Giữa lúc sự nghiệp sáng tác của Trần Quang Lộc đang ở
đỉnh cao thì cách đây khoảng 3 năm anh phát hiện mình mang chứng bệnh quái ác:
Ung thư bàng quang. Trần Quang Lộc đã sang Mỹ chữa bệnh nhưng không khỏi. Sau một
thời gian, anh trở về nước và quyết định “ẩn cư”, tránh mọi tiếp xúc để vừa chữa
bệnh, dạy nhạc tại gia và sáng tác. Chính trong giai đoạn này có thông
tin lan truyền trên cộng đồng mạng là nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã mất vì bạo bệnh,
thậm chí có cả những lời chia buồn của bạn bè. Nhưng thật ra anh vẫn sống, vẫn
chống chọi với căn bệnh nan y. Nơi “ẩn cư” của Trần Quang Lộc là căn nhà cấp 4,
đường Trương Hán Siêu, phường Long Toàn, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu.
NHẠC
SĨ TRẦN QUANG LỘC VẪN NẰM MỘNG THẤY QUÊ HƯƠNG
TỪ KẾ TƯỜNG
Trong số những nhạc sĩ mà tôi quen biết, Trần Quang
Lộc là người để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Chàng nhạc sĩ, ca sĩ tài hoa
này còn khiến tôi đi đến sự đồng điệu vì anh có một nhân cách sống khá đặc biệt:
tác phong nhà giáo, không ồn ào, ăn nói nhỏ nhẹ, chừng mực, gần như khiêm tốn
trước đám đông và trong những bữa rượu bốc trời với bạn bè. Trần Quang Lộc ít
tranh cãi, anh thường ngồi một góc trong chiếu nhậu, bàn tiệc, góc quán vỉa hè
ôm cây đàn, rải những hợp âm do chính anh soạn rồi tự đệm cho mình hát, cái giọng
khàn đục, hơi nhừa nhựa… Những lúc đó tưởng chừng anh tách khỏi đám đông để đắm
hồn mình theo những lời tình tự không chỉ với yêu đương trai gái mà còn với cả
một quê hương sâu nặng anh vẫn luôn đi tìm và luôn nằm mộng để thấy, để trở về.
Nhạc
sĩ của quê nghèo
Trần Quang Lộc sinh năm 1945 tại mảnh đất nghèo Gio
Linh, Quảng Trị, đây là địa đầu của dải đất miền Trung khắc nghiệt mưa trắng, nắng
lửa, gió Lào và chiến tranh khốc liệt. Anh sinh ra và lớn lên với tuổi ấu
thơ gian khó, đầu trần khét nắng, chạy trốn bom đạn, xiêu dạt cả làng quê, xa
lìa cha mẹ để mưu sinh, lập thân và học hành. Trong lúc cha mẹ anh bỏ làng mà
đi, chạy trốn chiến tranh, vào sinh sống ở Đà Nẵng thì Trần Quang Lộc ra Huế học
Quốc gia âm nhạc Huế.
Khi còn là sinh viên, đang theo học tại trường Quốc
gia âm nhạc Huế, Trần Quang Lộc đã chớm phát tài năng, anh cho ra đời 2 ca
khúc “Về đây nghe em” và “Có phải em mùa thu Hà Nội”, là 2 ca
khúc phổ thơ. Ca khúc đầu phổ thơ A Khuê, ca khúc sau phổ thơ Tô Như Châu. Thời
điểm công bố 2 ca khúc này, Trần Quang Lộc chỉ mới là cậu sinh viên 20-21 tuổi.
Và quả thật, những năm đó Trần Quang Lộc đã cho ra mắt tuyển tập ca khúc “Hát
trong dòng sông xưa”, xuất bản năm 1970. Đặc biệt ca khúc “Có phải
em mùa thu Hà Nội” gây được cảm xúc mạnh, tiếng vang lớn, khẳng định tài
năng của chàng nhạc sĩ trẻ lúc bấy giờ mang đậm hồn vía Hà Nội nhưng tác giả của
nó lại chưa từng đặt chân tới Hà Nội.
“Về đây nghe em” với ca từ mộc mạc, đơn giản, rất
đời thường và giai điệu nhẹ nhàng, chậm rãi như kể chuyện nhưng ngay khi được
ca sĩ Thanh Thúy hát đã nổi lên như một hiện tượng, ca khúc đã vang xa như dấu
hiệu của một tài năng trẻ sớm bộc lộ. “Có phải em mùa thu Hà Nội” cũng
theo nhịp kể chuyện, ca từ cũng đơn giản nhưng mượt mà hơn, lãng mạn hơn nhờ
nguyên gốc của thơ, nhưng nhạc sĩ đã nâng lời thơ lên bằng đôi cánh của âm nhạc
và sự sáng tạo khúc thức của mình.
Nếu ca khúc “Về đây nghe em” của Trần
Quang Lộc phổ thơ A Khuê, sau khi ra đời số phận may mắn, suôn sẻ giúp tác giả
khẳng định được tên tuổi thì “Có phải em mùa thu Hà Nội” dù được danh
ca Thái Thanh với chất giọng cao vút, thánh thót chấp thêm đôi cánh để bay cao
hơn nhưng lại gặp số phận không may, kể cả tác phẩm lẫn tác giả. Do đây là ca
khúc viết về Hà Nội, lại là Hà Nội mùa thu với những ca từ dễ gợi nhớ tới “Mùa
thu tháng Tám” lịch sử của dân tộc và dễ suy diễn theo chiều hướng quy chụp nên
sau khi được phổ biến và nổi tiếng một thời gian thì bị chính quyền chế độ cũ cấm
hát, cho thu hồi cả bản ghi âm, ghi hình. Đồng thời, tác giả Trần Quang Lộc
cũng bị gọi lên “chỉnh đốn” vì cho là “thân cộng”. Cả 2 ca khúc “Về đây
nghe em” và “Có phải em mùa thu Hà Nội”, sau năm 1975 một thời gian
đã được phổ biến trở lại với những giọng ca thuộc hàng sao của các ca sĩ miền Bắc
như Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Phương, đặc biệt thành công nhất là Thu Phương,
cũng chính ca sĩ Thu Phương đã đưa ca khúc này lên sân khấu ca nhạc hải ngoại,
thu băng, thu dĩa CD phát hành với số lượng lớn.
Gia
tài âm nhạc đồ sộ và số phận không may
Kể từ 2 ca khúc đầu tay “Về đây nghe em” và “Có
phải em mùa thu Hà Nội” sáng tác năm 20-21 tuổi, đến nay trên 50 năm, gia
tài âm nhạc của Trần Quang Lộc đóng góp cho công chúng và xã hội khá đồ sộ. Anh
đã có trên 500 ca khúc và 27 album viết trước và sau năm 1975, cho tới tận hôm
nay, trong đó có nhiều ca khúc phổ từ thơ khá thành công. Ngoài ra, Trần
Quang Lộc và ca sĩ Thu Phương còn đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc nhờ ca
khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” như Giải Video hay nhất qua
album “Ngủ ngoan nhé ngày xưa”, Giải Người hát hay nhất và Nhạc sĩ
hay nhất, bài hát đoạt giải nhất của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam năm 1980 và
hàng chục giải thưởng trong các cuộc thi ca nhạc, hội diễn. Đặc biệt, ca
khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” đã được chọn biểu diễn khai mạc Lễ hội
1000 năm Thăng Long - Hà Nội...
Giữa lúc sự nghiệp sáng tác của Trần Quang Lộc đang ở
đỉnh cao thì cách đây khoảng 3 năm anh phát hiện mình mang chứng bệnh quái ác:
Ung thư bàng quang. Trần Quang Lộc đã sang Mỹ chữa bệnh nhưng không khỏi. Sau một
thời gian, anh trở về nước và quyết định “ẩn cư”, tránh mọi tiếp xúc để vừa chữa
bệnh, dạy nhạc tại gia và sáng tác. Chính trong giai đoạn này có thông
tin lan truyền trên cộng đồng mạng là nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã mất vì bạo bệnh,
thậm chí có cả những lời chia buồn của bạn bè. Nhưng thật ra anh vẫn sống, vẫn
chống chọi với căn bệnh nan y. Nơi “ẩn cư” của Trần Quang Lộc là căn nhà cấp 4,
đường Trương Hán Siêu, phường Long Toàn, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu.
Thời gian gần đây, căn bệnh nan y tái phát nghiêm trọng
khiến Trần Quang Lộc phải rời bỏ nơi “ẩn cư” để về Bệnh viện Bình Dân TP HCM điều
trị bệnh. Anh đã giải phẫu 4 lần để cắt bỏ khối u trong bàng quang và chuẩn bị
giải phẫu lần thứ năm để cắt bỏ khối u di căn qua phổi. Không chỉ sức khỏe giảm
sút nghiêm trọng sau 4 lần giải phẫu mà chi phí thuốc men, điều trị cũng rất lớn. Hiện
nhạc sĩ Trần Quang Lộc đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, ngoài số tiền
tác quyền ít ỏi thu được từ các ca khúc thỉnh thoảng mới nhận được, Trần Quang
Lộc và vợ anh, chị Nguyễn Thị Thuận ngày đêm túc trực ở bệnh viện nuôi chồng hầu
như đã khánh kiệt, chỉ còn trông cậy vào lòng hảo tâm của bạn bè, những người
hâm mộ nhạc sĩ, tác giả của các ca khúc nổi tiếng “Về đây nghe em”, “Có phải
em mùa thu Hà Nội” quan tâm, giúp đỡ. Ca sĩ Thu Phương, người từng gắn bó
với nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, khi biết tin anh mắc bệnh nan y
đã chuyển 100 triệu đồng về giúp người nhạc sĩ mà mình chịu ơn để có điều kiện
chữa bệnh. Trong lúc chờ ca phẫu thuật thứ năm, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã
rất xúc động trước nghĩa cử của ca sĩ Thu Phương, đối với gia cảnh gần như trắng
tay, 100 triệu đồng là số tiền khá lớn, nhưng với chứng bệnh nan y của Trần
Quang Lộc thì lại chỉ như một mảnh vá trên chiếc áo có quá nhiều chỗ rách khoác
lên số phận nghèo lại không may lâm bạo bệnh của người nhạc sĩ.
Chút
kỉ niệm bạn bè
Tôi chơi thân với Trần Quang Lộc sau năm 1975. Thời
bao cấp, mọi thứ còn rất khó khăn, bạn bè ai cũng thiếu thốn nhưng lại rất vui
vì tính hào sảng, nghĩa khí của anh. Những năm thiếu thốn đó, chúng tôi
thường gặp nhau ở nhà của họa sĩ, kiêm nhạc sĩ lẫn ca sĩ tài tử Nguyễn Trọng
Khôi. Ngôi nhà trọ của Nguyễn Trọng Khôi nằm trong con hẻm nhỏ đường Đinh Tiên
Hoàng Q.1 (TP HCM), gần sát sân vận động Hoa Lư.
Căn nhà nhỏ, có cái đi-văng vừa làm chỗ ngủ, vừa là
nơi tiếp khách, vừa trải chiếu nhậu. Nhóm bạn cũng chỉ có mấy người, thường
xuyên có chủ nhà Nguyễn Trọng Khôi, Trần Quang Lộc, Hoàng Yên Di và tôi. Hồi
đó ai cũng đi xe đạp nhưng Trần Quang Lộc đạp xe mới tội nghiệp làm sao, chân
anh vốn khập khiễng, còn xe đạp thì thuộc loại cà tọc, cà tàng, hì hụi mãi mới
đạp tới nhà Khôi, mồ hôi mồ kê đổ ra ướt đẫm lưng áo. Nhưng nụ cười của Trần
Quang Lộc thì thật hồn nhiên khi gặp bạn bè. Hồi đó có gì mà nhậu. Rượu thì Cây
Lý, sang lắm thì mấy lít bia hơi, mồi miếc thì bạ gì cũng nhậu được, cóc, ổi,
mía ghim cũng là bén. Chủ yếu anh em gặp nhau, đưa chút hơi cay để lấy trớn ca
hát, văn nghệ văn gừng cho vui.
Nếu không ở nhà Nguyễn Trọng Khôi thì mấy quán cà
phê cóc, rượu cóc ngoài khu vực hồ Con Rùa, không thì lên sân thượng nhà văn
hóa Q.4 nơi tôi làm việc hoặc chịu khó đi xa qua “Đào hoa đảo” của Hoàng Yên Di
mãi bên Q.7. Nhớ buổi trưa hôm đó ở nhà Nguyễn Trọng Khôi, trong lúc say say,
Trần Quang Lộc ôm đàn hát ca khúc anh mới sáng tác, có ý khoe với bạn bè, đó là
bài “Tình cờ gặp nhau”. Bài hát mới của Lộc rất lạ, khác hẳn những
bài trước với làn điệu mới, luyến láy theo âm hưởng của điệu lý trong dân
ca. “Tình cờ gặp người quen/ Dường như lâu lắm rất xa nhau/ Gặp lại nhau
mắt vương niềm đau/ Gặp lại nhau lúc sắp xa nhau/ Gặp lại nhau tóc xanh phai
màu/ Hỏi người, người dìa đâu/ Đường đi ai biết (chứ) nông sâu/ Gặp lại nhau
lúc sắp xa nhau/ Gặp lại nhau trước khi qua cầu...”.
Trần Quang Lộc hát thì không hay (ít có nhạc sĩ nào
hát hay), nhưng cái giọng của Lộc hôm ấy thì quá buồn, có thể vì có chút men và
tôi nghe Lộc hát trong lúc xỉn, với những câu thấm đậm tâm can như vậy không những
chỉ mình Lộc giọng chùng xuống, rưng rưng nước mắt mà anh em trong chiếu nhậu
hôm ấy, kể cả tôi, mắt đều ngân ngấn lệ. Trần Quang Lộc hát xong, cả chiếu
nhậu im phắc, không khí lắng đọng lẫn xúc động. Lộc bảo tôi ca khúc này anh chỉ
mới viết lời 1, nhờ tôi đặt lời 2. Và tôi đã nhận lời.
Phải đến gần 20 năm sau, tôi mới gặp lại Trần Quang
Lộc trên Facebook, giữa lúc tin đồn anh mất vì bạo bệnh ở bên Mỹ. Hôm đó, Lộc từ
nơi “ẩn cư” ở Bà Rịa - Vũng Tàu vào thăm tôi ở tòa soạn nhân việc đi chữa bệnh,
tái khám bệnh gì đó ở Bệnh viện Bình Dân. Hôm ấy Lộc trông khỏe mạnh, hồng
hào, bàn chuyện sẽ ra album và làm CD phổ thơ tôi vì trước đó Lộc đã phổ thơ
tôi những 4 bài, tự phối âm và tự hát rồi thu clip đưa lên YouTube. Lộc bảo chỉ
mấy bài đó thôi thì không đủ, phải phổ thêm và kéo Nguyễn Trọng Khôi tham gia
vì Khôi cũng đã phổ của tôi mấy bài, hiện cũng đã đưa lên YouTube. Và rồi Lộc từ
giã, quay về Vũng Tàu và... không trở lại. Không ngờ mấy hôm nghe tin anh trở bệnh
nặng và phải nằm viện. Bây giờ thì ngay sinh mệnh của Trần Quang Lộc không biết
sẽ ra sao sau 5 ca phẫu thuật đều thuộc dạng đại phẫu, 5 ăn 5 thua, thì dự án
cùng ra album, CD coi như xếp xó.
Đời người vốn đã hữu hạn mà rủi may diễn ra rất vô
thường, trong tích tắc của định mệnh và số phận mỗi người. Tôi và những người
ái mộ, yêu thương Trần Quang Lộc không chỉ bằng tấm lòng của những người bạn mà
còn là những người thưởng thức âm nhạc của anh qua những ca khúc thấm đậm chất
liệu cuộc sống, tình tự quê hương mà ai cũng luôn hoài vọng. Vì thế nên
chúng tôi rất mong anh sẽ qua khỏi, vượt thoát được căn bệnh hiểm nghèo để về với
những sáng tác, những dự định mà anh còn bỏ dở.