Truyện ngắn đầu đời của Cao Duy Sơn được in trên Tạp
chí Văn nghệ Quân đội. Nhà văn Lê Lựu còn nói lại, khi ấy Nguyễn Thành Long ngỏ
ý muốn đưa truyện ấy về đăng trên Báo Văn nghệ nhưng Lê Lựu không nghe, viện lý
do ông là người đọc được trước nên phải được ưu tiên đăng trên Văn nghệ Quân đội.
Như một bước ngoặt để từ đó Cao Duy Sơn có thêm tự tin tập trung viết, cả truyện
ngắn, truyện dài và tiểu thuyết. Cho đến nay, Cao Duy Sơn không chỉ là nhà viết
văn xuôi vào hàng nhiều nhất trong những nhà văn dân tộc thiểu số mà còn có những
tác phẩm được người trong giới đánh giá cao. Nhiều truyện của anh đã được dịch
sang tiếng nước ngoài, có cuốn được chuyển thể sang phim truyền hình nhiều tập.
NGƯỜI Ở LŨNG CÔ SẦU
HUY THẮNG
Mới đây tôi đến Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật dân
tộc thiểu số thăm nhà văn người dân tộc Tày Cao Duy Sơn. Anh còn trẻ, sinh năm
1956, kém tôi nhiều tuổi nhưng thân thiết cũng đã nhiều năm. Mấy
hôm trước qua điện thoại, anh cho biết có tiểu thuyết mới dành tặng tôi. Nhưng
không chỉ có tiểu thuyết “Biệt cánh chim trời “ do Nhà xuất bản Quân đội nhân
dân ấn hành mà anh còn tặng tôi thêm cuốn truyện ngắn “Cao Duy Sơn - tác
phẩm", sách do Nhà nước đặt hàng và Nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện.
Cả 2 như cùng ra một thời điểm.
Tên tuổi và tác phẩm của Cao Duy Sơn đã được đông đảo
bạn chào đón và giới phê bình văn học quan tâm, một tác giả có những tác phẩm
tiêu biểu viết về miền núi, vùng các dân tộc ấn tượng và đã tạo cho mình một vị
thế vững chắc trong nền văn học đương đại Việt Nam. Anh đã có cho mình 6 tập tiểu
thuyết và 5 tập truyện ngắn. Hiện anh đương chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn
học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt nam kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa
các dân tộc thiểu số Việt Nam..
Tuy quen biết nhau đã lâu nhưng trong câu chuyện hôm
rồi Sơn mới bật mí cho tôi một điều, là phải khi đã gần 30 tuổi Cao Duy
Sơn mới có truyện ngắn đầu tiên. Truyện được in trên Tạp chí Văn nghệ
Quân đội cùng mấy truyện ngắn tiếp sau đó được in trên Tạp chí Tác phẩm mới của
Hội Nhà văn Việt Nam ngày ấy đã khởi đầu cho sự nghiệp văn học lâu dài của
mình. Trước đó chưa một lần anh nghĩ mình sau này có thể trở thành một nhà văn
chuyên nghiệp.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi Cao Duy Sơn
còn đang công tác trong Đoàn Nghệ thuật của tỉnh Cao Bằng, anh chưa hề nghĩ đến
chuyện văn chương chữ nghĩa gì. Nhân một lần tình cờ đến chơi thăm người
bạn là nhà văn Hữu Tiến, khi đó đã có nhiều tác phẩm được in, công tác bên
Phòng Văn nghệ - Ty Văn hóa Cao Bằng và được biết anh đang chuẩn bị sang Tuyên
Quang tham gia lớp bồi dưỡng viết văn cho những nhà văn các tỉnh dân tộc và miền
núi do Hội Nhà văn Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, bỗng dưng
Cao Duy Sơn muốn được theo bạn sang dự nên đã mạnh dạn ngỏ lời. Rồi anh cũng được
nhận vì là người dân tộc nhưng do chưa có tác phẩm nào được xuất bản nên chỉ được
tham dự với tư cách dự thính. Lớp học do nhà văn Nguyễn Thành Long bên Hội Nhà
văn và nhà văn Lê Lựu bên Tạp chí Văn nghệ Quân đội phụ trách.
Để có căn cứ giúp đỡ học viên hoàn thành tốt
tác phẩm của mình trong thời gian dự trại, trước khi vào lớp, nhà văn Nguyễn
Thành Long yêu cầu mỗi học viên phải trình bày trước ông đề cương tác phẩm sẽ
viết. Hầu như tất cả mọi người đều nhanh chóng được thông qua. Đến lượt Cao
Duy Sơn, ngồi trước Nguyễn Thành Long thì bỗng dưng anh lúng
túng trả lời không ra đầu ra đũa... nhà văn Nguyễn Thành Long
chăm chú nghe rồi cười bảo, anh trình bày đề cương truyện ngắn mà lan man như một
kịch bản điện ảnh.
Bấy giờ Sơn mới thú thật là mình không biết đề cương
là thế nào. Nguyễn Thành Long lắc đầu, bảo không biết gì về văn học thì theo lớp
làm sao được. Đoạn ông khuyên anh về. Sơn về phòng thu dọn đồ đạc thì gặp nhà
văn Hồ Thủy Giang, người cũng tham gia lớp học nhưng đang công tác bên Thái
Nguyên, hỏi sao chưa học lại về. Sơn thật thà kể lại thì Hồ Thủy Giang động
viên, và chỉ nói vắn tắt, đại ý đề cương là cô đọng những thứ gì ấn tượng nhất
mà mình muốn nói ra. Rồi Cao Duy Sơn được ở lại. Sau này, anh luôn coi Hồ Thủy
Giang như người đầu tiên hướng mình vào con đường văn chương.
Trong những ngày ở trại viết Tuyên Quang, Cao Duy
Sơn viết và luôn nhớ lời nhắc của Hồ Thủy Giang. Anh viết những gì thật ấn tượng
và sâu sắc từng đến với anh. Và rồi đến khi gần kết thúc lớp học thì anh cũng
có truyện ngắn đem nộp. Nhưng Sơn không dám nộp bản thảo cho nhà văn Nguyễn
Thành Long vì nghĩ ông khó tính mà phải chờ đến tối mới dám lén đem sang nhà
văn Lê Lựu...
5h sáng hôm sau, vừa thức giấc, đang ngồi trong
phòng thì Sơn thấy tiếng gõ cửa và người bước vào lchính là nhà văn Nguyễn
Thành Long. Chưa hiểu chuyện gì thì bất ngờ tác giả của “Lặng lẽ Sa Pa" tiến
đến ôm chầm lấy Cao Duy Sơn mà nói: "Em đã có một cái truyện ngắn tuyệt vời,
rất xứng đáng được khen ngợi...".
Thì ra sau khi đưa cho nhà văn Lê Lựu đọc, thấy truyện
viết tốt nên Lê Lựu đã đưa ngay cho nhà văn Nguyễn Thành Long. Nhà văn
già vốn nổi tiếng khó tính khi thẩm định văn chương, vậy nhưng ngay sau khi đọc
xong đã không kìm được cảm xúc liền sang phòng học viên tìm Cao Duy Sơn.
Truyện ngắn đầu đời của Cao Duy Sơn được in trên Tạp
chí Văn nghệ Quân đội. Nhà văn Lê Lựu còn nói lại, khi ấy Nguyễn Thành Long ngỏ
ý muốn đưa truyện ấy về đăng trên Báo Văn nghệ nhưng Lê Lựu không nghe, viện lý
do ông là người đọc được trước nên phải được ưu tiên đăng trên Văn nghệ Quân đội.
Như một bước ngoặt để từ đó Cao Duy Sơn có thêm tự tin tập trung viết, cả truyện
ngắn, truyện dài và tiểu thuyết. Cho đến nay, Cao Duy Sơn không chỉ là nhà viết
văn xuôi vào hàng nhiều nhất trong những nhà văn dân tộc thiểu số mà còn có những
tác phẩm được người trong giới đánh giá cao. Nhiều truyện của anh đã được dịch
sang tiếng nước ngoài, có cuốn được chuyển thể sang phim truyền hình nhiều tập.
Có thể nói, hầu hết nội dung các tác phẩm của Cao
Duy Sơn, từ truyện ngắn, truyện dài đến tiểu thuyết đều được anh lấy từ chính
những con người cảnh vật, cuộc sống từ thị trấn Cô Sầu hay mở rộng ra
cũng chỉ trong phạm vi tỉnh Cao Bằng. Và những nhân vật của anh hầu hết là người
dân tộc Tày, đặc biệt là người Tày ở biên giới giáp Trung Quốc hay đâu đó có lẫn
vào những người Kinh do những lý do khác nhau trôi dạt lên miền núi rồi trở
thành người Cao Bằng khi nào...
Phải nói, Cao Duy Sơn hiểu và yêu dân tộc mình, yêu
quê hương mình nhiều lắm nên mới viết ra những trang sách nói về con người, cuộc
sống và cảnh vật miền núi quê hương sắc sảo, thấm đẫm tình yêu thương như vậy.
Cao Duy Sơn là người ghi lại và khắc họa nếp sống, nếp nghĩ của con người, những
biến thiên của lịch sử.
Cao Duy Sơn không chỉ vẽ lên khung cảnh nên thơ, những
con người nông dân miền núi đôn hậu, lành hiền …những quãng đời tuổi trẻ, phong
tục tập quán tốt đẹp, con người nhân hậu mà như Cao Duy Sơn từng viết, đó là những
ngày tươi rói như nắng, như mây, như cỏ cây như rừng núi quê nhà. Nhưng đáng nói,
ngòi bút của anh cũng không ngại viết ra cả những tệ nạn xã hội
mang tính thời đại từng xảy ra ở khắp mọi nơi, len lỏi tới tận quê anh như trộm
cắp, đĩ điếm, ma túy, tiêm chích… Anh cũng đã mạnh dạn viết ra nhiều mặt
trái xã hội như: cảnh quan chức cặp kè gái trẻ, chuyện ngoại tình, cha con đánh
chửi nhau, thanh niên đào ngũ, người treo cổ tự tử, em chồng chiếm đoạt chị
dâu, con dâu ngủ với bố chồng... vv... Chuyện ngày xưa chuyện hôm
nay đan xen.
Hình như trước Cao Duy Sơn chưa một nhà văn dân tộc thiểu
số nào dám đi đến tận cùng của sự tha hóa xã hội, tha hóa gia đình một cách khốc
liệt đến vậy.
Tôi là người có may mắn đã từng sống và làm việc ở tỉnh
Cao Bằng và cả ở huyện Trùng Khánh, cái thị trấn Cô Sầu ấy suốt những năm 60 của
thế kỉ trước, từng được sống trong sự đùm bọc yêu thương của bà con người các
dân tộc trong tỉnh Cao Bằng nên đọc truyện của Cao Duy Sơn, những nhân vật
trong truyện của anh luôn ám ảnh tôi.
Và câu chuyện giữa chúng tôi như càng gắn bó hơn mỗi
khi nhắc đến những người, những địa danh mà anh luôn nói tới trong các truyện của
mình như Trùng Khánh, như Bản Giốc, Nước Hai, như Thông Huề, Lục Khu, như Pò Tấu,
Vườn Cam, rồi Sông Bằng, sông Quy, sông Hiến, như Mục Mã, Háng Vài, Cô Sầu…và
những con người mà từng ít nhiều cả hai chúng tôi đều quen biết nên câu chuyện
mỗi lúc một say sưa. Hàng ngàn trang sách của Cao Duy Sơn như hoàn toàn chỉ nói
về con người, lịch sử và cảnh vật của một miền quê Cô Sầu càng đọc càng giúp
tôi hiểu biết sâu sắc thêm về con người Cao Bằng mà trước đó tôi luôn nghĩ mình
đã hiểu.
Đọc Cao Duy Sơn giúp tôi như sống lại với những con
người và cảnh vật đẹp như tranh vẽ; những người đàn ông Tày mũ nồi đen, áo
chàm, đôn hậu dũng cảm, những cô gái Tày da trắng, lưng luôn dao quắm. Rồi những
mái nhà sàn đặc trưng ẩn hiện dưới những lũy tre xanh, và cả những ngôi nhà tường
trình lộ xương đá hộc mầu xám, mái ngói âm dương đặc trưng miền biên viễn.
Và đọc Cao Duy Sơn cho tôi hiểu biết thêm về
những phong tục như cướp đầu pháo, những phiên chợ tình, cảnh săn gấu, Tết Thanh
minh…rồi những trang miêu tả cuộc sống, tính cách, phong tục tập quán lâu
đời của người Tày biên giới thấm đẫm tính nhân văn, nhân đạo, triết lý sâu sắc,
với một văn phong mang nhiều chất thơ và nhiều tính thời sự, như trong các truyện
ngắn ấn tượng “Ngôi nhà xưa bên suối", "Người săn gấu”, “Súc Hỷ”,
"Hoa bay cuối trời”, “Góc trời tây có cơn mưa đá”, “ Bằng hữu” , “Song
sinh” hoặc trong các tập tiểu thuyết “Đàn trời”, “Chòm 3 nhà”, “Biệt cánh
chim trời”…
Cao Duy Sơn giúp tôi hiểu rằng, khi một nhà văn tâm
huyết, gắn bó và khai thác đến tận cùng với một miền quê, dù nhỏ bé thôi thì vẫn
có những tác phẩm để đời. Ai đó từng nói, nếu đi hết mình thì đến được với
mọi người, nếu đi hết quê hương mình thì đến được mọi vùng quê. Phải chăng Cao
Duy Sơn là như thế?
Qua những tác phẩm của Cao Duy Sơn như tiểu thuyết
“Người lang thang “ (giải A của Hội đồng văn học dân tộc miền núi Hội Nhà văn
Việt Nam năm 1993), tập truyện ngắn "Những chuyện ở lũng Cô Sầu"
(tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1999), tiểu thuyết “Đàn trời"
(Giải A của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số 2007); tập truyện ngắn
“Những đám mây hình người" (Giải B của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc
thiểu số) v.v Tập truyện ngắn “Ngôi nhà xưa bên suối “ từng nhận Giải thưởng
của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008 và Giải thưởng văn học ASEAN năm 2009.
Năm 2017, Cao Duy Sơn vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật...Không
quá lời khi khẳng định Cao Duy Sơn là người qua các tác phẩm văn học của
mình có công đem văn hóa và con người Tày biên giới Cao Bằng vượt qua lũy tre
làng bản đến với nhiều người.…
Không hiểu sao, mỗi khi đọc Cao Duy Sơn, tôi thường
nghĩ tới Aimatov, nhà văn người dân tộc thiểu số Kyrgyzstan, một nước cộng hòa
thuộc Liên Xô trước đây với những thiên truyện bất hủ mang đậm sắc thái dân tộc
như “Chuyện núi đồi và thảo nguyên", “Cây phong non trùm khăn đỏ",“Người
thầy đầu tiên"...