Những bài viết của các nhà lý luận phê bình đích thực
lọt thỏm vào các trang báo viết về những tác phẩm chỉ dựa vào để ca ngợi, thậm
chí có những bài viết chưa có chất lượng, làm thay đổi những bài viết có giá trị
về lý luận phê bình nên các đơn vị không quan tâm lắm đến các bài lý luận phê
bình nữa mà họ chạy theo quảng cáo, theo các trang thông tin, thậm chí là tạo
ra những scandal để gặp những sự chú ý khác. Trong khi các trường đào tạo tuyển
sinh, với lý luận phê bình cũng rất hạn chế. Gần như các khoa đào tạo về lý luận
phê bình văn hóa nghệ thuật của các trường đang bị rơi vào tình trạng khủng hoảng
đến mức có rất ít người học.
Lý luận phê bình sân khấu: Nói phải củ cải cũng
nghe…
MINH HÀ
Nói về lý luận phê bình sân khấu, NSND Lê Tiến Thọ,
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định rằng: Nói phải củ cải cũng
nghe. Biên kịch, nghệ sĩ sân khấu thì thống thiết: Chúng tôi luôn mong có những
“ngọn roi” phê bình quất thật mạnh để kích thích sáng tạo. Nhà quản lý cũng
“than” thiếu người làm công tác lý luận phê bình. Nhưng, nghịch lý là tài năng
làm lý luận phê bình sân khấu chuyên nghiệp thì cứ như... sao buổi sớm và khó
thể sống được bằng nghề. Vì sao nên nỗi?
Có
bình mà không có phê
Mong chờ người làm lý luận phê bình phải vạch ra cho
người xem thấy cái hay của tác giả đồng thời cũng vạch cho tác giả thấy cái vụng
về, kệch cỡm, thiếu sót của tác phẩm mà tác giả sa đà, vướng phải nhưng mới
đây, tác giả Ngọc Thụ, Chủ tịch Câu lạc bộ tác giả sân khấu bức xúc... rất có
lý trước các cây bút lý luận phê bình sân khấu.
Bởi lẽ, ông có 60 năm làm sân khấu, trong đó 6 năm
làm diễn viên, 54 năm sáng tác, từng viết phóng tác chuyển thể 105 vở khác
nhau. Từ khi theo nghề, có vài chục bài báo viết về vở diễn của ông nhưng ông
chưa bao giờ được chỉ ra cái tốt, cái chưa hay, chưa đạt ở lớp nào, cảnh nào.
Sau này đã có tuổi, về hưu, có nhiều thời gian, đọc
lại những bài viết của các nhà lý luận phê bình về vở của mình, ông vừa buồn cười
vừa xấu hổ, vì 70 đến 80% bài viết giống nhau, khen chung chung là trong tình
hình sân khấu khó khăn hiện nay, đoàn hoặc nhóm tác giả với nhà hát đã làm được
như thế này là cố gắng lớn, đáng trân trọng. Tuy nhiên, biên đạo múa, nhạc sĩ
và những người xung quanh cần khắc phục một số điểm yếu trong vở diễn hoặc một
số hạt sạn thì vở diễn sẽ thành công...
Thực chất, đây là những bài báo giới thiệu vở diễn
chứ không phải là bài báo phê bình. Ông tìm một số tờ tạp chí chuyên ngành thì
đa số rơi vào tình trạng bình là chính chứ không có phê. Các tác giả sân khấu
có bàn về hiện tượng này nhưng ai cũng thừa nhận công tác lý luận phê bình mấy
chục năm qua quá kém cỏi. Trách nhiệm chính sau đó được chỉ ra là thuộc về...
các lãnh đạo với lý do mấy chục năm qua không quan tâm đào tạo lớp trẻ lý luận
phê bình, sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm, không có tương lai hoặc
không đủ sống.
Các bạn trẻ lại thiếu đam mê, lửa nhiệt tình nên hạn
chế đến sự nghiệp, ngoảnh lại đã bị rớt lại lúc nào... Nhưng lạ lùng là cả nước
có vài trăm tờ báo, tạp chí các loại hoạt động thường xuyên, trong đó có khá
nhiều ấn phẩm chuyên ngành và hầu hết đều có bộ phận phóng viên viết về sân khấu
mà chẳng khác nhau là bao.
Lạ lùng hơn nữa là dưới góc độ của nhà quản lý thì
NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, cũng “than” rằng
đang rất thiếu người làm công tác lý luận phê bình. Để lấp khoảng trống này, sở
phải nhờ cậy vào đội ngũ nghệ sĩ gắn bó lâu năm và có kinh nghiệm, uy tín trong
hoạt động sân khấu.
Theo lý giải của NSND Trần Quốc Chiêm thì Hà Nội có
6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Mỗi năm, mỗi nhà hát đều xây dựng từ 2 đến 3
chương trình, vở diễn, tiết mục mới để biểu diễn phục vụ chính trị, phục vụ
nhân dân. Riêng năm 2017, các nhà hát đã xây dựng được 17 chương trình mới,
nâng cao chất lượng 8 chương trình, vở diễn đã dựng, biểu diễn 1.609 buổi.
Các chương trình, vở diễn này đều được xây dựng theo
một quy trình khép kín. Từ thực tiễn biểu diễn của các nhà hát, sở sẽ nắm bắt
được kịch mục nào hấp dẫn khán giả, quay trở lại phân tích kịch bản, đối tượng
người xem, yếu tố làm nên sự hấp dẫn của vở diễn...
Hội đồng quản lý nhà hát chọn lựa kịch bản, báo cáo
cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. Sở dựa trên mục tiêu, kế hoạch đề ra từ
đầu năm, căn cứ vào ngân sách, nghiên cứu, phản biện các vấn đề liên quan đến nội
dung, chất lượng nghệ thuật, nếu thấy nội dung chất lượng nghệ thuật tốt thì
cho dàn dựng. Việc thẩm định, chọn lọc ngay từ khâu kịch bản văn học còn góp ý
để bổ sung, chỉnh sửa, nâng cao chất lượng kịch bản. Khi tổng duyệt, sở còn mời
hội đồng nghệ thuật thẩm định, tham gia góp ý chỉnh sửa.
Đây chính là khâu phê bình lý luận hiệu quả của cơ
quan quản lý nhà nước về nghệ thuật nói chung, nghệ thuật sân khấu Hà Nội nói
riêng. Nhưng bất cập là hội đồng nghệ thuật chỉ có các nghệ sĩ biểu diễn đã trải
qua quá trình hoạt động thực tiễn, có chuyên môn cao, làm công tác chỉ đạo nghệ
thuật. Thiếu người chuyên làm công tác lý luận phê bình nghệ thuật dẫn đến khâu
chọn lựa kịch bản ban đầu tại các nhà hát còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, các nhà hát đang trong thời kỳ chuyển
giao lãnh đạo. NSND, NSƯT, những người có tâm huyết, nhiều kinh nghiệm đã đến
tuổi nghỉ hưu. Đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ kế cận hầu như không được đào tạo về
phê bình lý luận nghệ thuật, chưa có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo nghệ thuật.
Thậm chí, có những diễn viên, đạo diễn không nắm được thể tài, không hiểu thế
nào là đề tài, không xác định được vở diễn là bi kịch trữ tình hay hài kịch,
chính kịch nên dựng không ra...
Nghiệp
dư hóa lý luận phê bình
Nhà báo Cao Minh, một trong số các gương mặt chuyên
viết phê bình sân khấu lâu năm cũng cho hay, không phải đến tận bây giờ mà từ
15 năm trước, nghiệp dư hóa trong lý luận phê bình đã được một đạo diễn có uy
tín lâu năm đã chỉ ra bằng câu chuyện rất cụ thể là tất cả các bộ phim, vở diễn
đều được “chiếu” trên mặt báo. Vì mỗi bộ phim, vở kịch sau khi được duyệt, được
chiếu, diễn cho các thành phần quan chức liên quan, bạn bè, nhà báo xem, được
diễn vài buổi rồi cất vào kho. Công chúng biết đến bộ phim, vở kịch là do các
bài báo khen hay chê của các nhà báo. Nhưng sân khấu vừa là một lĩnh vực mang
tính phổ biến trong đời sống xã hội, vừa là loại hình nghệ thuật mang tính hàn
lâm, bác học, không dễ ai cũng có thể hiểu và cảm thụ được phẩm chất nghệ thuật
và tinh túy mà sân khấu mang lại.
Nhiều nhà báo thiếu tri thức về sân khấu nói chung,
lý luận phê bình sân khấu nói riêng. Một số nhà báo trở thành tác giả nhà lý luận
phê bình bởi đam mê, động lực cá nhân là chính. Mỗi lần gặp gỡ giữa các đoàn
nghệ thuật với báo chí là cơ hội để nhà hát giới thiệu, cung cấp thông tin nâng
cao kiến thức hiểu biết cho các nhà báo, cao hơn nữa là thu hút một số nhà báo
đến tìm hiểu, viết về nhà hát, các nghệ sĩ, diễn viên của mình... Tuy nhiên,
sân khấu Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, sau những năm 80 của thế kỷ 20,
mất dần khán giả, không còn là ngôi đền thiêng của nghệ thuật. Các nhà hát,
đoàn nghệ thuật lo bươn chải để tồn tại còn gian nan thì nói gì đến việc duy
trì quan hệ hay đầu tư cho báo chí đến với mình?
Trao đổi về vấn đề này, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội
Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng nhận định, trong cơ chế thị trường hiện nay thì
công tác lý luận phê bình đã chuyển một bước hết sức cơ bản. Những bài viết của
các nhà lý luận phê bình đích thực lọt thỏm vào các trang báo viết về những tác
phẩm chỉ dựa vào để ca ngợi, thậm chí có những bài viết chưa có chất lượng, làm
thay đổi những bài viết có giá trị về lý luận phê bình nên các đơn vị không
quan tâm lắm đến các bài lý luận phê bình nữa mà họ chạy theo quảng cáo, theo
các trang thông tin, thậm chí là tạo ra những scandal để gặp những sự chú ý
khác. Trong khi các trường đào tạo tuyển sinh, với lý luận phê bình cũng rất hạn
chế. Gần như các khoa đào tạo về lý luận phê bình văn hóa nghệ thuật của các
trường đang bị rơi vào tình trạng khủng hoảng đến mức có rất ít người học. Đây
là việc vô cùng lo lắng. Lý luận phê bình như cái roi quất để con ngựa sáng tạo
lồng lên nhưng cái quất ấy chưa mạnh, quất chưa trúng. Hiện nay, chế độ chính
sách cho công tác lý luận phê bình, chế độ chính sách đáp ứng cho một bài viết,
để có chất lượng thì không đủ. Một số nghệ sĩ luôn xa lánh giới phê bình nghệ
thuật hoặc có chăng là các đơn vị muốn tạo cái danh để từ đó “vẽ” ra một mô
hình hoạt động hiệu quả. Người viết luôn là khen 1 tý, chê 1 tý, động viên 1
tý. Như thế thì các bài viết đều rơi vào tình trạng vui vẻ cả làng.
Quất
roi cho trúng...
Đồng tình về câu chuyện cơ chế, chính sách cho người
làm lý luận phê bình còn nhiều vấn đề và những hệ lụy khó lường từ hoạt động
nghiệp dư hóa lý luận phê bình sân khấu, nhà biên kịch Trần Đình Ngôn còn chỉ
ra rằng để kiến tạo được đội ngũ lý luận phê bình thì nên trở lại cách làm trước
đây, bên cạnh tác giả có một số nhà lý luận phê bình. Nhưng bình phẩm như thế
nào để thuyết phục được công chúng, nghệ sĩ không dễ vì hiện nay đã không còn sự
thống nhất về lý luận thẩm mỹ, quan niệm thẩm mỹ như trước. Nhà thơ Bằng Việt,
Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Hà Nội cũng chia sẻ, không chỉ
riêng trong sân khấu mà các hội đều có sự khủng hoảng về lý luận. Làm sao đưa
lý luận phê bình thành áp lực, là thế mạnh để phát triển sân khấu là bài toán
vô cùng khó. Thực tế, giữa bối cảnh văn hóa nghệ thuật như trăm hoa bung nở, những
lý luận cũ chưa hẳn theo kịp đời sống. Làm thế nào có được những định hướng
đúng, trúng để đồng hành, hỗ trợ nghệ sĩ vững vàng trong sáng tạo văn học nghệ
là thách thức của cả người làm quản lý lẫn người làm công tác lý luận phê
bình. Bởi, như cách ví von của NSND Lê Tiến Thọ thì “nói phải củ cải cũng
nghe”. Một đơn vị muốn mạnh thì công tác lý luận phải đi trước một bước, vừa là
giúp các nghệ sĩ, đạo diễn yên tâm hơn, vừa là để định hướng cho sự phát triển.
Nhà phê bình lý luận bằng tài năng tâm huyết có những
bài viết có lý luận, có phê, có bình, có đánh giá chất lượng thật hiệu quả, chỉ
ra những cái chưa được của vở diễn thì đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn luôn tâm phục,
khẩu phục. Vì chắc chắn, một tác phẩm sân khấu thì không chỉ là một đơn vị nhìn
vào mà còn là cả xã hội nhìn vào. Hiệu quả của vở diễn đến đâu được “đo đếm” bằng
sự quan tâm của khán giả, người làm nghề.
Trong bối cảnh các nhà hát sẽ hoạt động theo hướng tự
chủ, tự quyết, tinh giản biên chế, tự tìm nguồn khán giả thì nhà phê bình
chuyên nghiệp có lý lẽ đủ để thuyết phục công chúng, nghệ sĩ và nhà sản xuất
hay không sẽ quyết định sự sống còn của chính mình... Tất nhiên, làm được điều
này sẽ cần có sự hỗ trợ từ bằng cơ chế, chính sách nhưng cũng không thể chỉ
trông chờ một cách bị động, nhất là khi “bầu sữa” bao cấp có xu hướng thắt chặt
dần như hiện nay.
Nguồn: ANTG