Có thể xem Từ Kế Tường là một trong những nhà văn sở
hữu lượng tác phẩm đồ sộ nhất hiện nay. Ông viết khỏe, viết nhiều và cũng chẳng
"ngán" đề tài nào: từ truyện, thơ viết cho tuổi hoa; truyện thiếu nhi
như bộ "Thiên đường không tuổi", tập "Bầu trời màu trứng
sáo" đến tiểu thuyết hình sự, bút ký nhân vật, nghệ sĩ; phiếm luận, bình
luận các vấn đề xã hội trên báo chí... Số tác phẩm cả mới lẫn cũ đến nay đã gần
200 cuốn. Tuy nhiên, vẫn còn hơn chục tác phẩm thất lạc chưa tìm được. Bộ ba
tác phẩm "Áo tím qua đường", "Mối tình như sương khói",
"Còn những bóng mưa tan" chỉ là mốc khởi đầu để thời gian tới, cứ mỗi
quý một lần, ông sẽ kết hợp với NXB Văn hóa - Văn nghệ cho ra mắt ba tác phẩm gồm
một tác phẩm mới, hai tác phẩm cũ. Nếu đều đặn như thế, để in hết tác phẩm, Từ
Kế Tường phải mất … 10 năm!
NHÀ VĂN TỪ KẾ TƯỜNG: CÒN NHỮNG BÓNG MƯA TAN TRONG MẮT
MAI QUỲNH NGA
"Còn những bóng mưa tan", "Áo tím qua
đường", "Mối tình như sương khói" vừa gặp lại độc giả sau hơn 40
năm lưu lạc. Đầu thập niên 70, bộ ba truyện dài này của Từ Kế Tường bán rất chạy,
được đông đảo thanh thiếu niên xem như sách gối đầu giường. Biến cố lịch sử khiến
ba cuốn sách cùng nhiều tác phẩm khác tứ tán muôn phương. Hơn 40 năm, ông rong
ruổi khắp nơi tìm lại những đứa con tinh thần. Lục tìm trong thư viện, tiệm
sách cũ, trong bạn bè… nhưng mọi thứ vẫn biệt tăm. Khi bắt đầu biết chơi
Facebook, ông lên đây rao tin tìm kiếm. Rao vậy thôi chứ hy vọng không nhiều.
Ngờ đâu, nhiều người còn giữ bản gốc cuốn sách đánh tiếng liên lạc. Ông mừng
quýnh. Nhưng mặc ông năn nỉ xin mua lại sách cũ với bất kỳ giá nào, độc giả
không chịu bán bởi nó là kỷ vật vô giá với họ. Thương nỗi mong ngóng mòn mỏi của
nhà văn, có người tặng ông bản photo, có người dành cả tháng trời ngồi đánh máy
cuốn truyện. Ngoài ba cuốn sách trên, độc giả còn gửi nhiều cuốn mà ông đỏ mắt
tìm kiếm bấy lâu như "Đôi mắt sầu mây", "Suối mây hồng",
"Bài hát thần tiên"... Bụi thời gian đã làm sách cũ mèm, rách đi nhiều
trang, thậm chí mất cả mấy chương. Nhận lại bản thảo, ông bồi hồi sống lại
thời trai trẻ, bắt mạch lại nội dung câu chuyện để viết lại những đoạn bị mất.
Do đó, nói là tái bản nhưng bộ ba tác phẩm ra mắt lần này không khác gì tác phẩm
in mới.
Có thể xem Từ Kế Tường là một trong những nhà văn sở
hữu lượng tác phẩm đồ sộ nhất hiện nay. Ông viết khỏe, viết nhiều và cũng chẳng
"ngán" đề tài nào: từ truyện, thơ viết cho tuổi hoa; truyện thiếu nhi
như bộ "Thiên đường không tuổi", tập "Bầu trời màu trứng
sáo" đến tiểu thuyết hình sự, bút ký nhân vật, nghệ sĩ; phiếm luận, bình
luận các vấn đề xã hội trên báo chí... Số tác phẩm cả mới lẫn cũ đến nay đã gần
200 cuốn. Tuy nhiên, vẫn còn hơn chục tác phẩm thất lạc chưa tìm được. Bộ ba
tác phẩm "Áo tím qua đường", "Mối tình như sương khói",
"Còn những bóng mưa tan" chỉ là mốc khởi đầu để thời gian tới, cứ mỗi
quý một lần, ông sẽ kết hợp với NXB Văn hóa - Văn nghệ cho ra mắt ba tác phẩm gồm
một tác phẩm mới, hai tác phẩm cũ. Nếu đều đặn như thế, để in hết tác phẩm, Từ
Kế Tường phải mất … 10 năm!
Trước 1975, truyện Từ Kế Tường thuộc hàng hút khách
mà công chúng bây giờ gọi là "best -seller". Có cuốn được in tới
100.000 bản. Nhiều khi bản thảo mới chỉ viết cái tựa, vậy mà ông đã được nhà xuất
bản dúi vào tay số tiền rất lớn để đặt cọc.Viết nhiều quá nên lắm khi in xong,
ông quên luôn mặt mũi "đứa con". Lâu lâu, bạn đọc chụp bìa sách gửi tới
tác giả, ông mới ớ ra. Cũng vì viết nhiều nên trước đây Từ Kế Tường có vô số
bút danh mà đến giờ cũng không nhớ hết. Thời đó, chàng thanh niên Võ Tấn Tước lấy
bút danh để giấu tên thật thôi chứ đâu biết ý nghĩa là gì. Đọc "Liêu trai
chí dị" của Bồ Tùng Linh, ông mê mẩn truyện kể về chàng thư sinh nhà nghèo
họ Tường, tên Kế Trường. Trên đường lên kinh đô ứng thí, chàng gặp một ngôi nhà
lá nằm giữa rừng hoang có cây cỏ, hoa thơm như tiên cảnh. Ông lão cho chàng nghỉ
trọ.
Đêm, chàng nghe giọng ngâm thơ trầm bổng vọng lại,
tò mò mở cửa thì thấy một cô gái xinh đẹp tuyệt trần. Hai người cùng ngâm thơ
xướng họa, tâm đầu ý hợp. Gần sáng, nàng đi mất. Thương chàng khoác áo vinh quy
trở về nhưng không gặp được nàng, ông lão bèn cho chàng biết thật ra nàng đã chết
từ hồi rất trẻ, hồn gửi vào đóa mẫu đơn. Tối đến, nàng mới thành người. Đêm đó,
họ gặp nhau trong nước mắt mừng tủi. Nhưng người âm, kẻ dương, mối tình rơi vào
vô vọng. Ví mình tựa chàng thư sinh ôm mộng liêu trai nên nhà văn lấy ngay cái
tên Từ Kế Trường làm bút danh cho tác phẩm mới. Khốn nỗi bộ phận sắp chữ của
báo "Huyền" sắp thiếu chữ r, biến Trường thành Tường. Ông làm ầm lên
thì mọi người cười: "Trường hay Tường gì cũng là tên của mày chứ của
ai?". Từ đó, bút danh Từ Kế Tường gắn liền với ông đến tận bây giờ.
Có lẽ vì hữu ý của bút danh nên trong lòng bạn đọc,
Từ Kế Tường "chết danh" là nhà văn của tuổi hoa mơ mộng dù ông viết lắm
đề tài. Tác phẩm dành cho tuổi mới lớn của Từ Kế Tường là rung động đầu đời đầy
lãng mạn, trong sáng, là tình bạn, tình gia đình, là hoài niệm thanh xuân tươi
đẹp. Mỗi lần chạm vào là một lần ông bắt gặp lòng mình thổn thức. Ở đó có quê
hương Bến Tre, có cánh đồng, con trâu, có những ngày thả diều đuổi bắt trên đường
làng thơm mùa khói đốt đồng, có phố thị những ngày mưa trọ học… "Về lại
quê hương, cảnh xưa người cũ không còn. Lại thấy lòng mình luyến tiếc, mất mát
một cái gì. Viết về tuổi thơ, về tuổi trẻ là cách để tôi tưởng nhớ một quãng đời
êm đẹp đã lùi vào dĩ vãng" - ông nói.
Bộ ba tác phẩm "Mối tình như sương khói",
"Áo tím qua đường", "Còn những bóng mưa tan" đều lấy cảm hứng
từ câu chuyện thật của tác giả. Trong đó, "Mối tình như sương khói"
là câu chuyện thật đến 99%. Nhân vật nam chính trong các tác phẩm thường mang
dáng dấp của Từ Kế Tường - một chàng trai đa sầu, đa cảm, yêu cái đẹp, yêu
thiên nhiên tha thiết. Ngày ấy, chàng quen một thiếu nữ Đà Lạt. Nàng đôi bảy,
đôi tám, má hây hây ửng hồng. Chàng là thư sinh đôi mươi. Mối tình như hoa cỏ xứ
mù sương vươn mình đón nắng. Hồi đó, ở Sài Gòn có chiếc xe đò nhỏ chạy tuyến Đà
Lạt. Cứ cuối tuần, chàng lại bám càng xe, trúc trắc đường đất đỏ bụi mù đầy ổ
gà, ổ vịt lên thăm nàng. Mùa đông, tầm tháng 10, 11, chàng càng siêng ghé phố
núi. Ấy là mùa dã quỳ nở rộ vàng rực ven đường, mùa thạch thảo phủ tím đồi
thông, hoa anh đào trắng bung nở dọc hồ Xuân Hương… Chàng say mê như lạc vào
thiên đàng, say mê yêu trong bàn tay bé nhỏ ấm áp của nàng mỗi khi hai đứa tung
tăng dạo chơi khắp núi đồi. Nhưng mối tình vụt tan như sương khói để lại hơi lạnh
tái tê cho người ở lại. Nàng qua Mỹ định cư. Mấy chục năm không còn biết cố
nhân ở nơi nào mà tìm.
"Mối tình sương khói bấy năm/ Ta và Đà Lạt xa
xôi ngút ngàn/ Hồ buồn trong bóng mưa tan/ Ta về tìm nắng phai tàn nhớ em"...
Ngày Từ Kế Tường ra mắt sách, giao lưu với bạn đọc ở đường sách Nguyễn Văn
Bình, có ai dúi vào tay ông mảnh giấy nhỏ. "Nếu nhân vật Tường Vân bước ra
khỏi trang sách và có mặt tại đây thì anh sẽ nghĩ sao?". Ông run bắn người,
ngơ ngác nhìn quanh. Phải chăng cô ấy đang có mặt ở đây?
Đa phần truyện dành cho tuổi hoa của Từ Kế Tường đều
bàng bạc một nỗi buồn man mác. Ông bảo có lẽ tất cả bắt nguồn từ chuyện thật đời
mình. Mà chuyện thật mang nhiều luyến tiếc, bịn rịn. Từ dấu ấn "Huyền
xưa" - tác phẩm đầu tay ông viết hồi năm 19 tuổi- đã nghe nỗi sầu
giăng giăng như tơ trời.
Lâu nay, nhắc tới mảng văn học thiếu nhi và tuổi mới
lớn, người ta chỉ nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh như "ông hoàng một mình một chợ".
Có giai đoạn người ta còn nhầm truyện dài "Bờ vai nghiêng nắng" của Từ
Kế Tường là của Nguyễn Nhật Ánh. Đến khi Nguyễn Nhật Ánh lên tiếng trên Báo Sài
Gòn Giải Phóng thì thiên hạ mới thôi tranh cãi. Nếu đọc kỹ sẽ dễ dàng nhận thấy
bút pháp hai nhà văn hoàn toàn khác nhau. Truyện Nguyễn Nhật Ánh nhiều đối thoại,
giọng văn thường hóm hỉnh, bông lơn và hay để nhân vật chính xưng
"tôi". Truyện Từ Kế Tường hài hòa cả đối thoại, tả cảnh, tả tình với
giọng văn mượt mà chất thơ và nhuốm màu buồn. Đặc biệt, ông thường để nhân vật
chính xưng tên chứ hiếm khi xưng "tôi".
Từ Kế Tường thừa nhận rằng bạn đọc trẻ ngày nay ít
người biết ông là nhà văn của thiếu nhi và tuổi mới lớn, đó là lỗi do mình. Nên
ông phải trở lại sau thời gian dài "mất tích" trên văn đàn sau những
ngày bộn bề làm báo, trở lại với hy vọng hâm nóng, góp thêm một mảng màu sáng
vào bức tranh văn học tuổi hoa. Qua ngưỡng thất thập, lòng ông vẫn tràn đầy háo
hức khi cầm bút phác họa khung trời thơ ngây ấy, bởi: "Còn những bóng mưa
tan trong mắt/ Để trở về năm tháng ngày xưa/ Ta và em - Khoảng trời trong vắt/
Với tình yêu thơm nức hương mùa"...
Nguồn: Văn Nghệ Công An