bộ dạng nhem nhuốc của ông thì chắc mối tình đầu… trớt quớt phải không?”. Vũ Đình Huy gật gù: “Sau khi viết hàng trăm lá thư tỏ tình, tôi ngỏ ý xin một tấm ảnh làm kỷ niệm, thì cô ấy gửi cho tôi bức hình… nhà du hành vũ trụ Gagarin!”. Không sao, có thể người đẹp ấy đã đoán được tương lai của Vũ Đình Huy cũng sẽ đầy tính mạo hiểm, khám phá và chinh phục đỉnh cao chăng!? Lẽ thường, tình trường thất chí thì đỗ trường đắc ý. Chàng trai Vũ Đình Huy với tí buồn lỡ làng duyên nợ cứ miệt mài ôm sách đến giảng đường và lần lượt tốt nghiệp khoa Hóa – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội rồi tốt nghiệp chuyên khoa Hóa – Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. 

… đến nhà khoa học lừng danh thế giới
Về công tác tại Viện Khoa học Việt Nam, Vũ Đình Huy dần dần trở thành một nhà nghiên cứu xuất sắc. Năm 1980, Vũ Đình Huy được hưởng chế độ thực tập sinh 2 năm tại Liên Xô. Chuyến đi này chủ yếu để cọ xát tu nghiệp, chứ không hề liên quan đến nâng cao bằng cấp. Thế nhưng, Vũ Đình Huy đau đáu, để vợ con nheo nhóc ở nhà mà sang đây hai năm rồi tay không trở về thì bất nhẫn quá. Tranh thủ lúc đồng nghiệp đi nghỉ hè một tháng, Vũ Đình Huy đóng cửa ngồi viết bài báo khoa học từ vốn tiếng Nga ít ỏi tích lũy được. Bài báo thấm đẫm khát vọng kia lập tức được đăng tải trên tạp chí “Bảo vệ kim loại” của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Thừa thắng xông lên, Vũ Đình Huy vùi đầu vào nghiên cứu và công bố nghiên cứu của mình. Kết thúc 2 năm thực tập sinh, Vũ Đình Huy có bốn bài báo khoa học được giới chuyên môn Liên Xô thừa nhận, nên được đặc cách ở lại nước bạn thêm 1 năm để hoàn thành luận án Tiến sĩ.
Về lại Viện Khoa học Việt Nam làm Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước được 5 năm thì Vũ Đình Huy tiếp tục sang Liên Xô thực hiện công trình Tiến sĩ Khoa học. Với trình độ của mình, Vũ Đình Huy được cấp căn hộ hơn 200 mét vuông ở Matxcova, được đưa cả gia đình sang đoàn tụ và được bao cấp toàn bộ chi phí sinh hoạt. Ngay cả khi thay đổi thể chế, Liên Xô sụp đổ và nước Nga hình thành, thì các con của ông đi học cũng không phải mất một đồng nào. Được tạo điều kiện thuận lợi, năm 1992, Vũ Đình Huy bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học và được Viện Hàn lâm khoa học Nga phong tặng danh hiệu “Nhà khoa học hàng đầu”. Vũ Đình Huy đúc kết, học vị của ông có một điều đặc biệt, Tiến sĩ do Liên Xô cấp, còn Tiến sĩ Khoa học do… Nga cấp!
Năm 1994, Vũ Đình Huy xuất bản cuốn sách “Ăn mòn các kim loại trong khí quyển ở những miền nhiệt đới” bằng tiếng Nga, không chỉ gây hứng khú cho giới khoa học xứ sở bạch dương mà còn nhận được sự thán phục của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới. Hàng loạt trường đại học nổi tiếng của Anh, Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Canada, Áo, Tây Ban Nha, Úc, Đức… gửi lời mời ông cộng tác giảng dạy và nghiên cứu với những cam kết ưu đãi rộng rãi nhất. Bất ngờ hơn, Viện Hàn lâm khoa học New York vốn khắt khe với những tiêu chí chọn lựa, cũng bầu Vũ Đình Huy làm Viện sĩ.
Năm 1995, Vũ Đình Huy được Bộ Năng lượng mời về nước làm cố vấn kỹ thuật cho đường dây điện 500 kv. Ông đã trình bày hai đề án nhằm bảo vệ hệ thống cột điện kéo dài từ Bắc đến Nam phải chịu đựng nhiều thời tiết và phong thổ khác nhau. Và giải pháp nhúng kẽm nóng chảy của ông đã được áp dụng cho công trình quốc gia có tính lịch sử này!

Và những niềm riêng thao thức tóc bạc
Vũ Đình Huy đã đến Mỹ và hàng loạt quốc gia tiến bộ khác trong sự trọng thị chào đón. Đại lộ danh vọng ngỡ ra mở ra thênh thang trước mắt Vũ Đình Huy. Nào ngờ, đầu năm 1996, ông đưa vợ con về nước định cư! Ông làm việc 7 năm ở Viện nghiên cứu khí hậu và thiết kế dầu khí – biển, sau đó chuyển sang giảng dạy tại Trường ĐH Bách Khoa TPHCM từ năm 2003.
Một buổi sáng Sài Gòn hiu hiu gió chuyển mùa, Vũ Đình Huy và tôi gặp nhau với mục đích nói chuyện… thơ. Bên chén trà xanh đạm bạc và thân tình, tôi nửa đùa nửa thật: “Tài trí cỡ ông, giờ này lẽ ra đang ung dung nhâm nhi vodka ở Matxcova, hoặc đang nhàn nhã nhấm nháp rượu vang ở Paris, hoặc đang thong dong dạo gót ở Luân Đôn…”.  Vũ Đình Huy đưa tay vuốt mái tóc bạc trắng lòa xòa trước trán, rồi khe khẽ đọc câu thơ ông đã viết từ những lang bạt: “Người xa Tổ Quốc như chim lạc/ Ngơ ngác trời xanh chẳng của mình”. Tôi chia sẻ sự chọn lựa tâm huyết của ông. Bởi lẽ, cả ông và tôi đều biết rằng, một Tiến sĩ khoa học duy nhất của Việt Nam cho đến hôm nay trong lĩnh vực “ăn mòn và bảo vệ kim loại” như ông, thì muốn phát huy khả năng cũng không làm sao tránh được sự đố kỵ ở nơi chốn nhau cắt rốn vốn hay bao biện “một chữ tình bằng một nghìn chữ lý”.
Dường như Vũ Đình Huy không thù hằn và oán giận ai, dù có những giai đoạn ông bị đối xử rất hẹp hòi và ngây ngô. Suốt 5 năm 1983-1988, người ta từng giấu biệt bao nhiêu lá thư mời của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô gửi cho ông, mãi đến khi có một lãnh đạo tốt bụng giúp đỡ thì ông mới có cơ hội từ giã hoàn cảnh ê chề mà chính ông thổ lộ qua thơ “trong căn phòng chật chột/ trên tầng cao- gác tư/ lợn sống chung sớm tối/ với gia đình giáo sư” để tiếp tục làm luận án Tiến sĩ khoa học.

Khi đã thất thập cổ lai hy, giáo sư Vũ Đình Huy vẫn ngày ngày lên bục giảng và đã xuất bản 3 tập thơ, dẫu ông đã bị cắt ¾ dạ dày vì bệnh ung thư. Bao nhiêu cam go và khốn đốn vẫn không ngăn được nhiệt huyết của ông dành cho khoa học và dành cho thi ca. Tuy nhiên, năm 2011, khi đứa con gái cưng ở tuổi 26 trước ngày noi gương cha đi nghiên cứu khoa học tại Phần Lan, đã bị một một kẻ cuồng tình sát hại dã man, thì ông mới có dấu hiệu mệt mỏi và già yếu. Tôi chạnh lòng nhìn gần Giáo sư- Viện sĩ – Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Huy thấy lưng ông đã còng hơn, khuôn mặt ông đã nhiều nếp nhăn hơn. Bất giác tôi hỏi ông, một câu hỏi bẽ bàng và ái ngại: “Ông có hối hận vì đã bỏ cuộc sống sung túc ở nước ngoài để quay về Việt Nam không?”. Đôi mắt đầy ưu tư của ông lại mở to, rành rọt và kiên định: “Không, mình rất thanh thản khi sống trên đất nước mình!”. Tôi tin sự khẳng khái của ông, như đã tin câu thơ ông ví von Việt Nam như một con thuyền vững chãi phía hừng đông: “Tàu xanh lướt giữa biển trời/ Sóng to gió lớn không dời hướng đi!”.