Cách đây gần 5 năm, vào một ngày cuối tháng 10 của năm 2013, ông Nguyễn Văn Trung nhận được một thông tin vô cùng hạnh phúc. Huyện Cam Lộ quyết định xây dựng hệ thống đài truyền thanh cơ sở ở các xã. Vậy là ông được “bổ nhiệm” giữ chức trưởng đài truyền thanh xã. Đài của ông Trung được giao nhiệm vụ thu và phát lại các chương trình của đài trung ương, đài tỉnh, đài huyện. Song với khát khao mãnh liệt được viết báo phục vụ bà con nên ông xin được phát thêm chương trình cấp xã vào khung thời gian từ 6 giờ đến 6 giờ 10 phút sáng hàng ngày do ông trực tiếp sản xuất. Để có đủ tin bài phát mười phút mỗi ngày cho bà con nghe, ông phải tác nghiệp, tự viết và biên tập tin, bài. Nội dung chương trình ông quan tâm là các chính sách liên quan đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Đó là giá bán heo hơi, giá bán lúa ăn, lúa giống, bán ở đâu được giá cao, mua ở đâu thì có giống lúa chất lượng…



TỔNG BIÊN TẬP BÁO NÓI CỦA XÃ

LÂM QUANG HUY

Làm báo từ chất giọng hay
Đi qua làng Định Xá tôi nghe được giọng đọc trong trẻo và ấm áp phát ra từ chương trình của Đài truyền thanh xã Cam Hiếu. “Đây là đài truyền thanh Cam Hiếu. Chương trình hôm nay có các thông tin chính sau đây: Nâng cao ý thức kế hoạch hóa gia đình; mùa hè đến chó dại xuất hiện nhiều; trồng lúa hữu cơ bán được giá…”Nghe được nội dung bản tin của tờ “báo nói”quá ấn tượng, tôi muốn tìm gặp người vừa phát bản tin ấy cho bằng được. Gọi điện gặp chị Lê Thị Hường, Trưởng Đài truyền thanh huyện Cam Lộ, chị Hường không ngần ngại cho biết giọng đọc ấy là của Trưởng đài truyền thanh xã Cam Hiếu, ông được anh em, bạn bè xem như một “tổng biên tập” tờ báo nói chỉ có… một người. Ông vừa sản xuất, biên tập và cầm micro đọc phát thanh luôn nội dung tin, bài.
“Tổng biên tập” tờ báo nói… chỉ một người ấy có tên đầy đủ Nguyễn Văn Trung, năm nay tròn 49 tuổi. Cơ ngơi của “tờ báo ”rộng chừng 6m2. Báo nói này là một kiểu truyền thanh không dây gồm cột ăng ten và máy phát cùng 15 cụm loa trải đều 10 thôn của xã Cam Hiếu. Ông Trung kể rằng mình rất thích làm báo, nhất là báo nói để vừa viết và kiêm luôn phát thanh. Gần ba mươi năm trước, biết giọng đọc của mình rất hay nên hàng ngày ông Trung tự nguyện cầm loa đi bộ khắp làng để thông báo, tuyên truyên những thông tin liên qua đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những chỉ đạo của cấp huyện, xã về sản xuất, đời sống như thời vụ ra đồng gieo lúa, thiên tai, dịch bệnh, y tế sức khỏe, thời tiết…
Ngày nào như ngày đó, khi gia đình người ta đoàn tụ với nhau bên mâm cơm tối thì là ông vác loa ra đi khắp làng xã thông báo tin tức, sự việc. Ông đi rao vào đầu hôm vì giờ đó bà con mới có ở nhà để lắng nghe được những thông tin sốt dẻo ông cung cấp. Ngày đó cả làng quê chưa có điện thắp sáng, không có internet, không có wifi, facebook, báo giấy hàng tuần mới về được một lần tại xã nên thông tin ông Trung cung cấp là nguồn tin quan trọng nhất để bà con biết được chuyện thời sự hàng ngày của địa phương.
Có lần, một chị phụ nữ nhà nghèo nhưng đã sinh bốn con, hai trai, hai gái. Chị có ý định dừng lại, không sinh con thêm nữa. Khi nghe ông Trung thông báo các biện pháp tránh thai mới, chị mừng lắm, mặc dù đã lắng nghe mà chị vẫn không nhớ hết. Vậy là chị lấy hết can đảm đến trình bày với ông Trung để xin ông đọc lại bản tin ấy cho chị nghe đến thuộc lòng để về nhà chị thực hiện. Thương người phụ nữa không biết chữ mà có ý thức tốt vậy là ông Trung phải nín cười mà đọc lui đọc lại bản tin phòng tránh thai cho chị nghe. Nhiều bà con cần biết lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa, lịch phát thuốc chữa bệnh, lịch nghỉ hè, lịch đi học vào đầu năm mới của con em…mà không kịp nghe ông Trung phát thanh thì cũng chạy đến hỏi ông Trung để tận tường mọi chuyện.
Giọng đọc của ông Trung hàng ngày vào lúc trời chập choạng tối đã trở thành món ăn tinh thần của bà con nông dân. Ngày nào ông Trung quá bận việc hay ốm đau, không cầm loa đi đọc được bà con các thôn cảm thấy thiếu thiếu điều gì. Rồi bà con lại mừng ra mặt khi ...đài ông Trung phát thanh trở lại.
Thích làm báo nên ông Trung vừa hàng ngày “vác tù và hàng tổng” vừa học cách viết tin tức gửi cộng tác cho đài truyền thanh của huyện. Bản tin đầu tiên ông viết có nội dung về một con bò vàng đẻ cùng lúc được hai con bê rất mạnh khỏe, ông giật tít to đùng: Bò đẻ cùng lúc hai con bê. Nắn nót từng nét chữ, ông viết trên giấy đến năm lần bảy lượt mới hoàn chỉnh bản tin. “Liều mình” gửi bản tin đến đài truyền thanh huyện Cam Lộ, ông nóng lòng đợi tin mình được phát.
Đúng 11 giờ trưa ngày hôm sau, khi nghe đài truyền thanh huyện mở nhạc tín hiệu chương trình, ông như nín thở, hồi hộp theo dõi. Giọng người phát thanh viên vang lên, thưa quý vị và các bạn những tin chính sẽ phát trong chương trình hôm nay gồm có: nhiều diện tích rừng bị cháy; một con bò vàng đẻ cùng lúc hai bê con…Nghe đến đây ông mừng lắm nhưng vẫn kịp kìm nén xúc động để cầm bút và bản tin nháp trên tay, lắng nghe từng chữ, xem biên tập viên của Đài huyện có thêm hay cắt phần nội dung nào của bản tin. Hơn một trăm chữ của bản tin được giữ nguyên, không cắt bớt. Ban biên tập chỉ sửa lại cái tít rằng: Một con bò vàng đẻ cùng lúc hai bê con. Kinh nghiệm chỉ cho ông Trung biết được đó là đặt tít thật hay và đúng cho một tin, bài là không dễ chút nào.
Bảy ngày sau, ông được đài huyện mời lên lãnh nhuận bút. Cầm 5 ngàn đồng là số tiền nhuận bút từ một tin viết báo nói, ông Trung mừng chảy nước mắt. Không phải vì có tiền, mà khát vọng viết báo của ông đã thành hiện thực. Ông trưởng đài phân tích về bản tin ấy cho ông biết chuyện con bò đẻ cùng lúc hai bê con là chưa phải là hiếm, nhưng cách viết rất hay. So với tin hàng ngày từ làng, xã gửi lên thì cho thấy người viết tin biết chọn lựa sự kiện mới, lạ để đưa tin.
Bài học đầu tiên về nghề viết báo ông Trung học được khi viết tin hay bài là phải có sự kiện mới, lạ và hay. Cũng từ đó ông luôn mơ ước và khao khát được tự sản xuất chương trình phát thanh hàng ngày cho đài xã để cung cấp nhiều hơn nữa những thông tin cần thiết cho bà con nông dân phục vụ cuộc sống. Để có vốn liếng tri thức làm được việc đó, ông Trung theo học đại học Văn hóa nhằm bổ sung thêm bằng cấp và kiến thức phục vụ cho nghề báo của mình.  
Mười phút mỗi ngày
Cách đây gần năm năm, vào một ngày cuối tháng 10 của năm 2013, ông Trung nhận được một thông tin vô cùng hạnh phúc. Huyện Cam Lộ quyết định xây dựng hệ thống đài truyền thanh cơ sở ở các xã. Vậy là ông được “bổ nhiệm” giữ chức trưởng đài truyền thanh xã. Đài của ông Trung được giao nhiệm vụ thu và phát lại các chương trình của đài trung ương, đài tỉnh, đài huyện. Song với khát khao mãnh liệt được viết báo phục vụ bà con nên ông xin được phát thêm chương trình cấp xã vào khung thời gian từ 6 giờ đến 6 giờ 10 phút sáng hàng ngày do ông trực tiếp sản xuất.
Để có đủ tin bài phát mười phút mỗi ngày cho bà con nghe, ông Trung phải tác nghiệp, tự viết và biên tập tin, bài. Nội dung chương trình ông quan tâm là các chính sách liên quan đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Đó là giá bán heo hơi, giá bán lúa ăn, lúa giống, bán ở đâu được giá cao, mua ở đâu thì có giống lúa chất lượng; trồng các loại cây thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi diện tích lúa thiếu nước tưới sang cây trồng cạn, trồng cây dược liệu, các mô hình chăn nuôi, trồng lúa sạch trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới của xã…Ngoài ra những thông tin ông Trung ưu tiên nữa là khám chữa bệnh cho dân, địa chỉ các hiệu thuốc uy tín, các thầy thuốc nhân hậu, các nhà hoàn cảnh khó khăn cần cộng đồng giúp đỡ….
Mặc dù là tay ngang làm báo nhưng chương trình phát thanh mỗi ngày của tờ báo nói này phát ra không nhàm chán, mà rất phong phú, bổ ích. Đối với thành phố thì đài phát thanh phường, xã có thể không có nhiều ý nghĩa, nhưng với làng quê nông nghiệp, bà con nông dân rất cần. Họ không có thời gian để đọc báo hay dùng facebook để nắm bắt thông tin nên họ rất yêu quý tờ báo nói của ông Trung. Còn ông Trung luôn hiểu rằng bà con nông dân đang cần lắm những bản tin mỗi ngày của ông.

                                    


Hôm tôi đến, ông Trung đang cầm tờ Báo Nông Nghiệp Việt Nam số ra ngày thứ 3, 12/6/2018, đọc hai bài cho bà con nghe : Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi nhân dân cả nước bình tĩnh và tin tưởng vào các quyết định của Đảng, Nhà nước trong việc thông qua các dự án luật và bài Lúa hữu cơ thay đổi nhận thức nông dân. Ông Trung nói NNVN là tờ báo được ông khai thác thông tin nhiều nhất để đọc lại lại cho bà con nông dân nghe vì mỗi thông tin của báo rất khoa học và phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương. Trên bàn làm việc của ông tờ báo NNVN là một thứ ít khi thiếu được.
Không chỉ làm “tổng biên tập”, ông Trung rất siêng viết tin gửi cộng tác với Đài truyền thanh huyện Cam Lộ. Mỗi tin được phát, đài trả nhuận bút cho ông đến 30 ngàn đồng. Tiền nhuận bút khi thì ông làm quà cho các cháu học sinh con nhà nghèo học giỏi, khi thì để anh em uống vài lon bia mỗi dịp gặp nhau hàn huyên trò chuyện.
Năng động và có năng lực cùng với đam mê nghề nghiệp, ông Trung được bầu làm Chủ tịch Câu lạc bộ đài truyền thanh cơ sở huyện Cam Lộ. Cứ ba tháng câu lạc bộ sinh hoạt một lần để trao đổi về thông tin, nghiệp vụ. Mỗi lần như vậy ông Trung lại đứng ra nói chuyện nghề báo để bổ sung thêm kinh nghiệm cho anh em trẻ tuổi. Câu lạc bộ có chương trình hành động hẳn hoi và hoạt động rất nhịp nhàng. Ông Trung giao mỗi tháng mỗi thành viên của câu lạc bộ phải viết được 2 tin gửi cho đài truyền thanh huyện. Với các thành viên trẻ, khi lập gia đình được câu lạc bộ tặng nhẫn cưới chúc phúc. Ông Trung nói tuổi mình ngày càng lớn nên sẽ không năng động bằng người trẻ nên phải biết đào tạo nghề cho anh em để họ trở thành thế hệ kế cận xuất sắc.