60 năm trước, đạo diễn Nga – Xô viết Sergei Gherasimov cho hạ lệnh đóng máy kết thúc cảnh cuối, tập 3 bộ phim “Sông Đông êm đềm”. Ngay từ khi phim được công chiếu, một câu hỏi đã nẩy sinh: Chuyện kể trên màn ảnh có khác gì với truyện kể trong văn chương? Cũng ngay từ dạo đó, người đọc và người xem phim thắc thỏm: Số phận của nhân vật chính Grigori Melekhov và cậu con trai của anh ta sẽ tiếp tục ra sao, sau cái kết cục trong sách và trên phim? Bởi lẽ, nhân vật Grigori Melekhov dù là một sáng tạo văn học , nhưng vẫn có một nguyên mẫu trong đời sống thực. Để làm sáng tỏ câu hỏi này, chúng tôi đã tìm tới Giáo sư - Tiến sĩ Andrei Venkov, một chuyên gia am tường về lịch sử người Cô dắc.




SỐ PHẬN GRIGORI MELEKHOV RA SAO, SAU KHI “SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM” KẾT THÚC?

TÔ HOÀNG

LẼ RA GRIGORI MELEKHOV KHÔNG NÊN VỨT KHẨU SÚNG TRƯỜNG XUỐNG SÔNG…
Giáo sư Andrei Venkov cho biết: Ở cả tiểu thuyết lẫn trong phim Grigori Melekhov đã phạm phải một sai lầm chết người. Chắc các bạn đã nhớ, trước khi trở về quê, Grigori Melekhov đã ném khẩu súng trường xuống sông. Thế mà bên “quân Đỏ ” có một quy định thế này: nếu anh mang súng nộp cho Ủy ban Cách mạng ở xã hoặc ở huyện, anh sẽ được coi như người đã hoàn lương. Còn nếu anh không nộp khẩu súng, lấy gì đảm bảo anh không chôn nó ở đâu đấy và tới lúc nào đó anh sẽ đào khẩu súng lên để chống đối chính quyền Xô Viết? Vì thế, người đọc, người xem xưa kia và hôm nay vẫn có quyền hoài nghi đối với sự “gột rửa của Grigori Melekhov, khi anh ta trở về trấn Tatarxky. Nếu ví như không có chi tiết ném khẩu súng xuống sông, Grigori Melekhov có thể còn sống tới đầu những năm 1930 ( cười )..

@ Vậy cái lý lịch sỹ quan của nguyên mẫu này ra sao, thưa Giáo sư?   
-Câu chuyện kể của tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” kết thúc vào năm 1922. Thực ra, ở vào thời điểm đó người ta đã có thái độ tương đối bình thường với cái quá khứ Bạch vệ rồi. Trong thời kỳ Nội chiến việc chuyển từ quân Trắng sang quân Đỏ được xem là chuyện tự nhiên. Những đơn vị Trắng hay Đỏ nhiều khi được hình thành từ số tù binh rơi vào tay bên này hay bên kia. Vào năm 1927 nhân dịp kỷ niệm 10 năm Cách Mạng Tháng Mười  có sắc lệnh coi tất cả những sỹ quan Bạch vệ xưa kia như những công dân Xô Viết bình thường. Và quả là tính đến thời điểm đó cuộc sống của anh em từng ở bên Trắng đã yên ổn được một số năm. Nhưng đến năm 1929 bỗng có sự thay đổi: một đạo luật ra đời. Anh em lại có thể bị vu oan, bị xét sử sai, thậm chí bị đem ra hành quyết. Và Grigori Melekhov-nếu xét như một con người có thật, khó lòng mà sống nổi qua những năm tháng này…

@ Giáo sư nói rằng, nạn thanh trừng ấy bắt đầu vào năm 1929, nhưng Kharlamnhi Ermakov-nhân vật nguyên mẫu giúp nhà văn Mikhail Solokhov sáng tạo nên nhân vật Grigori Melekhov đã bị mang ra bắn vào năm 1927?
-Ermakov đã trở thành nạn nhân của hoàn cảnh. Vào năm 1927 nước Nga rơi vào tình trạng báo động thời chiến. Liên Xô chuẩn bị đánh nhau với Ba Lan. Thế mà lúc đó Ermakov lại quyết định đứng ra ứng cử vào  Ủy ban Xô Viết địa phương. Anh ta rất có uy tín với bà con tại trấn Tatarxky và nếu bà con bỏ phiếu, anh ta sẽ trúng cử. Thế là nẩy sinh ra sự nghi ngờ trong những người lãnh đạo ở huyện, ở tỉnh: đất nước sắp chiến tranh, vậy một viên sỹ quan Bạch vệ định nhẩy vào chính quyền nhắm âm mưu gì đây? 

CON TRAI KẺ TỐ GIÁC ERMAKOV ĐÃ PHÁT ĐIÊN.
Xin lưu tâm bạn đọc những dòng này một điều: Kharlamnhi Ermakov là một nhân vật huyền thoại của vùng sông Đông. Anh ta bị bắt lần đầu vào ngày 23 tháng Hai năm 1923, sau khi trở về nhà được hơn hai tuần. Cũng lại không nên quên, Ermakov rời khỏi hàng ngũ Hồng quân với cương vị là người chỉ huy cấp sư đoàn thuộc quân đoàn kỵ binh số 1. Hầu như mọi người dân ở địa phương đều đứng lên bảo vệ anh ta. Trong hồ sơ truy tố Ermakov còn giữ được biên bản cuộc họp của bà con ở trấn Tatarsky. Mọi người đều nói rằng Ermakov không phải là kẻ cầm đầu cuộc khởi nghĩa tại vùng Vesensky. Ermakov ngồi tù một năm và tới năm 1924 thì được thả ra.

@ Chúng ta trở lại với lần thứ 2 Kharlamnhi Ermakov bị bắt. Không hề tìm ra được chứng cứ Ermakov đã nhạo báng và tham gia bắn giết những tù binh. Ngược lại có nhiều chứng cớ minh oan cho anh ta. Nhưng bất ngờ xuất hiện lời tố giác của một gã Andrei Aleksandrov nào đó, khẳng định: “Tại một trong những trận đánh diễn ra vào năm 1919 một tay Ermakov đã giết chết 18 người lính thủy. Còn trong thời gian đánh nhau ở sông Đông, dưới sự chỉ huy của Ermakov, quân Trắng đã dìm nước đến chết sặc gần 500 chiến sỹ Hồng quân, không tha bất cứ một ai”. Giáo sư có biết gì về kẻ vu không này không?
-Cái họ Aleksandrov rất hay gặp tại trấn Carghisky. Nhưng ai thực sự là kẻ tố giác thì rất khó khẳng định. Có một chi tiết này liên quan tới một cái tên khác- đó là Elankin- người được cho là tích cực “ báo hại ” Ermakov. Con trai của Elankin đã bị điên. Chính anh con trai này đã từng to  tiếng cho rằng mình mới thực sự là người viết ra tiểu thuyết “ Sông Đông êm đềm” chứ không phải là Mikhail Solokhov. Anh ta đã chết trong một bệnh viện tâm thần.

@ Hình như qua toàn bộ 3 tập “Sông Đông êm đềm” chí có 2 nhân vật Dunhia Melekhov và Miska Cosevoi còn kịp đón “tương lai tươi sáng”?
-Tôi nghĩ rằng Cosevoi dường như cũng không “đứng vững” nổi trong thời kỳ tập thể hóa nông nghiệp vì căn bệnh say mê quyền lực của anh ta. Khi vào năm 1932 xẩy ra nạn đói, một Ủy ban do Molotov đứng đầu đã được đặc phái về Ucraina và một tổ chức trấn áp do Lazar Caganovist cầm đầu đã tới vùng sông Đông..

@ Nạn đói ở miền Hạ lưu Volga có chạm lướt tới vùng sông Đông không,  thưa Giáo sư?  
- Có chứ! Có thể nói chắc chắn là vào hai năm 1932-1933, tại Ủy ban dân ủy vùng Rostov đã thành lập riêng một bộ phận phụ trách việc chống đói..Những chủ trương thái quá, gánh nặng của việc tập thể hóa nông nghiệp, nạn đầu cơ, công cuộc thanh trừng..tất cả điều đó đã dồn chất lên đôi vai cấp chính quyền địa phương. Nhiều người lãnh đạo cấp thấp đã bị xử bắn và cái cung cách xử thế kiểu Cosevoi khiến mọi người không chịu nổi. Các bạn hãy hình dung mà xem: phát lệnh đốt cả nửa thị trấn, cho bắn người không cần chứng cớ, không cần lập tòa án.. Rõ ràng là những người cùng thôn, cùng xóm không thể tha thứ cho anh ta. Tựa như mỗi người đều thâm thù anh ta, đều muốn làm hại hoặc dong anh ta đến hỏi tội trước sự phán xử tại tu viện.

                                         
Hai nhân vật G.Melekhov và Aksinhia trong phim  “Sông Đông êm đềm”


@ Trong mấy chương cuối của cuốn tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” chúng ta được chứng kiến trấn Tatarsky tựa như vắng ngắt bóng người. Còn trong cái gia đình lớn của dòng họ Melekhov chỉ còn lại mỗi mình Grigori (còn lại không lâu) và đứa con trai nhỏ của anh ta trong cuộc hôn nhân có giá thú với bà vợ Natalia. Trấn Tatarsky sẽ đón “một ngày mai tươi sángra sao ?
- Một dẫn chứng khá điển hình: Sau Nội chiến, các trấn trong vùng sông Đông đã mất đi một phần ba dân số. Tổng số dân Cô dắc tính cho tới trước ngày các sự kiện chúng ta vừa kể trên xẩy ra là 1,5 triệu người. 250 ngàn người Cô dắc đã chết trong mấy năm Nội chiến. Cũng áng chừng ngần ấy người chết vì bệnh hoạn, vì đói ăn, vì bom rơi đạn lạc…Theo cuộc kê khai dân số thực hiện vào năm 1926, đám trẻ nít và đám thiếu niên tạo nên một nửa số dân được tính là đàn ông. Trong các trấn như Tatarsky chỉ còn lại các cụ già, đàn bà và con trẻ. Nhưng các trấn không trở nên hoang phế. Người ta không cho phép người Cô dắc được bỏ làng, bỏ trấn. Đã tồn tại một chế độ quản lý con người như thế này: không ai được cầm trong tay giấy căn cước của mình, có nghĩa là anh không thể đi đâu ra khỏi thôn, khỏi trấn. Nếu một người Cô dắc bị bắt ở thành phố hay nơi nào đó mà trong tay không có thẻ căn cước sẽ bị ngồi tù 3 năm. Người Cô dắc chỉ thực sự được hưởng quyền tự do đi lại sau khi Stalin mất, áng chừng từ năm 1953 đến 1955. Đến lúc ấy thì cả một thác người Cô dắc tìm đường đến với các thành phố. Và các thôn xóm, các trấn mới thực sự thưa vắng bóng người.

THÊM VÀI DÒNG VỀ NGUYÊN MẪU CỦA GRIGORI MELEKHOV.
Kharlamnhin Ermakov sinh ngày 7 tháng Hai năm 1891 tại thôn Antipov, trấn Vesensky. Đã được thưởng huân chương Thánh Georghiev. Trở về sau Thế chiến I mang hàm thượng sỹ nhất. Đã tham gia cuộc khởi nghĩa tại trấn Vesensky. Sau này phục vụ trong Sư đoàn kỵ binh I của vị tướng Xô Viết lừng danh Budionnưi.Có tài sử dụng gươm. Với một đường gươm có thể chém đứt một thân bạch dương đường kính 20cm. Đã gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn Mikhail Solokhov nhiều lần ( giữa hai lần bị ngồi tù từ năm 1924 đến năm 1927 ). Bị xử bắn vào ngày 17 tháng Sáu năm 1927. Vào năm 1989, trong những năm đầu của Thời kỳ Đổi mới tại nước Nga Kharlamnhin Ermakov đã được minh oan “vì thiếu chứng cớ.