Phải nói ngay rằng trong số các nhà văn, nhà thơ Việt
Nam từng gắn bó với xứ thùy dương cát trắng Nha Trang thì Đào Xuân Quý là một
nhân cách khá đặc biệt. Năm 1984, lần đầu tiên trong đời, tôi được gọi ra Hà Nội
dự trại viết. Tại đây, tôi được gặp nhiều văn nhân nức tiếng trên văn đàn Việt.
Khi hầu chuyện cụ Kim Lân, biết tôi ở Nha Trang, nhà văn xứ kinh Bắc vốn rất kiệm
lời, trầm ngâm một lúc, cụ bẩu ở Khánh Hòa có anh Đào Xuân Quý! Mấy mươi năm đã
trôi qua, tôi vẫn còn giữ mãi cái ấn tượng lần đầu tiên được diện kiến cụ Đào.
Sự uyên bác mà vẫn chân tình, giản dị, không chút màu mè, kiểu cách. Thoạt
trông ông có phong cách của một học giả hơn là một thi sĩ.
ĐÀO
XUÂN QUÝ TÀI HOA VÀ CHÍNH TRỰC
NGUYỄN MINH NGỌC
Đến tận bây giờ tôi mới thấm thía sự trống vắng khi
một con người mà mình hằng yêu quý và kính trọng đã bay vào cõi thiên thu. Mỗi
lần từ Sài Gòn về Nha Trang thăm nhà, dù vội đến mấy tôi cũng chạy ù đến thăm cụ
Đào Xuân Quý. Hai chú cháu hoặc ngồi trò chuyện luôn trong thư phòng vây quanh
gồm những giá sách kín đặc của ông, hoặc là đàm đạo ngay trên chiếc bàn đá kê
trước mảnh sân vườn rợp bóng lá. Trong câu chuyện của mình, bao giờ ông cũng
đau đáu một nỗi niềm trước những bước trồi trụt của nền văn học nước nhà, vì thế,
tâm sự gói lại thường là buồn nhiều hơn vui. Nhưng không vì thế mà nhà thơ bi
quan, điều ấy tôi chưa từng thấy ở con người ông. Mùng hai Tết Đinh Hợi 2007, vợ
chồng tôi đến thăm và chúc Tết nhà thơ Đào Xuân Quý, ông vẫn vậy, vóc hạc dáng
mai. Thấy chừng ông vẫn khỏe khoắn, mẫn tiệp và ung dung tự tại, tôi thầm yên
tâm. Tới lúc chia tay, ông nói nhẹ tênh:
- Ra giêng, chú sẽ đi Hà Nội một chuyến để thăm anh
em, bè bạn. Sợ chậm trễ e không còn kịp nữa cháu à!
Cứ nghĩ là thi sĩ đương nói về những bạn văn sắp héo
của mình ở Hà Nội, tôi xiết chặt bàn tay gầy guộc của ông. Hai chú cháu lặng
nhìn nhau hồi lâu. Thật không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông. Một
ngày đầu tháng 5-2007, tôi nhận được tin dữ: trái tim của nhà thơ Đào Xuân Quý
đã ngừng đập! Do kẹt công chuyện, tôi đã không kịp về tiễn biệt ông. Ngay trong
đêm ấy, bên bờ sông Sài Gòn, tôi đứng lặng nhìn từng dề lục bình lờ lững trôi,
cảm giác trống vắng không để đâu cho hết. Trở về phòng, tôi ngồi định viết một
bài hồi tưởng về ông, nhưng kỳ lạ thay, mấy ngón tay tôi dường như bị cóng lại
trước bàn phím máy tính. Lòng buồn rượi và day dứt, đã khiến tôi không viết nổi
lấy một dòng.
Phải nói ngay rằng trong số các nhà văn, nhà thơ Việt
Nam từng gắn bó với xứ thùy dương cát trắng Nha Trang thì Đào tiên sinh là một
nhân cách khá đặc biệt. Năm 1984, lần đầu tiên trong đời, tôi được gọi ra Hà Nội
dự trại viết. Tại đây, tôi được gặp nhiều văn nhân nức tiếng trên văn đàn Việt.
Khi hầu chuyện cụ Kim Lân, biết tôi ở Nha Trang, nhà văn xứ kinh Bắc vốn rất kiệm
lời, trầm ngâm một lúc, cụ bẩu ở Khánh Hòa có anh Đào Xuân Quý! Mấy mươi năm đã
trôi qua, tôi vẫn còn giữ mãi cái ấn tượng lần đầu tiên được diện kiến cụ Đào.
Sự uyên bác mà vẫn chân tình, giản dị, không chút màu mè, kiểu cách. Thoạt
trông ông có phong cách của một học giả hơn là một thi sĩ.
Nhà thơ kiêm dịch giả nổi tiếng Đào Xuân Quý chào đời
tại Lao Bảo (Quảng Trị) và lớn lên ở Ninh Hòa, Khánh Hòa. Nhưng gốc gác của ông
lại ở làng Kim Trì (nay là xã Phước Hòa), huyện Tuy Phước, Bình Định, nghĩa là
chỉ cách ngôi làng Tùng Giản, quê ngoại của Xuân Diệu bởi con sông Gò Bồi. Ngay
từ thời học tiểu học, cuốn sách Đavid Copperfiel của Charles Dickens - văn hào
Anh, đã dắt ông đến với văn học. Nhưng con đường hoạt động văn chương của ông
không mấy thuận lợi, bằng phẳng. Khởi đầu bằng những bài thơ thuở học trò sôi nổi
ở trường Khải Định, Huế, cùng thời với Phạm Hầu, sau đó bị đứt quãng do chiến
tranh cùng nhiều biến cố khác. Điều đáng khâm phục ở Đào Xuân Quý phải kể đến sức
học và khả năng tiếp cận ngoại ngữ. Chỉ được thọ giáo nhờ bởi mấy ông cố đạo mà
thành thạo cả hai thứ tiếng Anh, Pháp, kể cũng hiếm!
Từ năm 1943, Đào Xuân Quý đã có tập thơ đầu tay Kết
đọng phảng phất hơi hướm thơ lãng mạn phương Tây và cùng dòng cảm hứng với trường
phái “Thơ mới” lúc bấy giờ. Khi cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, giống như
phần đông những trí thức chân chính khác, hăng hái tham gia công việc tại thị trấn
Ninh Hòa, Khánh Hòa, rồi làm Ủy viên giáo dục ở địa phương. Với vốn ngoại ngữ phong
phú của mình, ông được cử tham gia Ban liên kiểm Việt - Pháp tại Ninh Hòa. Từ Ban
địch vận Liên khu 4, Đào Xuân Quý ra Thanh Hóa làm ở Tòa soạn báo Kháng chiến
thuộc Hội văn nghệ Liên khu 4. Giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp, ông về Ban tuyên huấn Liên khu 5, sau chuyển sang làm Trưởng tiểu ban
Giáo dục của Khu ủy khu 5… Năm 1954, tập kết ra Bắc, ông công tác trong ngành
ngoại giao. Quả thật, nếu cứ yên phận với công việc của một nhà ngoại giao thì
hẳn cuộc đời Đào Xuân Quý đã rẽ sang một hướng khác, rất có thể là sẽ an nhàn
và sung túc hơn rất nhiều…
Đầu thập niên 60 (thế kỷ XX), với “mắt xanh” của
mình, nhà thơ Xuân Diệu đã kéo Đào Xuân Quý trả về với văn chương. Từ Tạp chí
Văn nghệ qua Nhà xuất bản Văn học, đến Tập san Văn học nước ngoài, rồi lại về với
tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, ở đâu, Đào Xuân Quý cũng để lại dấu ấn rất
riêng của mình. Trở lại với văn học trên cả ba lĩnh vực: thơ, lý luận phê bình
và dịch thuật, là điều không phải bất cứ người cầm bút nào cũng có thể làm được,
bởi ngoài tài năng ra nó còn đòi hỏi một vốn văn hóa phong phú.
Về thơ, có thể nói từ cái mốc “Trở lại Nghĩa Đàn”,
Đào Xuân Quý đã tìm thấy hồn thơ tươi mới của mình, ông mở lòng ra với cuộc sống
lao động và chiến đấu của nhân dân. Nhờ vậy mà thi sĩ có được những tập thơ
đáng chú ý như: Gió sông Hồng, Đất này… năm tháng, Trong màu nắng, Gió và sóng.
Và gần đây nhất là Tiếng chim sáng, v.v… Nhưng phải nói ngay rằng thơ Đào Xuân
Quý không phải là thứ thơ thời thượng, triết lý uốn éo, mà là một hồn thơ thuần
khiết được khởi từ mạch nguồn trong trẻo của cuộc sống. Ông quan niệm: “Thơ xưa
nay vẫn là việc của tâm hồn chứ không phải việc của trí thông minh, mặc dù nhà
thơ rất cần phải thông minh để nhìn và nhận ra mọi việc của thiên nhiên và của
con người…”. Suốt cuộc đời cầm bút, ông luôn trung thành với quan niệm ấy.
Về dịch thuật, Đào Xuân Quý là một trong số ít những
người đầu tiên dịch thơ của các tác giả nước ngoài thành công kể từ sau hòa
bình lập lại ở miền Bắc (1954). Từ tác phẩm đầu tay Thơ Pablo Neruda (1961),
ông đã dịch và viết lời giới thiệu cho hàng chục tác phẩm: Thơ Laugston Hughes (1963),
Thơ Tây Ban Nha chiến đấu (1973), R. Tagore (1979), Thơ W. Whitman (chung với
Vũ Cận, 1981), Sử thi Ramayana (1985), Ngày đã đi qua (tuyển tập ba nhà thơ
Anh: Byron, Shelly, Keats, 2001)… Đặc biệt, trong tuyển thơ kháng chiến Pháp có
cái tựa rất gợi: Đẹp hơn nước mắt, Đào Xuân Quý góp nhiều bản dịch hay. Bạn đọc
Việt Nam mê đắm R. Tagore qua những bản dịch tài hoa của ông, từ “Thơ Dâng”, “Người
làm vườn”, đến “Những con chim bay lạc”… Vậy mà một dạo không hiểu sao người ta
cố tình đưa những bản dịch ngô ngọng về thơ Tagore vào sách giáo khoa, đọc thấy
dị hợm!
Cho đến khi đã bước vào tuổi bát thập, ông còn có
thêm tập thơ dịch Vườn hồng ra mắt bạn đọc. Nhờ sự lao động miệt mài đầy cảm hứng
sáng tạo của dịch giả Đào Xuân Quý mà độc giả Việt Nam sớm có cơ hội được giao
lưu tiếp cận với các nền thơ ca của nhiều dân tộc từ Chilê, Ấn Độ, đến Tây Ban
Nha, Anh, Mỹ… Các bản dịch thơ của ông không chỉ thể hiện trình độ ngoại ngữ
điêu luyện mà còn chứng tỏ khả năng thẩm thơ tinh tế của một dịch giả có tầm cỡ.
Ông cho rằng “dịch thơ là một nhu cầu bổ sung vào những chỗ hãy còn thiếu trong
tâm hồn mình, lại vừa là một đòi hỏi thiết tha đi tìm những tâm hồn bè bạn…”.
Về văn xuôi, ông có: Sự tích chàng Rama (phóng tác,
1986), Nhà thơ và cuộc sống (Tiểu luận, phê bình, Giải thưởng Ủy ban toàn quốc
Liên hiệp các Hội VHNT VN, 1986), Nhớ lại (hồi ký, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002).
Với 13 chương, 358 trang in, Nhớ lại của nhà thơ Đào Xuân Quý là một trong những
cuốn hồi ký hấp dẫn bạn đọc không chỉ bởi giọng điệu văn chương với nhiều sự kiện
ấm lạnh trong làng văn được trình bày mạch lạc mà còn đáng trân trọng bởi khí
phách của người cầm bút. Đây là một cuốn sách rất đáng đọc và đáng suy ngẫm! Tiếp
nối mạch nguồn này, năm 2003, ông có thêm Hồi ký về một quyển hồi ký kể lại
hành trình bầm giập suốt 12 năm trời hết vào Nam lại ra Bắc để lo in cuốn Nhớ lại,
nói về lao động nhà văn nhọc nhằn và công việc xuất bản hết sức cơ cực bởi sức
ì của những phiến đá ngáng đường. Và tôi may mắn là người được ông tin cậy trao
giữ tập bản thảo này, chắc hẳn một ngày đẹp giời, tôi sẽ lạy hương hồn ông xin
phép được công bố để hầu bạn đọc!
Nhớ Đào tiên sinh, tôi nhớ như in quãng giữa thập
niên 80 (thế kỷ XX) thời kỳ xúc tiến thành lập Hội VHNT Phú Khánh (cũ), “chính
trường văn nghệ” khi ấy thực sự phức tạp và ngổn ngang chả khác chi một bãi “chiến
địa”. Tôi chứng kiến trong giới văn nghệ khi ấy có lắm kẻ hám danh, máu me chức
tước đến độ… quên ăn, quên ngủ. Bấy giờ, ông cùng nhà thơ Nguyên Hồ vừa mới
chân ướt chân ráo trở về từ Hà Nội. Bằng nhân cách và uy tín của mình, hai ông
thực sự là trung tâm đoàn kết lèo lái con thuyền văn nghệ tỉnh nhà vượt qua khó
khăn, thử thách, dần định hình và có bước phát triển mạnh mẽ. Trong những ngày
đầy sóng gió ấy, nhà thơ Đào Xuân Quý phải gánh chịu quá nhiều sức ép, nhưng
ông vẫn bình tĩnh xử lý công việc và luôn vững tin vào nhân tố mới. Ông thường
nhắc nhủ anh em viết trẻ chúng tôi khi ấy là phải khiêm nhường và đặc biệt là
phải biết liên tài, có như vậy thì mới đoàn kết và tạo được sự thân ái, tôn trọng
lẫn nhau trong quá trình lao động sáng tạo. Cuối năm 1985, Hội VHNT tỉnh Phú
Khánh được thành lập. Quãng thời gian ông làm Tổng biên tập Tạp chí Cánh Én của
Hội có biết bao chuyện vui buồn, cười ra nước mắt. Giữa năm 1989, thì tỉnh Phú Khánh
chia tách, trở lại Phú Yên, Khánh Hòa như cũ. Ông tiếp tục làm TBT Tạp chí Nha
Trang (Hội VHNT Khánh Hòa).
Khi đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, dẫu đã nghỉ
hưu nhưng ông vẫn thường cỡi chiếc xe cuốc Sputnik (Liên Xô) đến trụ sở Hội văn
nghệ (số 1 Quang Trung) để gặp gỡ trò chuyện và trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp.
Năm 2002, sau khi “Tuyển tập Đào Xuân Quý” gần cả ngàn trang (Nhà xuất bản Văn
học) ra mắt bạn đọc, chẳng may ông bị tai nạn giao thông ở Hà Nội phải nhập viện
để mổ. Trở về Nha Trang, nhiều tháng liền nhà thơ Đào Xuân Quý phải ngồi một chỗ.
Từ đấy về sau, người thân trong gia đình không muốn ông sử dụng xe đạp nữa, do
vậy, mỗi khi muốn đi đâu ông đều phải nhờ người chở. Và tôi thường đưa ông đi lại
nhiều nơi trong thành phố thăm thú bạn bè, người quen bằng xe máy. Khi sức khỏe
hồi phục, hằng năm ông vẫn thực hiện những chuyến Bắc du, thậm chí đầu năm
2004, ông còn “hành phương Nam” xuống tít tận mũi Cà Mau. Mỗi chuyến đi như vậy
đem lại cho nhà thơ thêm niềm hứng khởi, khi trở về, ông lại miệt mài cày ải
trên trang giấy.
Cuối năm 2004, khi biết tôi nhận quyết định của Bộ
Quốc phòng điều động về Nhà xuất bản QĐND, nhà thơ Đào Xuân Quý rất vui, song
tôi đọc được trong ánh mắt của ông thoáng chút buồn xa xăm. Trước lúc lên đường
ra Hà Nội, tôi đến chào giã biệt, ông ân cần nhắc nhủ: “Nghề biên tập giống như
nuôi con mọn. Nhưng dẫu bận cách mấy cũng phải dành thời gian để viết. Nhà văn
không được phép thỏa mãn, không được phép biếng lười, cháu ạ!”.
Vậy mà giờ đây, ông đã về cõi văn chương chốn bồng
lai với các cụ: Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Huy Cận, v.v… Nhớ về ông, tôi luôn nhớ
về một con người tài hoa và chính trực, luôn dành sự trân trọng đối với lớp trẻ.
Tâm hồn ông vốn lộng “gió sông Hồng”, trải bao năm tháng vẫn ấm áp “trong màu nắng”
quê hương. Mãi còn đó, con người với nụ cười cởi mở, thật dễ gần, dễ mến. Vâng,
ông là nhà thơ kiêm dịch giả Đào Xuân Quý.