Nhớ về ông, tôi luôn nhớ và kính trọng nhân cách một con người, nhân cách Võ Văn Kiệt. Ở ông có một sức hút đặc biệt, một sự lôi cuốn không gì cưỡng nổi đối với tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ. Tất cả xuất phát từ phong thái, bản lĩnh, tấm lòng nhân ái và sức sáng tạo không biết mệt mỏi của một nhà lãnh đạo suốt đời vì dân. Ngay cả với những người dân bình thường, ông vẫn luôn bày tỏ thái độ trân trọng và gần gũi. Ai được tiếp xúc với ông Sáu Dân, dù chỉ một lần, cũng không thể nào quên được cung cách ứng xử vừa chân tình, cởi mở, vừa chu đáo ân cần của ông. Mọi người quý trọng gọi ông là ông Sáu, chú Sáu. Nụ cười hào sảng của ông thể hiện cái nhìn tràn đầy lạc quan, tin tưởng, “nụ cười vượt khó” trong những bước nghèo ngặt. Ngay cả khi đã thôi giữ trọng trách người đứng đầu Chính phủ, ông vẫn thường xuyên quan tâm đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; ông tỏ bày chính kiến và tâm huyết trước những vấn đề trọng đại của dân tộc và của đất nước.



10 NĂM XA VẮNG NGUYÊN THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT!

NGUYỄN MINH NGỌC

Đúng 10 năm trước, sáng ngày 11-6-2008 (nhằm ngày 8-5 năm Mậu Tý), tôi cùng một số anh chị em tham dự Trại viết của Tạp chí VNQĐ đương ghé thăm Tân Cảng - Cát Lái, thì nhận tin: nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từ trần! Thực sự ngay lúc ấy, tôi không tin vào tai mình nữa. Bởi trước hôm ông ra Hà Nội dự Đại lễ Phật đản, tôi vừa đăng ký với anh Trịnh (thư ký riêng của ông), xin một cái hẹn và chú Sáu đã đồng ý, vậy mà…

Ông chào đời ngày 22-11-1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, với tên khai sinh là Phan Văn Hòa (Chín Hòa), tên thân mật là Sáu Dân. Là con út trong một gia đình nông dân nghèo có tám người con, sáu trai, hai gái, Chín Hòa có số phận kỳ lạ. Do hoàn cảnh ngặt nghèo, ngay buổi còn trứng nước, cậu bé đã phải rời xa cha mẹ ruột, hằng ngày gia đình cha mẹ nuôi phải ẵm cậu đi bú nhờ bà con lối xóm. 12 tuổi, Chín Hòa làm mướn gánh nước, coi trâu cho nhà giàu. 14 tuổi, đi ở đợ làm công việc xay lúa, giã gạo, làm vườn... quần quật cả ngày. Phải chịu cơ cực từ tấm bé nên ông sớm được giác ngộ cách mạng. Về trình độ học vấn, ông chỉ được học trường làng, rồi sau ra học ở trường đời, khi hoạt động thì học ở anh em đồng chí, học trong lò lửa đấu tranh cách mạng.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, ông Võ Văn Kiệt từng được trao giữ nhiều trọng trách lãnh đạo Đảng, chính quyền từ quê hương Vĩnh Long, Sài Gòn - Gia Định nói riêng đến mảnh đất Nam Bộ nói chung và rộng ra trên phạm vi cả nước. Ở đâu ông cũng có những đóng góp to lớn và xuất sắc, để lại những dấu ấn không phai mờ trong lòng đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Có thể nói, Võ Văn Kiệt là một trong những kiến trúc sư hàng đầu của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Trong chiến tranh, ông Sáu Dân từng phải gánh chịu nhiều nỗi đau mất mát. Người vợ đầu cùng với hai con của ông bị bom Mỹ mất tích trong chuyến tàu Thuận Phong chở gần trăm người đi trên sông Sài Gòn ra căn cứ Củ Chi. Nhớ về ông, người dân thành phố mang tên Bác Hồ sẽ mãi còn lưu giữ hình ảnh về một ông “Chủ tịch gạo”, “Chủ tịch heo”, một người lãnh đạo gần dân, luôn trăn trở lo toan, thậm chí dám cả gan “xé rào” vì miếng cơm manh áo của người dân sau ngày đất nước thống nhất. Với thế hệ trẻ, chú Sáu Dân là người đặc biệt quan tâm đến từng bước trưởng thành của các cháu thiếu nhi, thanh niên, học sinh, sinh viên. Ngay trong những ngày khốn khó của thời bao cấp, ông từng khẳng định đầy tin tưởng: “Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán các em”.
Nhớ về ông, tôi luôn nhớ và kính trọng nhân cách một con người, nhân cách Võ Văn Kiệt. Ở ông có một sức hút đặc biệt, một sự lôi cuốn không gì cưỡng nổi đối với tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ. Tất cả xuất phát từ phong thái, bản lĩnh, tấm lòng nhân ái và sức sáng tạo không biết mệt mỏi của một nhà lãnh đạo suốt đời vì dân. Ngay cả với những người dân bình thường, ông vẫn luôn bày tỏ thái độ trân trọng và gần gũi. Ai được tiếp xúc với ông Sáu Dân, dù chỉ một lần, cũng không thể nào quên được cung cách ứng xử vừa chân tình, cởi mở, vừa chu đáo ân cần của ông. Mọi người quý trọng gọi ông là ông Sáu, chú Sáu. Nụ cười hào sảng của ông thể hiện cái nhìn tràn đầy lạc quan, tin tưởng, “nụ cười vượt khó” trong những bước nghèo ngặt. Ngay cả khi đã thôi giữ trọng trách người đứng đầu Chính phủ, ông vẫn thường xuyên quan tâm đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; ông tỏ bày chính kiến và tâm huyết trước những vấn đề trọng đại của dân tộc và của đất nước.

                                   
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhà văn Nguyễn Minh Ngọc!



Đầu năm 2005, tôi chuyển công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh. Là cán bộ biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và thường trực Tạp chí Văn hóa Quân sự ở phía Nam, lần đầu tiên tôi đến đặt ông Sáu Dân viết bài cho tạp chí. Biết lịch công việc của chú Sáu luôn xếp kín đặc, vì vậy, xin ông được vài chục phút quả thực hết sức quý giá. Thú thực, mặc dù nghe nói nhiều về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhưng khi được diện kiến với ông, tôi có phần e ngại. Vậy mà trong câu chuyện, ông nghiêng mái đầu tóc trắng như mây hỏi tôi về công việc xuất bản, về nhà cửa, vợ con rất thân tình, khiến tôi thêm tự tin. Ngồi hầu chuyện ông, được nghe giọng nói sôi nổi đầy âm sắc Nam Bộ của ông, tôi thấy xiết bao ấm lòng. Khi tờ  Văn hóa Quân sự (số 6) đăng bài “Côn Đảo, di sản lịch sử vô giá cần được tôn vinh xứng tầm”, tôi mang báo biếu và nhuận bút đến, ông nở nụ cười, gương mặt giãn những nét vui: “Nếu các đồng chí dám đăng thì tôi dám viết lắm chớ!”. Từ đó trở đi, ngôi nhà 16 Tú Xương, quận 3, trở thành địa chỉ quen thuộc với tôi. Dẫu bận rộn nhưng một khi đã hẹn, ông đều dành thời gian để tiếp và trò chuyện.

Giữa năm 2006, nhân sắp đến sinh nhật lần thứ 84 của chú Sáu Dân, tôi xin phép ông được tuyển chọn và tập hợp những bài viết, bài nói rải rác để in thành sách. Từ khâu xây dựng đề cương đến việc đặt tên sách, viết lời tựa, tôi đều chuẩn bị kỹ càng và mang đến trình bày xin ý kiến. Ông quyết định chọn một trong chín tựa sách do tôi đề xuất: “Võ Văn Kiệt - Đổi mới, bản lĩnh và sáng tạo”. Bìa sách do họa sĩ Võ Anh Thơ thiết kế đẹp và bắt mắt. Về bản thảo, tôi báo cáo với ông từng bài một. Riêng bài “Lấy từ bi diệt hận thù” ông viết nhân dịp Rằm tháng Bảy và đã đi  trên một tờ báo có đông độc giả tại thành phố, bài báo tuyệt hay, song cái tít thì xem ra ông vẫn còn chút băn khoăn. Ông gọi điện khuyến khích tôi tìm tòi thêm. Sau khi cân nhắc, tôi xin sửa: “Lấy từ bi cởi bỏ hận thù”. Ông bảo hay, hận thù chỉ có thể “cởi bỏ” chứ không thể nào “diệt” được. Các bài viết “Người Công giáo gặp Chúa trong lòng dân tộc”; “Đại đoàn kết dân tộc, cội nguồn sức mạnh của chúng ta”, thể hiện tầm nhìn cao rộng và tấm lòng nhân ái bao dung của một nhà lãnh đạo tầm cỡ.
Ở phần cuối sách, viết về chân dung các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, khi xuất hiện dưới dạng những bài báo lẻ, nơi này nơi khác có một số ý kiến phản hồi. Vì vậy, khi đưa vào sách, tôi xin phép ông được rà soát lại tí chút. Xong xuôi, tôi mang bản thảo sạch đến trình ông xem lại lần cuối, ông chấp thuận và đặt bút ký vào trang đầu, trang cuối. Cuốn sách hơn 400 trang, trình bày trang nhã, in đẹp, ra mắt bạn đọc như là một món quà mừng sinh nhật nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi biết ông rất vui.

Từ bấy giờ trở đi, tôi may mắn được hầu chuyện chú Sáu Dân nhiều lần. Trong số những việc vặt vãnh mà ông nhờ, tôi nhớ và lấy làm tâm đắc nhất là việc giúp ông thảo và hoàn chỉnh lá thư trả lời tác giả cuốn sách “Chuyện tướng Độ”. Bên cạnh phần nói về công lao của tướng Trần Độ, một danh tướng mà hầu hết những người có lương tri đều rất đỗi kính trọng, là một số đề xuất được ông chấp thuận. Ví dụ, đoạn kết sau đây: “… Đảng ta không chủ trương lấy công thay cho lỗi lầm; ngược lại cũng không vì có lỗi lầm mà phủ định hết giá trị của những cống hiến. Vấn đề ở đây phải rất công bằng, là đánh giá tác hại và ảnh hưởng đúng với sự thật khách quan, có sức thuyết phục, không chụp mũ và giá trị xác đáng của sự cống hiến (không cường điệu).
Hơn nữa, chúng ta cần xem xét thuộc quan điểm, chủ trương như trước đổi mới và đổi mới ban đầu và ở những chặng sau này. Có những cái đúng trước đây khi đổi mới và càng về sau lại càng sai, hoặc trước đây là sai nghiêm trọng nhưng khi đổi mới lại đúng như trường hợp đồng chí Kim Ngọc (Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú). Ngay cả đổi mới lúc đầu với mức hiện nay cũng có nhiều mức khác biệt, ngay trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Nhân tôi có đọc tập sách của Phùng Quán với tựa đề “Ba phút sự thật”, qua đó biết thêm về một lão thành cách mạng kỳ cựu Nguyễn Hữu Đang.
Lịch sử sẽ phán xét công minh, nhưng trước tiên mỗi một cá nhân cũng phải sòng phẳng với lịch sử. Với tinh thần ấy, tôi tin việc xuất bản cuốn sách “Chuyện tướng Độ” là việc làm kịp thời và hết sức có ý nghĩa!”.
Tiếp đó, theo sự phân công của Giám đốc (NXB QĐND) và được chú Sáu Dân đồng ý, sau một thời gian nghiên cứu và chuẩn bị, tôi xây dựng đề cương cuốn Hồi ký của ông. Bản đề cương đã được ông thông qua. Vài lần ông hẹn sẽ dẫn tôi đi cùng về lại những vùng đất mà ông đã từng sống và công tác ở miền Tây Nam Bộ, miền Đông, trong những năm tháng chiến tranh, nhưng rồi do công việc quá bận khiến ông vẫn chưa thể dứt ra được. Vậy là thêm một lần tôi lỗi hẹn với ông… Thấm thoắt, chú Sáu Dân đã đi vào cõi thiên thu tròn một thập niên!