Cách đây 25 năm, ngày 1/4/1993, đúng vào ngày “Cá
tháng Tư”, tại cổng tòa soạn Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), anh em văn
chương Hà Nội tới tiễn các nhà thơ, nhà văn: Hoàng Cầm, Hòa Vang, Nguyễn Lương
Ngọc và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán lên đường đi bộ xuyên Việt. Có thể
nói, đến hôm nay, đây là cuộc đi bộ xuyên Việt “độc nhất vô nhị” của các nhà
văn Hà Nội. Đến nay, ba người trong số họ đã từ bỏ bạn bè văn chương để về cõi
vĩnh hằng: Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc mất năm 2001, nhà văn Hòa Vang mất năm
2006 và nhà thơ Hoàng Cầm mất năm 2010.
Nhớ các nhà văn tuổi Tuất trong cuộc đi bộ xuyên Việt
25 năm trước
NGUYỄN VIỆT CHIẾN
Một ngày cuối năm, tôi đến nhà riêng của nhiếp ảnh
gia Nguyễn Đình Toán ở một ngõ sâu trên phố Lê Trọng Tấn để lấy ảnh các nhà văn
cho mấy số báo Tết. Ông Toán đang cặm cụi làm việc trong căn phòng chật hẹp chất
đầy phim ảnh và sách vở. Có lẽ đến thời điểm này, sau hơn hai chục năm lặng lẽ
miệt mài xách máy ảnh hành trình khắp mọi miền đất nước với các văn nghệ sĩ và
các nhà văn hóa, ông Toán đã có một bộ sưu tập khổng lồ ảnh chân dung, ảnh hoạt
động của nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam. Ở Việt Nam, có lẽ không có tay máy nào
chụp ảnh 2 nhà thơ Văn Cao và Hoàng Cầm nhiều như Nguyễn Đình Toán. Và ở nhiều
khoảnh khắc, các bức ảnh độc quyền do ông Toán chụp có giá trị đặc biệt và mang
dấu ấn lịch sử.
Điều mà ông Toán thật sự lo lắng hiện nay, vì nhà cửa
chật hẹp, ông không có điều kiện để bảo quản kho tư liệu phim ảnh của mình. Thậm
chí, ông còn phải cất giữ một khối lượng lớn phim ảnh trong 2 chiếc tủ sắt quân
sự để ở ngoài sân quanh năm dưới trời mưa nắng.
Tôi bất ngờ khi ông Toán cho biết, đang có ý định
bán đấu giá toàn bộ số lượng lớn phim ảnh chụp nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao cách
đây mấy chục năm vì không có điều kiện bảo quản, lưu giữ. Ông Toán cũng mong muốn,
trong thời gian gần, có một nhà đầu tư nào đó sẽ tạo điều kiện giúp ông bảo quản
khối lượng phim ảnh vô giá về các văn nghệ sĩ Việt Nam mà ông đã chụp trong mấy
chục năm làm nghề.
Bỏ qua những băn khoăn, lo lắng về kho tư liệu phim ảnh
của mình, Nguyễn Đình Toán kể lại cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đi bộ xuyên
Việt “độc nhất vô nhị” đầu những năm 90 của các nhà thơ, nhà văn Hà Nội: Hoàng
Cầm, Nguyễn Lương Ngọc, Hòa Vang mà ông có dịp đồng hành cùng họ. Ông bồi hồi
chỉ cho tôi xem những tấm ảnh ông chụp trong chuyến đi đáng nhớ đó. Nhắc lại kỷ
niệm hơn 20 năm trước, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán xúc động cho tôi biết:
“Thời điểm ấy, khi biết các nhà văn Hòa Vang, Nguyễn Lương Ngọc sẽ tổ chức đi bộ
xuyên Việt, tôi đến nói với nhà thơ Hoàng Cầm: “Anh ơi! Chúng mình cùng đi với
hội này nhé”. Anh Cầm lúc ấy đã 71 tuổi, gật đầu bảo ngay: “Ừ, đi thôi!”.
Hôm khởi hành ở Báo Văn Nghệ, nhà văn Hòa Vang nói với
mọi người: “Hôm nay là ngày mùng một tháng tư, Ngày nói dối, nhưng chúng tôi
không nói gì hết, chúng tôi đi!”. Lúc ấy, nhà thơ Hoàng Cầm nói vui: “Hôm nay
đi có bốn con chó: Con chó nhớn là Hòa Vang, tuổi Tuất, sinh năm 1946; con chó
con là Nguyễn Lương Ngọc, cũng tuổi Tuất, sinh năm 1958; và tôi đây là con chó
già (tuổi Tuất, năm 1922); còn Nguyễn Đình Toán là con chó săn (chuyên săn… ảnh)”.
Ông Toán kể tiếp: “Các bạn hữu văn chương tiễn chúng tôi đi bộ qua Công viên Thống
Nhất, dọc đường Giải Phóng đến ga Giáp Bát thì chia tay”. Lúc ấy, Toán dắt xe
máy theo Hoàng Cầm, chỗ nào ông già mỏi chân quá thì Toán mời bác lên xe, đi tiếp.
Còn Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc thủng thẳng đi bộ một mạch 18 cây số đến đền
thờ danh nhân Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, Thường Tín mới chịu dừng chân, ngủ qua
đêm. Hôm sau, đi bộ cùng hội đến Phú Xuyên thì nhà thơ Hoàng Cầm và Nguyễn Đình
Toán phải lộn về Hà Nội để dự đám tang bà vợ của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn. Cách một
ngày sau, ông Toán tiếp tục đèo nhà thơ Hoàng Cầm bằng xe máy, đuổi theo hai
người kia đến Ninh Bình thì trời xẩm tối, phải vào một khách sạn ngủ qua đêm.
Người chủ khách sạn nhận ra nhà thơ Hoàng Cầm là người ông lâu nay vẫn mến mộ
nên dứt khoát không lấy tiền ăn nghỉ và mời ông Cầm uống rượu, đọc thơ suốt
đêm. Hôm sau, hai ông tiếp tục xe máy lên đường.
Đến cầu Đò Lèn, phải dừng lại để chờ xe lửa đi qua.
Chờ hơi lâu, ông Cầm sốt ruột bảo ông Toán: “Cứ phóng vọt qua cầu đường sắt đi,
tàu chưa đến đâu!”. Ông Toán rồ ga định vượt lên cầu, không ngờ bác gác cầu
nghiêm sắc mặt, chặn lại: “Không được vượt ẩu, nhà thơ Hoàng Cầm là tài sản quốc
gia, mọi người phải có ý thức bảo vệ nghiêm cẩn, sao anh lại liều như thế?”.
Mọi người vui vẻ cười trừ. Hôm sau, vào đến Thanh
Hóa, gặp lại Hoà Vang, Nguyễn Lương Ngọc, cả hội lại dong chơi hai ngày với anh
em văn nghệ xứ Thanh. Rồi mọi người chia tay, nhà thơ Hoàng Cầm và Nguyễn Đình
Toán phải lộn về Hà Nội vì sức khỏe ông Cầm không tốt. Về nhà được mấy ngày, vì
nhớ bạn và vẫn thèm một chuyến đi xuyên Việt, ông Cầm và ông Toán lại đáp xe lửa
vào Huế chờ hai bạn văn đi bộ. Vào tới nơi, họ được các nhà văn ở Hội Văn học
nghệ thuật Thừa Thiên - Huế là Tô Nhuận Vỹ và Võ Quê ra đón. Hỏi thăm mới biết,
Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc mới bộ hành gần tới Quảng Trị. Hai ông Hoàng Cầm
và Nguyễn Đình Toán lại ngược ra Quảng Trị đón bạn và gặp nhà văn Nguyễn Quang
Lập ở đó.
Sau này, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã tường thuật rất
chi tiết và hóm hỉnh về cuộc gặp mặt hy hữu này trong một bài viết: “Hè năm 1993,
mình ở thị xã Quảng Trị, anh Cầm và anh Toán bất ngờ đến thăm, làm mình sướng
muốn ngất. Trước đó mình không quen anh Cầm, có gặp anh đôi lần nhưng chỉ dám
khép nép ngồi ké nghe anh nói. Đối với mình, anh Cầm là tượng đài thơ chỉ ngước
lên ngưỡng mộ chứ không dám tới gần.
Một hôm mình đang họp ở Đông Hà, vợ gọi điện ra, nói
bác Hoàng Cầm đến chơi. Mình sướng rên, y chang như khi biết tin các bác Hoàng
Thi Thơ, Lê Bá Đảng đến chơi nhà vậy. Mình vọt về ngay, vừa gặp nhau, chưa kịp
chào hỏi gì, anh Cầm đã kéo tay mình, nói ở đây ai có điếu cày không, mượn giúp
tôi cái, thèm thuốc lào quá. Mình huy động tám ông bạn rải khắp thị xã truy
lùng điếu cày, một giờ sau thì kiếm được, anh Cầm rước điếu rít một hơi dài, ngửa
cổ phả khói, nói đã! Hỏi ra mới biết, anh Cầm về nhà mình để đón hai ông đi bộ
Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc, nghe nói họ đã về Đồng Hới, đang trên đường vào
Quảng Trị.
Anh Cầm và anh Toán đã bám theo Hòa Vang, Lương Ngọc
vào đây. Cùng xuất phát từ Hà Nội, anh Cầm và anh Toán đi ôtô đón đầu từng chặng
một. Mình nói anh Cầm đã bảy chục tuổi đầu còn rong ruổi đường trường với mấy
ông trẻ, thật phục anh quá. Anh cười cái hì, nói đi cho tụi nó vui, để ngấm cái
trẻ trung của tụi nó vào thân, ích lắm. Hôm xuất quân tại Báo Văn nghệ, Hoàng Cầm
nói đoàn ba con chó chuẩn bị lên đường. Ai cũng ngơ ra không hiểu sao, anh cười
cái hì, nói tôi tuổi Tuất, Hòa Vang, Lương Ngọc cũng tuổi Tuất, chả phải ba con
chó sao. Anh Toán nhăn răng cười, nói em cũng là chó, chó săn… ảnh.
Buổi xuất quân hôm ấy thật xôm trò, anh Cầm giơ tay
hô, nói đoàn bốn con chó lên đường! Hòa Vang - Lương Ngọc khoác ba lô hăm hở
đi, anh em nhà văn chạy theo tiễn họ cho đến ga Giáp Bát mới thôi. Hôm sau báo
chí ầm ĩ. Bạn bè thân thiết mừng thì ít lo thì nhiều, một khi báo chí để ý rồi,
nếu đi đứng không đàng hoàng thì dễ toi cơm với dư luận lắm. Chả biết hai ông
Hòa Vang - Lương Ngọc đi bộ kiểu gì mà nhiều đoạn nhanh hơn cả ôtô.
Hôm ở thị xã Hà Tĩnh, Hòa Vang gọi điện tín cho học
trò anh là vợ nhà báo Nguyễn Thế Thịnh (Báo Thanh Niên), nói là ngày nọ ngày
kia thầy về Đồng Hới. Ai dè thầy về Đồng Hới hôm trước hôm sau điện tín mới tới
tay trò. Tối hôm đón Hòa Vang - Nguyễn Lương Ngọc ở Quảng Trị, ngồi nhậu với
nhau trước sân nhà mình, Hoàng Cầm hỏi đi hỏi lại chuyện đi bộ của hai người từ
Hà Nội vào Quảng Trị, nói các ông có nhảy cóc đoạn nào không đấy.
Mình cười khì khì, nói mấy ông này đi mà không đi,
không đi mà đi, ấy là đi vậy! Anh Cầm nhìn Hòa Vang - Lương Ngọc nghiêm mặt,
nói đi đứng cho đàng hoàng nhé, không ai ép các ông đâu nhé, biết viết văn thật
thì phải đi thật nhé. Hòa Van - Lương Ngọc thè lưỡi rụt cổ không dám nói gì.
Sáng sau Hoàng Cầm vào Huế, anh kéo mình ra một góc,
nói Lập cho người kèm sát hai ông tướng kia nhé, đừng để mất uy tín. Khi nào thấy
chúng nó mệt quá thì chở chúng đi một đoạn, còn thì phải đi bộ cho bằng được.
Mình vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện, thực bụng không
tin hai ông có sức nuốt trôi hai ngàn cây số đường bộ, thôi thì lờ đi cho các
ông vui vẻ đi tới nơi về tới chốn. Nhưng mà sợ anh Cầm không dám nói, anh xưa nay
sống thật, chơi thật, viết thật. Một lần ngồi uống rượu với anh, nhân có người
nhắc câu thơ “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”, anh cười cái hì, nói người
ta khen tôi “duy mỹ” nhưng tôi lại thích được khen “duy thật, duy đời”.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán kể tiếp chuyện sau
khi gặp nhau ở Quảng Trị, dong chơi hai ngày, bốn ông Cầm, Vang, Ngọc, Toán lại
hành quân vào Huế gặp các bạn văn cố đô, dự đêm thơ giao lưu với sinh viên Sư
phạm Huế. Ông Toán cho biết, cả hội chơi ở Huế khoảng hai tuần, nhà thơ Hoàng Cầm
đau bệnh, phải pha thuốc phiện vào rượu cho ông uống mới đỡ đau. Không đi tiếp
được, ông Cầm và ông Toán đành lên tàu ngược về Hà Nội. Còn Hòa Vang và Nguyễn
Lương Ngọc đi tiếp vào Nam… Vậy mà đã hơn hai chục năm!