Thơ Hoàn Nguyễn là thơ trực cảm. Nghĩa là từ con tim vô thức thốt lên. Thơ chị là sự va đập giữa cuộc đời cô đơn, vất vả của chị với những trạng huống của cuộc sống đời thường hàng ngày mà thành. Ví dụ một đêm không ngủ, nữ sĩ nghe tiếng con thạch sùng chặc lưỡi trên tường, chị bỗng phát hiện ra con thạch sùng đang nói hộ mình nỗi buồn trong đêm vắng. Thế là tác giả chộp được cái tứ của bài thơ, và bài thơ "Hai cái bóng trên tường vôi trắng" ra đời. Bài thơ vẽ nên tượng hình của người đàn bà đau khổ giữa cõi đời trắng toát như hai bàn tay nghèo: khêu ngọn đèn dầu lên leo lét / bóng ta đen - bóng mày đen in trên bức tường vôi trắng toát". Tôi đã có bài viết ngắn về bài thơ hay và lạ này in trên báo Văn Nghệ. Hoàn Nguyễn còn nhiều tứ thơ lạ như bài: "Đêm dậy thi bật cửa". Cơn khát yêu cháy trong đêm dài làm thơ "lồng tồng bật cúc". Bài thơ "Ngôi nhà tay áo" cũng là một tứ thơ lạ. Sao lại ngôi nhà tay áo? Không phải là nhà gạch, nhà gỗ, mà là ngôi nhà giam mình hằng đêm, khi gác tay lên trán: rung rinh khát khao bừng dậy/ dấu vào ngăn cuối trái tim/ giam mình trong ngôi nhà tay áo. Hay tứ thơ "Lấy ta nhé mây ơi" Nhìn mây phiêu lãng trên trời, Hoàn Nguyễn cũng nghĩ đến phận mình, thương mình, muốn ôm ấp cùng mây:
Mùa qua, mùa lại buồn hiu hắt
Tuổi bốn mươi rồi tôi vẫn không
Nhiều khi ngơ ngẩn tôi thèm ước
Cùng mây... ôm ấp để làm chồng
Một bài thơ nữa về mây trời của Hoàn Nguyễn cũng có tứ rất lạ, rất hay: "Toan tụt váy trời". Trong siêu tưởng của Hoàn Nguyễn, trời cũng như mình, một người con gái cô đơn ham muốn, nên: “Cơn giông hờn ghim lên vách phong rêu…/ Chén cay đắng- cạn riêng mình/ Chén này lăn lẳn mà khinh khích cười / Với tay tụt váy mây trời”. Hoàn Nguyễn có một bài thơ ba câu tứ rất bất ngờ và thú vị : Em đi tu / Anh đi tu? / Ước gì hai đứa thành sư một chùa (Đi tu)…Chuyện “đi tu” đã biến thành chuyện hẹn hò, rất lạ!
Sao Hoàn Nguyễn lại có nhiều tứ thơ lạ vậy? Chộp được tứ thơ sẽ làm ra bài thơ rất nhanh, nhà thơ nào cũng thế. Nhưng phải có tố chất gì đó mà Hoàn Nguyễn chộp được tứ thơ ở cái góc lạ nhất, bất ngờ nhất của hình tượng. Có lẽ đó là do cái tài bẩm sinh trời cho, cộng với nỗi đa đoan cuộc đời phải trải nghiệm, chiêm nghiệm từ khi còn rất trẻ chăng? Có thế mới nhìn mây tưởng váy trời; nhìn chùa là muốn em anh cùng tu, cưới thơ, làm chồng.v.v… Rõ ràng thi ảnh trong các bài thơ rất tự nhiên, Hoàn Nguyễn không hề cố tình tạo ra cái lạ một tí nào. "Nhà không có đàn ông" đúng là hoàn cảnh của Hoàn Nguyễn, cũng như nhiều phụ nữ không chồng khác. Nhưng với Hoàn Nguyễn cái không lớn nhất là :
Nhà không có đàn ông
không nhớ ngày nhớ tháng
mỗi bước đi về chân nhẫm dấu chân
chông chênh
lạc lõng
dòng đời
Nhà không có đàn ông
gương soi chẳng thấy mặt người
(Nhà không có đàn ông)
Cái tứ hay nhất bất ngờ nhất ở đây là thi ảnh “Nhà không có đàn ông/ gương soi chẳng thấy mặt người! "Gương soi chẳng thấy mặt người" thì đau quá, hoang mang quá!
Từ trong cảm thức nồng nàn ấy, thơ Hoàn Nguyễn có không ít những câu thơ hay, chữ thơ đắt: “Biết người còn tỉnh hay say/ Giật mình tay chợt nắm tay của mình” (Tự tình); hay: Uống cạn trần gian sầu vẫn đọng…/chăn quấn đơn côi (Ngôi nhà tay áo); Cơn lốc vấn vương cuộc tình rạo rực / Tay cởi áo vén mùa (Thật không mùa cởi áo). Đêm mang màu áo đa đoan (Tự tình); Giặt phơi nỗi nhớ chẳng hay hết chiều (Tự vấn); Thẫn thờ trăng mỏng phân vân/ Nao nao trải xuống đầy sân tìm người (Hãy cùng tôi); Dang tay bắt nắng cho vừa thơ ngây (Hoài niệm); Ta còn bứng nắng phơi phong (Toan tụt váy trời).v.v…Những chữ thơ như: chăn quấn đơn côi; trăng mỏng; giặt phơi nỗi nhớ, bứng nắng… là những phát hiện rất đắt, tạo nên độ nén, độ hấp dẫn của bài thơ, làm cho câu thơ đa nghĩa hơn.
Thơ Hoàn Nguyễn đa phần là thơ tình yêu (đôi lứa). Khác với nhiều nhà thơ nữ khác, thơ tình của Hoàn Nguyễn mạnh bạo, ẩn dụ tài hoa, không hề dung tục: lấn bấn tay tìm/ bồng bồng cánh môi ngọt lịm/ bung nút thắt sững sờ ngây dại/…/ sóng vờn sóng nuốt nhau (Mùa thiếu nữ); hay: đêm dậy thì bật cửa; Đừng anh/ rượu uống sẽ say/ Đừng anh / mà lỡ... đêm nay điên cuồng (Đừng anh); Với tay tụt váy mây trời / Kìa / kia một nụ tươi tươi ngần ngần /…./ Liêu xiêu hỏi cái sinh tồn / Bão đời còn muốn dập dồn nữa không (Toan tụt váy trời)..v.v…Những câu thơ như thế phải say tình, say thơ lắm, phải rành chữ nghĩa, rành tâm trạng nữ giới lắm mới tung tẩy như thế được!
Hoàn Nguyễn có mảng thơ làm tôi rất phấn khích và thú vị. Đó là mảng thơ viết về đề tài Thị Mầu. Thị Mầu là nhân vật đại diện cho một lối sống rất người, rất đời. Chị đã viết hơn chục bài thơ về đề tài Thị Mầu. Đó là những bài: Lẳng lơ Thị Mầu, Lúng liếng Thị Mầu, Cãi, Thị Mầu. Cứ kệ em…. "Thân Mầu dù có cách xa/ Tiếng chuông còn đọng...đời ta Thị Mầu..." Những cái lạ trong thơ Hoàn Nguyễn viết về Thị Mầu, ngoài chuyện bảo vệ “quyền được yêu”, chị còn đẩy tiếng thơ của mình lên bậc cao hơn. Nhà thơ lên tiếng tố cáo phường nha lại háu gái, tham lam lợi dụng “sự phê phán thói Thị Mầu” để bòn mót, làm tiền, thậm chí để thỏa lòng dục
Mở đầu bài thơ Lẳng lơ Thị Mầu nhà thơ mỉa mai, diễu nhại:
“Ra đấy ăn hôi cỗ Mầu”
Chiếu làng đã trải tranh nhau mà ngồi
Ra đấy mà gặm lộc chồi
Kéo tơ rút ruột bòn nơi cát lầm
Những từ: “ăn hôi”, “tranh nhau”, ”gặm”, “rút ruột”, “bòn” là những từ rất đắt mô tả bản chất của bọn quan hư: "Quan nha chốn ấy gian thần/ Vét vơ trên nỗi nhọc nhằn người ta". Đó là chuyện “ăn cỗ” những cuộc họp phán xét về Thị Mầu. Còn tệ háu gái, tòm tem của các quan thì, ôi thôi:
í này cụ
í quan ơi
Váy đào em hé lí lơi cụ nhòm
Rằng ngon! Trắng nõn nòn non
Khảo tra cái cớ ai còn lạ chi
(Lẳng lơ Thị Mầu)
Hay: che mình/ các cụ chẳng xong/ yếm đào / Mầu hé chắc không chui vào ? / ới a / châu chấu cào cào/ chiếu làng đã trải/ cụ nào/ dám không??? (Cãi)
Cái điệu thơ đó của nhà thơ nữ đương đại có chút gì cười cợt, diễu nhại của Hồ Xuân Hương xưa: … Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày/ Này này chị bảo cho mà biết. Chốn ấy hang hùm chớ mó tay (Trách Chiêu Hổ), nhưng đay nghiến hơn, xót xa hơn!
Cãi cho Thị Mầu được quyền: mặc ai/ Mầu cứ la đà/ chính chuyên/ chết cũng ra ma / ngoài đồng... Hoàn Nguyễn muốn nói về thân phận đơn côi của mình và “tuyên ngôn” về lối đi với thơ của riêng mình:
Mắt đưa vẫn liếc
chuyện tình vẫn mơ
Để lòng trải với vần thơ
Miệt mài năm tháng... bóng mờ tìm xa...
(Thị Mầu)
Các nhà thơ: Trần Mạnh Hảo, Trần Quang Quý, Thái Thăng Long… đã nhiều lần nhận xét khen thơ Hoàn Nguyễn. Thơ chị không cố tình làm rắc rối câu chữ để cho “hiện đại”. Thơ Hoàn Nguyễn là thơ truyền thống, nhưng hay và lạ. Đối với tôi đọc thơ Hoàn Nguyễn như là một trải nghiệm!