Hồi ức của nhà văn Nguyễn Minh Ngọc: Tôi vẫn nhớ như in 10 năm về trước, lúc chiều muộn ngày 2-6-2008, Vân Hoài - con gái thứ hai của nhà văn Xuân Sách nhắn tin cho tôi: “Bố em… nặng lắm rồi!”. Tôi gọi điện ra thì được biết ông đang nằm cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, tình hình rất xấu. Biết vậy nhưng tôi vẫn mong manh hy vọng rồi ông cũng sẽ qua khỏi cơn nguy kịch như những ngày ở bệnh viện Thống Nhất hồi tháng 3 trước đó. Chẳng ngờ trái tim ông đã ngừng đập vào giữa đêm khuya hôm ấy. Đau quá, vậy là thêm một nhà văn nữa đã ra đi và tôi đã không giữ được lời hứa với ông về cuốn sách cuối cùng. Ông chưa kịp nhìn thấy tập truyện ngắn “Hoa mẫu đơn” do tôi biên tập và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành vừa đưa ra khỏi nhà in còn chưa ráo mực.




XUÂN SÁCH NGƯỜI VỀ “PHÍA NÚI BÊN KIA”

NGUYỄN MINH NGỌC

Xuân Sách họ Ngô, tuổi Nhâm Thân (1932) quê ở xã Trường Giang, Nông Cống, một vùng quê nghèo khó của xứ Thanh. Ông thuộc thế hệ các nhà văn quân đội đi qua hai cuộc chiến tranh, cầm bút “viết văn từ đời lính, vốn của lính” và văn nghiệp cũng trưởng thành từ những năm tháng trong quân ngũ. Hai mươi năm liền (1960-1980) Xuân Sách là thành viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội, cùng thời với các nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Hải Hồ, Nhị Ca, v.v… Ở ngôi nhà số 4, Xuân Sách được ví như một ông “đồ Thanh”, nổi tiếng hay chữ và hóm hỉnh. Ông từng là “bà đỡ” mát tay cho nhiều tác phẩm của các cây bút trẻ về sau trở thành những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi trên văn đàn. Trường hợp truyện ngắn “Hai người trở lại trung đoàn” của Thái Bá Lợi là một ví dụ. Đây là một truyện ngắn lạ và hay, đồng thời rất táo bạo, nhà văn Xuân Sách đã xử lý biên tập và cho in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bấy giờ, người khen rất nhiều, song cũng có không ít kẻ hậm hực cho rằng viết như vậy là “bôi nhọ” danh dự một sĩ quan quân đội, thậm chí có người còn xông đến cơ quan đòi “bắt” người biên tập.

Trong năm 1980, Xuân Sách cùng với một bậc đàn anh khác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội là nhà thơ Vũ Cao cùng chuyển ngành ra gánh vác công việc ở Nhà xuất bản Hà Nội vừa mới được thành lập, sáu năm liền ông giữ chức Phó giám đốc. Nhưng dường như chức tước, địa vị không thể ràng nổi bước chân kẻ sĩ vốn khao khát chân trời mới. Kế đó, theo lời mời của bè bạn, ông trẩy về phương Nam vào xứ Đồng Nai làm chuyên viên cho Nhà xuất bản của tỉnh này. Có thể coi đây như một chặng dừng chân ngắn ngủi trên lộ trình tìm bến đỗ bình yên cho những năm cuối đời của một kẻ sĩ. Từ đây, ông dịch chuyển xuống phía đông và định cư tại Ô Cấp (thành phố biển Vũng Tàu) khoáng đạt với những Bãi Trước, Bãi Sau thơ mộng. Suốt chục năm làm Chủ tịch Hội văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, ông đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển văn học nghệ thuật của địa phương. Trong quãng đời cầm bút của mình, ngoài bút danh Xuân Sách quen thuộc, ông còn ký Lê Hoài Đăng, lấy tên ba người con thân yêu ghép lại. Gọi ông là nhà văn thì quá đúng mà gọi là nhà thơ cũng hoàn toàn chính xác.

Về văn xuôi, Xuân Sách là tác giả của Đội du kích thiếu niên Đình Bảng từng làm say mê bao thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi; các tiểu thuyết: Mặt trời quê hương, Phía núi bên kia, Rừng bên sông, Cuộc hôn nhân bị đánh tráo; các tập truyện ngắn: Cô giáo làng, Đêm ra trận, Người ơi, người ở lại, Hoa mẫu đơn… Nhưng có lẽ phần cống hiến xuất sắc nhất của Xuân Sách vẫn là mảng văn học viết cho thiếu nhi.
Về thơ, Xuân Sách có các tập đáng chú ý như: Con suối mặt gương, Trong lửa đạn, Nơi đi và nơi đến, Đường xa, Cõi người… Đặc biệt, Chân dung nhà văn (1992) là một tập thơ được truyền tụng rộng rãi và gần như trở thành một thứ văn học dân gian trong hơn ba thập niên trước khi được in thành sách. Theo lời Xuân Sách kể lại thì ý tưởng làm thơ chân dung được nẩy ra trong lúc ông ngồi tập trung học chính trị vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Khởi đầu từ việc một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trọng Oánh viết rất độc về một đồng nghiệp ở Nhà số 4, ấy là nhà văn Xuân Thiều: “Văn nghiệp tiền trình khả điếu quân/ Mao đầu tận lạc tự mao luân/ Lưỡng kiên mai liễu phong trần lý/ Chuyển địa hà thời chuyển đắc ngân”. Xuân Sách dịch là: “Con đường văn nghiệp thương ông/ Lông đầu rụng hết như lông cái đầu/ Đôi vai gánh mãi càng đau/ Chuyển vùng nào nữa làm sao thành tiền?”. Trong đó, ĐÔI VAI (tập truyện ngắn), CHUYỂN VÙNG (tiểu thuyết) là tên tác phẩm của Xuân Thiều…
Lập tức, trong đầu Xuân Sách vụt lóe lên tia chớp: thơ chân dung! Người đầu tiên được ông chọn chọn để khắc họa là nhà văn Hồ Phương đang ngồi bên cạnh. Bài thơ có những câu thế này: Trên biển lớn lênh đênh sóng nước/ Ngó trông về xóm mới khuất xa/ Cỏ non nay chắc đã già/ Buồn tênh lại giờ thư nhà ra xem. Trong đó, tên các tác phẩm của Hồ Phương như “Trên biển lớn”, “Xom mới”, “Cỏ non”, “Thư nhà” được đưa vào rất nhuần nhị, ngụ ý rằng nhà văn này có viết gì đi chăng nữa cũng không hơn được “Thư nhà”. Tiếp nối mạch nguồn đã được khơi mở, từ đó, chân dung các nhà văn nhà thơ danh tiếng lần lượt được ra đời và được nhiều người chuyền tay, ca tụng và cổ vũ.

Nhà văn Xuân Sách tâm niệm: “Nói về đồng nghiệp cũng là nói về mình. Cái hay cái dở của một người cũng là của một thời”. Vì quá nổi tiếng nên tập thơ này có khá nhiều dị bản và do đó tác giả cũng gặp không ít phiền toái thậm chí bị vạ lây bởi cái sự xúc xiểm của người đương thời. Năm 1992, khi Nhà xuất bản Văn học quyết định cho ra mắt bạn đọc tập thơ độc đáo này, để gạt bỏ những dị bản ngoài luồng, tác giả thủ bút chép đủ 99 chân dung và cuối cùng là tự họa về mình, sau đó chụp phim và đưa in. Cái tài tình của Xuân Sách là chỉ dựa vào tên một số tác phẩm của từng nhà văn mà khắc họa sinh động chân dung và lột tả được tính cách và thậm chí cả các “phốt” của chính họ, dù hầu hết các bài không nêu tên ai (ngoại từ TMH) nhưng bạn đọc yêu văn chương đều có thể dễ dàng nhận ra từng gương mặt. “Chân dung nhà văn” ra mắt bạn đọc là một sự kiện trong đời sống văn học lúc bấy giờ, khiến dư luận dậy sóng. Xung quanh tập thơ nổi tiếng này có nhiều giai thoại và nhiều lời đồn thổi. Tôi biết bên cạnh nhiều người yêu quý và kính trọng Xuân Sách, thì cũng có không ít kẻ hậm hực với ông. Nhưng giờ đây thì mọi sự yêu ghét phỏng còn có nghĩa lý gì nữa. Nghe nói một số bài trong tập thơ chân dung ấy đã được chọn khắc lên bia mộ của nhiều nhà văn nhà thơ đã khuất, chắc hẳn điều đó không phải là ngẫu nhiên.

Xuân Sách có khá nhiều bài thơ hay, nhưng có một bài được nhiều người truyền tụng, đó là bài Ước mơ nói về nạn bằng cấp rởm, được in trên Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Xin chép ra đây hầu bạn đọc:
Gia đình khoa bảng ngày một đông vui.
Cử nhân, tú tài đi đâu cũng gặp.
Ông thạc, ông nghè lắm quá đi thôi,
Tôi cúi đầu thành tâm bái phục.
Tôi theo đòi đèn sách đã bao năm,
Đường học vấn vẫn ì à, ì ạch.
Đâu dám mơ thi Hội với thi Hương,
Khi chưa đỗ phổ thông nhân cách!
Xuân Sách còn là một thi sĩ rất có duyên với âm nhạc. Khá nhiều bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ có tên tuổi phổ nhạc và nhanh chóng trở nên quen thuộc với công chúng. Cánh lính trẻ thời đánh Mỹ, trên đường ra mặt trận hỏi mấy ai chưa từng một lần cất lên tiếng lòng:
Qua núi, qua sông, qua đồng lúa chín,
ta nghe xao xuyến tiếng gọi thiết tha.
Ngọn lửa trong tim những chiều hành quân,
sáng lên lời ca những người anh hùng.
Qua đất trung du xanh màu lá biếc.
Quê anh yêu dấu tím đỏ đồi sim
               “Cùng anh tiến quân trên đường dài” (Nhạc Huy Du, lời thơ Xuân Sách)
Những ngày cuối tháng 12-1972, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân, dùng máy bay B52 ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác, hòng đẩy miền Bắc Việt Nam “trở lại thời kỳ đồ đá”. Quân và dân ta với nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân đã mưu trí, dũng cảm, làm nên một trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy. Một buổi sáng, qua làn sóng điện của Đài tiếng nói Việt Nam, tôi lặng người khi nghe bài hát “Việt Nam trên đường chúng ta đi” (nhạc Huy Du, lời thơ Xuân Sách):
Miền Nam ơi! Miền Nam!
Hỡi những dòng sông soi bóng dừa xanh
Những đỉnh núi khuất mây mờ xa tắp.
Ta sẽ đến nơi đâu còn giặc, ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên…
Thú thực lúc ấy, chúng tôi đã không còn tâm địa nào để nghĩ đến chuyện học hành nữa. Gần cuối cuộc chiến tranh, đầu năm 1975, tôi được lệnh nhập ngũ. Cuối tháng 10 năm ấy, từ bộ binh tôi chuyển về Quân chủng PK - KQ, đơn vị đóng ở Trại Cờ, Phố Thắng, huyện Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Tôi nhớ mãi lần đầu tiên được gặp và làm quen với nhà văn Xuân Sách và gia đình ông. Biết tôi máu mê văn chương, tiểu đoàn trưởng Cao Võ Giảng, nguyên là một phi công trực thăng đã nhiệt tình dắt tôi đến giới thiệu với nhà văn. Sau khi nghe sếp của tôi đặt vấn đề, nhà văn Xuân Sách liền nheo mắt cười và bảo: “Về kiếm cỗ xôi, con gà làm lễ nhập môn!”. Mối thâm tình của thầy trò chúng tôi bắt đầu từ dạo ấy. Bẵng đi hàng chục năm, đến cuối năm 1994, tôi mới có dịp gặp lại ông tại Nha Trang. Và trong cuộc hội ngộ lần ấy, với chiếc máy ảnh Pentax, chụp bằng phim Kodak, tôi đã lưu được một khoảnh khắc thần thái đặc biệt của nhà văn Xuân Sách.

Năm 2001, tôi vào dự trại viết ở Nhà sáng tác Vũng Tàu. Hay tin, vào mỗi sáng nhà văn Xuân Sách thường cưỡi con xe Cub 81 cà tàng đến thăm chơi và những cuộc trò chuyện của ông tưởng chừng không thể dứt ra được. Có hôm, ông thân chinh chở tôi về nhà riêng, cô Tú (vợ ông) đã chuẩn bị sẵn đĩa nem rán nóng hôi hổi để hai thầy trò lai rai bia bọt. Cuối năm 2003, nhà văn Xuân Sách cẩn trọng viết lời đề tựa cho 2 tập truyện dài “Đất thiêng” của tôi, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

Những năm cuối đời, sức khỏe của nhà văn Xuân Sách sút giảm nhiều, người ông gày gò, trên mái đầu trắng nom tóc dựng lên như cước. Năm 2007, lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (quận 3, TP. Hồ Chí Minh), từ Vũng Tàu ông đi xe đò lên rất sớm. Trong cuộc lễ hôm ấy, ông tin cậy nói sẽ gửi tôi tập bản thảo truyện ngắn, đồng thời lần đầu tiên ông hé lộ cho tôi biết thêm về một vài bản thảo đình đám khác sắp hoàn thành. Tôi lặng lẽ xiết chặt tay ông thay cho lời hứa. Buổi trưa hôm ấy, tiệc tùng xôm tụ, xung quanh các đồng nghiệp ồn ào, nhưng tôi quan sát thấy nhà văn Xuân Sách chỉ đụng đũa loa qua vài miếng lấy lệ rồi lặng lẽ cáo lui. Nhìn cách ăn uống uể oải của ông, tôi những thấy âu lo trong lòng…

 Có thể nói ngoài những cuốn sách đã ra mắt bạn đọc, nhà văn Xuân Sách còn có những “tác phẩm” quan trọng khác, đó là những người con của ông, vừa trai, vừa gái. Những ngày ông ngã bệnh nằm cấp cứu ở bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, người con trai cả Ngô Nhật Đăng cùng em gái là Vân Hoài bỏ công việc ở Hà Nội bay vào túc trực bên bố. Cùng với Lê, Văn, mấy anh em tập trung tiền bạc, thuốc men thay nhau tận tình chăm bố suốt cả tháng trời. Nhìn cảnh Vân Hoài mắt trũng sâu vì thiếu ngủ, vừa xoa bóp nắn tay cho bố, vừa ân cần rủ rỉ trò chuyện trong khi ông vẫn nằm mắt nhắm nghiền bất động, tôi nao lòng. Chính trong giây phút ấy, tôi chợt ngộ ra một điều là với mỗi con người chứ không cứ gì các nhà văn, thì con cái mới chính là “tác phẩm” để đời của họ.
Khi mấy anh em Đăng quyết định đưa bố ra Hà Nội để tiếp tục chạy chữa, tôi thường xuyên liên lạc và nghe Vân Hoài báo tin là tình trạng sức khỏe của ông có phần tiến triển khá. Tôi đã vội mừng thầm, vậy mà không lâu sau đó ông đã ra đi vĩnh viễn. Không thể ra Hà Nội kịp để tiễn biệt nhà văn Xuân Sách, tôi đành nhờ anh chị em ở Phòng biên tập Văn nghệ của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân mang sách cùng hoa đến viếng, đồng thời xin được hóa một cuốn truyện ngắn Hoa mẫu đơn để gửi ông đọc nơi chín suối. Thể theo di nguyện, linh cữu của ông được đưa về quê hương Nông Cống, an nghỉ bên phần mộ tổ tiên.

Nhớ về ông, tôi luôn nhớ một nhà văn tài hoa sống ngay thẳng và trung thực hết mình. Sinh thời, nhà văn Xuân Sách không chịu nổi sự tha hóa của con người. Ông đau nỗi đau nhân thế và chỉ ước sao cho mọi người sống tốt với nhau hơn, ngẩng cao đầu mà sống cho ra tư thế một Con Người! Vâng, nhoáng cái, Xuân Sách đã về “Phía núi bên kia” chẵn 10 năm! Vân Hoài, người con gái thứ hai của ông, em cũng đã theo hầu bố.