Ngược lại, có một luồng dư luận mạnh mẽ chê đề thi không hay, chọn ngữ điệu không đúng, câu hỏi không phù hợp, thậm chí đánh tráo khái niệm, khiên cưỡng...
Công bằng mà nói đề thi văn này được ở tư duy làm đề không khuôn mẫu, đề thi mở, hướng học sinh thể hiện kiến thức nhà trường và xã hội để trình bày ý kiến cá nhân tự do sáng tạo. Rất tiếc là “lực bất tòng tâm”. Tư duy, cụ thể là ý định thì tốt, nhưng phương pháp và thao tác thì sai. Dẫn đến lợi bất cập hại, làm khó cho học học sinh làm bài theo cách “đi mắc núi ở lại mắc sông”.
Trước hết, chọn trích một đoạn bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của nhà thơ Nguyễn Duy để làm ngữ liệu đề thi là... không thông thái. “Đánh thức tiềm lực” là bài thơ không hay, chỉ mang tính thời sự, được ở giá trị tư tưởng mà thua phần giá trị nghệ thuật. “Đánh thức tiềm lực” thấp dưới nhiều bậc so với “Tre xanh”, “Bầu trời vuông”, “Hơi ấm ổ rơm” của chính tác giả. Nói điều này không phải phê phán nhà thơ, đẻ con có đứa èo uột có đứa khôi ngô tuấn tú là chuyện bình thường. Tôi muốn dẫn giải để nói đến việc chọn tác phẩm để làm ngữ liệu đề thi. Chọn đoạn trích làm đề thi càng không hay:
“Hãy thức dậy, đất đai!/cho áo em tôi không còn vá vai/ cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn.../ xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm/ rồi thì đi xa hơn - đẹp và giàu, và sung sướng hơn/ Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non/ châu báu vô biên dưới thềm lục địa/ rừng đại ngàn bạc vàng là thế/ phù sa muôn đời như sữa mẹ/ sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể/ còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?/ lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?/ Lúc này ta làm thơ cho nhau/ đưa đẩy mà chỉ mấy lời ngọt lạt/ ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên...”
Điều đáng kể bài thơ “Đánh thức tiềm lực” này là ở các đoạn sau nói về đánh thức tiềm lực văn hóa, nhân lực. Nhà thơ Nguyễn Duy đã trả lời trên báo thế này: “Cái quan trọng của bài thơ nằm ở phần cuối - đánh thức tiềm lực trong con người: “Xưa mẹ ru ta ngủ yên lành/ để khôn lớn ta hát bài đánh thức/ có lẽ nào người lớn cứ rủ nhau/ ru tiềm lực ngủ vùi trong thớ thịt...". Nếu như chọn đoạn thơ đánh thức tiềm lực văn hóa, hoặc tiềm lực con người thì sẽ có một đề hay.
Có người nói: Đọc hiểu thì chọn cái gì mà chả được, miễn là hiểu và diễn giải cái sự hiểu phần chọn đề ấy. Vâng! Nhưng, quan niệm hoàn toàn đúng là: Học gì thi nấy. Học kiến thức. Học tư duy. Học phương pháp. Học thao tác... Có thể chọn ngoài sách giáo khoa, nhưng phải là tác phẩm hay, hoặc tác phẩm nói lên một vấn bức xúc, xã hội đang quan tâm. Đoạn trích không thỏa mãn hai điều trên. Nếu sách giáo khoa chọn một tác phẩm dở cho học sinh học và thi từ tác phẩm ấy cũng là điều tốt. Học cái dở để biết văn không hay là thế nào. Thi về cái không hay để nói được tác phẩm dở. Thế thì hồng phúc cho giáo dục nước nhà quá. Tuy nhiên , gạo đã nấu thành cơm, mà lại thành cơm sậm sựt mất rồi. Người làm đề đã chọn cái không hay để cho học sinh thi và nó cũng không còn phù hợp với bây giờ. Nhà thơ Nguyễn Duy vừa mới nói trên báo: “những đòi hỏi đánh thức tiềm lực tài nguyên thiên nhiên đến bây giờ có thể nói là lạc hậu”. Thời những năm 1980-1982, nhà thơ sáng tác “Đánh thức tiềm lực” thì dầu khí chưa khai thác. Tài nguyên, khoáng sản vẫn ngủ yên. Đất đai còn hoang hóa. Biển mênh mông xa vời, bí ẩn...Sau gần 40 năm, người ta đã đào bới lên ăn gần hết, khai thác đến cạn kiệt. Không còn rừng vàng biển bạc, chẳng có đất phì nhiêu. Chỉ còn đồi trọc lốc, và đất bạc màu. Biển đã chết và cá gần hết. Môi trường sống thì nhiễm độc.. Nhu cầu đánh thức tiềm lực tự nhiên không còn được đặt ra cấp thiết nữa. Thời đại ngày nay là thời đại cách mạng 4.0, nước Nhật tài nguyên khoáng sản nghèo nàn, có gì đâu mà đất nước vẫn phát triển. Nước Mỹ mua dầu khí về chế biến để dùng, còn gần như để lại mỏ bản địa cho con cháu mai sau. Đoạn trích để thi không còn phù hợp, và đã quá lỗi thời, lạc hậu.
Từ nội dung đoạn trích chỉ kể về tài nguyên tự nhiên, học trò sẽ làm bài thế nào khi phải trình bày “sứ mệnh đánh thức tiềm lực” đất nước? Nhà Lý luận - Phê bình, Giáo sư, tiến sĩ văn học Trần Đình Sử - nhiều năm giảng dạy ở Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, thầy của những người thầy, nói về câu hỏi thi này: “... yêu cầu phát biểu về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước rơi vào trống không. Điều này khiến học sinh không biết làm thế nào. Còn nếu các em, đang độ tuổi 18, mà vẫn có ý thức sứ mệnh đánh thức tiềm lực thì nói chung là làm theo ý mớm trong đề, một lối làm văn không có gốc rễ, tức là làm hư văn”. Nếu học sinh viết trung thực như hiện trạng người lớn vét sạch tài nguyên, ăn hết phần con cháu, chẳng còn chi để đánh thức, lại còn làm ô nhiễm môi trường sống thì sẽ bị điểm 0, vì không đáp ứng được yêu cầu để thi “suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực”. Viết “mớm” theo đề thì lại thành giả dối để được điểm cao.
Đề thi dễ hay khó, phù hợp với trình độ học sinh hay không luôn luôn là điều quan tâm của mọi người.
Câu 1: “Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?” Câu này, học sinh làm bài ra khỏi lớp nói luôn là câu... cho điểm. Học sinh cấp học dưới cũng biết là thể thơ tự do. Câu hỏi thi dễ quá, không xứng tầm với đề thi tú tài cấp quốc gia và dùng kết quả để tuyển sinh vào đại học.
Câu 2: “Trong trích đoạn, tác giả đã nhắc đến những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước?” Câu này, dành cho môn thi địa lý của học sinh tiểu học thì đúng hơn. Tuy nhiên, lại sai cả về kiến thức địa lý. Thầy Nguyễn Văn Thuật – Trưởng Bộ môn Địa lý, Đại học Đồng Nai đã phát biểu trên báo thì: “đất, khí hậu, địa hình, khoáng sản, biển, sông, ngòi, rừng là thành phần tự nhiên. Đoạn trích không hề có một yếu tố tự nhiên nào ngoài từ “phù sa”. Người làm đề thi có nhầm lẫn giữa “thành phần tự nhiên” và “yếu tố tự nhiên” không? Rồi sẽ kéo theo gần triệu học sinh làm câu này sẽ ra sao? Nếu bài thi chỉ nêu yếu tố “phù sa” có được điểm tối đa không?
Câu 3: “Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích?” Thưa các nhà ngôn ngữ học! Làm ơn chỉ giúp các em câu nào là câu hỏi tu từ trong hai câu “còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?/lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?” Trong từ trường thơ này, chỉ có 2 từ tu từ là “lòng đất” và “mặt đất”. Tu từ ở từ “lòng” và từ “mặt” ghép với từ “đất” thành nghĩa khác mang tính ẩn dụ. Hai câu hỏi của Nguyễn Duy là câu hỏi thật, không tu từ..., của một nhà thơ ưu tư thế sự. Hỏi thật, để trả lời thật. Trực tiếp. Rõ ràng. Câu hỏi không hề có phẩm chất tu từ. Vậy thì, các em trình bày “hiệu quả” của câu hỏi này sẽ như thế nào?
Phần Làm Văn, có câu “Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.
Ở đây có sự nhầm lẫn của người làm đề. Giữa “vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa” và “cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài”; giữa “cảnh phố huyện lúc đêm khuya” và “hình ảnh đoàn tàu” không thể là mối quan hệ “đối lập”. Theo từ điển Tiếng Việt – Viện Ngôn ngữ học, năm 2001, NXB Đà Nẵng thì “Đối lập” nghĩa là: “Đứng ở phía trái ngược”. Đối lập phải là: đẹp – xấu, thiện – ác, bóng tối – ánh sáng, đen – trắng... Văn bản của Nguyễn Minh Châu và Thạch Lam không viết về sự trái ngược, đối lập, mà là sự... khác biệt. Câu hỏi thi này chẳng khác gì bắt học sinh phân tích sự đối lập của bông hoa hồng với trái cóc, giữa con gà (hai chân, có mào) lúc bình minh với con trâu (bốn chân, có sừng) đang húc nhau. Câu này chuẩn xác nhất là phân tích sự đối lập của ánh sáng và bóng tối giữa “vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa” và “cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài”, giữa “hình ảnh đoàn tàu” với “cảnh phố huyện lúc đêm khuya”, cụ thể và chính xác như thế học sinh mới làm đúng. Dễ nhận biết nhất trong "Chiếc thuyền ngoài xa" là "hình ảnh người vợ nhân ái, vị tha, khoan dung ở tòa án" còn có thể gọi là đối lập với "cảnh anh chồng hàng chài đánh vợ tàn bạo" thì còn chấp nhận được, nếu lấy làm ngữ liệu đề thi.
Dù người làm đề vô tình hay cố ý tạo ra mối quan hệ đối chiếu giữa chiếc thuyền và gia đình hàng chài; giữa phố huyện và đoàn tàu…thì các cảnh và hình ảnh ấy cũng không logic, không cùng hệ quy chiếu. Tình trạng rối mù, nhập nhằng sẽ lấn át, đè bẹp tính hệ thống, khúc triết, mạch lạc khi học sinh triển khai các luận điểm làm đề thi. Đem sự vật, hiện tượng không cùng chủng loại, đem khái niệm không cùng phạm trù ra phân tích thì sẽ đến tình trạng “ông nói gà bà nói vịt”.
Nguyễn Minh Châu nhìn “Chiếc thuyền ngoài xa” bằng sự phê phán tư duy nhìn hiện thực đóng khuôn cứng nhắc, công thức, sơ lược, có sẵn, lệ thuộc tư tưởng một cách nô bộc. Thực tế cuộc sống nó nghiệt ngã, phũ phàng hơn những điều nhìn thấy ngoài xa. Thạch Lam nhìn “Hai đứa trẻ” từ hiện thực mòn mỏi tối tăm hiện hữu, có thật trước mắt, mà ước mơ đến những điều tốt đẹp. Nhận xét về đề thi này, giáo sư Trần Đình Sử nói rằng: “Cách nhìn hiện thực giống nhau, chỉ tư tưởng tác phẩm thì khác nhau. Đem rút gọn hai tác phẩm vào hai cặp đối lập sẽ làm cho thí sinh nhầm lẫn. So sánh “cách nhìn hiện thực của hai nhà văn” như thế nào?”
Làm đề thi trước hết là ngữ liệu. Ngữ liệu phải đúng. Có ngữ liệu đúng lại cần câu hỏi phải phù hợp. Và cuối cùng là đề thi không khuôn mẫu, đổi mới phải gợi mở, kích thích tư duy sáng tạo, truyền cảm xúc tự do sáng tạo cho thí sinh trình bài kiến thức văn học nhà trường và cuộc sống. Chọn ngữ liệu sai, câu hỏi vênh lệch sẽ dẫn đến cái sai của học trò mang tính dây truyền. Đề thi văn năm nay đã làm khó cho học trò và cũng làm khó cho cả người chấm thi. Tuy nhiên, tôi đã lường trước được: Một kỳ thi tốt nghiệp tú tài vẫn thành công, thí sinh vẫn làm bài tốt như bao nhiêu kỳ thi trước đây. Một nỗi buồn không chỉ riêng ai!