Trong những năm 1960, thơ Ngô Kha xuất hiện như một
nỗi buồn lặng lẽ và trong sạch. Ngô Kha nói thủng thẳng với bóng mình: “Lần hồi
sinh trên con tàu cuối cùng/ chung quanh anh phù sa cát đỏ/ Anh hỏi thầm về đời
mình: Gỗ đá có buồn không? Chim chóc có buồn không?”. Sau khi cho ấn hành tập
thơ “Hoa Cô Độc”, Ngô Kha lại cho ra đời tập “Ngụ ngôn của người đãng trí”. Đây
là tác phẩm mà Ngô Kha đã gửi gắm rất nhiều tư tưởng và thái độ của mình trong
một giai đoạn lịch sử mà chính tác giả là chứng nhân. Một bản trường ca hùng
tráng mà theo đánh giá của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì trong tác phẩm này
chứa đựng tất cả ngôn ngữ và hình tượng ám ảnh kinh hoàng về chiến tranh. Là lời
tự tố cáo đau đớn của một con người đang cố tìm cách thoát thân trên một mảnh đất
bị chiếm đóng bởi quạ đen, pháo sáng và lưỡi lê, ở đó như nhà thơ đã nói “tên mọi
người đã ghi vào viên đạn”…
Nhà thơ - liệt sỹ Ngô Kha: Và nay gió cũng tang bồng
PHAN BÙI BẢO THY
Trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên,
trí thức ở Huế và các đô thị miền Nam các thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước,
Ngô Kha đã xuất hiện như một gương mặt nổi bật nhất. Theo trí nhớ của những người
bạn từng sát cánh bên anh trong những ngày biến loạn ấy: Ngô Kha là một con người
có cách ăn nói hùng hồn, lý luận sắc bén, trình bày có sức thu hút mãnh liệt.
Theo tài liệu của tác giả Nguyễn Duy Hiền đã công bố
trong tác phẩm “Ngô Kha – Ngụ ngôn của một thế hệ”, do NXB Thuận Hóa ấn hành
tháng 12 năm 2005: Nhà thơ Ngô Kha sinh ngày 2 tháng 3 năm 1935, tại làng Thế Lại
Thượng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Ông là con út trong một gia đình khá
đông anh em (4 trai, 3 gái). Thân phụ của nhà thơ là cụ Ngô Tuyên, làm quan nhà
Nguyễn, từng giữ chức Tri huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), rồi chánh án Quảng Bình.
Ngô Kha tốt nghiệp thủ khoa khóa 1, Đại học Sư phạm Huế (1958-1959), cử nhân Luật
khoa (1962), rồi trở thành giáo sư dạy Văn và Công dân ở các trường Quốc Học,
Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo- Huế từ năm 1960 cho đến ngày bị địch bắt và thủ
tiêu vào năm 1973.
Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ở
miền Nam Việt Nam mà đặc biệt là ở Huế, một bộ phận tuổi trẻ, đặc biệt là giới
học sinh sinh viên bùng nổ phong trào đấu tranh chống lại chế độ Sài Gòn. Người
trí thức trẻ Ngô Kha những ngày ấy đã xông xáo dấn thân với phong trào tranh đấu.
Nhiều tác phẩm văn chương và chính luận của anh thường xuyên được đăng tải trên
các báo, tạp chí công khai ở miền Nam cùng với những người bạn cùng thời như Bửu
Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn…và chính những tác phẩm đó đã gây nên một
tầm ảnh hưởng rất lớn đối với anh em học sinh sinh viên tranh đấu trong những
ngày đầy biến động ở miền Trung.
Để dấn thân vào phong trào đấu tranh lúc đó, Ngô Kha
đã gia nhập vào sinh hoạt với các bạn đồng niên trong nhóm “Quán Bạn” với Trần
Quang Long; “Tuyệt Tình Cốc” với anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc
Phan. Tháng 1 năm 1990, trong một bài viết về nhà thơ – liệt sĩ Ngô Kha, có tựa
đề là “Nhớ Ngô Kha”. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “…Con người hành động
mãnh liệt đã đến với anh sau nhiều năm đầy day dứt và ám ảnh về lẽ sống, về tuổi
trẻ và vận mệnh đất nước, và điều đó còn để lại những dấu tích thật sâu đậm
trên chặng đường dài gian khổ của thơ anh.”
Trong những năm 1960, thơ Ngô Kha xuất hiện như một
nỗi buồn lặng lẽ và trong sạch. Ngô Kha nói thủng thẳng với bóng mình: “Lần hồi
sinh trên con tàu cuối cùng/ chung quanh anh phù sa cát đỏ/ Anh hỏi thầm về đời
mình: Gỗ đá có buồn không? Chim chóc có buồn không?”.
Sau khi cho ấn hành tập thơ “Hoa Cô Độc”, Ngô Kha lại
cho ra đời tập “Ngụ ngôn của người đãng trí”. Đây là tác phẩm mà Ngô Kha đã gửi
gắm rất nhiều tư tưởng và thái độ của mình trong một giai đoạn lịch sử mà chính
tác giả là chứng nhân. Một bản trường ca hùng tráng mà theo đánh giá của nhà
văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì trong tác phẩm này chứa đựng tất cả ngôn ngữ và
hình tượng ám ảnh kinh hoàng về chiến tranh. Là lời tự tố cáo đau đớn của một
con người đang cố tìm cách thoát thân trên một mảnh đất bị chiếm đóng bởi quạ
đen, pháo sáng và lưỡi lê, ở đó như nhà thơ đã nói “tên mọi người đã ghi vào
viên đạn”…
Năm 1964, địch đàn áp nhóm “Quán bạn” cùng với nhà
thơ Trần Quang Long, Ngô Kha bị bắt giam một thời gian rồi anh được trả tự do
sau những đợt đấu tranh quyết liệt của học sinh, sinh viên đô thị đòi trả tự do
cho anh.
Năm 1966, sau khi bị động viên vào trường sĩ quan trừ
bị Thủ Đức của quân đội sài Gòn và đóng quân một thời gian ở Đức Hòa, Đức Huệ tỉnh
Long An. Ngô Kha trở về Huế, ông tham gia đấu tranh và là một trong những thành
viên nòng cốt lãnh đạo đơn vị quân đội Sài Gòn ly khai (sau đơn vị này lấy tên
là chiến đoàn Nguyễn Đại Thức). Cuộc đấu tranh thất bại, Ngô Kha lại bị bắt và
bị đày đi Phú Quốc một thời gian. Năm 1970, Ngô Kha chủ trương nhóm trí thức đấu
tranh Tự Quyết cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn,
Thái Ngọc San. Năm 1971, Ngô Kha chủ biên tập san “Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền
Trung”, đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Huế.
Nhà thơ - Nhà báo Thái Ngọc San một người bạn ít tuổi
trong nhóm trí thức đấu tranh Tự Quyết của Ngô Kha nhớ lại: Đầu những năm 70,
thầy giáo, nhà thơ Ngô Kha xuất hiện như một ngọn cờ, hô hào bãi khóa, xuống đường
và khởi thảo các bản tuyên ngôn, tuyên chiến với chế độ Sài Gòn. Từ quan điểm
“đòi hòa bình, độc lập, chống bạo lực, đứng ngoài mọi phe phái chủ nghĩa” (của
nhóm Tự quyết) đến việc công khai tuyên bố ủng hộ lập trường của Mặt trận dân tộc
Giải phóng miền Nam, con đường đến với cách mạng của Ngô Kha như một lẽ tất yếu,
bùng cháy theo ngọn lửa của mặt trận đường phố: “Mừng anh em như mới chào đời/
Ngày Việt Nam khai sinh ngôn ngữ mới/Ba mươi triệu đồng bào anh em đứng dậy/
Như Trường Sơn hùng vỹ đời đời…” (Trường ca Hòa bình). Chính vì sự tuyên chiến
và dứt khoát đứng về phía “Trường Sơn hùng vỹ” ấy mà nhà chức trách đương thời ở
Huế đã rất điên cuồng tìm mọi cách để triệt hạ ngọn cờ Ngô Kha.
Anh Nguyễn Công Thắng, một người học trò cũ của thầy
giáo Ngô Kha đã nhớ về người thầy đáng kính của mình rằng: Chúng tôi theo học
ban C (ban Triết, ngoại ngữ), nhưng môn học chúng tôi thích nhất, chờ đợi nhất
là một môn phụ, mỗi tuần chỉ 1 giờ: Môn Công dân Giáo dục của thầy Ngô Kha. Hồi
ấy, cái tên Ngô Kha đã vượt ra ngoài phạm vi của ngôi trường Quốc Học cổ kính để
trở thành biểu tượng của giới trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước, chống chiến tranh
xâm lược. Thật lạ, con người có vóc dáng nhỏ nhắn, gầy guộc ấy là sự tổng hòa ý
chí rắn rỏi của một con người hành động, tâm huyết và sự sắc sảo của một trí thức
chân chính và sự hồn nhiên, bay bổng của nhà thơ…
Những giờ học với thầy Kha bao giờ cũng để lại ấn tượng
sâu sắc. Thay vì giảng bài một cách “hiền lành”, thầy Ngô Kha dường như chỉ
bình luận thời sự, biến giờ học thành một cuộc đối thoại sinh động về ý thức
công dân trong một xã hội nhiễu nhương về dân chủ và cách mạng dân tộc, về chiến
tranh và hòa bình. Có lẽ đó là bài học giáo dục công dân đúng nhất trong bối cảnh
đen tối thời ấy…
Tháng 1 năm 2005, trong bài viết “Bài ca bi tráng của
phong trào đô thị Huế”, nhà thơ-nhà báo Thái Ngọc San có kể lại rằng: Có một
đêm, Ngô Kha đưa Thái Ngọc San về căn nhà của mình ở làng Thế Lại Thượng, ngồi
bên bậc cửa cạnh lối ra khu vườn nhà nơi có cây vải trạng đầy kỷ niệm. Ngô Kha
đã tâm sự với Thái Ngọc San một điều tận tâm can mà Ngô Kha đã muốn thổ lộ từ
lâu: Đó là việc Ngô Kha muốn gặp lãnh đạo cách mạng nội thành Huế để tâm tình
và nhờ Thái Ngọc San tìm cách liên lạc giúp. Nhưng không ngờ lời tâm tình ấy đã
trở thành một lời trối trăn vĩnh cửu vì sau đó không lâu Ngô Kha bị sa vào tay
giặc và bị thủ tiêu, Thái Ngọc San thoát ly lên chiến khu và hai người vĩnh viễn
không bao giờ gặp lại nhau từ đó.
Lời kể của nhà thơ – nhà báo Thái Ngọc San rất trùng
khớp với câu chuyện giữa nhà thơ Ngô Minh với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Có
lần, vì biết ông Tường là bạn chí thân với Ngô Kha nên Ngô Minh thắc mắc rằng
vì sao lúc đó “tổ chức” không tìm cách để đưa Ngô Kha lên chiến khu? Ông Tường bảo
rằng, ngày ấy “tổ chức” đã có liên lạc với Ngô Kha nhưng khi Kha chưa kịp đi
thì bị bắt. Cũng có thể Kha chần chừ giữa việc lên rừng với ở lại tranh đấu
trong lòng đô thị với bạn bè, trong khi đó mật vụ địch theo dõi từng bước đi,
nên không thoát được…
Mật thám bắt và thủ tiêu Ngô Kha. Thân xác ông được
táng cụ thể chỗ nào thì vẫn còn trong vòng bí mật như những câu thơ mà sinh thời
Ngô Kha đã viết: “Con đã đi bao năm/ Mẹ không rời ngưỡng cửa/ Và nay/ Gió cũng
tang bồng/ Nhưng thi sĩ vẫn nằm im trong nhà tù vĩnh cửu…”
Gần đây, đối chiếu từ nhiều nguồn tư liệu, Nhà
nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã khoanh vùng được nơi táng Ngô Kha ở cồn mồ làng
An Cựu. Sau năm 1975 cồn mồ đó đã bị giải tỏa san lấp để dựng xí nghiệp Gỗ
Hương Giang, nay là khu kho ngoại quan phía sau trạm xăng dầu gần Bến xe phía
Nam thành phố Huế.
Ngày 1/1/1981, Chủ tịch UBND thành phố Huế đã ký giấy
chứng nhận hy sinh số 153 và đề nghị Nhà nước truy phong liệt sỹ cho nhà
thơ-nhà giáo Ngô Kha. Ngày 3/11/1981, Ngô Kha được công nhận là liệt sỹ và một
con đường ở gần nơi ngày xưa ông sống cũng được mang tên Ngô Kha.