Trong thơ Trương Đăng Dung rất nhiều những giấc mơ, thậm chí, mơ ngay khi đang tỉnh thức. Những cơn mơ là những dự báo từ vô thức về hiện tại và tương lai. Chính là vô thức, trực giác thi nhân cho anh ta bảo bối có thể nhìn thẳng, nhìn thấu tận cốt lõi vấn đề, mà bằng lí trí ta không dễ nhìn thấy. Trong “Tự do của Kazantzaki”, “Tinh thần Kafka” “Giấc mơ của Kafka”, “Sách của Giô-na”…những suy tư triết học của Trương Đăng Dung cũng cho thấy những bất cập của Tôn giáo và những rào chắn vô minh, những bức tường vô hình đã và đang dựng lên giữa con người với nhau, giữa con người với hạnh phúc của chính họ. Những suy tư triết học này không bị nhàm chán, khô cứng, bởi nó sinh ra từ trải nghiệm, vui buồn, xúc cảm gắn với đời sống của thi nhân, và được anh ta viết ra bằng một thứ ngôn ngữ đẹp, đơn giản, nhưng truyền cảm.



Thơ Trương Đăng Dung trong cảm nhận của tôi 

GIÁNG VÂN

1. Cảm thức thời gian
Em ngồi bên anh nhìn dòng sông
Chảy từ phía chân trời
Đầy nắng, mưa và gió.
(Trên đồi vọng cảnh)
Thường như vậy, thơ Trương Đăng Dung bắt đầu và tiếp tục bằng những câu, những hình ảnh, thậm chí miêu tả rất đơn giản. Đơn giản đến nỗi chúng ta ai cũng từng nhìn thấy, cũng từng trải qua.
Nhưng cái khác đó là sự vang vọng của cảm xúc, gợi ra một sự cao, xa, rộng và sâu của không gian và thời gian.
Cái dòng sông mà nhà thơ nói tới là dòng sông của sự ưu tư triết học, nó đã chảy từ vô tận thời gian, không gian, “ đầy nắng, mưa và gió”, chảy trong mỗi sát na của đời sống. dòng sông đó chảy qua cuộc đời mỗi chúng ta cho dù ta biết hay ta không biết.
“ Chảy về đâu sông ơi
Sao chỉ thấy một con thuyền thấp thoáng?”
Cái mà chúng ta nhìn thấy bằng con mắt trần thế, chỉ một trong muôn vàn. Cái mà chúng ta muốn cầm giữ thực ra là chỉ là huyễn ảnh.
Nhưng huyễn ảnh trong giây phút nó từng đi qua, trong cái đời sống ngắn ngủi của đời người, trong một sát na của triệu triệu sát na, kỳ diệu thay nó có sự ấm nóng của sự sống, của tình yêu con người, của nhà thơ. Trương Đăng Dung nhận ra điều đó bằng chính sự khắc khoải của thi nhân. Dường như, bằng toàn bộ sự cố gắng trong sự tuyệt vọng, khắc khoải của mình, nhà thơ đã dùng thứ kí tự của loài người hòng lưu lại sự ấm nóng đó, để chống lại qui luật khắc nghiệt của thời gian, của đời sống.
Trong bài “Vật chứng”, Trương Đăng Dung viết:
“Sợ bóng tối tràn vào
Khi em mở tung của sổ
Cơ thể chúng ta thôi rạng rỡ

Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc
Khi môi ta rời nhau
Hơi ấm đã thuộc về quá khứ

Sợ căn phòng trở nên trống rỗng
Khi em xếp lại chăn màn
Kí ức không còn nơi ẩn náu”
Xuân Diệu từng viết: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua” hay “ Ta muốn buộc nắng lại/ Cho ngày đừng qua mau”, ông cũng mang cái cảm thức thời gian mà Trương Đăng Dung có, nhưng ở Trương Đăng Dung mang một chiều sâu, nặng hơn, lặng hơn mà buồn thương kỳ lạ
“ Thành phố phía chân trời
Một căn phòng một cái giường và hai chiếc gối
Một đôi mắt buồn
Mười ngón tay thức dậy trước bình minh

Bao nhiêu lần khép cửa
Em vẫn thấy mình chưa ở trong”
(Thành phố phía chân trời)
Thời gian , đó là sự trải dài bất tận những sự lặp lại các hạnh phúc giống nhau, bất hạnh giống nhau, tội ác, dối trá, bạo lực… giống nhau đến đau lòng. Đau lòng vì những kiếp nạn mà con người vì sự vô minh đã không nhận ra:
“người đàn bà đẩy chiếc xe lăn
Lần thứ mười ba đưa chồng vào bệnh viện
Đêm dài hơn ngày
Ngày dài hơn con đường đã đi
Nỗi buồn của chị
Cũ hơn tháng ngày”
(ghi chép hè 2009)
Và tiếp:
“Bom nổ ở một Thánh đường Hồi giáo
Máu người nhuộm đỏ sách Kinh
Bom nổ ở một chợ Bagdad
Thịt người trộn vào rau quả
Những người đàn bà choàng khăn đen lăn lộn
Không thấy kẻ gây tội ác
Chỉ thấy nạn nhân
Và người ngồi xem nỗi đau qua màn ảnh nhỏ”
Điều kinh khủng là tất cả đã biến mất, đã trôi về những quá khứ không còn vật chứng, những quá khứ từng đầy ắp tất cả, vui buồn, gian khó, thương đau, máu và nước mắt của cả một cộng đồng cho đênns mỗi cá nhân. “ cây gạo đầu làng cũng bị chặt mất rồi/tôi không còn kí ức/những giọt máu cuối trời tuổi thơ…”
Cứ như vậy, giọng thơ Trương Đăng Dung nhẹ như một hơi thở, một lời tự sự, nhưng trong một thế giới ồn ào, náo nhiệt, đảo điên, thì sự khiêm nhường từ những câu thơ của thi nhân lại có một sức vang động, day dứt không ngờ. Bởi, trong mỗi một tình riêng, trong mỗi phiền muộn hay buồn thương của một cá thể trong đời sống bây giờ, hiện thời, đã mang dấu vết, đã là hiện thân, đã phóng chiếu cho chúng ta thấy quá khứ và tương lai của toàn thể mọi kiếp người.
“ Còn đây gương mặt của con người
Nhàu nát mưu sinh và hy vọng
Thăm thẳm trời cao đất rộng
Ba mươi năm hay ba triệu năm rồi
Xao xuyến những mùa thu gió thổi…”

2. Về Tôn giáo
“ Thấy không em đường chân trời trước mặt?/anh đã từng đến đó trong mơ/có khi như Jesu đi trên mặt nước/lòng anh cao thượng sáng trong/có khi như một tên tội phạm/anh bước đi uất hận trong lòng/có khi như một đứa trẻ/hân hoan ngơ ngác chờ mong…” (Chân trời)
“ Anh và em đi trên mặt đất này/giữa những bức tường ta xây và phá/nhưng tất cả đều bị bao quanh/bởi những bức tường không nhìn thấy/…khi ta ngước mắt nhìn trời xanh/ trên mặt đất đã có những bức tường/ khi ta cúi xuống nhìn mặt đất/xung quanh ta đã có những bức tường/….những bức tường ta không xây/những bức tường không thể phá/ đêm đêm anh vẫn nghe lũ quạ/cười nói huyên thuyên trên những bức tường này” (Những bức tường)
“Tôi chạy trên bức tường dựng đứng/những con nhện đen đuổi theo/những con thằn lằn đen đuổi theo/…tôi chạy trên cánh đồng bỏ hoang/những người khiếm thị ôm súng đuổi theo/những người khiếm thính cầm loa đuổi theo/tôi chạy trên đại lộ không người/những chiếc xe lăn chất đầy chân giả đuổi theo/những chiếc xe nôi chứa đầy mắt trẻ em đuổi theo/ tất cả áp sát tôi/tôi nói, họ không hiểu/họ nói , tôi không hiểu” (Ác mộng)
“Tai họa bất ngờ ập xuống/những đứa con bị giết/những người bạn hiểu sai/nỗi đau này/như mũi tên/Đấng Toàn Năng bắn vào tim Giop/không ai tin Giop là người công chính/…trong mắt Đấng Toàn Năng/không có mặt trăng nào đủ sáng/không có vì tinh tú nào đủ sạch/loài người như sâu bọ/con cái loài người khác chi một loại côn trùng/…Giữa nỗi đau và đức tin/sợ hãi và quyền uy/Giop thỏa hiệp” (Sách của Giop)
Trương Đăng Dung, nhận ra, tôn giáo phần nhiều không gì khác hơn là những bức tường thành dựng lên giữa những con người với nhau. Đức tin của mỗi người là những tường thành họ tự dựng lên với kẻ khác. Thế giới của chúng ta là vô số những tường thành kiên cố và vô hình. Con người thống khổ triền miên bất tận trong những bức tường vô minh của mình. Họ chiến đấu và những cuộc chiến dường như không có hồi kết bởi những bức tường quanh mình. Trong cuộc chiến đó, con người nhân danh đức tin của mình để tạo ra cái ác. Rồi cái ác lại đẻ ra cái ác. Trong Phật giáo, nó tạo ra nghiệp quả. Nghiệp quả của một cá nhân, nghiệp quả của cả một cộng đồng, nghiệp quả của cả một dân tộc…
Trong thơ Trương Đăng Dung rất nhiều những giấc mơ, thậm chí, mơ ngay khi đang tỉnh thức. Những cơn mơ là những dự báo từ vô thức về hiện tại và tương lai. Chính là vô thức, trực giác thi nhân cho anh ta bảo bối có thể nhìn thẳng, nhìn thấu tận cốt lõi vấn đề, mà bằng lí trí ta không dễ nhìn thấy.
Trong “Tự do của Kazantzaki”, “Tinh thần Kafka” “Giấc mơ của Kafka”, “Sách của Giô-na”…những suy tư triết học của Trương Đăng Dung cũng cho thấy những bất cập của Tôn giáo và những rào chắn vô minh, những bức tường vô hình đã và đang dựng lên giữa con người với nhau, giữa con người với hạnh phúc của chính họ.
Những suy tư triết học này không bị nhàm chán, khô cứng, bởi nó sinh ra từ trải nghiệm, vui buồn, xúc cảm gắn với đời sống của thi nhân, và được anh ta viết ra bằng một thứ ngôn ngữ đẹp, đơn giản, nhưng truyền cảm.

3. Về cái Chết
Bài thơ “Những con kiến” là cái nhìn từ trên cao về lịch sử loài người, về sinh tồn, về những tai họa, những cơn đại hồng thủy, về cái chết và sự sống tiếp nối, không ngừng chuyển động, không một giây dừng lại cho dù thương đau và bất hạnh không ngừng đổ xuống, ngẫu nhiên, không được báo trước. Nhà thơ viết: “Số phận và lo toan của kiến làm sao tôi hiểu được?/Chỉ có kiến mới hiểu và chịu đựng được số phận của kiến mà thôi!”
Điều này không phải là một phát kiến. Cũng như những suy tư triết học trong thơ Trương Đăng Dung, không phải là những phát hiện mới, nhưng thấm đẫm nỗi niềm nhân sinh, thấm đẫm tình yêu với đời sống hiện tồn, cũng là duyên do của thơ.
Chết, sự kết nối thần bí của âm dương, đen trắng, bóng tối và ánh sáng, giữa linh hồn và thể xác vật chất luôn là sự hấp dẫn của những tâm hồn Phương Đông. Một con người ở xứ sở này khi rời xa thế gian, không có nghĩa họ đã kết thúc đời sống. Mà họ sẽ tiếp tục tồn tại dưới một dạng thức khác. Họ vẫn hiện diện đâu đó trong không gian, quanh những người còn sống. Vẫn còn mang nỗi khắc khoải của chính họ trên cõi đời, những khắc khoải cũng đã cũ mèm, nhưng luôn mới trong những cuộc đời kẻ khác:
“Con thấy bố về đêm qua/ngoài đồng xa/hiu hắt trăng treo/nhiều cái bóng vật vờ cùng đom đóm/bố bảo dưới đất còn bom/xương người chết/lẫn với mìn chưa nổ/con gọi bố/chỉ nghe tiếng gió/một vệt sáng vút qua/sáng nay trong gương/con bắt gặp ánh mắt buồn của bố/tuổi năm mươi/có gì mới hơn sau mỗi kiếp người/ thấy một người già đứng lặng lẽ nhìn con” (Giấc mơ của con)
Chết, ở góc độ khác, còn là sự hòa mình vào một đời sống khác. Chết là khi được thấy linh hồn con người bình đẳng với linh hồn vạn vật.
“Đêm vẫn ôm tôi im lặng/như đất ôm xương người” (Đêm ở Roma)
“Tôi đi giữa mọi người, bên những hàng cây im lặng, lòng thầm biết ơn thân cây nào rồi đây ngã xuống, xé mình ra ôm tôi về cát bụi/tôi không mang đến điều gì mới lạ, giữa quá khứ và tương lai tôi chỉ là đứa trẻ biết già.”(Tự bạch)

4. Về ngôn ngữ và sự huyền hoặc
Như lúc đầu tôi có nói về sự đơn giản, rõ ràng, mạch lạc của những hình ảnh trong thơ Trương Đăng Dung. Ở đó, dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ, một cái vỏ ngôn ngữ ôm chứa trong nó một nội hàm thi ca của mà thi nhân muốn truyền tải.
Cái vỏ ngôn ngữ thơ Trương Đăng Dung sử dụng, không hề tìm kiếm sự dị biệt, khác lạ, không thấy bàn tay của sự kỳ công đẽo gọt, tỉa tót. Đó cũng chính là sự thuận lợi cho người đọc tiếp cận dễ hơn với thế giới thi ca của anh. Ngôn ngữ, nó chỉ thực sự lợi hại khi là một thể thống nhất hữu cơ với cái nó biểu đạt.
Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên ở đây, là trong một vỏ ngôn ngữ cực kỳ thuần khiết, mạch lạc, thơ Trương Đăng Dung lại chứa đầy sự huyền bí.
Sự huyền bí, biên ảo giữa cái có và cái không, cái hư và cái thực, sự trộn lẫn, hoán đổi giữa những thời gian khác nhau, không gian khác nhau trong những dòng chảy của đời người, của lịch sử tạo nên hấp dẫn lôi cuốn trong không gian thơ của thi sĩ.
“ Anh cảm nhận thời gian qua từng giọt nước/hai mươi ba ngàn năm trong giọt nước mắt này/giọt nước của ngày xưa còn lại đến hôm nay” (Có thể)
“Anh nhìn vào mắt em/thấy hình anh ở đấy/nếu mắt em khép lại/ảnh hình kia chỉ còn lại trong em/anh không còn anh trong hiệ tại/chỉ thấy em với những hình nhưng ảnh/của mùa hè đang qua/một góc vườn và mấy khóm hoa”(Ảo ảnh)
Trong bài thơ “Trong quán cà phê piano”, sự nối tiếp bí ẩn của sự sống từ một cái chết là một phát hiện: trong quá cà phê có một nghệ sĩ dương cầm đã mất. Nhưng đêm đêm, những người đến đây uống cà phê, trong họ nghệ sĩ vẫn còn sống bằng tấm tình, nỗi niềm của anh gửi vào tiếng đàn mà họ từng nghe, từng yêu.
Hay thi sĩ khi nghĩ về cái chết của mình sẽ được một cái cây nào đó ôm mình vào lòng.
Hay khi thi sĩ nói rằng, “Anh không thấy thời gian trôi/thời gian ở trong máu không lời/ẩn mình trong khóe mắt làn môi/trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời/về kiếp người ngắn ngủi” (Anh không thấy thời gian trôi)
Sự bí ẩn, huyền hoặc của thơ Trương Đăng Dung còn ở chỗ, thi sĩ đã vượt thoát khỏi cái cụ thể trực quan để đạt tới cái khái quát , biểu tượng.
Thời gian, không gian, sự sống, cái chết, đức tin, nỗi đau của kiếp người... ở Trương Đăng Dung đều là ẩn dụ, hoán dụ, hay là biểu tượng, vì vậy, nó mang tính phổ quát. Tựa đề tập thơ “ Những kỉ niệm tưởng tượng” cũng là một ví dụ cho ý kiến này.
Điều cuối cùng tôi muốn nói tới về thơ Trương Đăng Dung, đó là, với tất cả những điều trên, Trương Đăng Dung đã thực sự tạo dựng được một thế giới thơ của riêng mình, với một vẻ đẹp không trộn lẫn. Đó là điều mà bất cứ một người làm thơ nào cũng mong ước đạt đến.
                                                 Hà Nội ngày 18/6/2018