Báo chí đã từng đề cập một số hoạt động vinh danh, trao giải thưởng cho doanh nghiệp, doanh nhân được tiến hành theo phương thức đóng tiền, thậm chí công khai mức tiền cụ thể là bao nhiêu. Điều này xem ra cũng không đáng trách, vì thời buổi này liệu có mấy ai làm việc không công, nhưng nếu lợi dụng danh nghĩa của tổ chức mình để kiếm chác lại là chuyện khác, bởi như vậy rất dễ tùy tiện, thiếu nghiêm cẩn, rồi từ đó vinh danh, trao giải thưởng cho doanh nghiệp, doanh nhân không xứng đáng. Và mỗi lần nghe tin một doanh nhân từng được vinh danh, trao giải thưởng phải đứng trước tòa, là tôi lại băn khoăn với mấy câu hỏi: Không biết khi họ vướng vòng lao lý thì nơi tổ chức vinh danh, đã trao giải thưởng cho họ có thấy ân hận, vì xét đến cùng đó là hành vi dung túng, tiếp tay cho cái sai, cái xấu lường gạt người tiêu dùng? Tại sao khi sự việc diễn biến theo chiều hướng xấu, họ không công khai rút lại các danh hiệu, giải thưởng đã trao?  



TỈNH TÁO, KHÔNG DUNG TÚNG CHO CÁI XẤU, CÁI SAI

NGUYỄN HÒA

Vài chục năm trước, có ông bạn rủ tôi đi ăn trưa. Vừa gặp nhau, thấy hắn cưỡi trên “con Dream” mới coóng, tôi phục lăn. Vì hồi ấy Honda Dream đang là ước mơ của rất nhiều người. Bạn tôi phục viên mấy năm trước, về nhà là hắn bắt tay vào sự nghiệp buôn bán kinh doanh. Sự nghiệp này thì hắn tâm sự từ hồi hai thằng còn ở biên giới. Có lẽ thấy tôi nhìn “con Dream” với ánh mắt thán phục, hắn cười khơ khớ rồi nói: “Không phải xe của tôi đâu, đi thuê đấy!”. Thuê chiếc xe oách xà lách để đi chơi cũng là một sự lạ nên tôi gặng hỏi, hắn bảo thuê xe để sáng đi gặp đối tác làm ăn. Họ nhìn chiếc xe sẽ tin cậy mình hơn, dễ kết nối.
Về sau lại một anh khác, thấy tôi đôi lần xuất hiện trên vô tuyến truyền hình, anh đề nghị tôi nói khó với nhà đài để hôm nào có chương trình mời tôi tới trường quay thì cho anh theo. Anh chỉ ngồi bên, không cần nói gì, miễn là chân dung của anh xuất hiện trong khuôn hình, anh sẽ chi phí dưỡng. Hồi ấy tôi cũng ngố, nghe anh nói, tôi lại nghĩ chắc là anh muốn lấy le với ai, liền phá ra cười. Anh giải thích, nghề của anh là xin quảng cáo, việc anh xuất hiện trên vô tuyến truyền hình giúp anh dễ liên hệ quảng cáo hơn. Ra là vậy! Tôi không cười nữa mà chuyển sang chối đây đẩy, rằng nếu có được mời, tôi cũng chỉ là khách, có biết ai vào ai đâu mà có thể đề nghị họ giúp anh.
Về sau tôi nghe kể nhiều chuyện chẳng biết thực hư ra sao. Đại loại là một số người bắt đầu phất lên từ tiểu xảo khó ngờ, tỷ như để làm quen thủ trưởng cơ quan nọ, có ông buổi chiều đứng rình ở cổng, chờ thủ trưởng vào nhà rồi đi theo xe, đến nhà thư ký, lân la làm quen. Lại có ông đi họp, xin vị lãnh đạo cho chụp chung kiểu ảnh, về phóng to treo giữa phòng khách, đối tác làm ăn đến nhà chơi, nhìn mà kính nể! Ngày trước, có lần tôi đi cùng một vị lãnh đạo thăm một doanh nghiệp tư nhân nổi tiếng thời đó. Lúc chia tay, chủ doanh nghiệp đề nghị chụp chung kiểu ảnh. Tôi không thích chụp ảnh như vậy, nhưng vì đoàn chỉ có mấy người, đứng ngoài không tiện, tôi đành đứng vào, cũng cười tươi rói. Chụp xong rồi quên. Dè đâu sau đó bạn tôi đến doanh nghiệp kia về kể lại, thấy trong phòng khách có treo bức ảnh to đùng, trong đó có tôi đang cười toe toét! 
Dần dà xem ra mấy trò vè như trên dường như chỉ còn là tiểu xảo vặt, dẫu “người khôn, của khó” thì chuyện làm ăn, kinh doanh lâu nay đã không còn như trước nữa mà hoành tráng hơn nhiều. Và tỷ lệ thuận với sự hoành tráng là một số doanh nhân cũng hoàng tráng hơn. Không dám xông vào nhưng lại hay tò mò quan sát, rồi vì tò mò quan sát nhiều mà tôi nghiệm ra một điều là giới doanh nhân phát triển cũng là cơ hội để một số người lợi dụng làm điều bất chính. Điều đáng buồn là số doanh nhân làm ăn bất chính này lại thường được trao - nhận - gắn nhiều danh hiệu mỹ miều, từ  “Quý bà thành đạt”, “Người đương thời”, “Doanh nhân của năm”,… cho đến “Gương mặt tiêu biểu toàn quốc”, “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, “1000 doanh nhân tiêu biểu của cả nước”,… được trao một số loại huy hiệu, kỷ niệm chương…
Điểm danh qua báo chí, sơ sơ có thể thấy: “quý bà thành đạt” kiêm Á hậu 1 cuộc thi “Hoa hậu Phu nhân người Việt toàn cầu 2012” Trương Thị Tuyết Nga bị xộ khám với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “người đương thời” Nguyễn Đình Chiến nhận án tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “doanh nhân của năm” Nguyễn Đức Kiên nhận bản án 30 năm tù vì các tội danh kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo, cố ý làm trái; một trong 1.000 “doanh nhân tiêu biểu của cả nước” được tôn vinh dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là Nguyễn Ngọc Minh lại nhận án 3 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”; “cựu đại biểu Quốc hội”, nguyên Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội Châu Thị Thu Nga nhận án chung thân về tội “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; và mới đây, Lê Thị Hương - người giắt lưng các danh hiệu “vì sự nghiệp ngành thương mại”, “vì sự nghiệp hợp tác xã”, “nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, “cúp Bông hồng Vàng”,… bị cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì có hành vi vi phạm pháp luật… 
Dù dị ứng với thói “bé xé ra to”, cũng không chỉ chú mục săm soi khuất tất của người khác, nhưng quả thực theo tôi, liệt kê trên đây chứa đựng dấu hiệu gì đó không bình thường. Đến mức tới gần đây, thi thoảng đọc báo hay xem vô tuyến truyền hình thấy câu chữ, hình ảnh tổ chức tôn vinh dành cho doanh nhân là tôi lại không thấy an tâm, thậm chí còn lo ngại. Vì hễ thấy mấy chục doanh nhân cổ khoác vòng nguyệt quế, tay bê khung kính giấy chứng nhận hoặc “cúp” kỷ niệm đang tươi cười đứng trên sân khấu, là tôi lại băn khoăn với câu hỏi rằng không biết trong số mấy chục người đó liệu rồi đây có ai bị xộ khám hay không?
Có thể tiếp cận nguồn cơn đẩy tới điều mà tôi gọi là dấu hiệu gì đó không bình thường từ hai bình diện: hoặc nơi tổ chức vinh danh, trao giải thưởng đã dễ dãi, không kiểm tra chặt chẽ để chọn đúng người, nên để lọt vào danh sách cả người không xứng đáng; hoặc người được vinh danh, trao giải thưởng dấu diếm quá kỹ hành tung tiêu cực, chỉ tới khi bị phát hiện, tội danh đã được khẳng định, án tù đã tuyên thì con người thật của họ mới lộ ra, và họ tự chứng tỏ không xứng đáng với sự vinh danh, giải thưởng đã nhận. 
Ở Hà Nội có hai cửa hàng đem lại cho tôi nhiều ấn tượng lành mạnh, đó là cửa hàng Quốc Hương chuyên sản xuất và kinh doanh giò, chả, bánh chưng ở số 9 Hàng Bông; và cửa hàng Nguyên Ninh chuyên sản xuất và kinh doanh bánh cốm, bánh xu xê, mứt sen ở số 11 Hàng Than. Mặt tiền không rộng rãi, không ở vị trí đắc địa, so với vô số cửa hàng ở Hà Nội, hai cửa hàng này thua xa về kích cỡ, sự lòe loẹt của biển hiệu, nhưng tôi đoan chắc về số lượng người hằng ngày tấp nập tay xách nách mang ra vào thì Quốc Hương và Nguyên Ninh là ước mơ của nhiều cửa hàng khác. Không quảng cáo rầm rĩ, không xuất đầu lộ diện trước truyền thông để tâm sự về sự nghiệp, về ước mơ sẽ mang miếng ăn ngon đến với loài người, cũng chưa thấy được vinh danh hay được trao giải thưởng,… mà chỉ bằng chất lượng sản phẩm và sự chân thành, hai cửa hàng này đã hấp dẫn khách hàng đến mức báo chí tìm đến họ. Hình ảnh trước Tết khách hàng xếp hàng hàng trăm mét để mua bánh chưng, giò, chả được công bố trên nhiều tờ báo cho thấy rõ điều này.
Lại nhớ mấy năm trước sang Pháp chơi, tôi mua bánh cốm, bánh xu xê ở Nguyên Ninh biếu anh chị con bác ruột. Cầm hộp bánh trên tay, chị dâu tôi hỏi: “Cửa hàng này vẫn bán bánh này à chú?”. Câu hỏi của chị dâu làm tôi hiểu, uy tín của cửa hàng đã có từ hơn nửa thế kỷ trước, khi chị dâu tôi còn ở Hà Nội. Sau tìm hiểu thì biết, cửa hàng ra đời năm 1865, đã trải qua 6 đời làm bánh, tức là cách hôm nay đã 153 năm!
Tuy nhiên, khi quảng cáo đã trở thành bộ phận không thể tách rời của quá trình sản xuất - kinh doanh thì quảng cáo trở thành bình thường, và trên thực tế, vô vàn hình thức quảng cáo đã ra đời, tràn ngập trong cuộc sống hàng ngày. Mà xét đến cùng, mọi hoạt động quảng cáo đều hướng tới mục đích tạo niềm tin với người tiêu dùng, khiến họ tìm đến sản phẩm được quảng cáo. Vì thế từ phương diện nhất định có thể nói, vinh danh hay trao tặng thưởng, giải thưởng cho một doanh nghiệp, doanh nhân nào đó cũng trực tiếp góp phần quảng cáo sản phẩm doanh nghiệp, doanh nhân đang sản xuất, kinh doanh.
Về mặt tâm lý, tuy cùng một loại hàng hóa, nhưng trong khi lựa chọn, người tiêu dùng thường hướng đến sản phẩm trên bao bì có dòng chữ bảo đảm chất lượng in kèm theo hình ảnh giải thưởng, cúp của tổ chức nào đó đã trao, thường thờ ơ trước sản phẩm chưa được dán nhãn bảo đảm. Theo tôi, đây chính là điều làm “doanh nhân bất lương” lợi dụng và giải thưởng, cúp mà họ đã nhận sẽ góp phần làm người khác tin cậy hơn để rồi gửi tiền góp vốn, cho vay, hoặc mua hàng dỏm, hàng giả do họ sản xuất.
Báo chí đã từng đề cập một số hoạt động vinh danh, trao giải thưởng cho doanh nghiệp, doanh nhân được tiến hành theo phương thức đóng tiền, thậm chí công khai mức tiền cụ thể là bao nhiêu. Điều này xem ra cũng không đáng trách, vì thời buổi này liệu có mấy ai làm việc không công, nhưng nếu lợi dụng danh nghĩa của tổ chức mình để kiếm chác lại là chuyện khác, bởi như vậy rất dễ tùy tiện, thiếu nghiêm cẩn, rồi từ đó vinh danh, trao giải thưởng cho doanh nghiệp, doanh nhân không xứng đáng. Và mỗi lần nghe tin một doanh nhân từng được vinh danh, trao giải thưởng phải đứng trước tòa, là tôi lại băn khoăn với mấy câu hỏi: Không biết khi họ vướng vòng lao lý thì nơi tổ chức vinh danh, đã trao giải thưởng cho họ có thấy ân hận, vì xét đến cùng đó là hành vi dung túng, tiếp tay cho cái sai, cái xấu lường gạt người tiêu dùng? Tại sao khi sự việc diễn biến theo chiều hướng xấu, họ không công khai rút lại các danh hiệu, giải thưởng đã trao?  


Nguồn: Tinh Hoa Việt