Về Hà Nội, với nghị lực để đổi thay số phận, Phạm Gia Bình trở thành cây bút văn xuôi vững vàng. Cùng với đội ngũ đông đảo các nhà văn viết về đề tài công nghiệp ở thủ đô, như Lưu Nghiệp quỳnh, Đoàn Trúc Quỳnh, Đỗ Bảo Châu, Trần Dũng... Phạm Gia Bình liên tiếp có truyện in trên sách báo. Năm 1973, anh được giải A truyện ngắn của Hội văn nghệ Hà Nội. Từ một anh kỹ thuật cơ khí, Phạm Gia Bình phấn đấu trở thành nhà báo xuất sắc của báo Lao Động. Nhà thơ Thái Giang ngày ấy, đã khuyến khích và tạo điều kiện tốt cho Phạm Gia Bình làm việc. Chuỗi bài phóng sự điều tra của Phạm Gia Bình in nhiều kỳ trên báo, gây tiếng vang lớn trong giới. Sau này, tập hợp lại, in thành tập “Tọa độ vàng”, Nhà xuất bản Lao Động, phát hành năm 1989, với số lượng năm vạn cuốn. Ấy rồi, cũng thời điểm ở báo Lao Động, Phạm Gia Bình lại chịu lâm nạn. Mọi người trong báo, đều nói, vì quá nhiệt tình, nên Phạm Gia Bình chịu nạn.



CỬA ĐÓNG, MÌNH TÔI ...

VŨ TỪ TRANG

Bạn đã xa, nhà đã bán
đời người còn nhúm xương thôi
công danh tiền bạc nhòe sương khói
cửa đóng
... mình tôi đứng gọi tôi !
Bài thơ có mấy dòng, mà tôi viết chật vật lâu mới thành. Đấy là cảm giác buồn, khi Phạm Gia Bình, bạn tôi ra đi. Ngày ấy, gia đình Bình còn ở phố Yên Ninh (quận Ba Đình, Hà Nội). Phải đến mấy tháng sau ngày Bình mất, nhớ Bình, thi thoảng tôi vẫn có thói quen phóng xe lượn qua ngôi nhà ấy. Có khi cửa mở cửa khép, nhưng cái cảm giác thiếu vắng, hẫng hụt, thì không thể có gì thay thế.
Sinh năm 1945, quê Hưng Yên, sống ở Hà Nội từ nhỏ. Tiếng là gia đình Hà Nội, nhưng ngày tôi biết Bình, điều kiện nhà cửa gia đình Bình khi ấy còn rất khó khăn. Nhà đông người, cha mẹ già, cùng sống trong căn buồng 12 mét vuông, gác hai, ngôi nhà nhiều hộ, phố Nguyễn Trung Trực. Ngôi nhà đã cũ thếch. Bậc thang lên gác xây gạch, vỡ nham nhở. Nền nhà lát gạch, cũng lồi lõm. Ngày ấy, theo tiếng gọi của Tổ quốc, thanh niên thủ đô hăng hái xung phong lên những lâm trường xa xăm. Trong cái buổi tiễn đưa cuồng nhiệt trước sân ga Hàng Cỏ, mấy trăm nam thanh nữ tú đất Kinh Kỳ khoác ba lô lên tầu. Đó là cuộc phát động đầu tiên thanh niên thủ đô đi xây dựng đất nước. Tiếng loa đài vang vang buổi xuất quân, người lãnh đạo thành phố hứa hẹn ba năm sau sẽ đón đội quân tình nguyện trở về. Các trường đại học, các nhà máy sẽ mở rộng cửa ưu tiên đón chào các bạn. Trong đám người lẫn cờ hoa tưng bừng ấy, có Phạm Gia Bình, Nguyễn Mạnh Tuấn, Chử Văn Long... Ba anh em được phân tới lâm trường huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Ngày ấy, Hoành Bồ như một xứ “u tì quốc”, rừng hoang rậm rạp. Họ cùng đơn vị phát cây, dựng lán, trồng rừng. Chính ba anh em này, cũng không hình dung nổi, con đường chữ nghĩa lại mở ra cho họ từ đấy. Tình yêu chữ nghĩa, đã vận vào họ khi nào không hay. Để rồi, mỗi người đều trải qua những những ngả đường đầy ghềnh thác. 

Quá hạn ba năm, đội quân xung phong trồng rừng vẫn bị bỏ quên ở Hoành Bồ. Rồi bốn năm. Rồi năm năm. Rồi sang năm thứ sáu. Không còn đủ sức chờ đợi lời hứa của người lãnh đạo thành phố buổi tiễn đưa tại ga Hàng Cỏ, nhiều người trong số đội quân xung phong tình nguyện trồng rừng đã bỏ rừng, lếch thếch ba lô trở về Hà Nội. Phạm Gia Bình, cùng Chử Văn Long và Nguyễn Mạnh Tuấn vì tin lời hứa của cấp trên, hay vì họ nhát, không dám bỏ cuộc. Khi ấy, cả ba được phân vào đội sửa chữa ô tô cơ giới của lâm trường. Lòng đam mê chữ nghĩa càng thôi thúc họ. Những cuốn sách, những tệp báo mượn được ở lâm trường bộ về, như cứu cánh, như tiếp nạp năng lượng cho họ. Những cơn mưa rừng rầm rề, những con suối hiền lành ngoan ngoãn, bỗng thành những chú ngựa hoang lồng lộn. Những cơn gió nóng như hắt lửa từ vạt đồi sỏi cằn. Tiếng chim hót lảnh lót bất ngờ bên lán trại. Và sương trắng mờ đục cứ cuồn cuộn bốc lên từ lòng thung, như những phong bánh xốp. Thiên nhiên đã tỉnh thức, lay động trái tim đa cảm của ba chàng trai đội sửa chữa cơ khí rừng. Độ ấy, có cả Lê Hường trên Ty lâm nghiệp Quảng Ninh cũng hay xuống công tác. Sau phút giây trần mình cho công việc, họ lại túm tụm ngồi trao đổi, đọc cho nhau những bài thơ, truyện ngắn mà họ vừa sáng tác. Những tác phẩm đầu tay của họ, đã rải rác xuất hiện trên báo chí trung ương và địa phương.
Phạm Gia Bình từng kể lại, chính những bài thơ, đoạn văn in rải rác trên báo, đã mở đường cho Bình về Hà Nội. Chứ còn trông chờ lời hứa hẹn của ông lãnh đạo thành phố buổi tiễn đưa ở ga Hàng Cỏ năm nào, thì “có mà mồng thất!”. Duyên cớ chuyển về Hà Nội của Phạm Gia Bình, Chử Văn Long, nhờ bởi lòng tốt của ông Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp- nhà văn Nguyễn Tạo. Ông Tạo có tầm nhìn xa, trọng văn học, sẵn lòng đưa những người có năng lực sáng tác về Hà Nội tạo điều kiện bồi dưỡng.

Bình bỏ về Hà Nội, cũng là chấp nhận bỏ lại mối tình đầu đời của anh với cô giáo miền rừng Quảng Ninh. Qua trang viết của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, thì “Bình thở dài, đành phải cắt đứt. Hỏi tại sao? Bình nghẹn ngào, về Hà Nội khổ lắm. Riêng việc nhập hộ khẩu cho người yêu để có phiếu gạo là chuyện không thể. Mà không có phiếu gạo thì chết đói. Chưa kể hoàn cảnh nhà, ông bà bô cũng gần tám mươi tuổi” Bạn bè cũng không trách Bình. Đời sống quá cực, nên tình yêu cũng chả đi tới trọn vẹn. Cũng theo trang viết của Nguyễn Mạnh Tuấn “Bình buồn bã, đã tính ở suốt đời trên này...”. Thực ra, Bình cùng cả nhóm mê viết văn viết thơ ấy, đã có những ngày tháng sống hết mình cho công việc và đã toan tự nguyện sống chết với cánh rừng Quảng Ninh. Cái lý tưởng vì tổ quốc, thanh niên thủ đô đi xây dựng các lâm trường nghe có phần xa xôi; chứ công việc và đời sống sinh hoạt khắc nghiệt thường ngày, đã bắt họ đổ mồ hôi, sôi giọt máu. Để sống, để làm việc có trách nhiệm. Chính Bình đã bị tai nạn lao động trên mảnh đất rừng Quảng Ninh. Bình bị mất ngón trỏ và giữa của bàn tay trái, do lần đi phụ máy kéo chở gạch. Xe chở nặng, lên dốc bị trôi, Bình nhảy xuống dùng chèn chặn bánh xe. Nhưng bánh xe chồm qua hòn chèn nghiến đứt ngón tay Bình. 

Sau này, nhìn ngón tay thiếu hụt của Bình, tôi không dám hỏi gì thêm. Bình cũng không bao giờ nhắc lại nữa. Về Hà Nội, với nghị lực để đổi thay số phận, Phạm Gia bình trở thành cây bút văn xuôi vững vàng. Cùng với đội ngũ đông đảo các nhà văn viết về đề tài công nghiệp ở thủ đô, như Lưu Nghiệp quỳnh, Đoàn Trúc Quỳnh, Đỗ Bảo Châu, Trần Dũng... Phạm Gia Bình liên tiếp có truyện in trên sách báo. Năm 1973, anh được giải A truyện ngắn của Hội văn nghệ Hà Nội. Từ một anh kỹ thuật cơ khí, Bình phấn đấu trở thành nhà báo xuất sắc của báo Lao Động. Nhà thơ Thái Giang ngày ấy, đã khuyến khích và tạo điều kiện tốt cho Phạm Gia Bình làm việc. Chuỗi bài phóng sự điều tra của Bình in nhiều kỳ trên báo, gây tiếng vang lớn trong giới. Sau này, tập hợp lại, in thành tập “Tọa độ vàng”, Nhà xuất bản Lao Động, phát hành năm 1989, với số lượng năm vạn cuốn. Ấy rồi, cũng thời điểm ở báo Lao Động, Phạm Gia Bình lại chịu lâm nạn. Mọi người trong báo, đều nói, vì quá nhiệt tình, nên Bình chịu nạn. Chả là ngày đó, cả tòa báo chỉ có một chiếc xe ô tô cũ. Đúng hôm tòa soạn cần xe đi công tác, thì chiếc xe ô tô cũ càng ấy trở chứng. Thấy người lái xe áo đẫm mồ hôi, đánh vật với nó, nó vẫn không chịu nổ máy. Vốn là thợ sửa chữa ô tô lâm nghiệp cao thủ, máu nghề nghiệp trỗi dậy, Phạm Gia Bình cởi phắt bộ quần áo phóng viên tinh tươm của mình, chui xuống gầm xe kiểm tra. Loay hoay hồi lâu, chiếc ô tô đã buộc nổ máy. Để chắc ăn, Phạm Gia Bình còn đánh xe đi thử đoạn phố. Nhưng tai họa đã đổ xuống Bình. Chiếc xe cũ hỏng phanh và tai nạn đã xảy ra. Cả tòa báo ái ngại, gồng mình chạy lo cho Bình khỏi vòng lao lý. Sau cái tai họa bất ngờ đó, Bình không bao giờ ngồi bên vô lăng nữa.

Làm việc ở báo Lao Động một thời gian, Phạm Gia Bình xin chuyển sang Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Ấy là khi trào lưu xuất bản rầm rộ. Bình muốn sang công việc xuất bản, để tổ chức in nhiều sách quý của nhân loại, cũng như in những tác phẩm hay của bạn bè. Bình sớm trở thành một trưởng phòng xuất bản có uy tín của Nhà xuất bản. Ngoài việc dốc sức cho công việc cơ quan, Phạm Gia Bình còn mở nhà sách cho gia đình cùng tham gia. Một loạt sách giá trị in ra độ ấy. Bình đã giúp in ấn cho một loạt tác phẩm hay của các nhà văn bao năm chưa có điều kiện công bố. Tập thơ “Xem đêm” của Phùng Cung, tập tiểu thuyết lịch sử “Bão táp đời Trần” của Hoàng Quốc Hải do Bình tổ chức in ấn, đã được bạn đọc nồng nhiệt tiếp nhận. Phạm Gia Bình sớm trở thành một “Đầu nậu”, một nhà sách uy tín trên thị trường sách toàn quốc.

Chúng tôi càng có điều kiện gần gũi hơn, khi cuối năm 1992, Bình rủ chúng tôi cùng nhận làm tờ báo “Người Hà Nội cuối tháng”. Gọi là mấy anh em cùng làm, nhưng chính vẫn là Bình. Từ vốn liếng tài chính, đến quan hệ in ấn, phát hành. Mấy anh em chúng tôi giúp Bình chạy bài vở, biên tập. Báo “Người Hà Nội cuối tháng” năm ấy khá rôm rả. Có in thơ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Hoàng Hưng, Trúc Thông... Bài thơ “Cửa sông” của Hoàng Hưng được bạn đọc bàn tán nhiều. Có in truyện của Vũ Bão, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái. Có bài của họa sỹ Bùi Quang Ngọc viết về danh họa Nguyễn Sáng rất cảm kích. Điều rất mừng, là báo “Người Hà Nội” hàng tuần, chỉ phát hành được vài ngàn bản, nhưng “Người Hà Nội cuối tháng” mà Bình và chúng tôi làm, phát hành được trên hai vạn số. Bình và mấy anh em chúng tôi bảo nhau, bài hay, in đẹp, đúng tôn chỉ mục đích, nhuận bút tươm tươm cho tác giả. Cùng nhau làm báo, cốt để vui. Nghĩa vụ nộp Tòa soạn đầy đủ, còn lợi nhuận thì không tính. Ấy nhưng mỗi kỳ sơ kết, cả nhóm lại được bia bọt nhòe. Ngày ấy làm vui, nhưng ai cũng cố gắng hết mình. Báo ra, chia nhau đi phát hành. Cứ xe máy, chở báo đi rải các quầy. Rồi hứng lên, cứ xe máy phóng hàng trăm cây số đi lo kiếm quảng cáo. Đấy là những ngày làm báo tươi vui. Chúng tôi bốc đồng nói, nếu Tòa soạn không đòi lại, thì có khi nhóm làm “Người Hà Nội cuối tháng” thành một tập đoàn báo chí cũng nên!

Bây giờ nghĩ lại, mới giật mình. Thì ra trong lúc mải làm báo, Phạm Gia Bình đã ủ bệnh rồi. Thi thoảng, thấy anh nhăn mặt, ôm bụng. Rồi vẫn nụ cười tươi mưởi, vẫn nồng nhiệt và chân tình với bè bạn, vẫn hết lòng với công việc. Bình cũng có ngờ đâu bệnh trọng đã âm thầm tấn công anh. Một chiều, anh Trần Hào ở Hà Tĩnh ra, cùng tôi thăm Bình ở bệnh viện K. Ngồi bên nhau, chúng tôi không ai muốn nói một lời. Sự im lặng đầy thấu hiểu. Vậy là số phận luôn bắt Bình cố gắng. Người ta vẫn nói, mỗi người một số phận. Số phận Bình luôn phải đối mặt với thử thách ư? Ra khỏi phòng bệnh, anh Hào kể lại một loạt chuyện dằng dặc thời sinh viên mà Bình và anh Hào đã trải qua. Thời đồng cam chịu khổ. Đấy là thời đời sống thiếu thốn, ngoài giờ học, cả hai phải làm đủ việc. Để vợ con và gia đình đỡ nheo nhóc. Để có điều kiện nuôi dưỡng ước mơ con chữ của Bình. Bình là người có cuộc sống thực tế ngồn ngộn. Và Bình rất yêu văn chương. Nhưng Bình mất nhiều thời gian với công việc quá chồng chéo. Khi gia cảnh đã mát mày mát mặt, thì Bình lại bị gánh bệnh. Khao khát thì nhiều, mà tâm lực dành cho con chữ cũng chả được mấy. Bình đành tự nhận mình chỉ làm chức năng bà đỡ cho tác phẩm bạn bè mà thôi. Rồi cái chết ập tới. Bình phải ra đi khi còn bao việc dang dở. Nếu trời cho Bình qua cơn bệnh trọng, Bình vẫn sống cùng chúng tôi, thì Bình sẽ làm thêm được bao việc. Hẳn Bình có nhiều đầu sách chả kém gì ai.

Cái chết, như đánh thức tất cả. Ngôi nhà phố Yên Ninh, sau một thời gian, vợ con Bình cũng bán đổi ngôi nhà khác cho hợp lý hơn. Nhưng sau cái đợt ấy, mỗi lần đi ngang qua ngôi nhà cũ, tôi càng thêm nhớ Bình. Hễ mỗi lần nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ở Sài Gòn ra, hoặc nhà thơ Lê Hường từ Quảng Ninh về, hoặc nhà thơ Chử Văn Long từ Thanh Trì ngoại thành vào phố, gặp nhau, không mấy lần là không nhắc đến Phạm Gia Bình. Người như Bình, ai đã biết, đã quen, hoặc dù thoáng gặp, thì dễ gì quên được. Chúng tôi vẫn ngỡ anh đâu đây. Vậy mà, Phạm Gia Bình ra đi đã gần hai mươi năm rồi. Một sớm đầu tháng 12 năm 1998, hưởng dương 54 tuổi.