Có điều không cưỡng lại được đó là bản tính trầm lặng, đến mức lì lợm, mà nhà thơ luôn bộc trực trước ngang trái cuộc đời. Đó là một nhân cách đã thuộc về một xứ sở địa linh nhân kiệt- Nghệ An. Nhà thơ Võ Văn Trực là một nhân cách như thế. Có người nói là gàn. Có người chê là dại. Những anh còn một tư chất của riêng mình. Đó chính là sự trầm lặng. Không ồn ào. Dồn tâm trí vào ngòi bút, con chữ. Một ông “Đồ Nghệ” ngang tàng một cách trầm lặng. Chính vì thế cuốn sách “Chuyện làng ngày ấy” của nhà thơ bị cấm ngay từ khi mới in xong. Cho dù nhà thơ đã bày tỏ: “Tôi xin dâng bạn đọc cuốn sách nhỏ này bằng hai bàn tay chân tình của tôi. Xin bạn hãy xem mọi điều tôi viết trong đó như những lời tâm sự tha thiết: chúng ta cùng chung tay đẩy lùi và xóa sạch mọi sai lầm ấu trĩ, cùng vun trồng nền văn hóa Việt Nam hiện đại được bắt rễ sâu trong truyền thống bốn nghìn năm của dân tộc…”.



Nhà thơ Võ Văn Trực: Tôi là ngọn Trường Xuân trên bãi mặn

VƯƠNG TÂM

Ai cũng nói nhà thơ Võ Văn Trực hiền hậu, chân chất, tốt bụng. Chắc chắn là vậy! Nhưng lại có người nói đó là một con người trầm lặng, khó tính, lại bộc trực nữa, dễ rước họa vào thân. Quá đúng! Thêm một người nữa ví von, Võ Văn Trực là ông đồ gàn, cô đơn. Điều này thì tôi lại không đồng ý. Ông đồ thì được. Gàn thì không mà đầy khí phách. Còn cô đơn thì hiển nhiên. Cuộc đời ông gặp bao nỗi truân chuyên mà không biết bày tỏ cùng ai…
Lần đầu tôi gặp nhà thơ Võ Văn Trực tại nhà Xuất bản Thanh Niên vào đầu năm 1977, với cảm xúc khá bất ngờ, ở ngay giữa hành lang. Anh mỉm cười thân thiện, cầm tập bản thảo tôi nộp, rồi nói: -Có gì mình báo lại!. Tôi chưa kịp cảm ơn, anh đã quay lưng bỏ về phòng làm việc, coi như kết thúc câu chuyện. Tôi ngẫm, lính mới tò te về thơ như mình, chắc gì được in. Nhưng sau đó, gặp mấy bạn thơ cùng gửi in chung tập, họ đều kể lại chuyện gặp nhà thơ Võ Văn Trực đúng như tôi vậy. Riêng nhà thơ Nguyễn Tùng Linh bảo, anh ấy ít nói nhưng tốt bụng lắm, yên tâm đi. Tôi hồi hộp chờ đợi. Không ngờ chỉ một tuần sau tôi được nhắn tin nhà thơ Võ Văn Trực sẽ đến thăm.
Khi ấy gia đình tôi ở ngõ phố Tràng Tiền chật chội, chỉ hơn 10 mét vuông, nên rất ái ngại, mặc dù trong lòng rất vui. Anh đến chơi sớm hơn tôi tưởng. Một buổi sáng còn se lạnh. Chúng tôi ngồi trên giường với khay trà đối ẩm. Anh vẫn vậy, im lặng trong chốc lát, nhìn thẳng vào mắt tôi nói: “Thơ của Tâm được chọn 10 bài, in chung với bốn tác giả nữa. Tên tập thơ là “Đất rộng trời xanh”. Thực sự tôi muốn la lên vì sung sướng nhưng không dám. Anh trầm lặng ngồi thưởng trà. Hai tay xoa chiếc chén nhỏ. Đến giờ đây tôi, trong tôi vẫn còn cảm giác ấm áp mà nhà thơ Võ Văn Trực đem lại ngày ấy. Bởi được chọn thơ tác giả in chung hai, ba, hay bốn, năm tác giả vào một cuốn sách ngày đó được coi là bước đầu khởi nghiệp thơ. Tôi loay hoay mãi đĩa kẹo vừng định mời, nhưng bất ngờ anh đứng bật dậy, bắt tay nói - Thế nhé. Khi nào có sách mình tin cho!
Nhiều người lần đầu tiếp xúc với nhà thơ Võ Văn Trực đều ái ngại vì sự “lầm lì” ấy. Nhưng ai nấy đều có một nhận xét rằng, nụ cười anh thật ấm áp, trao cho ta một cảm giác bình yên. Sau này nhiều tác giả cũng kể chuyện giống như tôi. Anh kiệm lời đến mức khó tin. Chỉ nói điều cần thiết. Anh có thể ngồi hàng tiếng với bạn, lắng nghe và mỉm cười. Lại nhớ hồi đó, chúng tôi hay truyền đọc câu thơ của anh, với những ví von thực lạ trong bài “Nghe mẹ hát”. Đến nay tôi vẫn thuộc lòng khổ thơ ấy: “Giọng hò thơm như nếp rồng được nắng. Ngọt the the như bưởi đường tháng tám. Như hạt cau đông sữa lòng đào”. Nhất là câu: “Bàn chân ai khỏa sóng nước cầu ao. Đến tận bây giờ chưa lặng sóng?”. Nghe đọc mà mê luôn. Sau này gặp nhau thường xuyên hơn, thỉnh thoảng chúng tôi nghe anh đọc những bài thơ mới, rồi tâm sự cho nghe nguồn cơn của sự ra đời của tác phẩm. Dường như anh là người đỡ đầu cho cánh trẻ làm thơ chúng tôi ngày đó. Anh được học hành đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp đại học khoa văn Đại học Tổng hợp năm 1962, anh về Bộ Ngoại giao rồi chuyển sang làm biên tập ở nhà Xuất bản Thanh Niên. Đúng thời điểm làm tập thơ cho chúng tôi (1977), anh đang chuẩn bị sang báo Văn nghệ làm việc, nên cũng tất bật vội vàng.
Lại nhớ, vào một buổi chiều đầu tháng 4-1978, anh rẽ vào nhà tôi nhưng không nói không rằng. Mặt anh buồn ngỡ như áng mây đen vậy. Anh rút cuốn sổ ghi chép của tôi rồi cắm cúi viết. Tôi im lặng ngồi bên pha trà. Đến hai mươi phút sau. Anh dừng bút rồi ký tên ở dưới. Đó chính là bài thơ “Vĩnh viễn từ nay”. Anh chép tặng tôi như một lời chia sẻ với người em trong gia đình. Và lúc ấy tôi mới sực nhớ, cách đây ít lâu mẹ anh mất ở quê, mà chúng tôi không thể về. Một phần vì anh không nói, không muốn phiền ai, một phần trong lòng anh còn nhiều nỗi buồn phiền, day dứt. Tôi lại chợt nghĩ, rất có thể khi chúng tôi đến gặp anh đúng lúc tang gia bối rối, nên anh trầm lắng và gượng cười với nỗi đau của mình. Bài thơ đọc lên mà xót xa biết bao, với những câu thơ xé lòng “Con đã về đây, con hỏi con chào. Sao chẳng thấy mẹ đáp lời thương mến. Sao chẳng thấy mắt mẹ nhìn âu yếm? Nén hương trầm khói tỏa lạnh tường vôi. Vĩnh viễn từ nay con không thấy mẹ nữa rồi…”. Những con chữ trên cuốn sổ của tôi hiện nay đã nhạt nhòa theo thời gian, và cũng có con chữ nhòe đi bởi những giọt nước mắt rơi xuống ngày ấy cách đây đã 40 năm. Trong tôi như có sợi dây nối tâm linh sâu lắng qua mỗi câu thơ. Và, cũng từ đó tôi với anh ngày càng trở nên thân thiết. Anh sống đúng hình ảnh “Ngọn Trường Xuân”, với tấm lòng: “Tôi là ngọn Trường Xuân trên bãi mặn. Ngả cành ra cho chim én bay về. Cho sao đậu cho mặt trời đến hát. Cho tình yêu về ngủ với trăng khuya”
Trầm lặng nỗi cô đơn
Có người nhận xét, đọc thơ Võ Văn Trực là thấy hết gan ruột của con người này, bởi nó da diết, đằm thắm và trực diện với những biến cố cuộc đời. Lại có người nói đọc thơ anh thấy đau và khắc khoải với muôn nỗi cô đơn ấp ủ trong con tim. Tôi nghĩ đúng. Với cuộc sống tôi vốn nghĩ khó mấy ai vượt qua những nỗi đau mất mát như anh. Dường như cuộc đời đầy ải anh vậy. Ngọn núi Hai Vai nơi quê hương anh cũng không thể gánh vác cùng anh những nỗi cô đơn ấy. Anh buồn với những mất mát của chính nơi mình được sinh ra. Nhiều khi về quê, anh như đi trốn vậy, bởi chỉ sợ con mắt mình thấy trống vắng cây đa, sân chùa, mái đình từ thời thơ bé. Anh chờ cho đến tối mới dám về nhà để trốn nỗi đau trong tâm cảm. Anh đã thốt lên trong “Lưu lạc giữa quê hương” rằng: “Một làng vui bỗng lạnh tựa tha ma. Khi tiên tổ, ông bà không còn mộ. Mồ côi cả đất đai và ngọn cỏ. Lũ chim non khản giọng lạc bài ca”.  Bài thơ đẩy đến tận cùng vô thường trong tâm hồn tựa trái cây này: “Tồi quỳ sụp cổng làng, đầu cúi xuống. Chắp tay lạy những ngôi mồ tưởng tượng. Nghìn vong linh ám lạnh cả làn da. Trái tim nhỏ tụ về muôn giọt máu. Mấy chục năm lưu lạc giữa quê nhà”.
Nhưng có lẽ nỗi đau trong trái tim “nghẹn máu” trong nhà thơ càng cay đắng hơn khi chính ngôi mộ mẹ cũng bị thất lạc, mười năm sau đó, trong những kế hoạch, dự án cải tổ làng quê. Sự dày vò lương tâm cùng với những giọt nước mắt cay đắng trong bế tắc, nhà thơ cũng chỉ biết ôm hận: “Trên trần thế mười năm con phiêu dạt. Đất nơi đâu cũng thấy mẹ đang chờ. Hài cốt mẹ suốt mười năm lưu lạc. Con đốt trầm lạy bốn hướng vu vơ…Mẹ nơi đâu? Xin hãy gọi con về” (Tìm mộ mẹ). Cũng trong bao năm qua nhà thơ luôn “Mơ thấy mộ tay ôm vầng cỏ mọc. Mở mắt ra chăn gối đầm đìa…Mẹ nơi đâu? Xin hãy gọi con về”. Nốt trầm chết lặng trong nỗi cô đơn khôn nguôi. Chúng đọng trên vầng trán nhà thơ những vết nứt khắc khổ xù xì. Bởi từ nhỏ anh đã sống vì quê hương vì mẹ, vậy mà biết bao bi kịch tràn ngập. Nếu có dịp đọc bộ sách viết về quê hương, khoảng 12 cuốn, mới thấy nhà thơ Võ Văn Trực hết lòng vì quê hương như thế nào. Nào là “Vè làng Hậu” hay “Truyện ma làng Hậu Luật”; “Truyền thuyết núi Hai Vai”; hoặc như “Chuyện làng ngày ấy”; “Cố Bợ”; “Huyền thoại làng quê”… Ở đâu ta cũng đọc được những áng văn hay da diết tình yêu xứ sở làng quê. Chính vì thế nhà thơ luôn chép miệng than: “Một khoảng trời bỗng hoang vắng cô đơn. Khi cây muỗm đầu làng không còn nữa. Lòng tôi bơ vơ cùng tiếng gió. Thổi về đâu? Mây trắng dạt trời xa. Mấy chục năm lưu lạc giữa quê nhà”.
Còn chưa hết, sau những nỗi cô đơn cùng quá khứ của làng quê và trong cuộc kiếm tìm mộ mẹ ngay trên quê hương, nhà thơ còn bị ông trời đầy ải với những nỗi đau bất ngờ khác. Oan khiên này chồng chất oan trái khác trong cuộc đời nhà thơ, càng hun đúc một bản tính vốn đã trầm lặng, lại ngày càng băng giá trên gương mặt rất “Nghệ” của anh. Liền trong mươi năm, nhà thơ gặp những tai họa ập xuống. Người vợ thân yêu và cô con gái lần lượt, xấu số ra đi trong bệnh tật hiểm nghèo. Ngỡ như hồn người như thể trái cây này đổ gục trước những cơn bão tố. Tôi đã không ít lần rơi nước mắt cùng thơ, anh viết trong cõi lòng tan nát, khi nhìn vợ đang chết dần trước mắt mình: “Em cứ nhìn với đôi mắt van lơn. Như muốn giục anh xông vào cứu vớt. Anh muốn cứu nhưng làm sao cứu được. Con đò chìm, anh cứ đứng trông theo” (Ai giằng em ra). Rồi sau đó nhà thơ chỉ biết thét lên: “Ai giằng em ra? Ai giằng em ra?. Anh xiết chặt trong vòng tay run sợ. Em là nước hay em là lửa. Nóng bỏng người và lạnh buốt xương?” (Rút trong tập “Hai lần khóc”-19/10/1994). Cô đơn trong nỗi tuyệt vọng, bởi không ai có thể gánh vác cùng anh. Đôi mắt van lơn ấy đã ám ảnh anh trong suốt cuộc đời. Bởi đôi mắt ấy chính là tình yêu và hạnh phúc mà nhà thơ bị cướp đi.
Có điều không cưỡng lại được đó là bản tính trầm lặng, đến mức lì lợm, mà nhà thơ luôn bộc trực trước ngang trái cuộc đời. Đó là một nhân cách đã thuộc về một xứ sở địa linh nhân kiệt- Nghệ An. Nhà thơ Võ Văn Trực là một nhân cách như thế. Có người nói là gàn. Có người chê là dại. Những anh còn một tư chất của riêng mình. Đó chính là sự trầm lặng. Không ồn ào. Dồn tâm trí vào ngòi bút, con chữ. Một ông “Đồ Nghệ” ngang tàng một cách trầm lặng. Chính vì thế cuốn sách “Chuyện làng ngày ấy” của nhà thơ bị cấm ngay từ khi mới in xong. Cho dù nhà thơ đã bày tỏ: “Tôi xin dâng bạn đọc cuốn sách nhỏ này bằng hai bàn tay chân tình của tôi. Xin bạn hãy xem mọi điều tôi viết trong đó như những lời tâm sự tha thiết: chúng ta cùng chung tay đẩy lùi và xóa sạch mọi sai lầm ấu trĩ, cùng vun trồng nền văn hóa Việt Nam hiện đại được bắt rễ sâu trong truyền thống bốn nghìn năm của dân tộc…”. Nhưng biết sao được. Khi mọi điều đang ở phía trước. Sau này, anh còn có những nhân vật tiểu thuyết, cũng dữ dội và gây dư luận sôi nổi không kém. Nếu không nói nhân vật của anh có tính điển hình, mang sức nặng xã hội và không phai nhạt theo thời gian. Phải nói cuốn tiểu thuyết thứ hai của anh là một bất ngờ với chính anh, bởi sức lan tỏa và sự sống lâu dài của nó về một mảng đề tài, đấu tranh cho thói cơ hội, và tha hóa đạo đức, hay như người ta nói đó là những tệ nạn “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” về phẩm chất con người trong cơ chế thị trường.
Mùa thu cuối
Nổi bật trong 14 tập thơ và trường ca của Võ Văn Trực, ta thấy thiên nhiên làng quê anh bao giờ cũng nặng trĩu tâm tư. Ngỡ như những nỗi đau mất mát trong cuộc đời đã tạo nên những vết gợn cho thơ anh kém đi vẻ lãng mạn vốn có trong tâm hồn thi sĩ. Nhưng không, bạn đọc đã phát hiện ra anh còn là một thi sĩ có tìm tòi với những tứ thơ khá mới lạ. Nhất là những bài thơ về mùa thu. Mùa của tình ái và tuổi trẻ bước vào đời. Và, nhà thơ Võ Văn Trực có những câu thơ hay, bất ngờ. Người yêu thơ, đến nay không ai không nhớ đến bài “Thu về một nửa” của anh. Một khối tình dịu dàng đáng yêu: “Anh cầm trên tay tiếng hót chim khuyên. Đang đọng lại ngọt lừ trong quả chín. Một nửa quả mùa thu chưa kịp đến. Còn mịn xanh sắc vỏ đợi bồi hồi”.
Cùng với thi phẩm về mùa thu, nhà thơ còn có những “Vườn thu”, “Đêm cuối thu”, hay “Mùa thu không yên tĩnh”, hoặc “Sang thu” và “Mùa thu đi tự bao giờ”. Vậy đó không có mùa thu cuối cùng bên dốc đời anh trống vắng, cô đơn, Những câu thơ trong “Đêm cuối thu” đã vẽ lên chân dung nhà thơ Võ Văn Trực, đẹp đến thẳm sâu, cô đơn đến vô cùng, bởi: “Tiếng mèo kêu xé ngang đêm/ Vàng thu lá động trước thềm gọi đông/ Chuyện đời bao nỗi đục trong/ Câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui/ Mảnh trăng rụng xuống bên trời/ Mùa thu đã chết tuyệt vời trong tôi”.