Đỗ Doãn Hoàng có thể nói say sưa cả ngày về những vùng đất mà anh khám phá. Những đêm ngủ giữa rừng châu Phi, trên ngọn cây, nhìn qua ô cửa thấy những nàng báo đen quyến rũ tuyệt diệu hay vài anh chàng hươu cao cổ lênh khênh đủng đỉnh đi lại; Những chuyến bay trên chiếc máy bay siêu nhỏ, lượn như chuồn chuồn, chứng kiến những con tê giác to đùng bị bọn săn trộm giết, cưa sừng, khoét mắt nằm bất động trên mặt đất; Chuyến tàu siêu tốc xuyên qua vùng đất Siberia lạnh nhất thế giới... Hoàng  trả lời phỏng vấn trên tờ báo của chúng tôi: ước mơ của Hoàng hiện giờ, năm bốn mươi ba tuổi, là có đủ tiền và đủ sức khoẻ để đi khắp địa cầu. Đôi khi, tôi nghĩ Hoàng sẽ kiệt sức. Hoàng sẽ một ngày nào đó trên đường thiên lý, phải ngồi bệt xuống vệ đường vì kiệt sức. Thì ngay cả khi đó, Hoàng cũng sẽ chỉ ngồi đó và tiếp tục cười nhạo thế gian. Mọi chuyện với Hoàng, dù cay đắng chua chát đến đâu cũng có thể biến thành chuyện cười.



Lưu lạc thế gian với Đỗ Doãn Hoàng

ĐỖ BÍCH THÚY

Khi tôi học năm đầu tiên của Phân viện Báo chí thì Đỗ Doãn Hoàng học năm cuối cùng. Tính đến nay, chúng tôi đã là bạn bè hơn 20 năm. Trong 20 năm ấy, Hoàng in 23 cuốn sách. Tôi từng nói với Hoàng, nếu viết về cậu thì tớ cần một cuốn sách. Chính xác là tớ cần một cuốn dày khoảng 200 trang. Không phải tôi bịa, là tôi nói thật. Cuộc đời Hoàng, sự nghiệp báo chí của cá nhân Hoàng, Hoàng thu nạp được bao nhiêu tư liệu thì tôi chỉ cần một phần nhỏ số đó cũng đủ một cuốn sách xoay quanh chân dung Hoàng.  Nhưng tôi quan tâm tới việc vì sao Hoàng có cuộc đời ấy, sự nghiệp ấy hơn là Hoàng đã có nó như thế nào, bằng cách nào.
Hoàng có một cuốn sách. Một cuốn sách nhỏ bé, giản dị, khuất lấp. Search tên cuốn sách trên google chỉ cho vài kết quả khiêm nhường - “Búi Thông thơ dại”. Hoàng nói chính mình cũng không biết gọi tên thể loại của nó là gì. Tự truyện, hồi kí, truyện vừa... có vẻ như đều không thoả mãn. Tôi tạm gọi đó là tự truyện. Vì tất cả những gì Hoàng viết trong đó, theo anh, 99% là sự thật. 1% còn lại đó, không phải anh bịa, mà là nó có thể thiếu chính xác chỉ vì một lớp bụi thời gian phủ lên mà thôi.  Đấy là tuổi thơ của Hoàng. Với trải nghiệm cá nhân, tôi tin rằng, nếu như tuổi thơ của mỗi người là một tấm gương, thì toàn bộ cuộc đời phía sau của chúng ta sẽ là hình ảnh phản chiếu từ tấm gương đó. Hay nói cách khác, cuộc đời mỗi người, dù dài dù ngắn, dù vinh quang hay thất bại, dù vĩ đại hay tầm thường, đều đã có thể được phác hoạ, phỏng đoán từ những năm tháng bé thơ.
Hình ảnh Hoàng khiến tôi ám ảnh nhất ở cái xóm heo hút mang tên Búi Thông đó, là một tay cắp nách em Huyền, một tay dắt Đỗ Doãn Phương, đi trên lối mòn gập ghềnh ra đón mẹ, trong những nhập nhoạng tối. Hoàng có một người bà ngoại. Một người phụ nữ mà tôi hình dung nếu như trên đời có khái niệm “sống là một gánh nặng” thì thực sự là bà đã gánh nó trên lưng bà, từ khi sinh ra đến khi qua đời. Người bà gầy mòn, ốm o bệnh tật của Hoàng đã sống một cuộc đời khốn khổ, dúm dó, mỏi mệt, nhưng nhân ái vô cùng. Không oán thán, không kêu ca, không đổ lỗi. Bà bị đau dạ dày. Nhưng cơn đau liên miên vào lúc chiều tối nay nửa đêm, vắt kiệt chút sức lực còm cõi mà bà dành dụm để làm lụng nuôi những đứa cháu. Lúc lên cơn đau, bà đòi Hoàng, thằng cháu lớn nhất, cho dù nó cũng quắt queo một nhúm: “Thằng Goàng, đấm cho tao!”. Bà đòi thằng cháu đấm thẳng vào bụng bà. Đấm cật lực. Có bao nhiêu sức lực thì mang hết ra mà đấm. Càng đấm mạnh thì bà càng đỡ đau. Giảm đau dạ dày bằng cách ấy thì chỉ có thể hiểu là lấy cái đau này để lấn át cái đau kia mà thôi. Bà không đi viện vì bà sợ tốn tiền, những đồng tiền chắt bóp chỉ để nuôi năm miệng ăn chứ chẳng phải mơ ước cao sang gì. Bà ra chợ, mua cái loại thuốc gì đó, thật là rẻ tiền, không cần biết nguồn gốc thành phần, cứ thế mà uống. Bà trồng chè, hái chè, vò chè, sao chè trên khoảnh đồi của bà. Những ngón tay, ngón chân bà nứt toác ra, đen thui vì ngấm nhựa chè. Ngón tay bà nứt, da bong ra, cứng quèo, tới nỗi bà đi chợ, ngang qua hàng bán tất, chỉ vung vẩy thôi, chạm vào sạp hàng của người ta cũng đã đính luôn vào đấy vài chiếc. Người bán hàng hô hoán đổ cho bà ăn cắp. Bà liền quay lại, nhúng hai tay vào đống tất, kéo lên thì tất dính vào tay bà cả chùm. Đấy nhé, chỉ là vì tay bà như một búi gai mà lúc bà quẩy gánh chè đi qua bà vung vẩy nên nó tự mắc vào đấy chứ bà có thèm ăn cắp của đứa nào cái gì.
Hoàng dẫn em ra đón mẹ, em Huyền bị rơi xuống vũng lầy. Cái vũng quỷ quái như không có đáy, rơi xuống thì chỉ có ngập lút rồi chết sặc ở đấy mà thôi. Đúng lúc em Huyền sắp chìm nghỉm còn Hoàng hoảng loạn đến tuyệt vọng thì mẹ về tới. Mẹ lôi được em lên, ôm em rồi ngồi khóc gió mưa tầm tã. Trong Búi Thông thơ dại, Hoàng dành nhiều trang nhất cho bà ngoại, tiếp đến là mẹ, và hai đứa em. Bố Hoàng và ông anh cả ở dưới phố, lâu lâu mới xuất hiện trong cuốn sách. Nhưng mỗi lần ông xuất hiện với chiếc xe máy nổ phành phành và cậu con trai cả trắng trẻo ngồi chễm trệ trên bình xăng thì lập tức gây chấn động cả xóm, như thể ông mang tới một luồng sáng của thế giới văn minh. Một thế giới đâu đó xa xôi lắm với ba anh em Hoàng.
Tiếng xe máy của bố Hoàng khiến tôi nghĩ tới tiếng tàu mà chị em Liên chờ mong trong truyện ngắn Hai đứa trẻ. Thạch Lam mô tả cái khoảnh khắc chờ đợi đoàn tàu đi qua của chị em Liên để chỉ ra những ước mơ xa xôi nào đó sẽ chợt loé lên trong tâm hồn hai đứa trẻ. Và tôi nghĩ tới những ước mơ xa xôi giấu kín của Hoàng. Xa xôi như những vì sao lấp lánh đêm hè oi nồng, vùi mình trong đống lá chuối khô của bà ngoại để khỏi bị muỗi đốt.
Khi tôi cho Hoàng xem bức ảnh chụp ngôi nhà của tôi ở trong cái xó núi mịt mùng mờ sương trước khi nó bị người ta phá đi, Hoàng thốt lên: Thuý thật hạnh phúc vì có bức ảnh ấy. Một trong những nuối tiếc lớn nhất đời Hoàng, đấy là ngôi nhà giữa nương chè, có cái giếng nước và cổng ra vào rấp bằng những cành tre gai ở Búi Thông, Ba Trại đã hoàn toàn biến mất. Không một dấu vết. Không một bức ảnh. Nó chỉ còn ở trong kí ức của Hoàng mà thôi. Và có lẽ, Hoàng sợ sau này, già rồi, thì ngay cả kí ức ấy cũng mai một đi mất. Ước mơ nhỏ bé của một người có đến dăm bảy cái máy ảnh với hàng chục loại ống kính và hàng nghìn, hàng vạn bức ảnh trong cái kho lưu trữ đám mây khổng lồ, hoá ra chỉ là một bức duy nhất chụp lại ngôi nhà nghèo khó ấu thơ mà thôi. Nhỏ bé thế mà vĩnh viễn không thực hiện được.
Ba anh em Hoàng cứ lụi hụi sống ở đó với tuổi thơ nghèo khó. Mỗi ngày, mong nhất là lúc mẹ về. Người mẹ đẫm mồ hôi, mẹ đón đứa em gái, mẹ hỏi đứa em trai, và mẹ nhìn Hoàng bằng ánh mắt mà tôi tin rằng đầy cảm giác có lỗi. Có lỗi vì để cho ba anh em nheo nhóc trông nhau, có lỗi vì sinh con ra mà không nghĩ ra cách nào cải thiện cái cuộc sống thiếu trước hụt sau, làm đến hết hơi cũng chỉ đủ để duy trì ở mức nghèo khổ.
Điều đáng nói nhất trong Búi Thông thơ dại là gì? Là Hoàng lấy ra cái kí ức ấy với một sự trân trọng kì lạ. Tất cả hiện ra, từ tốn, chậm rãi, thản nhiên, không buồn bã, không khổ sở, không đau đớn, không oán thán, không so bì. Tuổi thơ ấy, cái xóm Búi Thông trên Ba Trại ấy nó hiện diện trong cuộc đời Hoàng không khác gì đang đi thì gặp một cơn mưa. Cơn mưa tới, là việc của một thiên nhiên nào đó. Cứ điềm nhiên mà đón nhận. Cái thái độ đó xuyên suốt cuốn sách. Nó khiến cho người đọc cảm thấy cuộc đời nhẹ nhõm biết bao, và sự sống dù nghèo khổ cũng đáng trân trọng biết bao.
Rồi Hoàng cũng từ biệt cái xóm Búi Thông với hàng loạt những nhân vật đã sống xung quanh Hoàng mà tất cả những nhân vật đó đều sắc nét, đều có thể đưa ngay vào trong một khung cảnh truyện ngắn hay tiểu thuyết.
Đây chính là một trong những khả năng mà tôi cho là trời phú cho Hoàng: Khắc hoạ nhân vật, gọi tên sự việc và tìm ra mọi bản chất dưới bề mặt hiện tượng. Không cần nhiều, chỉ vài dòng thôi, chữ nghĩa của Hoàng đã lập tức diễn đạt đủ nhất những gì cần diễn đạt. Luôn là đánh giá một con người, một sự việc bằng nhiều góc nhìn, cộng với khả năng phản biện xuất sắc, Hoàng ít khi nhầm lẫn.
Hoàng đã đi ra từ xóm Búi Thông ấy, tới mọi địa danh trên mảnh đất hình chữ S từ cách đây hai chục năm. Hai chục năm tiếp theo Hoàng đi ra khỏi biên giới. Cuộc chinh phục kì lạ của Hoàng, không phải đi cho hơn người, không phải đi để ngắm cho thoả mắt, mà là để nhìn về. Khi tôi leo lên một đỉnh núi, trong một buổi sáng đầy sương mù và mặt trời thì dè dặt xuyên những tia vàng ấm áp xuống mặt đất, tôi nhận ra cái thung lũng của tôi thật đẹp. Nó có những vách núi dựng xung quanh, cây rất xanh. Nó có một con sông hiền lành, và vài con suối nhỏ. Nó có những khoảng trống dành cho ai đó trồng lên một vài bụi loa kèn đỏ rực... Tôi hình dung Hoàng cũng thế. Hoàng leo lên đỉnh Tiger’s Nest ở quốc gia đáng sống nhất hành tinh – Bhutan, và nhìn về Ba Trại. Nhìn về Ba Trại và lòng dạ chùng buồn nhưng bình yên. Trái tim của Hoàng đặt cả ở Ba Trại ấy, linh hồn Hoàng gửi gắm ở những luống chè rậm rịt che kín người bà ngoại bé nhỏ của Hoàng.
Hoàng có thể nói say sưa cả ngày về những vùng đất mà Hoàng khám phá. Những đêm ngủ giữa rừng châu Phi, trên ngọn cây, nhìn qua ô cửa thấy những nàng báo đen quyến rũ tuyệt diệu hay vài anh chàng hươu cao cổ lênh khênh đủng đỉnh đi lại; Những chuyến bay trên chiếc máy bay siêu nhỏ, lượn như chuồn chuồn, chứng kiến những con tê giác to đùng bị bọn săn trộm giết, cưa sừng, khoét mắt nằm bất động trên mặt đất; Chuyến tàu siêu tốc xuyên qua vùng đất Siberia lạnh nhất thế giới... Hoàng  trả lời phỏng vấn trên tờ báo của chúng tôi: ước mơ của Hoàng hiện giờ, năm bốn mươi ba tuổi, là có đủ tiền và đủ sức khoẻ để đi khắp địa cầu.
Đôi khi, tôi nghĩ Hoàng sẽ kiệt sức. Hoàng sẽ một ngày nào đó trên đường thiên lý, phải ngồi bệt xuống vệ đường vì kiệt sức. Thì ngay cả khi đó, Hoàng cũng sẽ chỉ ngồi đó và tiếp tục cười nhạo thế gian. Mọi chuyện với Hoàng, dù cay đắng chua chát đến đâu cũng có thể biến thành chuyện cười. Cười một cái, nhẹ bẫng, tan biến. Hoàng là người có những ý nghĩ kì lạ, những ý tưởng điên rồ, nhưng có thể sau đó vài chục năm thì Hoàng biến nó thành hiện thực trong sự ngơ ngác của rất nhiều người. Khi chúng tôi còn là sinh viên, và cùng nhau ăn tạm mấy củ khoai lang luộc nguội ngắt của một bà cụ già bán nước chè dưới gốc đa, vùng Bắc Ninh, Bắc Giang gì đó – trên đường thực hiện một vài đề tài chả lấy gì làm to tát. Trời mùa đông mưa lây phây, u ám, lạnh lẽo. Bà cụ già ngồi phía sau cái bàn co ro trong tấm áo bông cũ nhìn chúng tôi như bọn trẻ hư có nhà mà không về. Hoàng vừa ăn ngon lành củ khoai lang vừa bắt đầu huyên thuyên về ước mơ của Hoàng. Các cậu biết không, sau này tớ sẽ mua một chiếc ô tô to. Tất cả vợ chồng con cái tớ sẽ sống trên cái ô tô ấy, và bọn tớ sẽ rong ruổi khắp nơi. Đêm bọn tớ tấp vào đâu đó ngủ, sáng hôm sau đi tiếp. Hoàng còn nói vài chi tiết bậy bạ nữa, và bọn tôi cười thành cơn trong tiếng gió bấc ù ù. Tôi thì nói, tớ có một giấc mơ từ thuở bé. Là một ngôi nhà ở trên ngọn cây. Một cái cây rất to, một cái nhà rất bé, và một cái thang dài thật dài. Tớ sẽ ngủ với ve với chim, với bầu trời đêm đầy sao...
Chúng tôi đã từng mơ mộng đến thế. Những giấc mơ tưởng như viển vông ngốc nghếch. Thế nhưng trong khi lũ chúng tôi, bọn sinh viên trường báo chí tốt nghiệp xong, lo lấy vợ lấy chồng, đẻ một lũ con, và tìm cách ổn định cuộc sống – những cuộc sống nghèo nàn, chật hẹp, thì Hoàng đã lẳng lặng thực hiện tất cả những ước mơ của rất nhiều người gộp lại. Hoàng đi khắp thế giới cho ước mơ của bố - một nhà văn suốt đời coi văn chương là sứ mệnh bảo vệ những điều tốt đẹp; Hoàng trở thành một người nổi tiếng để mẹ Hoàng biết rằng bà đã không uổng phí những năm tháng thanh xuân ở Ba Trại; Hoàng viết những loạt bài phóng sự điều tra đình đám, chấn động dư luận, thay cho những kẻ làm báo quèn đi dự hội nghị lấy phong bì và về viết bài theo báo cáo; và kì dị thay, Hoàng làm một ngôi nhà trên cây thật. Một ngôi nhà treo lơ lửng, nối với mặt đất bằng đúng một chiếc cầu thang, dưới tán của cây hồng xiêm trong sân nhà Hoàng ở Đường Lâm. Ngôi nhà được thiết kế bởi vị kiến trúc sư đã từng tham gia thiết kế cung điện cho hoàng gia Bhutan... Không một lời tuyên bố, Hoàng lẳng lặng làm tất cả những gì có thể. Lẳng lặng thực hiện mọi ước mơ dù là viển vông của những người sống quanh Hoàng.
Nhưng, điều thú vị nhất ở Hoàng, như tôi thấy, là đằng sau một sự nghiệp đồ sộ, đằng sau những gì hầu như tất cả biết về Hoàng, thì Hoàng còn nguyên đó một trái tim mẫn cảm, một tâm hồn mềm yếu. Đủ mẫn cảm để đứng lặng đi trước một cái cây tuyệt đẹp, mọc chon von trên một mỏm đá, giữa con suối đầy những viên cuội đẹp như cổ tích. Đủ mềm yếu để có thể lặng đi đến vài phút khi nhân vật của Hoàng bắt đầu khóc. Mặc dù sau đó Hoàng nói, mình biết là cậu ấy sẽ khóc. Tức là Hoàng đã đẩy kĩ năng phỏng vấn lên đến một đỉnh cao, khiến nhân vật dù kín đáo đến mấy cũng phải bộc lộ toàn bộ phần bí mật trong con người mình. Cái kĩ năng ấy, may thay, nó không chiếm đoạt sự mềm yếu của Hoàng. Không dễ gì nhận thấy cái phần sâu kín ấy trong Hoàng. Tôi không nghĩ rằng Hoàng cố tình giấu nó đi, mà chỉ là nó bị ồn ào của đời sống với hàng ngàn câu hỏi mà Hoàng phải trả lời trong thân phận một nhà báo thường khi che khuất.
Hoàng là một chuẩn mực cho khái niệm “sống không hoang phí”. Hoàng đang và sẽ sống gấp. Gấp gáp và tử tế, đấy là thái độ sống của Hoàng. Hoàng phải sống gấp vì mỗi ngày hai mươi tư giờ chưa bao giờ là đủ cho Hoàng, cho những dự định trong im lặng của Hoàng. Tất cả thời gian Hoàng có đều được dùng triệt để tới mức giữa các khoảnh khắc không có một khe hở nào. Vậy thì Hoàng có mệt mỏi không? Tôi tin là có. Một lúc nào đó, khi cơ thể, trí não, cảm xúc của Hoàng như một cái đồng hồ hết cót, Hoàng sẽ thấy mỏi mệt. Mỏi mệt thì sao? Thì vặn cót cho đồng hồ chạy tiếp. Đấy là Đỗ Doãn Hoàng.
Hoàng sẽ còn rong ruổi rất lâu, rất lâu, trên chiếc bán tải dài hơn  năm mét và cái thùng xe thì như một nhà kho chứa đồ, đủ nguyên liệu cho một trong những cỗ máy tinh vi nhất trái đất là Hoàng di chuyển, lang thang hàng tháng trời. Đêm đâu ngủ đó, đói đâu ăn đó.
Hoàng là như thế. Đọc những bút ký mê mải của Hoàng, thấy có lúc chỉ vì nhìn gặp một khúc sông đẹp như trong tranh mà Hoàng sẵn sàng bỏ hết mọi việc, ngồi đó ngắm sông cả một buổi chiều. Mơ mộng cả một buổi chiều. Ngay cả sự mơ mộng, cũng là điều mà ông trời dành cho Hoàng, một cách vị tha và phi lí. Những chuyến đi liên miên thẳng băng về phía trước không cần giảm tốc đã không hề triệt tiêu sự mơ mộng của Hoàng. Coi như, Hoàng được ông trời ưu ái quá. 
Thái độ sống, làm việc của Hoàng tác động đến những kẻ lười biếng như tôi. Trước Hoàng, tôi tự nhận tôi là một kẻ lười biếng. Tôi còn có quá nhiều thời gian rảnh rỗi cho những sở thích phù phiếm, hoang phí. Tất nhiên, không phải ai cũng có một nguồn năng lượng dự trữ mãnh liệt như Hoàng để có thể luôn lao đi. Và mỗi chặng lao đi ấy, Hoàng giống như một cái ắc quy trong xe ô tô, tự nạp năng lượng cho mình bằng chính sự di chuyển.


Nguồn: báo Văn Nghệ