Nhiều cuốn in lại hầu hết những bài báo vặt, hời hợt, có bài nghiêng về sáng tác kiểu như tùy bút, giai thoại, tạp văn, hồi ức, chân dung văn nghệ sĩ...; có bài nghiêng về phê bình kiểu như đọc sách, bàn về nghề văn, nghề báo... Trong từng cuốn, cấu tạo lỏng lẻo, thể loại lộn xộn, bài khá xen kẽ bài kém. Có cuốn in lại nhiều bài nói đến nhiều lĩnh vực: âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh…mỗi bài chỉ dài khoảng trang rưỡi, hai trang sách, ý kiến sơ sài về các việc đã cũ. Tác giả của những cuốn sách nêu trên là những cây bút viết văn có thể không xoàng, thậm chí một số còn là nhà văn có tiếng tăm; tuy nhiên họ không chí thú với nghề báo, lại ham ra sách, sách lại có nơi nhận mua. Có tác giả lại quan niệm là gom các bài vặt vào sách để tránh thất lạc, trưng ra để độc giả biết luôn thể (!)



KHI BÀI BÁO BƯỚC VÀO CUỐN SÁCH

PHẠM ĐÌNH ÂN

Trên đại thể, báo được coi là ấn phẩm phục vụ kịp thời đối với bạn đọc rộng rãi. Ngày hôm sau, tuần lễ sau, hầu hết người đọc đã dẹp lại tờ báo ra từ ngày hôm trước, tuần lễ trước để sử dụng tờ báo mới... Hiện nay, khi nhịp sống gấp gáp, khẩn trương, thì tuổi thọ của chúng thường là quá ngắn, thậm chí có những tờ báo không xa lạ gì đối với xã hội nói chung nhưng chúng không hề có đời sống cụ thể trong một số bộ phận bạn đọc. Bài có giá trị lâu dài không có nhiều trên báo, nếu có, thì những bài ấy có thể sẽ vào sách. Báo chỉ được lưu trữ ở một số cơ quan (toà soạn báo, thư viện, viện nghiên cứu, v.v…), hoặc ở số ít gia đình có mục đích riêng. Như vậy, đối với bạn đọc rộng rãi, báo chỉ được sử dụng một lần ở thời điểm nó ra đời.
Tái bản bài báo dưới dạng thành phần của cuốn sách là việc làm cần thiết và đã quen thuộc. Trước kia, do nhiều nguyên nhân, việc làm này còn chậm chạp, chừng mực; bài báo loại này chủ yếu thuộc lĩnh vực văn chương, sách loại này phần lớn là sách văn (không kể đến, từ nhiều năm trước đến nay, có những cuốn sách, bộ sách dày in bài đã từng công bố trên báo của những nhà hoạt động chính trị, những vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước).  Bước sang thời Đổi Mới, sự ra đời rất nhiều cuốn sách tái bản bài báo thuần tuý là báo (có thể gọi sách loại này là sách - báo) đã trở nên một hiện tượng xuất bản, khiến bạn đọc và những người làm nghề văn, nghề báo chú ý.
Chúng tôi thấy việc xuất bản sách tái bản bài báo hiện nay có những ưu điểm và nhược điểm sau đây.
1. Xuất bản sách, bộ sách in lại những bài báo có giá trị
Đến những năm cuối thế kỷ XX, tuổi nghề của một số nhà báo có tiếng tăm đã cao, nghiệp vụ của họ đã chín. Nhằm nhìn lại một đời làm báo, họ đã soạn và cho ra mắt các cuốn sách (một tập hoặc nhiều tập, dày hàng nghìn trang, trình bày rất đẹp) trong đó in lại các bài báo xuất sắc của mình. Các nhà báo Hữu Thọ, Phan Quang, v.v...ở trong số trường hợp vừa nêu. Đó là những cuốn sách quý.
Đối với các tác giả, chúng là những ấn phẩm báo chí được tinh lọc, tái bản dưới dạng sách để tiện lưu giữ một cách tập trung, thuận tiện và lâu dài. Đối với xã hội, chúng là những tài liệu quý, dùng để tham khảo rất tiện lợi của bạn đồng nghiệp, sinh viên, các nhà nghiên cứu về lịch sử và nghiệp vụ báo chí.
Không ít bài báo ấy trở thành những tác phẩm báo chí, mang đầy đủ tính mẫu mực nghề nghiệp. Ngoài ra, còn có sách tập hợp bài của một số nhà báo chưa thuộc lão thành hoặc thành tựu nghề nghiệp chưa nhiều. Chất lượng những cuốn sách này không đồng đều.
2. Xuất bản sách là báo, không phải văn, của các tác giả sáng tác văn học.
Nhiều cuốn in lại hầu hết những bài báo vặt, hời hợt, có bài nghiêng về sáng tác kiểu như tùy bút, giai thoại, tạp văn, hồi ức, chân dung văn nghệ sĩ...; có bài nghiêng về phê bình kiểu như đọc sách, bàn về nghề văn, nghề báo... Trong từng cuốn, cấu tạo lỏng lẻo, thể loại lộn xộn, bài khá xen kẽ bài kém. Có cuốn in lại nhiều bài nói đến nhiều lĩnh vực: âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh…mỗi bài chỉ dài khoảng trang rưỡi, hai trang sách, ý kiến sơ sài về các việc đã cũ.
Tác giả của những cuốn sách nêu trên là những cây bút viết văn có thể không xoàng, thậm chí một số còn là nhà văn có tiếng tăm; tuy nhiên họ không chí thú với nghề báo, lại ham ra sách, sách lại có nơi nhận mua. Có tác giả lại quan niệm là gom các bài vặt vào sách để tránh thất lạc, trưng ra để độc giả biết luôn thể (!)
3. Xuất bản sách biên soạn, sưu tầm, tuyển chọn.
 Sách này có hai loại đáp ứng hai nhóm bạn đọc. Những bạn đọc làm khoa học, bạn đọc là nhà giáo, sinh viên, v.v. dùng loại sách được làm công phu, có cuốn còn được gọi là sách công cụ. Bộ sách tuyển chọn và giới thiệu Nhà văn, tác giả và tác phẩm do nhiều tác giả làm, nhà xuất bản Giáo dục công bố, đến nay đã ra mắt được gần bốn chục cuốn, là một ví dụ.
Loại sách thứ hai phục vụ bạn đọc rộng rãi hơn, ở đó gom gộp các bài báo lại, sắp xếp có hệ thống ở một mức độ nhất định. Nhiều cuốn loại này được làm một cách vội vã, tùy tiện. Không ít cuốn xào đi xào lại bài này bài khác ở những cuốn đã in trước. Nhiều cuốn sách biên soạn, sưu tầm, tuyển chọn loại này giống như sản phẩm hàng chợ do người chủ biên hoặc đầu nậu thực hiện.
Như vậy, hiện tượng bài báo từ báo vào sách có ưu điểm là đã tái bản được những bài báo có giá trị lâu dài, khẳng định lại bằng cách tập hợp chúng lại thành một chỉnh thể (ít ra là theo ý tưởng của tác giả), “sách hoá” chúng, giúp cho việc lưu giữ, nghiên cứu thêm thuận tiện. Nhược điểm là có rất nhiều bài báo không đủ tiêu chuẩn để “sách hoá” mà vẫn được thực hiện. Những cuốn sách như thế không cần lưu lại cho đời sau bằng cách xuất bản trong khuôn khổ thiết chế Nhà nước như thế.
4. Nên có loại “sách” không cần nhà xuất bản
Vấn đề đáng bàn là ở chỗ: sách không sai, không xấu (tức là không phạm luật) nhưng không chiếm được sự cảm tình của số đông bạn đọc, hoặc bạn đọc không có nhu cầu tiếp cận. Muốn bớt đi những cuốn sách như thế thì không có cách nào khác là mỗi tác giả cần nghiêm khắc với chính mình, cần có lòng tự trọng, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội và bạn đọc.
Nếu tác giả không nhìn trước ngó sau, chỉ làm vì chính bản thân mình thôi, thì chắc chắn sách kém chất lượng vẫn mãi mãi được xuất bản. Các nhà xuất bản cần nghiêm túc hơn khi cấp phép hoặc biên tập đối với những cuốn sách gom các bài báo lẻ như thế.
Phải chăng, đánh máy các bài báo, có kèm theo chú thích xuất xứ rồi đóng thành quyển để lưu giữ, truyền bá hợp pháp trong những nhóm bạn đọc nào đó mà tác giả cần tiếp cận, là một hình thức xuất bản nên làm? Làm như vậy, tác giả vẫn công bố lại được một cách tập trung, cùng lúc những bài báo tâm đắc của mình mà không bị ai chê trách, bởi vì “cuốn sách” ấy do tác giả tự làm chứ không thông qua nhà xuất bản.
Những “cuốn sách” ấy không nằm trong hệ thống sách xuất bản như xã hội đang quan niệm, nó không phải là ấn phẩm văn hoá thuộc quy phạm hành chính Nhà nước. Trên cả nước đang lưu hành hàng triệu bản luận văn cử nhân, thạc sĩ, luận án tiến sĩ dưới hình thức đánh máy (sao chụp rồi nhân bản) được đóng như sách khổ lớn, đó sao? Vì một số lý do mà nhiều luận văn, luận án có chất lượng học thuật vẫn tồn tại ở dạng đóng quyển photocopy.


Nguồn: Văn Nghệ Công An