Tự truyện của Công Vinh nói riêng và đa số các cuốn tự truyện đương đại ở Việt Nam nói chung đều đang bị hiểu lầm lẫn một cách trầm trọng. Tự truyện (autobiography) vốn dĩ là một sản phẩm văn chương do nhân vật chính thủ bút chứ không phải nhờ qua một ai chấp bút thay mình cả. Bản thân từ tự truyện/ autobiography là một từ có gốc từ tiếng Hy Lạp với các thành phần chiết tự gồm auto là tự thân kết hợp với bio là đời sống và graphy mang ý nghĩa bản ghi. Nói tóm lại, tự truyện là một "bản ghi tự thân về cuộc đời mình". Theo quan điểm từ kinh nghiệm lịch sử văn chương, từ cuốn "Tự thú"  của Thánh Augustine cho tới tác phẩm kinh điển "Tự thú của Jean-Jacques Rousseau", tự truyện trước tiên phải mang tính văn chương cùng những dữ kiện cuộc đời được coi là sự thật theo nhãn quan của chính nhân vật.



CẦN THẬN TRỌNG VỚI TỰ TRUYỆN

VĂN ĐOÀN

Cuốn tự truyện của cựu danh thủ Công Vinh, có tên "Phút 89" vừa ra mắt đã gây xôn xao dư luận xã hội, đặc biệt là trong giới bóng đá. Tự truyện đang trở thành làn sóng, là mốt của những người nổi tiếng. Trước đó, tự truyện của Hoàng Thùy Linh cũng tạo ra nhiều tranh cãi trái chiều. Nếu nhìn lại những cuốn từng ra mắt của Thành Lộc, của Lê Vân, của Ái Vân…, chắc hẳn chúng ta dễ nhận ra: một cuốn tự truyện của nhân vật nổi tiếng có thể gây bão dư luận thế nào.

Tự truyện của Công Vinh nói riêng và đa số các cuốn tự truyện đương đại ở Việt Nam nói chung đều đang bị hiểu lầm lẫn một cách trầm trọng. Tự truyện (autobiography) vốn dĩ là một sản phẩm văn chương do nhân vật chính thủ bút chứ không phải nhờ qua một ai chấp bút thay mình cả. Bản thân từ tự truyện/ autobiography là một từ có gốc từ tiếng Hy Lạp với các thành phần chiết tự gồm auto là tự thân kết hợp với bio là đời sống và graphy mang ý nghĩa bản ghi. Nói tóm lại, tự truyện là một "bản ghi tự thân về cuộc đời mình". Theo quan điểm từ kinh nghiệm lịch sử văn chương, từ cuốn "Tự thú"  của Thánh Augustine cho tới tác phẩm kinh điển "Tự thú của Jean-Jacques Rousseau", tự truyện trước tiên phải mang tính văn chương cùng những dữ kiện cuộc đời được coi là sự thật theo nhãn quan của chính nhân vật.

Ở Việt Nam, những cuốn kiểu như "Phút 89"  của Công Vinh đáng được coi là gì? Nếu nói đúng, nó chỉ là một dạng hồi ức, ghi chép lại từ ký ức được biên tập lại bởi chính nhân vật và thêm một lần biến tấu nữa qua khả năng của người chấp bút mà thôi. Loại sách này, ở phương Tây được gọi tên là Memoir hoặc Biography tùy theo nội dung cụ thể của từng cuốn.
Đó chỉ là những vấn đề về hình thức. Điều đáng quan tâm hơn cả là nội dung. Chính những nội dung của các "tự truyện" gần đây đang tạo ra nhiều tranh cãi, sóng gió trong cộng đồng. Đơn giản, "tự truyện" nào cũng liên quan đến những đối tượng thứ ba xoay quanh nhân vật chính và một khi thông tin, dữ kiện được đưa ra có nhiều tính nhạy cảm, dễ được hiểu theo đa chiều khác nhau, nó dễ tạo nên mâu thuẫn lớn.

Trên thế giới, nguyên tắc là khi công bố tự truyện, dữ kiện liên quan đến người khác luôn phải đạt một độ chân thực xác định. Tất cả chúng ta đều hiểu, các mối quan hệ xã hội phức tạp đến mức nào. Trong sự phức tạp ấy, người kể chuyện sẽ luôn nhìn vào hướng có lợi cho mình chứ không phải nhìn một cách công minh, chân xác nhất, chấp nhận mình có thể đứng về phía bị nhìn nhận tiêu cực. Và chúng ta cũng đều nhận ra rằng, thực tế những nhân vật công bố tự truyện đều là những người có danh tiếng, có ảnh hưởng trong xã hội. Do đó, chuyện phải cân nhắc giữa sự thật với lợi ích hình ảnh cá nhân là không thể không có. Chẳng người nổi tiếng nào dại gì làm xấu hình ảnh của mình, đặc biệt là khi hình ảnh ấy đang mang lại những giá trị thương mại nhất định.

Trong tự truyện "Phút 89" của Công Vinh có chi tiết lãnh đạo CLB Bình Dương (ông Nguyễn Minh Sơn) đưa cho Vinh một bọc tiền để biếu ông HLV Lê Thụy Hải khi Vinh mới tới CLB. Sau đó, qua nói chuyện với ông Hải, Vinh quyết định không đưa tiền và mang trả ông Sơn. Ở chi tiết này, chúng ta nhận thấy sự mơ hồ. Nếu là một người kiên quyết chống lại nạn tiêu cực, mua suất đá chính, tại sao Vinh không từ chối ý định ấy ngay từ đầu, khi gặp ông Sơn? Hơn thế nữa, nếu chuyện ông Hải nhận tiền lót tay của cầu thủ để họ được ra sân đã thành lệ, đây rõ ràng là vấn nạn hối lộ. Nếu mức độ "tham nhũng bóng đá" kiểu này đủ nghiêm trọng, thậm chí có thể sẽ bị truy tố. Như vậy, rõ ràng tự truyện của Công Vinh đã ảnh hưởng rất nặng nề đến người có liên quan. Chính vì thế, khi có nhiều phản ứng từ người trong giới, Cục trưởng Cục Xuất bản, ông Chu Viết Hòa đã tuyên bố rằng "nếu có đơn kiện sẽ thu hồi Phút 89".

Có thể điều Công Vinh kể là sự thật, có thể không. Điều ấy chỉ Công Vinh hiểu. Nhưng từ "Phút 89" của Công Vinh, chúng ta nên phải thận trọng hơn với tự truyện, để trả nó đúng về với thể loại của nó.  Hơn nữa, để tránh đụng chạm tiêu cực đến người thứ ba nào đó. Bởi, đó chính là căn nguyên gây nên sự hỗn loạn trong môi trường văn hoá vốn dĩ đã ngày càng phức tạp hơn rất nhiều.