Việc chọn tác phẩm văn học nào của nhà văn ta để người nước ngoài dịch hoàn toàn là việc của các dịch giả nước ngoài. Ta khó bề can thiệp vào, vì họ chọn dịch tác phẩm nào là do họ căn cứ vào dự báo mối quan tâm của nhà xuất bản, của độc giả nước họ. Họ chẳng mấy quan tâm đến sự khen chê của giới văn học nước ta. Bởi vậy nên có tác phẩm, tác giả bị ghẻ lạnh ở nước ta lại được nước ngoài đề cao. Và ngược lại, tác phẩm ta khen ngút trời thì họ lại lạnh nhạt. Cũng là chuyện bình thường thôi. Muốn văn học ta được dịch nhiều hơn ở nước ngoài thì các nhà văn ta phải cố gắng tiếp cận tới các giá trị chung, vấn đề chung của nhân loại, không thể tự hài lòng mãi với thói “say sưa tự ngắm mình”: “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn".



PHAN HỒNG GIANG: Cần có chiến lược và chính sách quốc gia về dịch thuật

MAI QUỐC LIÊN

@ Từ những năm đầu công nguyên ở Giao Châu tức là ở Việt Nam ta đã có việc dịch (dịch kinh Phật ở Luy Lâu - Bắc Ninh). Hàng ngàn năm sau đó đã có nhiều dịch giả tài năng dịch chữ Hán sang Việt như dịch Chinh phụ ngâm, dịch Tỳ bà hành, dịch Thơ Đường… Thời Pháp, có nhiều dịch giả nổi tiếng về tiếng Pháp, thời tiếng Nga cũng vậy, bây giờ là thời tiếng Anh, làm thế nào để có một nền dịch thuật văn học phồn vinh, kế thừa quá khứ, và vươn lên đỉnh cao? Ông có nhận xét gì về tình hình dịch văn học ở nước ta qua nhiều giai đoạn dịch, nhất là giai đoạn hiện nay?
Phan Hồng Giang: Kể từ khi xuất hiện dịch văn học ở nước ta xem ra cũng đã vài trăm năm có lẻ. Tuy nhiên từ hiện tượng dịch lẻ tẻ ban đầu thì cũng phải tới đầu thế kỷ 20, khi chữ Quốc ngữ chiếm ưu thế, dịch văn học mới thực sự có vị trí đáng kể trên văn đàn với tên tuổi các học giả lớn như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh và sau đó là Vũ Ngọc Phan… Thời kỳ này dịch hầu hết là từ tiếng Pháp.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời dẫn đến hệ quả mối giao lưu văn học Việt Nam với hai đồng minh thân cận là Liên Xô và Trung Quốc ngày càng gắn bó chặt chẽ. Nhiều, rất nhiều tác phẩm văn học hai nước này được dịch từ tiếng Nga, tiếng Trung Quốc hoặc qua tiếng trung gian.
Sau 1975, nhất là từ khi nước ta tiến hành đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, văn học Nga và Trung Quốc dần dần giảm số lượng được dịch. Văn học phương Tây được dịch nhiều một cách đột biến. Nhiều tác phẩm best-seller được mua bản quyền sớm và được dịch xuất bản gần như ngay sau khi nguyên bản được in ra.
Nhìn chung, qua các giai đoạn kéo dài cả trăm năm, chúng ta thấy dịch thuật văn học ngày càng có vị trí quan trọng hơn trên văn đàn dù cho chất lượng dịch chưa hẳn đã được nâng cao hơn cũng như vị thế của người dịch chưa hẳn đã được coi trọng đúng mức.

@ Vai trò của dịch thuật văn học trong văn hóa của một đất nước là điều không phải bàn cãi, thế nhưng ở ta hiện nay hình như còn thiếu nhiều điều kiện, phương tiện để làm công việc ấy. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Phan Hồng Giang: Chỉ có thể tán đồng với nhận xét của giáo sư (nếu bỏ đi hai chữ “hình như”). Công việc dịch văn học của ta bấy lâu nay chỉ là việc riêng của một số người trót yêu công việc có thể nói là “khổ sai” này, một thứ lao động thường được coi là loại 2 và được nhận thù lao bèo bọt. Chưa bao giờ công việc này được coi là một công việc có tầm quan trọng quốc gia trong mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách.

@ Dịch văn học là một khoa học, đồng thời là một nghệ thuật. Để chiếm lĩnh và diễn đạt được các tác giả nước ngoài trong tiếng Việt là một việc vô cùng phức tạp và tinh tế, nó đòi hỏi tài năng, tâm hồn, khí chất và nó là sáng tạo. Ở ta việc đánh giá lĩnh vực này còn thiếu, vì sao?
Phan Hồng Giang: Ý kiến đánh giá của giáo sư về cái khó, về tính sáng tạo của dịch thuật văn học là hoàn toàn chính xác. Chắc giáo sư cũng đã từng trải nghiệm nỗi nhọc nhằn đầy thú vị của người dịch văn học, nhất là dịch thơ… Quan niệm sai lệch về đánh giá dịch văn học ở ta đơn giản chỉ là vì người đánh giá không đủ hiểu biết, họ chỉ có thể “suy bụng ta ra bụng người”, nhìn mọi vấn đề từ tầm thấp lè tè, như kiểu đầu những năm 70 thế kỷ trước có vị chuyên viên cấp cao ở Bộ Tài chính không chịu duyệt thông qua chế độ trả nhuận bút cho các nhà văn với lý do ngô nghê là… “chúng tôi hằng ngày cũng viết - viết công văn, báo cáo (!) mà có được trả đồng nhuận bút nào đâu”!!

@ Dịch không phải chỉ là dịch chữ mà còn là dịch hồn, dịch phong cách, tính khí. Làm thế nào đào tạo được một đội ngũ dịch giả tài năng như vậy trong nhiều ngôn ngữ?
Phan Hồng Giang: Cũng cần phải nói ngay rằng các tác phẩm trong nguyên tác không phải bao giờ cũng giống nhau về giá trị, về phong cách. Có tác phẩm thiên về kể truyện qua các tích, trò. Loại tác phẩm này dịch không khó - chỉ cần rành ngoại ngữ và biết diễn đạt tiếng Việt đúng văn phạm. Còn có loại tác phẩm ít xuất hiện hơn, loại tác phẩm thiên về văn, tác giả của chúng bỏ rất nhiều tâm huyết vào việc tìm câu văn, âm điệu, chữ nghĩa sao cho vừa ý thích của mình. Các tác giả loại này thường giảm tối đa sự chú ý của mình tới phần truyện. Dịch loại tác phẩm này mới thực sự khó, mới thực sự yêu cầu dịch giả phải đạt đến độ không chỉ “dịch chữ mà còn dịch được hồn, dịch được phong cách, tính khí” như lời giáo sư nói.
Chỉ có thể cung cấp cho người dịch sự hiểu biết càng nhiều càng tốt về ngoại ngữ và văn hóa của nước sở hữu tác giả, sự am hiểu về tiếng Việt càng sâu càng tốt, còn năng lực cảm nhận tinh tế về hồn cốt tác phẩm, về phong cách văn chương nguyên tác, về tính khí giọng điệu của nhà văn, tiếc thay, lại là thứ năng lực thuộc phạm trù năng khiếu bẩm sinh, không thể do đào tạo mà có.

@ Một giáo trình về lý thuyết, về lịch sử dịch thuật, trong đó có lịch sử và lý thuyết ở Việt Nam, chúng tôi thấy là rất cần thiết ở các trường đại học về văn học và cả về ngoại ngữ. Ý ông thế nào?
Phan Hồng Giang: Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến này của giáo sư. Có thể nhập giáo trình này của nước ngoài, bổ sung thêm các liên hệ với tình hình dịch thuật nước ta. Tuy nhiên tôi cũng có phần e ngại rằng không có nhiều giảng viên đại học ở nước ta đủ năng lực về lý thuyết và thực tiễn để soạn tốt giáo trình như thế.

@ Cần có chiến lược và một chính sách quốc gia về dịch thuật. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Phan Hồng Giang: Từ hơn 30 năm trước, tôi đã nêu vấn đề này trong một bài đăng trên báo Văn nghệ (số 2, ngày 10-1-1987). Gần như không có phản hồi nào từ những người có trách nhiệm, đúng là “đá ném ao bèo”. Tôi nghĩ bây giờ nếu có nêu lại vấn đề này thì nhiều phần kết quả cũng tương tự. Đơn giản vì người tâm huyết nêu thì không có quyền làm gì cả, còn người có quyền có thể làm thì lại chẳng mấy bận tâm tới “ba cái chuyện vặt” đó!

@ Về vấn đề dịch tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài, ông có ý kiến gì?
Phan Hồng Giang: Đây là vấn đề hoàn toàn khác tuy cũng có động chạm tới chữ “dịch”. Việc chọn tác phẩm văn học nào của nhà văn ta để người nước ngoài dịch hoàn toàn là việc của các dịch giả nước ngoài. Ta khó bề can thiệp vào, vì họ chọn dịch tác phẩm nào là do họ căn cứ vào dự báo mối quan tâm của nhà xuất bản, của độc giả nước họ. Họ chẳng mấy quan tâm đến sự khen chê của giới văn học nước ta. Bởi vậy nên có tác phẩm, tác giả bị ghẻ lạnh ở nước ta lại được nước ngoài đề cao. Và ngược lại, tác phẩm ta khen ngút trời thì họ lại lạnh nhạt. Cũng là chuyện bình thường thôi. Muốn văn học ta được dịch nhiều hơn ở nước ngoài thì các nhà văn ta phải cố gắng tiếp cận tới các giá trị chung, vấn đề chung của nhân loại, không thể tự hài lòng mãi với thói “say sưa tự ngắm mình”: “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” (!)
                                                   
Nguồn: Hồn Việt