Bút ký của nhà văn Nguyễn Minh Ngọc: “Nhiều nguyên do khiến cho ngày trở lại của tôi cứ bổi hổi bồi hồi, ngỡ ngàng trước bao sự đổi thay. Cái thị xã nhỏ bé “nép một bên đường” trong thơ Thanh Quế ngày nào đã nhường chỗ cho một thành phố trẻ tráng với một diện mạo mới mẻ. Xe dừng ở một tiệm café có khuôn viên rợp bóng lá, mát mẻ. Trong ba người, chỉ có nhà thơ Phan Hoàng là “thổ dân”, còn Phạm Sỹ Sáu và tôi đều đến từ xứ khác, song chúng tôi đều có điểm chung là tình yêu dành cho nơi “đất Phú, trời Yên”. Gọi điểm tâm bằng tô cháo sánh nhiễn ăn với chén cá cơm, thêm mấy quả ớt hiểm xanh xanh, bé tẹo, thấy sao mà có lý! Tiếp chúng tôi trong chốc lát, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, anh Phan Đình Phùng mỉm cười cho biết, giống ớt hiểm này chỉ mọc hoang trên triền núi, không gieo, không trồng được. Lạ chứ. Quả là sau rất nhiều năm tôi mới lại được thưởng thức hương vị hạt gạo Tuy Hòa, nó vừa thơm, lại vừa beo béo, chợt hiểu tình đất và người Phú Yên sao mà đậm đà đến thế!”


TUY HÒA, NGÀY TRỞ LẠI
NGUYỄN MINH NGỌC
Những ngày cuối tháng hè bỏng rát, tôi có dịp cùng với hai ông Phó chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Phạm Sỹ Sáu và Phan Hoàng, ra Tuy Hòa tham dự Hội sách tỉnh Phú Yên lần thứ nhất. Lên máy bay, ngồi chưa kịp ấm chỗ, đã nghe giọng lảnh lót của cô tiếp viên xinh đẹp thông báo tàu… đang giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh. Loang loáng một vùng duyên hải miền Trung vùn vụt lùi lại phía sau. Ngó qua cửa sổ, ngay bên dưới cánh bay trải la đà mặt biển tựa như một tấm thảm biếc xanh không một lượn sóng. Nhìn khoảng cách, tôi cứ ước thầm ngông ngông chút là giá mà có chiếc cần câu, thì đã có thể “thò tay” buông xuống để thư giãn trong giây lát! Chao ôi đẹp và thanh bình quá! Khi chiếc Airbus A320 từ biển ngoặt về bên trái và nhắm hướng đường băng cắt vào, tôi nhìn rõ những cánh bay Hải Âu L39 thanh thoát của Trung đoàn không quân 910 vẫn miệt mài bay huấn luyện. Đây là loại máy bay do Tiệp Khắc (nay là CH Séc và Slovakia) chế tạo, được chuyển giao cho Trường Không quân Nha Trang vào những năm đầu của thập niên 80 (thế kỷ XX). Đội ngũ cán bộ chỉ huy, lãnh đạo trung đoàn này vốn là những đồng đội của tôi ở  Khánh Hòa. Từ cái nôi thân yêu này, lớp lớp các phi công trẻ trưởng thành và bay lên làm chủ bầu trời, góp phần giữ bình yên cho Tổ quốc.
Nếu tôi không nhầm thì đâu như 20 năm trước (1997) Cục hàng không Việt Nam đã cho khôi phục một phần để đưa Cảng hàng không Tuy Hòa vào sử dụng, khai thác đường bay Tuy Hòa - Tân Sơn Nhất và ngược lại với tần suất khiêm tốn mỗi tuần 2 chuyến. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội lúc đó, có thể nói đây là một dự án táo bạo, song cũng tựa như thứ trái cây hãy còn non mà ép chín. Thị trường luôn đóng vai trò điều tiết các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do lượng hành khách và hàng hóa hãy còn mỏng, thành thử dù rất xót xa vì mới tròm trèm đưa vào hoạt động chừng một năm, cơ quan quản lý hàng không phải tạm đóng cửa sân bay. Nhìn cảnh phi trường bỏ hoang, đón những ngọn gió Tuy Hòa “phóng túng”, “gió đi ngang, đi dọc” thật nao lòng, nhưng biết làm sao được, bởi những năm đầu sau khi tái lập tỉnh, Phú Yên vẫn là một địa phương nghèo nên chưa thể “cất cánh”!
Những năm đầu thế kỷ XXI, sau khi Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ký tiếp nhận và bàn giao cảng Hàng không Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Yên cho Quân chủng PK-KQ, Ban quản lý sân bay Tuy Hòa (còn gọi là sân bay Đông Tác) được thành lập. Bộ Quốc phòng phê duyệt dự án xây dựng căn cứ sân bay Tuy Hòa để Trường sĩ quan Không quân di chuyển toàn bộ Trung đoàn 910 từ Nha Trang ra đây huấn luyện. Từ tháng 8-2003, tôi đã vài lần có mặt trong phái đoàn của Nhà trường ra nắm tiến độ xây dựng sân bay. Hồi ấy, ngoại trừ hệ thống nhà vòm bê tông chứa máy bay kiên cố và hệ thống đường cất hạ cánh được xây cất từ thập niên 60 là vẫn còn nguyên vẹn, cơ sở hạ tầng hoang tàn, nhà cửa xập xệ. Không có hàng rào bảo vệ, một khoảng trống mênh mông, thông thống, hút tầm mắt; sân bay trở thành bãi chăn thả lý tưởng của những đàn bò béo mượt. Quả thật, những ngày trở lại với đất trời xứ Nẫu, ngó quang cảnh ấy giữa nắng lửa chói chang và gió biển mặn mòi, ram ráp, đã có không ít những người lính phải cố nén để khỏi vuột ra một tiếng thở dài, ngao ngán. Bởi có biết bao khó khăn thử thách phía trước đang chờ họ. Ấy là với những người lính bay, chứ còn với ngành hàng không là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, họ quyết không bỏ cuộc. Bằng chứng là cũng ngay trong năm 2003, đường bay từ Tuy Hòa đến Thành phố Hồ Chí Minh được nối lại với máy bay chở khách loại nhỏ ATR-72. Mặc dù tần suất vẫn như cũ, song đây chính là sự chấp nhận cuộc chơi lớn và là bước chuẩn bị cần thiết, hay đúng hơn là sự “gây men” cho một dự án dài hơi tiếp theo.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã quyết định lần nữa, “đánh thức tiềm lực” của một vùng đất. Sau 18 tháng đầu tư xây dựng mùa thu năm 2013, Cảng hàng không Tuy Hòa được khánh thành và đưa vào khai thác sử dụng. Giờ đây, đã có ít nhất 3 hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines, Jettar Pacific Airlines, VietJet Air mở đường bay đến Tuy Hòa, kết nối với các thành phố lớn của đất nước. Điều này thực sự góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh duyên hải miền Trung, “đánh thức tiềm lực” của một vùng đất trù phú, thúc đẩy việc khai thác tiềm năng du lịch, phát triển ngành “công nghiệp không khói” này cùng các thế mạnh về nông sản, hải sản… Từ chỗ, chưa có tên trên bản đồ du lịch, Phú Yên đã trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đứng trước nhà ga Cảng hàng không Tuy Hòa, ngắm nhìn vòm mái công trình mang dáng vỏ sò cách điệu, quả thật tôi không khỏi bất ngờ và cảm thấy thú vị, thân thiện như chính với con người nơi đây.
*
Nhiều nguyên do khiến cho ngày trở lại của tôi cứ bổi hổi bồi hồi, ngỡ ngàng trước bao sự đổi thay. Cái thị xã nhỏ bé “nép một bên đường” trong thơ Thanh Quế ngày nào đã nhường chỗ cho một thành phố trẻ tráng với một diện mạo mới mẻ. Xe dừng ở một tiệm café có khuôn viên rợp bóng lá, mát mẻ. Trong ba người, chỉ có nhà thơ Phan Hoàng là “thổ dân”, còn Phạm Sỹ Sáu và tôi đều đến từ xứ khác, song chúng tôi đều có điểm chung là tình yêu dành cho nơi “đất Phú, trời Yên”. Gọi điểm tâm bằng tô cháo sánh nhiễn ăn với chén cá cơm, thêm mấy quả ớt hiểm xanh xanh, bé tẹo, thấy sao mà có lý! Tiếp chúng tôi trong chốc lát, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, anh Phan Đình Phùng mỉm cười cho biết, giống ớt hiểm này chỉ mọc hoang trên triền núi, không gieo, không trồng được. Lạ chứ. Quả là sau rất nhiều năm tôi mới lại được thưởng thức hương vị hạt gạo Tuy Hòa, nó vừa thơm, lại vừa beo béo, chợt hiểu tình đất và người Phú Yên sao mà đậm đà đến thế!
Nói đến Phú Yên là nói đến một vùng địa văn hóa với lắm tầng nhiều vỉa miên man, thăm thẳm. Một dải đất tựa hẳn lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, hai phía nam bắc án ngữ bởi hai con đèo (Cù Mông và đèo Cả), mặt hướng ra biển Đông, thì quả là thiên thời địa lợi. Vùng đất trù phú này gắn liền với tên tuổi của Lương Văn Chánh, một võ tướng lừng danh từng đánh đông dẹp bắc và là người có tầm nhìn thấu đáo, nhưng hơn hết ông có tấm lòng nhân ái, bao dong. Những năm cuối thế kỷ XVI, các chúa Nguyễn nhận thấy miền biên ải phía Nam có vị trí cực kỳ trọng yếu, nên sai người tài cầm quân trấn ải và phủ dụ dân chúng mở đất. Phụng mệnh chúa Tiên Nguyễn Hoàng, Lương Văn Chánh đưa hơn bốn ngàn lưu dân vào khai phá vùng đất phía Nam của Đại Việt, suốt một dải từ đèo Cù Mông đến tận đèo Cả. Suốt một dải đất này, Lương Văn Chánh cho dân lập ấp, khẩn ruộng cày cấy, tạo dựng những làng mạc đầu tiên trên vùng châu thổ sông Đà Diễn (tên cũ của sông Đà Rằng), sông Cái. Sinh thời, Lương Văn Chánh được nhà Hậu Lê và các chúa Nguyễn ban nhiều phẩm hàm, chức cao tước vọng.
Theo thần phả để lại, Lương Văn Chánh mất ngày 19-9 năm Tân Hợi (1611) tại thôn Long Phụng, làng Hòa Trị, phủ Tuy Hòa. Ngài được triều đình truy phong tước “Dục bảo Trung hưng Thượng đẳng thần”. Đây không chỉ là niềm tự hào của một vùng đất, mà điều quan trọng là người dân nối đời ngưỡng mộ, tự hào về bậc tiền hiền, họ lập đền thờ và suy tôn Ngài làm Thành Hoàng. Bao năm giặc giã chiến tranh, nơi này vẫn được người dân bảo bọc và giữ gìn nguyên vẹn. Thế mới biết, những gì được Dân tôn thờ là vĩnh cửu! Khu mộ và đền thờ Lương Văn Chánh được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày nay, trường trung học Lương Văn Chánh (với trên 70 năm thành lập), trường chuyên duy nhất của Phú Yên, là một trong những cái “lò” đào luyện nhân tài…
Là xứ sở được thiên nhiên hào phóng ban tặng cả một hệ thống cảnh quan phong phú, đa dạng, địa hình Phú Yên vừa dải đồng bằng châu thổ phì nhiêu, vừa có núi và cao nguyên; lại vừa có miên man sông, hồ, đầm, vịnh, v.v… với những vẻ đẹp rất riêng, không nơi nào có được. Những địa linh như: Thạch Bi Sơn, gành Đá Dĩa, đầm Ô Loan, Nhạn Tháp, núi Chóp Chài ngất ngưởng giữa cánh đồng vàng hay vịnh Vũng Rô hun hút thẳm sâu..., gắn với lịch sử của ông cha thưở trước. Ca dao Phú Yên có câu quá ư là bác học: “Lẻ loi như ngọn núi Sầm. Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan”. So với nhiều địa danh khác, thì núi Sầm quả không có gì đặc biệt. Một ngọn núi bèn bẹt chỉ cao không quá 50 thước, nằm lọt thỏm giữa xã Hòa Trị, giữa ba bề bốn bên là cánh đồng lúa Tuy Hòa ngờm ngợp và làng xóm. Gọi là núi nhưng kỳ thực đây chỉ là một dãy đồi thấp, hình dạng tựa con trâu mẹp phủ phục với chu vi chừng một ngàn thước. Do vị trí nằm án ngữ phía tây thị xã Tuy Hòa, nên trong hai cuộc kháng chiến, người Pháp, người Mỹ và quân đội Sài Gòn đều thay nhau đóng đồn bót tại núi Sầm, nhằm trấn giữ một yếu địa. Và nơi đây, từng xảy ra một số trận tao ngộ chiến khốc liệt, đẫm máu. Để ghi nhớ và tri ân, năm 2012, một tượng đài chiến thắng được dựng lên tại núi Sầm…
Một nhà thơ đương đại từng viết “sông Đà Rằng chọn nhầm miền Trung mà chảy”. Tôi muốn nhắc đến hai thi sĩ của hai cuộc kháng chiến, tuy gốc gác của họ mãi tận xứ Thanh, song cả hai ông đều gắn bó và nổi danh bởi đất Phú Yên. Đó là nhà thơ Trần Mai Ninh, một trong những người mở đầu cho dòng thơ cách mạng và kháng chiến hào sảng. Chỉ với “Nhớ máu” và “Tình sông núi”, Trần Mai Ninh đã tạo được một phong cách riêng, với nghệ thuật trau chuốt, cô đúc và đặc biệt mới mẻ. “Sông Cầu của đất, nước này là duyên. Vũng Lấm dăm lá thuyền. Nhiều dừa che ít mái tranh… Tuy Hòa ngay dọc ngõ. Dậy sáng - dịu màu tươi”. Đầu năm 1947, trên đường vào công tác vùng sau lưng địch,Trần Mai Ninh bị giặc bắt và tra tấn rất tàn ác. Chúng khoét hai con mắt của ông và dong qua nhiều đường phố thị xã Tuy Hòa. Trần Mai Ninh ngã xuống khi tuổi đời hãy còn rất trẻ, khả năng sáng tạo đang vào độ chín, sung mãn. Tiếc thay! Năm 2017 này, vừa chẵn 100 năm sinh và 70 năm Trần Mai Ninh mất. Xét về công trạng, thì  ông chưa có đóng góp gì nhiều. Nhưng Trần Mai Ninh là một tượng đài thi ca, nhờ ông mà những ngọn gió Tuy Hòa có hồn và trở nên bất tử, khiến cho bao người ngưỡng mộ, yêu mến mảnh đất Phú Yên! Tôi cứ ao ước trong một tương lai gần, thành phố Tuy Hòa sẽ có một con đường mang tên Trần Mai Ninh. Được vậy, chắc sẽ thỏa “Tình sông núi” và mát dạ người thi sĩ đã trọn đời dâng hiến cho Tổ quốc!
Hơn 30 năm sau, thời chống Mỹ, có một chàng thanh niên xứ Thanh vừa tốt nghiệp đại học đã tình nguyện vào chiến trường (1971), làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Giải phóng khu Năm. Có lẽ vì quá mê tài thơ Trần Mai Ninh, nên Vũ Xuân Mai đã chọn bút danh là Trần Vũ Mai. Tôi đã đến thăm ngôi làng ở Phú Yên, nơi Trần Vũ Mai có trường ca “Ở làng Phước Hậu”. Mặc dầu thi sĩ đà khuất núi, song nhiều anh em bè bạn vẫn khôn nguôi nhớ những vần nhật ký thơ: “Những gì anh chưa làm được. Để sau đó có những người đã hát. Một vài khúc ca cảm tạ nhân gian. Cảm tạ bầu trời Cực Nam lồng lộng. Có một phần xanh thẳm của riêng anh”.
Nói đến Phú Yên, lịch sử đương đại không thể không nhắc đến sự kiện Vũng Rô gắn với đội “tàu không số” cuối 1964, đầu 1965. Từng có vài lần “bám càng” trực thăng Mi-17 qua lại nơi này, từ trên cao quan sát thấy rõ vịnh Vũng Rô chênh vênh, được bao bọc bởi Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà. Che chắn ở phía Nam là Hòn Nưa tựa như một pháo đài. Nơi đây gắn với tên tuổi của một người con anh hùng của Phú Yên, đó là Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, chỉ huy con tàu 41 của Hải quân Việt Nam, mở bến Vũng Rô vào trung tuần tháng 11-1964. Sau ba chuyến trót lọt, đến chuyến thứ tư, con tàu 143 chở hơn 63 tấn vũ khí cập bến, bốc dỡ hàng xong thì trời sáng bét. Các thủy thủ đành neo tàu lại và ngụy trang. Tình cờ, chiếc trực thăng UH-1B bay từ Quy Nhơn về Nha Trang, do một trung úy phi công Mỹ lái, lúc ngang qua vịnh, y tinh quái phát hiện “mỏm đá lạ nhô ra gần vách núi” phía tây Vũng Rô mà lúc trước chưa hề thấy. Lập tức, viên phi công cấp báo với chỉ huy. Địch cho máy bay đến ném bom và phóng tên lửa, đồng thời vây kín vịnh Vũng Rô. Các thủy thủ tàu 143 cùng du kích Hòa Hiệp cho nổ phá tàu, và rút lên núi. Tiếc thay khối thuốc nổ 500kg không đủ sức phá hủy con tàu, mà chỉ khiến nó gãy đôi và chìm. Bây giờ, vị trí con tàu 143 năm xưa trên vịnh Vũng Rô vẫn được lưu giữ, gây xúc động. Thời gian đi qua, song “sự kiện Vũng Rô” bi tráng thì vẫn còn động mãi trong tâm trí của nhiều thế hệ.
Dường như những gì tiêu biểu và đặc sắc của Phú Yên đều dồn hết cả về miệt Tuy An thì phải? Từ đầu thế kỷ XX, cụ Giải nguyên Trần Văn Phổ, quê ở làng Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh, được bổ về làm Giáo thụ Tuy An. Cả gia đình cụ sinh sống ở thành An Thổ, phủ Tuy An (nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên) và cậu bé Trần Phú chào đời ngày 1-5-1904. Và 27 năm sau, với việc khởi thảo bản Luận cương về cách mạng tư sản dân quyền, Trần Phú trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước lúc mất, ông để lại câu nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.
Tuy An có đầm Ô Loan, một thắng cảnh cấp quốc gia của Việt Nam và là một trong những danh thắng tiêu biểu của Phú Yên. Là vùng nước lợ nằm dưới chân đèo Quán Cau, phía nam thị trấn Chí Thạnh, đầm Ô Loan rộng hơn 17,5km2 với món đặc sản trứ danh là sò huyết và tôm hùm. Riêng món sò huyết nức tiếng đến mức đám con buôn láu cá phải kỳ công mang sò huyết từ xứ khác đến dúng xuống nước đầm Ô Loan rồi đem về, coi như một sự đánh tráo “thương hiệu” nhằm qua mặt đám bợm nhậu! Nhưng nếu ai đã từng thưởng thức món sò huyết đầm Ô Loan thì hẳn không dễ bị mắc lừa. Bao quanh mặt đầm là núi Đồng Cháy, núi Cấm và cồn An Hải, tạo nên một vùng sơn thủy hữu tình. Từ thành phố Tuy Hòa, ngược theo hướng Bắc trên con đường thiên lý (quốc lộ 1A) chừng độ 30km, đến Chí Thạnh thì quẹo phải, chạy thêm chừng một khúc dao quăng (12km) nữa đến địa phận xã An Ninh Đông, là gặp ngay “dấu thiên đường”. Đó là gành Đá Dĩa, một điểm nhấn thiên tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam, nó kỳ vĩ đến độ khiến du khách quên lối về. Chỉ tiếc là sản phẩm du lịch ở đây còn khá sơ sài, đơn điệu…
Được nghe danh tiếng từ lâu, nhưng lần đầu tiên tôi mới có dịp viếng thăm Nhà thờ Mằng Lăng, ngay sau lễ Phục sinh. Được người Pháp xây dựng vào năm 1892, tọa lạc bên bờ sông Kỳ Lộ (sông Cái), đây là một trong những nhà thờ Công giáo lâu đời nhất ở Việt Nam. Điều đặc biệt, mỗi khi nhắc đến nhà thờ, người dân địa phương thường tự hào bởi nơi này lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) được xuất bản vào năm 1651 tại Roma (Ý). Rời nhà thờ, trên đường trở ra, chúng tôi ngang qua xã An Thạch, quê hương của nhà văn Võ Hồng (1922-2013). Mới hiểu vì sao ông còn có bút danh khác là Võ An Thạch. Vốn là một nhà giáo, hồi chín năm kháng chiến, ông từng làm Hiệu trưởng trường trung học Lương Văn Chánh, Phú Yên. Nhiều thế hệ học trò của ông thành danh và có những đóng góp nhất định cho xã hội. Là một nhà văn tiêu biểu ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975, nhà văn Võ Hồng vừa dạy học vừa cầm bút và ông để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Nhưng năm cuối đời, nhà văn định cư ở Nha Trang, ngôi nhà 53 Hồng Bàng là một địa chỉ quen thuộc của nhiều nhà văn, nhà thơ cùng đông đảo các độc giả yêu văn chương.
Tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, có một gia đình đặc biệt đã sản sinh ra một nhạc sĩ tài ba và một thi sĩ tài hoa. Nhạc sĩ Nhật Lai, tên khai sinh là Nguyễn Tuân (1931-1987) là một hiện tượng độc đáo của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Tác phẩm của ông đa dạng, bao gồm: nhạc kịch, nhạc múa, ca kịch, khí nhạc, ca khúc… Nhạc phẩm “Hà Tây quê lụa” của Nhật Lai được chuyển tải qua giọng của nghệ sĩ Quốc Hương, trở thành một ca khúc bất hủ. Người em ruột của nhạc sĩ Nhật Lai là nhà thơ Nguyễn Mỹ (1935-1971) nổi tiếng với “Cuộc chia ly màu đỏ”, được xếp trong 100 bài thơ Việt hay nhất thế kỷ XX. Cả hai anh em đều tập kết ra Bắc, năm 1968, Nguyễn Mỹ trở lại chiến trường miền Nam. Là phóng viên báo Cờ giải phóng Trung Trung bộ, Nguyễn Mỹ hy sinh trong một trận càn của lính Mỹ bên bờ sông Đăkta, thuộc địa bàn huyện Trà My, Quảng Nam. Cả hai anh em Nhật Lai, Nguyễn Mỹ đều được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Ở xã An Chấn, huyện Tuy An có một nhà văn gạo cội là Thanh Quế. Lên 10 tuổi, cậu bé Phan Thanh Quế theo cha tập kết ra Bắc. Tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông trở về Nam chiến đấu ở chiến trường khu Năm khốc liệt.  Hàng chục tác phẩm của ông với nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, lý luận phê bình… song đặc sắc nhất vẫn là truyện ngắn. Dễ gì quên được những thiên truyện gắn với quê hương Phú Yên, như: “La Hai”, “Dì Út và người khách ấy”, “Mai”… Thanh Quế được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Và cậu con trai út của anh, Phan Tuy An cũng từng nổi danh một thời bởi năng khiếu thơ phát lộ…
Nói đến Phú Yên, không thể không đề cập đến các lớp vỉa phong phú, đa dạng của địa tầng văn hóa, làm nên bản sắc và con người xứ Nẫu thông minh, tài hoa. Ngày thơ Nguyên tiêu Phú Yên được hình thành cách nay gần 30 năm, nó được khởi đầu từ Thư viện Hải Phú, rồi dịch chuyển dần ra chân Nhạn Tháp. Đêm thơ Nguyên tiêu trở thành ngày hội thi ca của đông đảo người dân nơi đây, không phân biệt nhà thơ chuyên nghiệp hay không chuyên, ai cũng có quyền trình bày những thi phẩm yêu thích. Đến cuối thập niên 80, dù đơn vị hành chính là tỉnh Phú Khánh không còn tồn tại, song anh chị em văn nghệ Phú Yên, Khánh Hòa vẫn dành cho nhau tình thương mến và quý trọng. Những năm ở Nha Trang, tôi may mắn có vài lần được ra dự đêm thơ Núi Nhạn, được đắm mình trong không gian rời rợi bóng trăng với âm hưởng huyền ảo, thật là những kỷ niệm khó quên. Nếu ngày thơ Việt Nam hiện tại ở nhiều địa phương tổ chức èo uột, chật vật, thì trái lại ở Phú Yên ngày càng “nở nồi”. Đặc biệt, đây là địa phương có rất nhiều xã, phường, cũng tự làm được đêm thơ đường hoàng mà không cần đòi hỏi kinh phí. Quả thật, ngày thơ trở thành một sân chơi rộng rãi của người dân, bình dị mà không tầm thường, say đắm mà vẫn thanh tao. Quả thật, hiếm có nơi đâu trên đất nước này có được số lượng công chúng yêu thơ, say thơ đến vậy như ở Phú Yên, nhất là trong bối cảnh thơ lạm phát như hiện nay. Từ đêm thơ Nguyên tiêu, đến hoa hậu Nguyên tiêu, người Phú Yên thực sự thổi hồn vào một sự kiện văn hóa, khiến cho sự kiện này thêm tỏa sáng lung linh và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, làm nên dấu ấn sâu đậm của một vùng đất. Và giờ đây là Hội sách lần đầu tiên của tỉnh được tổ chức ngay trong sân trường Đại học Phú Yên, cũng nằm trong mạch nguồn dồi dào ấy.
*
Xin được ngược dòng thời gian một chút. Vào giữa thập niên 80, khi đã trở thành công dân của tỉnh Phú Khánh, tôi cùng một số anh chị em cầm bút có chuyến đi thực tế tại công trình thủy điện Sông Hinh. Ngày ấy, giữa chốn rừng xanh núi đỏ thuộc huyện mới Sông Hinh, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, mọi thứ dường như mới bắt đầu manh nha. Ngoài mấy cỗ máy khoan đang miệt mài thăm dò và lều lán tạm bợ của công nhân, nhìn ra chưa thấy gì. Những năm ấy, nền kinh tế của đất nước đang khánh kiệt, thực sự, tôi đã nghĩ đến chuyện làm thủy điện giống như một giấc mơ giữa ban ngày! Ấy vậy mà sau một đêm lửa trại, trò chuyện và đối thoại thẳng thắn với Trưởng ban Quản lý công trình thủy điện Sông Hinh lúc đó là anh Nguyễn Thành Quang (Ba Quang) chúng tôi đã vỡ ra nhiều điều. Và ngay từ lúc ấy, tôi cảm nhận sự mến mộ anh Ba Quang, bởi ngoài kiến thức sâu rộng, anh còn khá am hiểu văn chương và những người cầm bút.
Được khởi công từ năm 1993, nằm trên địa phận xã Ea Trol, cách thị xã Tuy Hòa chừng 35km về phía tây nam, công trình thủy điện Sông Hinh được hoàn thành vào năm 2001, gồm hai tổ máy, công suất 70 MW. Hòa vào lưới điện quốc gia, thủy điện Sông Hinh đã thắp sáng niềm mơ ước của người dân vùng căn cứ cũ. Nơi ấy là quê hương của nhà văn Y Điêng, người dân tộc Êđê…
Sau ngày chia tách tỉnh Phú Khánh, tôi không có dịp gặp lại anh Ba Quang. Chỉ nghe loáng thoáng là anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở nước ngoài. Và anh trở thành người lãnh đạo cao nhất tỉnh Phú Yên. Theo dõi bước đi của anh, thấy điều ấy là hiển nhiên. Là một trong những Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, anh Ba Quang để lại dấu ấn sâu sắc thời đổi mới và hội nhập của quê hương mình. Do hoàn cảnh nên con đường vươn lên đỉnh cao tri thức của anh không suôn sẻ, nhưng bằng nỗ lực của bản thân, từ một cán bộ lãnh đạo chính trị anh đã trở thành nhà khoa học quản lý, có những đóng góp cho quê hương.
Trước lúc chia tay, từ chiều, Phan Hoàng thông báo: “Tối nay, anh Ba Quang mời cơm!”. Nghe nói anh vừa mới trở về từ Hàn Quốc, sau đợt kiểm tra sức khỏe. Khi chúng tôi đến nơi, đã thấy anh Ba chờ sẵn, cùng với anh Hoàng Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và một vài anh em khác. Được trò chuyện với các anh, được biết, nay mai, sân bay Tuy Hòa sẽ lắp đặt hệ thống đèn hàng hành, để các hãng tàu bay sẽ khai thác những chuyến bay đêm. Vâng, tôi tin Phú Yên sẽ cất cánh!