Mặc dù sinh ra và lớn lên ở vùng núi phía bắc, đã từng thấm cái lạnh ở xứ sở Bạch Dương, nhưng những lần về quê ăn tết, Triệu Lam Châu vẫn không chịu đựng nổi cái lạnh thấu xương trong mưa phùn gió bấc. Hôm cuối cùng đến thăm tôi trước khi theo chiếc xe tải chở toàn bộ giường tủ, bàn ghế và đồ lề ra Bắc, Triệu Lam Châu nói với tôi bằng một giọng bùi ngùi: “Ở vào cái tuổi như anh em mình, phải đối mặt với việc thay đổi môi trường sống là điều không dễ dàng. Mình không muốn chia tay với miền đất này, nơi mình đã gắn bó với bao kỷ niệm vui buồn, nhất là với những người bạn văn chương. Nhưng hai con mình, học hành đến nơi đến chốn vẫn không xin được việc, về Cao Bằng, bà con họ hàng làm trong các sở ban ngành của tỉnh liền nhận ngay. Cha mẹ hưu trí còn biết làm gì nữa”. Tôi ngoảnh mặt đi, cảm thấy cay cay nơi sống mũi.



LÁ RỤNG VỀ MIỀN BIÊN ẢI 

ĐÀO MINH HIỆP


Với tôi, Triệu Lam Châu không chỉ là một đồng nghiệp, mà hơn thế nữa là một người bạn đích thực với đúng nghĩa viết hoa của từ đó. Chúng tôi gặp nhau lần đầu vào năm 80 khi trường Trung cấp Địa chất 2 Tuy Hoà (nay là Cao đẳng Công nghiệp) mới được thành lập, tôi được điều từ Liên đoàn địa chất ở Tây Nguyên xuống, còn Châu từ Cao Bằng vào.
Dẫu còn trẻ, nhưng cả hai đều có chút vốn liếng là đã được tôi luyện từ những miền đất khó khăn thời đó, thêm một điểm chung nữa là chúng tôi đều học ở Nga về, tôi từ Moskva, còn Châu ở Leningrad (Sankt-Peterburg), bởi vậy mà chúng tôi đã nhanh chóng tìm được tiếng nói chung và trở thành bạn tâm giao từ ngày ấy. Sau này mối thân tình lại càng được bồi đắp bền chặt hơn vì cả hai đều có chung niềm đam mê văn học, nhưng ngoài văn học ra, Châu còn yêu thích cả âm nhạc, còn tôi thì thêm hội hoạ.
Nếu so sánh về niềm đam mê văn học-nghệ thuật, thì Triệu Lam Châu thuộc loại “cuồng tín” hơn tôi nhiều. Vào những năm bao cấp, đời sống còn nhiều khó khăn, để những kẻ mới bắt đầu tập tễnh vào nghề như chúng tôi công bố tác phẩm của mình, tôi chỉ biết nhờ các anh chị văn nghệ sĩ đàn anh giới thiệu cho các nhà xuất bản, còn Châu thì bỏ tiền túi ra tự in sách và in đĩa nhạc để tặng bạn. Nhìn những tập thơ, đĩa nhạc in ấn sang trọng, cùng với cái cà vạt màu đỏ thắt ngay ngắn trên cổ, rất tương phản với chiếc xe đạp cà tàng, tôi buột miệng hỏi: “Tốn nhiều không?”. Châu bảo, mỗi thứ cũng năm-mười triệu. Tôi lắc đầu ngán ngẩm: “Sao không dành tiền mua chiếc xe máy cho vợ con được nhờ?”. Châu nở một nụ cười hồn nhiên như trẻ thơ: “Vật chất làm sao bằng tinh thần được”. Sau này, khi đã có chút uy tín trong công việc dịch văn học, tôi giới thiệu Châu với một số NXB, nhờ vậy anh cũng có thêm chút thu nhập. Vào thời kỳ các tỉnh trong khu vực bùng phát cơn sốt xây dựng, lứa sinh viên các khoá đầu chuyên ngành địa chất công trình do chúng tôi đào tạo làm chủ một số dự án đến nhờ Châu và tôi làm cố vấn. Vậy là cũng có thêm một chút thu nhập nữa. Một lần Châu đến tặng sách cho tôi trên chiếc xe Honda-dame, nụ cười tươi rói: “Từ nhuận bút và kế hoạch B đấy”. Tôi mừng cho bạn.
Sau này, dù tôi đã chuyển sang cơ quan khác, nhưng tôi và Châu vẫn thường xuyên gặp nhau trong các trại sáng tác văn học, trong các chuyến công tác của Hội Nhà văn VN, của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị, Hội Hữu nghị Việt-Nga… Hai đứa như một cặp bài trùng, rong ruổi từ Tuy Hoà cho tới Sa Pa, Cà Mau. Lần nào chúng tôi cũng ở chung một phòng vì có nhiều chuyện để nói với nhau, ôn lại những kỷ niệm thời sinh viên xa nhà, thời vác ba lô trèo đèo lội suối trong các tuyến lộ trình địa chất, hay đứng trên bục giảng. Và để kết thúc những bữa tiệc tâm tình ấm cúng ấy, bao giờ Châu cũng đãi tôi một ca khúc hay bài thơ mới sáng tác. Châu có giọng hát mượt mà, truyền cảm, thổi sáo cũng hay mà kéo violon cũng rất điệu nghệ. Mỗi lần nghe Châu hát những bài hát Nga, tim tôi như lịm đi vì được trở về một thời thanh niên sôi nổi. Tôi được Châu tặng một số sách và đĩa nhạc, cứ tưởng chỉ có chừng ấy. Giờ tìm hiểu kỹ, hoá ra anh đã xuất bản 6 tập thơ, 9 tập sách dịch và 2 đĩa CD âm nhạc. Còn giải thưởng lại càng nể: 10 Giải thưởng về văn học và âm nhạc từ TW tới địa phương.
Vài năm gần đây, Châu hay đến chơi với tôi hơn, anh tâm sự về việc dự định chuyển gia đình về nơi chôn nhau cắt rốn ở Cao Bằng. Gần 40 năm sống ở miền đất Tuy Hoà hiền hoà và mến khách, với mức sống rẻ và ổn định, nhà cửa ổn định, sức khoẻ ổn định, con cái học hành thành đạt… Châu đã quen với thời tiết, khí hậu ấm áp nơi đây, có mối quan hệ rộng rãi với đồng nghiệp và bạn bè, nhất là bạn văn chương và âm nhạc. Nhưng nỗi nhớ về nguồn cội như một sức mạnh vô hình không sao cưỡng nổi. Có lần, Châu khoe, Cao Bằng ngày nay phát triển lắm, điều kiện sống cũng rất tốt, bà con họ hàng đông vui, đều mong gia đình mình trở về, vui vầy bên nhau. Anh chỉ hơi than phiền một chút về thời tiết. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở vùng núi phía bắc, đã từng thấm cái lạnh ở xứ sở Bạch Dương, nhưng những lần về quê ăn tết, anh vẫn không chịu đựng nổi cái lạnh thấu xương trong mưa phùn gió bấc. Hôm cuối cùng đến thăm tôi trước khi theo chiếc xe tải chở toàn bộ giường tủ, bàn ghế và đồ lề ra Bắc, Châu nói với tôi bằng một giọng bùi ngùi: “Ở vào cái tuổi như anh em mình, phải đối mặt với việc thay đổi môi trường sống là điều không dễ dàng. Mình không muốn chia tay với miền đất này, nơi mình đã gắn bó với bao kỷ niệm vui buồn, nhất là với những người bạn văn chương. Nhưng hai con mình, học hành đến nơi đến chốn vẫn không xin được việc, về Cao Bằng, bà con họ hàng làm trong các sở ban ngành của tỉnh liền nhận ngay. Cha mẹ hưu trí còn biết làm gì nữa”. Tôi ngoảnh mặt đi, cảm thấy cay cay nơi sống mũi.
Khoảng 3 giờ chiều ngày 9/01/2018, tôi đang xem tivi, trên màn hình chiếu phong cảnh vùng núi phía bắc phủ đầy băng giá trắng toát. Tôi mở smartfone, vào mạng, bắt gặp trang Facebook của Triệu Thị Kiều Dung - cháu gái gọi Triệu Lam Châu là bác ruột, đang sống ở Cao Bằng, đau xót báo tin: “Bác đi rồi..! Vội vã trong ngày đông buốt..! Buốt lắm! Bác ơi!”. Tôi sững sờ, không dám tin vào mắt mình, vội gọi về trường Cao đẳng Công nghiệp, Hội Văn nghệ và Hội Việt-Nga (Châu là uỷ viên BCH của hai hội này). Lát sau, trường Cao đẳng Công nghiệp gọi lại, xác nhận: “Châu vừa mất lúc 2 giờ chiều vì cảm lạnh”...
Thế đấy! Tôi chợt nhớ lại một câu của nhà văn miền núi người Nga Iuri Rykheu: “Con người, cũng giống như quả núi, càng ở xa, ta càng cảm thấy nó đẹp hơn”.