Khác với những tiểu thuyết lịch sử trước đây của mình, Phan Khánh dùng lối văn võ hiệp để viết “Đỗ Thích kỳ án”. Hơn 300 trang sách, tác giả đã tái hiện không gian văn hoá và số phận con người của một giai đoạn nhiều thăng trầm và nhiều oan khiên. Kết cấu chương hồi khiến “Đỗ Thích kỳ án” có sức hấp dẫn riêng. Từ loạn 12 sứ quân đến khi Lê Hoàn đưa Đinh Toàn lên làm vua với thái hậu Dương Vân Nga buông rèm nhiếp chính, được kể khá lôi cuốn qua chi tiết vừa minh định vừa giải thiêng lịch sử. Đỗ Thích được lịch sử cho là người đã ám sát vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn, dẫn sự kết thúc của nhà Đinh, mở đầu nhà Tiền Lê, cũng như gây ra cái cớ cho việc xâm lược Đại Cồ Việt bất thành của nhà Tống. Tuy nhiên, cả Đại Việt sử lược lẫn Đại Việt sử ký toàn thư đều không ghi chép gì về thân thế của Đỗ Thích. Theo cách phân tích của Phan Khánh, thì Đỗ Thích đích thị là gián điệp nhà Tống.



CHUYÊN GIA THỦY LỢI VIẾT TRUYỆN LỊCH SỬ

TUY HÒA

Năm nay 84 tuổi, kỹ sư Phan Khánh là chuyên gia hàng đầu trong ngành khoa học thuỷ lợi. Thế nhưng, bên cạnh những cuốn sách viết về lĩnh vực mà mình gắn bó cả đời, Phan Khánh còn có đam mê sáng tác văn học. Nhất là đề tài lịch sử, ông đã có những tiểu thuyết như “Tráng sĩ Ngàn Trươi” in năm 1981, “Người đào kênh Vĩnh Tế” in năm 2003, “Thanh gươm kẻ sĩ” in năm 2004… Nhân dịp kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) tác giả Phan Khánh lại cho ra mắt tiểu thuyết “Đỗ Thích kỳ án”.

Khác với những tiểu thuyết lịch sử trước đây của mình, Phan Khánh dùng lối văn võ hiệp để viết “Đỗ Thích kỳ án”. Hơn 300 trang sách, tác giả đã tái hiện không gian văn hoá và số phận con người của một giai đoạn nhiều thăng trầm và nhiều oan khiên. Kết cấu chương hồi khiến “Đỗ Thích kỳ án” có sức hấp dẫn riêng. Từ loạn 12 sứ quân đến khi Lê Hoàn đưa Đinh Toàn lên làm vua với thái hậu Dương Vân Nga buông rèm nhiếp chính, được kể khá lôi cuốn qua chi tiết vừa minh định vừa giải thiêng lịch sử. Đỗ Thích được lịch sử cho là người đã ám sát vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn, dẫn sự kết thúc của nhà Đinh, mở đầu nhà Tiền Lê, cũng như gây ra cái cớ cho việc xâm lược Đại Cồ Việt bất thành của nhà Tống. Tuy nhiên, cả Đại Việt sử lược lẫn Đại Việt sử ký toàn thư đều không ghi chép gì về thân thế của Đỗ Thích. Theo cách phân tích của Phan Khánh, thì Đỗ Thích đích thị là gián điệp nhà Tống.

Đọc “Đỗ Thích kỳ án”, điều thú vị nhất là được cùng tác giả khám phá những tên đất, tên người bãng lãng trong sương khói quá khứ như “Quần Anh quán”, “Động Huyền không”, “Đả Lôi đài”, “Vạn Thắng Vương”, “Đỗ Thích thí Đinh Đinh”… Ngoài phong cách tiểu thuyết võ hiệp, “Đỗ Thích kỳ án” còn cho thấy một Phan Khánh có vốn hiểu biết sâu rộng về văn hoá qua những trích dẫn thi ca hoặc điển tích có sức thuyết phục!

Nhà văn Ma Văn Kháng, một người bạn lâu năm của tác giả Phan Khánh, nhận định: “Đỗ Thích là kẻ đã giết hai cha con vua Đinh Tiên Hoàng năm Kỷ Mão 979. Và Phan Khánh không phải là người đầu tiên viết về kỳ án này. Có điều là, trong khi để tâm nghiên cứu, lặn lội vào chiều rộng và bề sâu của sự việc… không thỏa mãn với những gì người trước đã viết mà ông cho là phi logic, quá dễ dãi… Phan Khánh đã cất công tìm hiểu thêm Việt sử lược, Tổng sử Giao Châu truyện cùng nhiều tài liệu văn bản khác, để từ đó và cuối cùng trình bày, miêu tả lại sự kiện, với mục đích chân thành là góp một tiếng nói nhằm khôi phục lại sự thật lịch sử như nó vốn có…
”.
Tiểu thuyết lịch sử không phải một thể loại đơn giản. Nhúng bút vào những góc khuất dĩ vãng, cần phải có bản lĩnh nhất định. Kỹ sư thuỷ lợi Phan Khánh bằng “Đỗ Thích kỳ án” không giấu giếm mong muốn cung cấp cho thế hệ trẻ một cách gì khác về quá khứ một cách mềm mại và trân trọng!