Nguyễn Đình Thi rất khổ công để tạo ra những hợp âm, đa thanh, đa tầng. Và khi đã tạo ra được cái trục lớn của thi tứ thì anh như một phù thủy ngôn từ, tung hứng rất nhiều phù phép, tạo ra cho người đọc cái tâm thế đứng trước những lối rẽ, những nẻo ngoặt, luôn luôn xuất hiện yếu tố bất ngờ. Với cái trục thi tứ lớn đó, anh đẩy cảm hứng tung hoành, không bị vướng vào những vần điệu cũ, lướt qua cái êm ái quen thuộc để hiển hiện như luống đất vỡ hoang. Giữa nhạc và vần, anh chọn nhạc. Giữa cái tinh khôi và cái đầy đủ, anh chọn cái tinh khôi. Giữa hướng ngoại và hướng nội, anh chọn hướng nội. Anh không thể hạ bút nếu không xuất hiện một tư tưởng. Anh giải quyết khá sớm. Anh thuộc kiểu nhà thơ có thể tạo ra thói quen mới cho người đọc. Anh không ngại đưa các tố chất văn xuôi vào thơ, cả những lời thoại, có lúc rất khách quan, nhà thơ như đứng lùi xa để cho sự sống lên tiếng. Có lúc đột ngột rút ruột những tâm sự, những nỗi đau riêng



LÀM MỚI THƠ – PHƯƠNG ÁN NGUYỄN ĐÌNH THI

HỮU THỈNH

Nói đến thơ Nguyễn Đình Thi, người ta hay nhắc đến cuộc tranh luận về thơ không vần của anh tại Việt Bắc năm 1949. Thực ra vấn đề căn cốt không phải là thơ có vần hay thơ không vần, mà ý nghĩa thực sự của nó sâu sắc và rộng lớn hơn nhiều. Nếu nói có vần hay không vần thì dễ dẫn đến cách hiểu Nguyễn Đình Thi chỉ quan tâm đến hình thức. Không phải như vậy. Anh muốn làm một cuộc cách tân thơ thực sự xuất phát từ những lý tưởng thẩm mỹ mới, những đòi hỏi mới của cuộc sống kháng chiến, đặc biệt là những rung động của một lớp thi sĩ mới trước một thực tại đã thay đổi căn bản về chất. Sự thực là anh muốn tháo bỏ mọi gò bó, giảm thiểu tối đa những khuôn sáo, để mở rộng cửa cho cuộc sống ùa vào thơ; để nhà thơ có thể phô diễn tự do những xuất thần vụt hiện; và để cho cuộc hò hẹn giữa nhà thơ với cuộc đời trở nên trọn vẹn và mầu nhiệm nhất. Nghĩa là một cuộc cách tân tổng thể và chiến lược nhằm làm cho thơ ca thực sự trở thành một sản phẩm đặc trưng mang dấu ấn tinh thần của một thời đại mới. Thật không khó để nhận ra điều này nếu chúng ta đọc hết và đọc kỹ các thi phẩm, dõi theo cả một cuộc hành trình thơ từ những năm đầu kháng chiến đến những bài thơ viết trong những năm tháng cuối đời của anh. Qua đó, chúng ta sẽ bắt gặp cả một dòng chảy bền bỉ với biết bao vận động nội tại, khai mở, đầy sinh lực.
Theo dõi giai đoạn phát triển văn học 1945- 1954, điều đáng ngạc nhiên là chỉ sau hai năm tiếng súng kháng chiến bùng nổ, thơ ta đã sớm có những thành công đặc sắc, ghi dấu mốc đẹp đẽ cho một tiến trình mới. Đồng chí của Chính Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng, Đèo Cả của Hữu Loan, Nhớ máu, Tình sông núi của Trần Mai Ninh và Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Đó là chùm quả đầu mùa, kết tinh rất sớm ngay từ buổi đầu và trở thành những đỉnh cao khó vượt qua. Nếu như các bài thơ kia, mới mẻ, độc đáo ở khí chất, giọng điệu, thi liệu thì Đất nước của Nguyễn Đình Thi có đủ những phẩm chất đó nhưng đặc sắc ở sự hào sảng, khái quát, mở rộng khung liên tưởng.
Nước chúng ta, nước của những người không
bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Vào thời điểm đó, những câu thơ trên, thực sự là mới mẻ, vượt lên phía trước. Không khí mô tả, kể lể đã nhường chỗ cho sự biểu cảm trầm sâu, khoáng đạt. Nguyễn Đình Thi không cần phí sức vào những tỉa tót vụn vặt. Anh phóng bút tạo dựng những vóc dáng, những mảng khối, những tầng vỉa lớn; vạm vỡ mà tinh khôi, thần thái mà cảm động. Và Đất nước trở thành một tổng phổ kết hợp tài tình giữa say đắm và suy tưởng, trữ tình và tráng ca:
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn, đứng dậy sáng lòa
Cái chất hùng văn này phải chăng là sự “vọng về” của những “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, của “Đoạt sáo Chương Dương Độ/ Cầm hồ Hàm Tử quan”, của Cáo Bình Ngô, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc? Đó là mẫu mực đáng kính về sự kết hợp hài hòa giữa chủ thể trữ tình và chiều sâu hiện thực, quá khứ và hiện tại, tâm tưởng và hát ca. Cảm hứng thơ bay lượn, phóng túng, vừa xum xuê về hình tượng vừa rất chặt chẽ về cấu tứ. Một sự kết hợp rực rỡ của tài năng:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Có thể nói Đất nước là một thành công đột phá của thơ ca kháng chiến chống Pháp.
Sau Đất nước, lao động thơ của Nguyễn Đình Thi sẽ vô cùng khó khăn. Cái khó của một người đã lập kỷ lục. Anh phải tự vượt, tự phong phú mình thêm. Các ngả đường sáng tạo của Nguyễn Đình Thi về sau này trở nên phức hợp hơn, làm giàu có một tài năng thơ, mới mẻ không ngừng. Giàu tự sự như Bài thơ Hắc Hải, Quê hương Việt Bắc. Tố chất dân gian hòa quyện đẹp đẽ với giọng trữ tình hiện đại trong bài Nhớ, Mẹ con đồng chí Chanh. Đến Chia tay trong đêm Hà Nội thì thi hứng trở nên nồng nàn, bịn rịn, trộn lẫn giữa mơ và thực. Có lúc khách quan hóa như Ánh biếc, có lúc lại vô cùng sắc sảo và quyết liệt như bài Cách mạng. Chúng ta hầu như chưa đánh giá hết cái hay và cái lớn của bài Cách mạng. Nó khí phách và thông tuệ, vô cùng vật vã và lo âu. Nó là bão trong bão, than hồng trong lửa đỏ, một đỉnh thơ bất ngờ khi thi nhân không còn trẻ. Đất nước và Cách mạng là hai vế đối tài tình của một nhà thơ lớn. Trong một lần tâm sự với giáo sư Hà Minh Đức, anh Thi nói: “Đời thơ tôi có hai bài ưng ý, và vài bài được được”. Hai bài ưng ý đó là Đất nước và Cách mạng. Từ tập Dòng sông trong xanh cho đến giai đoạn cuối, thơ Nguyễn Đình Thi có sự chuyển biến đặc biệt. Một mặt, vẫn rộng mở và theo sát những chuyển động xã hội dồn dập và căng thẳng, mặt khác anh hết sức chú ý đến sự lắng đọng nội tâm và những chiêm nghiệm thế sự. Đó là sự chuyển động từ hữu thanh đến vô thanh, từ hình khối đến khoảng trống. Mở rộng biên độ liên tưởng đối với Nguyễn Đình Thi là tăng sức dồn nén của cảm xúc, hàm hượng của suy tưởng. Trong sự lựa chọn của phô diễn, anh sẵn sàng viết những câu thơ trần trụi, một sự trần trụi đặc quánh của nghĩ suy. Nguyễn Đình Thi có những câu thơ hay theo rất nhiều kiểu khác nhau.
Đơn sơ, yêu mến, như không có gì...
Ta yêu những buổi trưa đầm ấm
Em bé trồng rau đuổi lũ gà
Cảm giác đột ngột, rất mạnh, đầy sáng tạo:
Ôi Cao Vân Phú Minh Quảng Nạp
Trái tim ta đập ở Thái Nguyên
(Quê hương Việt Bắc)
Có khi cả một khổ thơ được dựng dậy chỉ nhờ một chữ. Chữ thịch sau đây:
Ta bước nhanh qua bản hoang tàn
Góc vườn thơm thoang thoảng hoa cau
Giật mình cối nước đêm buông thịch
Chập choạng đàn rơi vẫn lượn tròn
(Chiều qua đường số bốn)
Có lúc cảm hứng thơ được đẩy đến mức kỳ vĩ hóa nhưng vẫn có cái gì rất thực:
Anh yêu em mỗi ngày thành dòng suối mới
Và đêm thành cánh đồng sao anh lượm đầy
tay
Những nỗi vất vả thành niềm an ủi
Giọt nước mắt thành giọt mặt trời
(Trên con đường nhỏ)
Có những lúc vô cùng thành thực, đớn đau:
Tôi sợ cái thứ quạ bay đến
Tôi không muốn ai nhìn vào đời tôi
(Sen biếc)
Anh đã để lại ấn tượng vô cùng nâng niu, ngây ngất với câu thơ sau:
Cỏ mềm thơm mãi dấu chân em
Có những lúc câu thơ vốc được cái tâm trạng nửa thực nửa mơ, choáng ngợp, bàng hoàng:
Nhìn em anh vẫn còn bỡ ngỡ
Như sợ bất ngờ em biến đi đâu
....
Anh nắm tay em và đứng lại
Ôi anh không còn biết đang ở đâu
(Chia tay trong đêm Hà Nội)
Nguyễn Đình Thi rất khổ công để tạo ra những hợp âm, đa thanh, đa tầng. Và khi đã tạo ra được cái trục lớn của thi tứ thì anh như một phù thủy ngôn từ, tung hứng rất nhiều phù phép, tạo ra cho người đọc cái tâm thế đứng trước những lối rẽ, những nẻo ngoặt, luôn luôn xuất hiện yếu tố bất ngờ. Với cái trục thi tứ lớn đó, anh đẩy cảm hứng tung hoành, không bị vướng vào những vần điệu cũ, lướt qua cái êm ái quen thuộc để hiển hiện như luống đất vỡ hoang. Giữa nhạc và vần, anh chọn nhạc. Giữa cái tinh khôi và cái đầy đủ, anh chọn cái tinh khôi. Giữa hướng ngoại và hướng nội, anh chọn hướng nội. Anh không thể hạ bút nếu không xuất hiện một tư tưởng. Anh giải quyết khá sớm. Anh thuộc kiểu nhà thơ có thể tạo ra thói quen mới cho người đọc. Anh không ngại đưa các tố chất văn xuôi vào thơ, cả những lời thoại, có lúc rất khách quan, nhà thơ như đứng lùi xa để cho sự sống lên tiếng. Có lúc đột ngột rút ruột những tâm sự, những nỗi đau riêng. Lối dẫn vào thơ Nguyễn Đình Thi là muôn nẻo. Và trong thơ anh có lúc bề bộn, ngổn ngang, có lúc rộng thoáng, không bày đặt mà lại hóa ra bày đặt một cách có nghệ thuật nhất.
Thơ Nguyễn Đình Thi hay ở tầm xã hội, và cũng rất hay trong cõi riêng anh. Đó là hai phương diện của tài hoa. Thành thực đòi hỏi rất nhiều dũng cảm. Anh nói về mình với biết bao tin cậy đặt ở sự cảm thông của người đọc.
Anh mang nỗi nhớ em
Đi qua cuộc đời như con thú bị săn đuổi
Ngày ngày các vết thương
Nhỏ những giọt im lặng trên đường
(Trong đêm)
Trên kia, hình như tôi đã quá dài dòng nói về giọng, về cách, sợ có thể hiểu là quá nghiêng về hình thức. Không. Tôi đang nói về nội dung đấy chứ, nói sự nở hoa của tư tưởng và tâm hồn. Một người có trữ lượng suy tưởng và kinh nghiệm sống tiềm tàng như Nguyễn Đình Thi không dễ gán cho anh cái bệnh tuyệt đối hóa hình thức, mặc dầu anh rất có ý thức đổi mới về hình thức. Hồn thơ anh là một khối đa diện. Anh không ngại cổ kính, mực thước.
Năm mươi năm như một bóng mây
Gió thu lại thổi suốt đêm dài
Vẳng nghe khúc hát người năm ấy
Chén rượu bên đền nước mắt đầy
(Gió thu)
Và anh cũng rất đắc ý khi viết những dòng thơ trùng điệp, mang vẻ đẹp sầm uất của suy tưởng. Một thứ thơ văn xuôi đích thực.
Có lẽ trong những phố dài đóng kín buổi đêm khuya, có một căn nhà, khi tôi đến gõ ngập ngừng trên cánh cửa, sẽ không có tiếng vặn hỏi cáu gắt
Có lẽ trên mảnh đất trần trụi sỏi đá, vẽ nhanh xương rồng đầy gai, mang những đóm hoa nhỏ bé màu lửa
Có lẽ đêm tối là nơi mọc những vì sao, và rừng rậm là nơi người mong trông thấy người
Và tình thương không ai nhìn thấy, có lẽ là ngọn đèn bên trong gương mặt anh.
Từ trữ tình tráng ca buổi đầu, vắt qua những cảm hứng tự sự, thơ Nguyễn Đình Thi càng về sau càng nghiêng về giọng trầm, đậm chất suy tưởng, chiêm nghiệm. Cũng suy tưởng, nhưng anh không lý trí thuần túy, ngược lại rất ấm nóng và tươi tốt sự sống. Thơ anh là thơ của người đi trên đường rầm rập các sự kiện, nhưng lúc nào cũng rợp bóng tâm tình. Trên con đường ấy, quyền năng của nhà thơ trở nên vô biên, tha hồ tung hứng từ những vấn đề sống chết của lịch sử, của cách mạng, của dân tộc đến những “đốm hoa chua me đất” nhỏ bé hoang dã nhưng đầy sức sống của kiếp người. Nguyễn Đình Thi làm thơ không dễ dàng. Thơ anh là tâm hồn, là tiếng nói của một trí thức tiêu biểu nhập thân vào Cách mạng, nhập thân với tư cách một cá thể chủ động, tỉnh thức, luôn khát vọng đi đến tận cùng của sự thật và cái đẹp. Cách mạng đối với anh còn là vấn đề tự do của trí tuệ, đôi cánh của tư tưởng, là chân trời cho mỗi cá nhân. Và được tự do suy nghĩ là quyền lớn nhất đối với người trí thức. Với trí thức suy nghĩ là tồn tại. Anh đưa ra công thức “Nhìn – Nghĩ - Yêu thương” xem là một nguyên tắc sống.
Mỗi hy vọng
Mỗi tâm hồn cần đến một tâm hồn khác
Cho nên không lấy làm lạ, có lúc anh bầm gan trước những đòn đánh vào con người. Anh lôi ra ánh sáng những móng vuốt đen hạ nhục nhân phẩm. Trong bài Ngõ tối, anh viết:
Thêm một lời phóng đi như mũi dao găm tẩm
độc
Thêm một hòn đá từ trong bụi rậm ném vào
gáy người
Chiều nhập nhoạng dơi bay
Hắn rẽ vào ngõ tối cười gằn
Nhìn những ngón tay hắn mọc vuốt dài.
Vấn đề nhân phẩm được Nguyễn Đình Thi đặt ra khá sớm. Đây hẳn sẽ là một cống hiến quan trọng của anh vào tiến trình hiện đại thơ ca. Câu thơ “Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người” đẹp một cách tầm cỡ.
Từ một góc khác của chiêm nghiệm, Nguyễn Đình Thi nhiều lần nói đến cái chết (Từ bên ấy trông về, Trời chiều...). Anh chọn góc nhìn từ phía ấy để kiểm nghiệm, đánh giá, suy tư về giá trị của sự sống. Với góc nhìn đó, sự suy nghĩ trở nên nghiêm trang hơn rất nhiều mà nếu không phải là người có bản lĩnh thì rất dễ kéo thơ về phía siêu hình. Và sau khi đặt mình vào người đã đi hết chặng đường, bình thản nhìn lại tất cả đoàn tàu của sự sống, anh cảm thấy cái còn lại, cuối cùng là một tình yêu vô tận với con người và cuộc đời. Một chiêm nghiệm tích cực.
Những bóng mây hoa mưa rồi qua,
Những tiếng ồn cuồng lên một lúc
Còn lại niềm thương đau im lặng
Và tình yêu đi mãi cùng ta
(Trời chiều)
Có điều thú vị, trong các tập thơ xuất bản vào giai đoạn cuối đời, Nguyễn Đình Thi cho công bố lần đầu một số bài thơ viết cách đó 50 năm về trước. Điều ngạc nhiên là về cấu trúc, giọng điệu, nó mới mẻ như những bài thơ mới viết. Điều đó chứng tỏ khả năng phong phú hóa, hiện đại hóa thơ của Nguyễn Đình Thi có ngay từ những năm đầu kháng chiến.
Cúc vàng ơi có phải
Công bằng đầu tiên là bát cơm mỗi nhà
Giải phóng đầu tiên là khỏi đói rét ngu tối
Phẩm giá đầu tiên là có việc làm
Tự do đầu tiên là được lựa chọn
Bình đẳng đầu tiên là ngang nhau nam nữ
Nhân nghĩa đầu tiên là coi trọng mạng sống
con người
Hy vọng đầu tiên là ở trong suy nghĩ
Hạnh phúc đầu tiên là yêu và thương
(Những câu hỏi lớn)
Thơ anh, trong nhiều trường hợp trở nên rất cô đọng. Giữa phô diễn và gợi mở, anh chọn gợi mở. Giữa triết lý và trải nghiệm, anh chọn trải nghiệm. Vì thế, trong những trường hợp anh ham làm giàu chất sử thi mà ít chú ý đến khái quát thì độ vang và sức lan tỏa của thơ bị hạn chế. Đó là những trường hợp nhà thơ muốn giấu mình, nhường chỗ cho các sự kiện. Kết quả là, có những bài thơ của anh rậm về chi tiết nhưng gầy guộc về ý tưởng. Rất may những bài thơ kiểu ấy chiếm tỷ lệ rất ít.
Vì biết rõ ngôn ngữ chỉ trở nên vô tận khi nó chứa một sự sống, một tư tưởng, và đây, anh chọn sự sống trong những câu thơ:
Vì yêu nên có gan dạ
Vì biết nên không nói gì
(Lời người xưa)
Nhà thơ rất đề cao người đọc, anh trao chữ cho họ để làm chìa khóa mở vào thế giới nội tâm của anh. Vì thế thơ anh mời gọi người đọc không ồn ào. Phải đọc chậm. Có khi thật chậm. Như bước lên từng bậc của suy tưởng. Dưới chân anh không phải là những viên gạch chữ mà là những sinh mệnh thơ ca. Nó nâng bước anh đi vào thế giới cảm xúc.
Bao nhiêu ngả đường, bao nhiêu cung bậc, Nguyễn Đình Thi làm cho người ta quên mất câu chuyện thơ có vần, hay không vần, chỉ còn biết mở rộng và thả lỏng sự tiếp nhận để cuốn hút vô thức vào dòng chảy mênh mang của thơ anh. Một thi sĩ đủ tài năng để cất lên tiếng nói của thời đại mình. Đó là Nguyễn Đình Thi. Một bản lĩnh thơ thống nhất nhưng biến hóa tài tình. Đó cũng là Nguyễn Đình Thi. Anh đề xuất một phương án làm mới thơ, hiện đại hóa thơ, một phương án dựa chắc trên nền tảng của sự sống của tư tưởng, vừa rất truyền thống vừa khai mở lạ hóa không ngừng.
Có một số ý kiến cho rằng thơ Nguyễn Đình Thi gần với Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt... Tôi nghĩ không phải thế. Họ rất khác nhau. Nguyễn Đình Thi không bao giờ đi vào ngõ cụt của tuyệt đối hóa hình thức. Anh rất khổ công tìm chữ. Nhưng với anh, tìm hồn cho chữ, tìm sự sống cho chữ mới là cái quan trọng sống còn.
Và cái mới của thơ anh, trước hết và quan trọng nhất là cái mới của tâm hồn, ở khả năng chuyển hóa những chất quặng của hiện thực thành những thăng hoa về tư tưởng. Nguyễn Đình Thi kéo chúng ta về cái thời của anh, chỉ cho chúng ta thấy nhà thơ đã sống đã trải nghiệm như thế nào, đã có thể nung chảy câu chữ để làm nên một tạo hóa thơ ca như thế nào.