Sáng 29-6 tại Hội trường 81 Trần Quốc Thảo- quận 3, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức Hội nghị thành lập Chi hội Nhà văn Bến Nghé. Đây là chi hội cuối cùng được thành lập, sau Chi hội Nhà văn Gia Định, Chi hội Nhà văn Chợ Lớn và Chi hội Nhà văn Sài Gòn. Với số lượng hội viên gần 500 người, Hội Nhà văn TPHCM đã xin ý kiến các cơ quan quản lý và phân chia thành 4 chi hội để thuận lợi cho sinh hoạt của hội viên. Gần gũi về địa bàn, hội viên của 4 chi hội sẽ tập hợp và giao lưu dễ dàng hơn. Chi hội Nhà văn Gia Định do nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm làm Chi hội trưởng, Chi hội Nhà văn Chợ Lớn do nhà thơ Hương Thu làm Chi hội trưởng, Chi hội Nhà văn Sài Gòn do nhà văn Lê Văn Duy làm Chi hội trưởng, và Chi hội Nhà văn Bến Nghé do nhà thơ Phùng Hiệu làm Chi hội trưởng.



Nhà thơ Phùng Hiệu được lên “sếp”

Sáng 29.6, tại Hội nghị thành lập và ra mắt Ban điều hành lâm thời Chi hội Nhà văn Bến Nghé, nhà thơ Phùng Hiệu đã được nhận quyết định làm Chi hội trưởng Nhà văn Bến Nghé (trực thuộc Hội Nhà văn TP.HCM). Cùng tham gia lãnh đạo chi hội với anh còn có các nhà thơ: Trần Thị Khánh Hội, Vân Khanh, Nhật Quỳnh, Phạm Phương Lan, cùng hai nhà văn: Chu Quang Mạnh Thắng, Võ Chí Nhất.
Nhà thơ Phùng Hiệu tên thật là Phùng Văn Hiệu, sinh năm 1976 tại Đà Nẵng, lớn lên ở Phú Ngọc, Định Quán, Đồng Nai. Anh tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật công nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và là tác giả của nhiều tập thơ được độc giả yêu thích: Tình không dám ngỏ (NXB Văn học 2008), Thức giấc (NXB Thanh Niên 2010), Trong thế giới nguỵ trang (NXB Trẻ - Wikibook 2014)...
Sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, cả nhà phải tha hương từ miền Trung vào Đồng Nai lập nghiệp nên trong thơ Phùng Hiệu luôn có những trăn trở trước cuộc sống và giấc mơ “con nhà nghèo” luôn vươn tới phía trước. Nhận xét về thơ Phùng Hiệu, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu viết: “Thơ anh với sự gân guốc trong từng dòng, từng khổ như hình ảnh cuộc sống được chiếu rọi thông qua lăng kính ngôn từ. Ở đó, trên những dòng thơ bồi hồi cảm xúc, cuộc sống được phát hiện, được dựng dậy, được tái sinh với nhiều chiều kích đa dạng”. Còn nhà thơ Đynh Trầm Ca không phải không có lý khi nhận định: “Với nhà thơ Phùng Hiệu, sự khắc khoải của đời người và của thi ca như nhau, là một con đường khai mở âm thầm trên những dốc gai và bạc bẽo. Vì vậy, tập thơ Trong thế giới ngụy trang của Phùng Hiệu ta thấy ít mỹ từ mang tính trừu tượng, tuy nhiên anh lại đẩy được ngôn ngữ vào thế cùng cực như những cành gai nhọn, vì vốn cuộc đời chân thực nhiều những gai nhọn hơn hoa hồng”.
Sáng 29.6, trao đổi với PV Thanh Niên ngay sau khi nhậm chức chi hội trưởng, nhà thơ Phùng Hiệu cho biết sẽ sớm ra mắt website Văn nhân Bến Nghé và tuyển tập Văn chương Bến Nghé để các hội viên có cơ hội “trình làng” những sáng tác mới nhất và chi hội có điều kiện “liên tục phát triển”.
LÊ CÔNG SƠN – Thanh Niên