Hà Nội những ngày cuối đông rét ngọt. Năm cũ đã cạn ngày, năm mới đang lưng chừng một làn gió là tới... Trong căn phòng nhỏ đã xuống bụi thời gian ở tầng 2 số 100 Yết Kiêu vang bóng một thời, mùa xuân dường đã gọi nắng về. Bạn hữu tới chơi rôm rả, chúc mừng và chia sẻ Hữu Ước vừa ra lò tập sách mới - tập 3 nóng bỏng của bộ tiểu thuyết "Kiếp người" có tựa đề là "Lạnh" chào xuân Mậu Tuất. Phòng của Hữu Ước lại râm ran tiếng cười nói. Ở đâu có Hữu Ước, ở đó có nhiều chuyện để bàn. Gặp Hữu Ước, không vui không được. Cái chất khí khái hào sảng của ông Trung tướng nhà văn luôn dạt dào năng lượng có khả năng lan tỏa giữa đám đông. 



HỮU ƯỚC TIẾP TỤC KỂ CHUYỆN ĐỜI

NHƯ BÌNH

Nỏ điếu lại kêu ro ro, khói thuốc lào buông mờ mịt. Mùi thơm của những chén rượu ủ lâu năm được rót ra đãi bạn sóng sánh men tình. Hữu Ước chưa bao giờ giảm sút phong độ, ngay cả khi anh có ở bên kia đỉnh dốc của cuộc đời với nghìn trùng gian khó bủa vây. Hay khi anh rời chốn quan trường, rời quyền lực, những thử thách vẫn dồn dập đổ sóng lên anh, như bao lần đổ sóng trong những khúc quanh trầm luân của số phận. Dù trong hoàn cảnh nào, gian khó đến mấy Hữu Ước vẫn giữ thế cân bằng, tự cầm vết thương, tự nạp năng lượng, tự chiến đấu, tự giải vây, và luôn nở nụ cười lạc quan yêu đời dẫu có những lúc ở nỗi đời đen bạc nhất. Hiếm khi thấy Hữu Ước bi lụy, than thở hay bất mãn. 
Bình an và tự tại, như xương rồng đội sa mạc cát để thản nhiên xanh, để nở những mùa hoa rực rỡ... mặc bão tố bủa vây, mặc đời giông gió, ngày lại ngày, Hữu Ước  một mình lẻ bóng, đi về căn phòng cũ, nằm khểnh trên cái đivăng để viết tiểu thuyết. Cái tâm thế bình thản của Hữu Ước như loài gấu ngủ đông, như loài cọp rình mồi tháng chạp. Ẩn sâu trong bề ngoài thô ráp là một tinh thần sống, năng lượng sống thật mãnh liệt. Nó được ví như ngọn núi lửa chỉ chờ chực phun trào những dòng nham thạch nóng hổi.
Hữu Ước là một người đã nói là làm, nói được là làm được. Chỉ trong vòng 3 năm kể từ ngày Hữu Ước "giã quan" chia tay với công việc báo chí truyền hình của mình để về nghỉ hưu, ông bắt tay vào làm hai công trình văn hóa để đời của mình. Đó là công trình tâm linh "Công viên Ước" và bộ tiểu thuyết Kiếp người ông đã nung nấu từ ngày còn đương chức. Nhưng chỉ phải đến lúc nghỉ hưu, rời xa công việc sự vụ của quan trường, ông mới có thời gian toàn tâm toàn ý cho hai công trình lớn của đời mình. 
Phải nói tôi vẫn gọi Hữu Ước là "siêu nhân", "người ngoài hành tinh" khi vỏn vẹn trong ba năm ông đã viết xong, in xong, phát hành xong 3 cuốn tiểu thuyết đồ sộ dày dặn mỗi cuốn khoảng 500 trang trong bộ tiểu thuyết Kiếp người của mình (với số lượng trên 10 vạn bản 3 tập) và khánh thành khu văn hóa tâm linh công viên Ước ở Sóc Sơn. Một khối lượng công việc quá đồ sộ, hai công trình để đời đòi hỏi chủ nhân vừa trường trí tuệ, vừa trường sức lực. Ấy vậy mà Hữu Ước một thân một mình hoàn thành gọn ghẽ nhẹ tênh chỉ trong vòng 3 năm. Mà trong 3 năm đó, bão tố vẫn rình rập, gian nan vẫn thử thách lòng người.
Cầm trên tay cuốn tiểu thuyết nóng hổi vừa mới ra lò của ông với cái tên "Lạnh" mà ngẫm về một đời gian truân của Hữu Ước thấy lạnh thật. Từ tập đầu tiên "Sống" người đọc bị hút theo những thăng trầm của nhân vật hắn, từ một người lính cầm súng đi ra chiến trường, trở về thời bình vượt qua khổ nạn này, đến khổ nạn khác, từ thất bại này đến thất bại khác nhờ ký ức đẹp đẽ của người lính đã từng trải qua những năm tháng cận kề sinh tử trên chiến trường. Trong hành trình nhọc nhằn đấu tranh tìm lẽ phải, không ít bầm dập và thương tổn tưởng có thể gục ngã, nhân vật hắn với những may rủi kỳ lạ của số phận, vẫn mạnh mẽ vươn lên, phấn đấu rèn luyện hết mình để đạt tới một lẽ "Sống" đúng nghĩa nhất.  Tập một "Sống" chuyển tới độc giả một thông điệp vô cùng nhân văn và sâu sắc. Con người dù ở hoàn cảnh nào cũng phải sống được, sống đàng hoàng, sống tử tế, sống đẹp đẽ, sống không thù hận, không ngoái nhìn những nặng nề phía sau. Sống để cống hiến mình, để làm người tử tế, biết yêu thương và trân trọng cuộc sống. Sống là quá trình vật vã trong hành trình lột xác tìm lại chính mình. Văn chương đẹp hiện đại nhưng giàu chất thơ, ngôn ngữ trong sáng giàu hình ảnh, chi tiết sống động chân thực, văn phong mạch lạc, tiết tấu nhanh, tiểu thuyết "Sống" như một dòng chảy mạnh mẽ cuốn người đọc vào vòng xoáy của Sống.
Tập hai "Lửa" đúng nghĩa là những thử thách nghiệt ngã trong hành trình Sống. Nhân vật "hắn" chưa bao giờ bình yên khi liên tục kinh qua thử thách này đến gian nan khác. Trên hành trình chênh vênh, gian khó ấy, những thử thách nhân vật gặp phải đôi khi chạm tới tận cùng của tuyệt vọng. Nhưng cuộc sống quả thật là những phép màu nhiệm. Chạm tới "cửa tử" rồi đấy nhưng rõ ràng "hắn" luôn là số có quý nhân phù trợ. Bên cạnh những thử thách gian khó, chính những phép màu từ cuộc sống đã giúp cho nhân vật hắn không gục ngã, giúp hắn vượt qua và đến đích an toàn. Qua đây độc giả cũng chiêm nghiệm một điều rằng, dẫu cuộc sống có rất nhiều thử thách, lò lửa luôn sẵn sàng thiêu sống bất kỳ ai, nhưng hãy vững tâm với niềm tin vào lẽ phải. Giữ niềm tin bởi những người tốt trong đời sống này vẫn còn quá nhiều... quá đủ để cho hắn kiên định với lẽ sống của mình. Nếu như tập một "Sống" cho độc giả sống cùng nhân vật trong hồi ức đan xen giữa hiện thực bế tắc ngột ngạt của nhân vật những ngày trong tù, ra tù với những khoảnh khắc rung động ngọt ngào nên thơ của hồi ức lính, thì đến tập "Lửa" độc giả như bị thiêu đốt theo nhân vật với những thử thách trên con đường tìm lại chính mình.
Tập ba "Lạnh" là một khoảng lặng đau đớn của bộ tiểu thuyết Kiếp người. Vẫn là những khúc quanh quá nghiệt ngã của số phận, càng về cuối càng nhiều hơn, càng khốc liệt hơn. Nhân vật hắn hay cũng chính là tác giả ngỡ cuối đời hái được trọn vẹn quả ngọt của hạnh phúc khi công đã thành, danh đã toại thì số phận lại giáng một đòn cuối trắng tay khi người vợ hiền chịu thương chịu khó của hắn, đã theo hắn từ ngày khổ nhục cho đến lúc vinh quang bỗng nhiên gặp tai nạn mà qua đời. Cái chết của người vợ như một dấu chấm hết cho Kiếp người chìm nổi của hắn. Như một cơn gió lạnh hun hút đầy sương giá tràn về bao phủ cuộc đời cô độc của hắn. Người đọc thấm dần hơi lạnh từ trang sách, thấm dần nỗi cô đơn quạnh quẽ của hắn, ngấm dần những cơn gió lạnh trống hoác thổi về từ một kiếp người nhọc nhằn dâu bể. Vật vã đau đớn để làm gì, khát vọng mà để làm gì khi cuối cùng đứng trên đỉnh cao danh vọng, có trong tay tất cả mọi thứ bỗng ngộ ra đời sống thật hữu hạn, vô thường, đạt được vinh quang đấy nhưng có khi những thứ giản dị nhất lại để số phận cướp mất. Khép trang cuối của tiểu thuyết "Lạnh" lại, ta như thấy giá lạnh hun hút thổi về trong ta từ phía vô cùng. Đó chính là cái kết tài tình của Hữu Ước, một cái kết mở, mở ra một nỗi hoang mang giá lạnh của một Kiếp người không chỉ của riêng ai.
Đã có hẳn một hội thảo bàn về Hữu Ước với văn học nghệ thuật trong năm 2017 nói về bút pháp của Hữu Ước trong văn, thơ, nhạc, kịch. Ở đó phần bút pháp về văn xuôi, đặc biệt là về tiểu thuyết của Hữu Ước được các nhà phê bình mổ xẻ đến tận cùng, xem đó là một thế mạnh nổi trội nhất trong sáng tạo văn học nghệ thuật của Hữu Ước. Văn chương Hữu Ước đẹp, giản dị, sáng trong và đi vào lòng người. Văn của Hữu Ước như những hạt ngọc quý sáng long lanh trong vườn nghệ thuật của ông. Tôi nhớ một câu ngạn ngữ rằng, cái đẹp vĩnh hằng nhất, lộng lẫy nhất, có sức thuyết phục nhất đó chính là vẻ đẹp ở sự chân thực giản dị và tự nhiên. Nhưng để đạt đến độ giản dị và tự nhiên, nhà văn phải chắt lọc được hết những tinh túy, châu báu của ngôn ngữ và tinh lọc được đời sống mới có thể viết ra được thứ văn chương đẹp đẽ và linh hoạt của đời. 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng nhận xét: "Văn của Hữu Ước không cầu kỳ, màu mè, ông viết như chính ông đang trò chuyện với độc giả. Một điều tôi nhận thấy là ngôn ngữ của ông là ngôn ngữ của chính thời đại ông đang sống. Đó là thời đại của tốc độ, của sự tối giản và luôn luôn chứa đựng một lượng thông tin lớn về những vấn đề mà con người phải đối mặt. Đó là thứ ngôn ngữ phả vào người đọc như lửa. Nó chứa đựng sự thật của các số phận riêng biệt và của cả cộng đồng với những giày vò, đau đớn, khát vọng và nhân tính, nhưng ngôn ngữ đó là nhà văn. Và đó chính là con đường biến tính cách của một nhà văn thành đặc điểm của một tác phẩm văn học". Xin được khép lại bài viết nhỏ này bằng lời nhận xét của nhà phê bình Bùi Việt Thắng về văn chương của Hữu Ước: "Ai cũng biết Hữu Ước trong nghệ thuật đã "xẻ" mình ra, chia đều cho cả thơ, kịch, nhạc, họa (đúng mẫu cầm, kỳ, thi, họa). Cho nên, theo tôi, tất yếu sẽ không có một "cú thôi sơn" nào "giáng" vào công chúng nếu không có bộ tiểu thuyết Kiếp người. Hữu Ước đã lao động nghệ thuật nghiêm túc. Tôi cứ nghĩ Hữu Ươc với tư cách một nhà văn lúc nào cũng như một "Hỏa Diệm Sơn" chực phun trào... Nhưng sự phun trào ấy nóng nhất, hiệu quả nhất trong lĩnh vực văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết. Ông trao gửi toàn bộ kinh nghiệm sống, những thăng trầm, những buồn vui, những được mất, những nước mắt và nụ cười, những hy vọng và thất vọng, những tụng ca và bi ai vào trong kiếp người".
Hữu Ước may mắn có những độc giả biết trân quý và chiêm ngưỡng vẻ đẹp văn chương trong tác phẩm của ông. Và tôi tin, còn sống, Hữu Ước còn tiếp tục kể chuyện đời.