Là một người thơ luôn điềm tĩnh, khiêm nhường với vẻ ẩn dật, "đôi tròng" mắt thơ của Ngô Thế Oanh cứ lặng lẽ quan sát cái bề sâu nghiệt ngã của cuộc đời và mỗi con người, để nhận biết, để khắc họa, để liên tưởng và suy tư như bài thơ "Nhà thơ" của anh sau đây: "Đôi lúc anh giống như một mẩu thuốc lá/ Người ta quét khỏi quán cà phê trước giờ đóng cửa/ Đôi lúc anh giống như đồng tiền mất giá/ Khó còn giúp được gì giữa chợ/ Những trang thơ của anh/ Những mộng tưởng của anh/ Những lo âu hy vọng của anh/ Anh không thể quên nhưng cũng không muốn nhớ/ Anh đã học suốt đời để hiểu điều ngay thẳng/ Để thú nhận tận lòng những gì nhầm lẫn/ Hiểu mỗi ngọn cỏ vô danh cũng bình đẳng với người/ Nhiều cố gắng giờ đây gần như vô ích/ Anh vẫn đi ngược ngọn gió đời/ Những người anh gặp trên đường vẻ vô cảm trong đáy mắt/ Nét mệt mỏi hằn trên gương mặt/ Nhiều thần thánh tắt dần vầng sáng thiêng liêng/ Những hứa hẹn thiên đường đã mất/ Chỉ còn tiếng vọng cô đơn/ Anh viết những dòng thơ/ Có gì được khác hơn/ Những người nguyên thủy cũng như ta đánh viên đá làm ra lửa".



Nhà thơ Ngô Thế Oanh: ''Mưa đập mãi trên những cơn mất ngủ''

NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Hễ lâu lâu không đến ngồi chơi với nhà thơ Ngô Thế Oanh trong căn buồng làm việc chật hẹp của anh ở Tạp chí Thơ (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) là tôi lại cảm thấy thiếu vắng một điều gì đấy. Mặc dù có khi ngồi với nhau, nhiều lúc chúng tôi chỉ lặng lẽ ngẫm ngợi và suy tư một điều gì đó mà Ngô Thế Oanh thì ít khi không ngẫm ngợi, bởi anh thuộc típ người sống lặng lẽ suốt đời để cảm nhận và chia sẻ. Và, tôi có cảm giác khi viết bài thơ tặng danh họa Bùi Xuân Phái "Người hiệp sĩ của cái đẹp", nhà thơ Ngô Thế Oanh cũng đã tự ví các nghệ sĩ đích thực của thi ca và hội họa cũng giống như hiệp sĩ Đông Ki Sốt chiến đấu suốt đời vì cái đẹp, dẫu chỉ là chiến đấu với những cối xay gió của chính mình: "Buổi trưa/ Một ngày mùa đông/ Người họa sĩ đi bộ một mình/ Đơn độc/ Gương mặt trắng xanh đượm buồn/ Dáng cao gầy/ Ông gợi nhớ tới Đông Ki Sôt/ Trời xám/ Mặt hồ xám/ Con đường xám/ Xám mầu áo măngtô ông mặc/ Những mái ngói âm dương rêu phong cổ tích/ Chầm chậm/ Người họa sĩ đi/ Trên cái đường biên mong manh/ Hư/ Thực/ Không cối xay gió nào chờ ông phía trước/ Không giám mã nào sau ông/ Chỉ căn phòng khuất lấp/ Phố Thuốc Bắc/ Những toan/ Những cọ/ Những mầu/ Những palet/ Những an ủi đầu tiên/ Những an ủi sau cùng/ Buổi trưa/ Một ngày mùa đông/ Đếm những bước buồn buồn/ Thành phố ông đã yêu đến hơi thở chót/ Thành phố đã soi/ Vào ông/ Trong suốt/ Người hiệp sĩ của cái đẹp/Đến/ Và đi/ Như một Đông Ki Sôt/ Và suốt đời chỉ đánh nhau với cối xay gió chính mình".
Những người thơ muốn lánh xa sự ồn ào của đám đông để giấu mình trong sự lặng lẽ của chiêm nghiệm như Ngô Thế Oanh, họ thường trở về đối diện với bản ngã thơ mình để hướng về thiên chức sáng tạo. Trong số những người bạn văn chương gây ấn tượng khá sâu sắc cho tôi, thì Bế Kiến Quốc và Ngô Thế Oanh là hai nhà thơ mà tôi khá thân thuộc và gần gũi. Các nhà thơ này đều có những nét nổi trội khá giống nhau là thơ của họ thường nghiêng về phía lý trí (với tư duy lý tính khá mạnh) nhưng không hề làm mất đi vẻ đẹp lặng lẽ của tâm hồn, và ngôn ngữ thi ca của họ thường vươn tới những bề sâu của tâm tưởng và tình cảm tốt đẹp về con người. Cùng thế hệ thi ca đổi mới với các nhà thơ Thanh Thảo, Ý Nhi, Trần Vũ Mai… Ngô Thế Oanh là một gương mặt thơ đặc biệt của lứa thơ trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ. Cho đến nay, ngoài tập thơ in chung "Tình yêu nhận từ đất" năm 1977, nhà thơ Ngô Thế Oanh chỉ có một tập thơ riêng "Tâm hồn" in năm 1995 và đoạt luôn Giải thưởng về thơ của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam năm đó.
Là một người thơ luôn điềm tĩnh, khiêm nhường với vẻ ẩn dật, "đôi tròng" mắt thơ của Ngô Thế Oanh cứ lặng lẽ quan sát cái bề sâu nghiệt ngã của cuộc đời và mỗi con người, để nhận biết, để khắc họa, để liên tưởng và suy tư như bài thơ "Nhà thơ" của anh sau đây: "Đôi lúc anh giống như một mẩu thuốc lá/ Người ta quét khỏi quán cà phê trước giờ đóng cửa/ Đôi lúc anh giống như đồng tiền mất giá/ Khó còn giúp được gì giữa chợ/ Những trang thơ của anh/ Những mộng tưởng của anh/ Những lo âu hy vọng của anh/ Anh không thể quên nhưng cũng không muốn nhớ/ Anh đã học suốt đời để hiểu điều ngay thẳng/ Để thú nhận tận lòng những gì nhầm lẫn/ Hiểu mỗi ngọn cỏ vô danh cũng bình đẳng với người/ Nhiều cố gắng giờ đây gần như vô ích/ Anh vẫn đi ngược ngọn gió đời/ Những người anh gặp trên đường vẻ vô cảm trong đáy mắt/ Nét mệt mỏi hằn trên gương mặt/ Nhiều thần thánh tắt dần vầng sáng thiêng liêng/ Những hứa hẹn thiên đường đã mất/ Chỉ còn tiếng vọng cô đơn/ Anh viết những dòng thơ/ Có gì được khác hơn/ Những người nguyên thủy cũng như ta đánh viên đá làm ra lửa".
  Trong bài thơ trên, trái tim nhà thơ đã rớm máu, đã đập cùng nhịp với những nỗi đau đời thường của con người để nếm trải, để phản ánh những day dứt, nhức nhối và thăng trầm của cuộc sống mà ngôn ngữ thi ca nhiều khi tỏ ra bất lực. Trong cái cõi lặng lẽ sáng tạo của riêng anh, thơ chỉ còn là tiếng vọng cô đơn với hình ảnh thật buồn khi nhà thơ nhận thấy mình đôi lúc giống như mẩu thuốc lá vừa bị người ta quét khỏi quán café trước giờ đóng cửa.
Thật cay đắng và chua xót khi bản chất sự tồn tại của con người trên thế gian này không ít khi nhuốm một màu bi kịch như thế. Và kể cả khi nhà thơ nhận ra được sự bất hạnh, đau đớn của người đời (cũng như bản thân người sáng tạo) trong những hoàn cảnh tối tăm như thế thì anh ta vẫn phải sống, vẫn phải vượt qua và đấy chính là lý do tồn tại của thơ, để ít nhất cứu rỗi một tâm hồn, một con người. Theo tôi, bản chất của sự cách tân và đổi mới thơ không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật cấu trúc của ngôn ngữ thơ mà điều thiết yếu căn cốt là ở sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ. Trong rất nhiều thế kỷ qua, các trường phái thơ lớn trên thế giới qua mỗi thời kỳ đều hướng tới sự tìm tòi và cách tân thơ. Điều khác biệt và khu biệt nhất để có thể nhận ra được các nhà thơ cách tân của mỗi thời đại có gương- mặt- thơ khác nhau như thế nào chính là ở nội dung đời sống trong thơ họ ở thời đại ấy đã được phản ánh, khắc hoạ trong một trường- thẩm- mỹ nào.
Và theo tôi, có lẽ Ngô Thế Oanh là một trong số ít nhà thơ trong nhiều năm qua, đã lặng lẽ bền bỉ và lặng lẽ đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ với những phát hiện rất mới và sâu sắc về tâm thế và thân phận con người, hoặc số phận một nghệ sĩ mà bài thơ viết về họa sĩ Nguyễn Sáng dưới đây là một dẫn chứng: "Anh chạy đến kiệt sức/ Trên những khát vọng của mình/ Và anh gục xuống/ Lặng yên như mặt biển lặng yên/ Giữa một thế giới đầy khôn ngoan/ Anh như chỉ chọn những gì khờ dại/ Những khờ dại… đôi khi/ Giúp ta thanh thản bớt/ Bằng thế nào để đạt đến kiệt tác/ Không có câu trả lời/ Ám ảnh không ngừng trong câm lặng/ Cả trong cơn say vùi/ Bằng cách nào để đạt đến kiệt tác/ Bao phác thảo xóa đi trên mặt đất/ Bao phác thảo xóa đi trong tưởng tượng anh/ Trí tưởng tượng-con ngựa bất kham/ Nhiều bạn bè đã chết. Anh rồi cũng phải chết/ Nỗi buồn như phát điên/ Trở về từ Quán Thủy Hử/ Xập xệ như từ một bức tranh Chagall/ Chiếc mũ cát một ánh ấm áp/ Hồi niệm ngọn lửa chiều cố hương".
Thi ca và hội họa là hai lĩnh vực nghệ thuật luôn có sự bồi đắp và ảnh hưởng qua lại với nhau, đặc biệt ở những thể nghiệm cách tân đã gắn kết các thi sĩ và các họa sĩ tài danh với nhau trong một trường phái mới. Vì trong "con mắt thơ" của mỗi thi sĩ, sự rung động, thăng hoa trước cái đẹp cũng tương tự như "con mắt mỹ cảm" của mỗi họa sĩ.
Với "con mắt thơ" đầy mỹ cảm của hội họa, Ngô Thế Oanh đã vẽ một bức tranh thơ "Khỏa thân" như thế này:   "Sự trong vắt của trời/ Sự vĩnh hằng của đất/ Sự mềm mại tưởng chừng không có thực/ Và không lặp lại một lần/ Ngọn sóng cho nghỉ ngơi/ Ngọn lửa cho cơn khát/ Thân thể là thơ/ Thân thể là âm nhạc/ Tìm kiếm không ngừng/ Và luôn luôn mất/ Hi vọng là hạnh phúc/ Vô vọng là hạnh phúc/ Những chiếc chuông trong máu/ Những chiếc chuông trong máu/ Vang ngân…". Bài thơ này ngân vọng lên như một khúc tụng ca cái đẹp để nâng cao con người trong một mỹ cảm mới. Tâm sự về nghề văn, nhà thơ Ngô Thế Oanh đã viết: "Tôi không nhớ là đã đọc ở đâu, có lẽ từ một nhà văn bậc thầy,  rằng điều đòi hỏi trước hết và chủ yếu ở một người viết là sự lương thiện. Lương thiện trong cuộc đời, lương thiện trên trang viết và với riêng tôi, đằng sau hai tiếng lương thiện này còn hàm ẩn một nghĩa sâu nữa; sự giản dị, sống giản dị, viết giản dị. Cùng với thời gian, tôi hiểu rằng đi theo được lời khuyên này thực không dễ dàng…
Tôi vẫn nghĩ rằng, văn học cũng như nghệ thuật giúp cho con người nhận thức thế giới và nhận thức bản thân. Nhưng là một sự nhận thức đặc biệt, thông qua cái đẹp và mỹ cảm. Cho nên người viết, khi đối diện với trang bản thảo, có lẽ bao giờ cũng có sự trân trọng. Và có thể nói, một chút gì như là sự thiêng liêng. Dĩ nhiên có những con đường khác nhau dẫn đến văn học. Và có những quan niệm khác nhau. Càng về sau, tôi càng hiểu rằng phải viết trước hết cho chính mình, những gì mình thực sự rung động. Những niềm vui cũng như nỗi đau. Những hy vọng cũng như tuyệt vọng. Chỉ có thế mới mong được sự chia sẻ với thế giới xung quanh, với người đọc". Và bài thơ "Trên một khúc Prelude của Sôpanh" của anh sau đây đã phần nào nói lên những suy nghĩ đó: "Chậm và buồn/ thật chậm và buồn/ Nét cắt một tháp chuông nhà thờ bỏ hoang/ Biển và núi. Và những ngón tay rớm máu/ Mưa đập mãi trên mái nhà/ Mưa đập mãi trên những cơn mất ngủ/ Trở lại chi những niềm hy vọng cũ/ Ký ức ta dần lãng quên rồi/ Tiếng móng ngựa tắt dần nơi ngõ khuất/ Mùa thu tuôn những lớp lá không lời/ Còn lại gì cho ta sau màn sương tháng chín/ Tất cả như vết thương/ Người hát rong nào lang thang trên đường phố/ Bài hát day dứt mãi trong đêm/ Xin mẹ hãy vì con tha thứ/ Những vinh quang ồn ào đâu an ủi được con/ Nắm đất nhỏ quê nhà con vẫn giữ/ Mong dịu nguôi bao đau đớn trong hồn/ Đâu phải xứ sở nào huyễn hoặc con hạnh phúc/ Sao suốt đời con là kẻ li hương/ Chậm và buồn/ Ôi thật chậm và buồn/ Những dòng mưa cứ từ trời dội mãi/ Những dặm đường của kẻ tha phương". Bài thơ khép lại như một điệu chuông buồn trên xứ sở âm nhạc của Sôpanh và nhà thơ đang lướt những ngón tay trên phím đàn ngôn ngữ dẫu "Mưa còn đập mãi trên những cơn mất ngủ" hay "Thơ còn đập mãi trong những cơn mất ngủ" của mỗi chúng ta.