Đàn ông sống bằng nghề viết đã cực nhọc, mà đàn bà sống bằng nghề viết còn cực nhọc gấp bội. Nhiều lần tôi nghĩ về nhà thơ Hoàng Việt Hằng với sự ái ngại như vậy. Làng văn hầu như ai cũng biết mối tình nhiều thăng hoa và lắm cay đắng giữa chị với nhà văn Triệu Bôn. Sức khỏe của người chồng thương binh bị tai biến mạch máu não di chứng liệt nửa người và gánh nặng của cơm áo gia đình, đã đè xuống đôi vai người đàn bà làm thơ nhọc nhằn. Phải chăng, đó là những “ẩn ức” để chị nương tựa vào trang giấy trắng lạnh lùng và bao dung: “Ngay cả đi bộ/ Câu thơ lẽo đẽo theo sau/ Ngay cả lên tàu/ Câu thơ chập chờn mưa tuyết/ Ngay cả khi bay nghiêng, Ẩn ức, chập chờn như ánh sao, chập chờn như ánh đèn/ Tôi cầu cạnh bút nghiên/ Run rẩy viết”.
Dù chạy đôn chạy đáo tập viết báo để kiếm từng thang thuốc cho chồng thoát cơn bạo bệnh, nhưng nhà thơ Hoàng Việt Hằng vẫn không thể dành được nhà văn Triệu Bôn ra khỏi lưỡi hái định mệnh nghiệt ngã. Tóc chị bạc dần, mỗi sợi bạc hắt lên nỗi đau dằng dặc, hắt lên thi ca lênh đênh. Có lúc chị ngỡ mình chìm mãi vào bóng tối cô đơn và bất hạnh, nhưng chị đã trông cậy vùng sáng nhỏ nhoi để đứng dậy: “Em vẫn thấy anh ngồi/ Như dấu chấm than viết ngược/ Lúc ốm đau em đã muốn bỏ cuộc/ Nhưng thấy con tha thủi không đành”. Nhờ sự hào hiệp động viên của bạn bè, chị tiếp tục dùng thứ vũ khí duy nhất là trang viết, để chống chọi lại những u uẩn và túng bấn đe dọa mình: “Những ngày làm lữ thứ tha hương/ Đi viết nuôi con/ Như người mẹ đi nương/ Rắc ngô và rắc lúa/ Tôi cày trên đồng chữ…”
Tôi không biết mỗi năm nhà thơ Hoàng Việt Hằng phải cặm cụi viết bao nhiêu bài báo để mưu sinh, nhưng tôi luôn cảm thấy mừng khi thi ca vẫn còn là người bạn đồng hành nâng đỡ chị. Cũng tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du, nhưng đường thơ của Hoàng Việt Hằng lận đận hơn nhiều đồng môn khác. Biết làm sao được, sự chênh chao số phận cứ rình rập đánh úp chị, không thể nào cho phép chị toàn tâm, toàn ý với việc sáng tác. Tôi hình dung nhiều bài thơ của Hoàng Việt Hằng được viết ra, như những tiếng thở dài phía sau bao nhiêu bài báo mỏi mệt. Thật may, chị không bỏ cuộc với thơ, cũng như không giận dỗi với đời. Sau các tập “Những dấu lặng”, “Tự tay nhóm lửa”, “Chuông vọng” và “Một mình khâu những lặng im”, tập “Vệt trăng và cánh cửa” tuyển chọn những bài thơ ưng ý nhất đã giúp Hoàng Việt Hằng nhận được giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn Hà Nội. Thơ Hoàng Việt Hằng không thuộc diện tài hoa lả lướt, nhưng nhiều câu lấp lánh nước mắt khiến người đọc nao dạ!
Từ những mất mát riêng tư “Số phận ơi/ Người chiến thắng tôi rồi/ Tôi là kẻ thua trận duy nhất mỉm cười/ Trước tỉ số một đèn một bóng”, Hoàng Việt Hằng dễ dàng đồng cảm với những thân phận thua thiệt. Chị thảng thốt chia sẻ gần gũi xung quanh đô thị nhộn nhịp mà bồn chồn: “Ôi, những ngõ của người nghèo Hà Nội/ Tôi thương yêu bạc tóc lúc nào/ Người đời bảo: nhuộm tóc cho xanh lại/ Tóc có thể nhuộm xanh/ Nhưng vui buồn ngõ xuân/ Sao nhuộm lại?” và dằn vặt thương xót bà lão lầm lũi ở túp lều liêu xiêu vách núi vắng vẻ: “Một đời người bao lần trông đợi/ Nay tóc hắt sương thì chẳng đợi gì/ Chỉ mong trời đừng bắt tội ốm đau chi/ Để trồng lá trồng rau đủ sống/ Chốn tam quan, sân chùa, sông nước/ Chốn mùa đông lặng một phận người”.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Hội, chất nền nã Thăng Long của Hoàng Việt Hằng ký gửi ít nhiều qua những dòng lục bát. Bài thơ “Qua đèo Nai” của chị đã lưu lại lòng độc giả hai câu thơ đắm đuối: “Đám mây như chiếc khăn màu/ Bay hồng cả nỗi nhớ nhau lưng đèo”. Lục bát của Hoàng Việt Hằng không phiêu lãng nữa, mà dùng dằng âu lo trống trải, dẫu ở “Thảo nguyên” mênh mông: “Người chăn cừu hát cho tôi/ Rời rợi cỏ thảo nguyên trôi trong lòng”, dẫu ở miền “Một mình khâu những lặng im” quạnh quẽ: “Em khâu tóc trắng thay lời/ Mỗi khi cúi xuống rã rời nỗi đau/ Con chồng, vợ cũ, đồng sâu/ Lấy chồng lấy cả nỗi đau của chồng”. Nếu xét riêng dòng lục bát của Hoàng Việt Hằng thì thơ chị phơi bày những vần điệu được khơi nguồn từ mạch ngôn từ tha thứ và cam chịu: “Mẹ ơi, khóc được là mừng/ Tủi hờn bỡn nhẹ lát gừng đỡ cay/ Buổi trưa nắng chiếu chốn này/ Mình con theo gót quan tài mình con”.
Hoàng Việt Hằng bảo rằng, ham muốn lớn nhất của chị là được rong ruổi. Hành trình ấy có khi giúp chị được thong dong với một chút mơ màng bất chợt: “Bây giờ làng cổ chiều mưa/ Thổ Hà trong giấc mơ xưa đã tàn/ Gốm men vẫn óng mơ màng/ Xếp thành phên giậu tơ vàng mà ru”, mà hành trình ấy có khi thức dậy trong chị những vết thương âm thầm: “Có một bầy sếu gọi nhau ở phía Bắc/ Em leo Vạn Lý rồi về Tây An/ Lỡ hẹn với anh/ Em đi một mình/ Xe ngựa thồ cỏ chở cùng trăng thanh/ Dân ca Tây An nghe rồi vuốt ngực/ Giá mà, giá mà anh sống thêm được/ Cùng em đọc Bạch Cư Dị ở Tây An”. Thế nhưng, vượt lên tất cả, hành trình ấy cho chị một trái tim ngập ngừng những nhịp đập bơ vơ với ngổn ngang năm tháng: “Đi dọc miền Trung/ Mắt cứ chạm vào những dây phơi/ Áo trẻ nhỏ màu cháo lươn/ Miếng vá còn vương ở tay áo cánh nâu màu bã trầu/… Sau bão đã lâu/ Nỗi đau còn như sóng lật/ Cả chiếc dây phơi”. Và khi đã đi qua vùng thổn thức của kẻ đa đoan, chị nhận lại được một chút thanh thản: “Ta vào chùa thỉnh chuông thắp nến/ Chỉ xin yên tĩnh với trời xanh”.