Nhắc đến thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ, phần lớn công chúng nhớ ngay đến hai câu thơ “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Thế nhưng, sự nghiệp văn chương của thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ có phải chỉ chừng ấy không? Dù ông trực tiếp làm tướng chỉ huy trên mặt trận cũng như làm lãnh đạo ở nhiều lĩnh vực, nhưng thơ đối với ông luôn là một phần hồn không thể tách rời. Sinh ra và lớn lên trong thời binh lửa, thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ dấn thân bằng ý chí: “Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi/ Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác/ Trên lưng ngựa, mưa gươm và ca hát/ Thì lòng say chiến trận cũng là thơ”.





HUỲNH VĂN NGHỆ LÒNG SAY CHIẾN TRẬN CŨNG LÀ THƠ

LÊ THIẾU NHƠN

Hai câu thơ nổi tiếng đã xác lập vị trí thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ trong giới cầm bút, điều đó không cần bàn cãi. Tuy nhiên, có một điều người yêu thơ phải băn khoăn là hai câu thơ ấy xuất hiện trong những dị bản khác nhau. Ít nhất, đến hôm nay, có ba bài thơ ôm ấp vào lòng hai câu thơ ấy. Thứ nhất là bài thơ “Tiễn bạn về Bắc” với thủ bút của chính Huỳnh Văn Nghệ, ghi chú sáng tác tại Ga Sài Gòn vào năm 1940. Thứ hai là bài thơ “Về Bắc” ghi chú sáng tác năm 1943. Thứ ba là bài thơ “Nhớ Bắc” ghi chú sáng tác năm 1948. Về dung lượng, bài thơ “Tiễn bạn về Bắc” và “Về Bắc” có ba khổ, còn bài thơ “Nhớ Bắc” có bốn khổ. Riêng chữ “giữ nước” trong bài thơ viết năm 1940 được thay bằng chữ “mở cõi” trong hai bài thơ viết năm 1943 và 1948. Để độc giả có thể hình dung đầy đủ, xin được giới thiệu nguyên văn cả ba bài thơ.

Bài thơ lấy tựa “Tiễn bạn về Bắc” có 12 câu:
“Ai đi về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi giữ nước
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Ai nhớ người chăng, ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng mến thương

Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta?”

Bài thơ lấy tựa “Về Bắc” cũng có 12 câu:
“Ai đi về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Nhưng nay trời bắt nghỉ chinh yên
Lệ hờn đành nuốt chôn gươm hận
Tận đáy lòng sâu, phiền hỡi phiền

Ai đi về Bắc ta đi với
Hỏi lại hồn linh đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm cho ta?”.

Bài thơ lấy tựa “Nhớ Bắc” có 16 câu:
 “Ai đi về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ai nhớ người chăng, ôi Nguyễn Hoàng
 Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.

Cổ Loa thành cũ ai thăm viếng
Hoàn Kiếm Linh Quy có trở về
Bạch Đằng máu giặc chưa phai hận
 Ai hát dùm tôi giọng gái quê?

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
 Chinh Nam say bước, quá xa miền
Kinh đô nhớ lại, sầu muôn dặm
Ai trả dùm tôi đôi cánh tiên?”.

Về mặt giá trị văn bản, cả ba bài thơ đều có chung một tinh thần và có chung hồn vía quan trọng là khổ thơ đầu tiên. Bài thơ “Tiễn bạn về Bắc” tìm thấy trong di cảo của thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ, còn bài thơ “Về Bắc” và “Nhớ Bắc” được in lần đầu tiên trong tập “Thơ Đồng Nai” của Huỳnh Văn Nghệ xuất bản tại Chiến khu Đ năm 1949. Nghĩa là loại bỏ mối hoài nghi người lạ nhúng tay làm thay đổi thơ Huỳnh Văn Nghệ. Sở dĩ có ba dị bản là do thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ tự chỉnh sửa. Ông hài lòng với “Về Bắc” lẫn “Nhớ Bắc” nên cho in luôn hai bài vào tập “Thơ Đồng Nai”. Có thể tạm mường tượng, thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ viết “Tiễn bạn về Bắc” năm 1940, đến năm 1943 thì chỉnh sửa lại thành “Về Bắc”, rồi đến năm 1948 tiếp tục chỉnh sửa thành “Nhớ Bắc”. Cả ba bài thơ thống nhất về khẩu khí và nhịp điệu, nhưng “Nhớ Bắc” đắm đuối hơn nhờ gửi gắm riêng tư “Ai hát dùm tôi giọng gái quê”!

Ba dị bản của bài thơ “Nhớ Bắc” không phải trường hợp duy nhất trong hành trình sáng tạo của thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ. Ví dụ, năm 1947 ông có hai bài thơ “Lá thư rừng” và “Bức thư thành” cùng ý tứ: “Đây chiến khu biết bao chiều lau súng/ Ta nhớ em hỡi xa vắng thị thành/ Em tủi nhục ở trong vòng bị chiếm/ Biết bao giờ nguôi hận Chiến Khu Xanh?”, nhưng bài thơ “Bức thư thành” vượt trội “Lá thư rừng” bởi hai câu khắc họa nét duyên dáng của nhân vật nữ: “Mặc gót giày đinh dọa từng mối chỉ/ Cờ đỏ trên khăn vẫn khéo đường kim”.

Hai câu thơ nổi tiếng “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” được xác định nơi viết là “Ga Sài Gòn”, vì từ năm 1931 đến năm 1942 thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ làm công chức tại Sở hỏa xa Đông Dương. Khoảng thời gian 9 năm này rất có ý nghĩa trong cuộc đời Huỳnh Văn Nghệ, bởi giai đoạn này ông không chỉ giác ngộ cách mạng mà còn chập chững bước vào văn chương. Những bài thơ khởi nghiệp của thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ xuất hiện năm 1935, khi ông ở độ tuổi 31. Ông có bài “Thơ” thể hiện quan điểm cầm bút “Chàng chỉ muốn đề thơ bằng máu đỏ/ Trên mây hồng cho gió rải cùng trời”, ông có bài “Trên xe lửa” miêu tả cảnh vật xung quanh mình mỗi ngày làm việc “Cứ gầm thét, chiếc xe đâm đầu chạy/ Như điên cuồng trong ánh sáng một ngày thu” và ông có bài “Bà bán cau” kể về chính cuộc đời mẫu thân đã bươn chải nuôi mình khôn lớn: “Gió bốc khói tung lên cuồn bụi trắng/ Xóm mờ xa khuất dạng sau rừng tre/ Mồ hôi chảy vòng quanh đôi má rám/ Bà bán cau bước mãi dưới trưa hè”.

Cha mất sớm, thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ trưởng thành từ bàn tay lam lũ của người mẹ. Khúc sông Bao Ngược nhỏ xíu chảy qua xã Thường Tân huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương chưa bao giờ lặng sóng trong trái tim Huỳnh Văn Nghệ những năm trai trẻ xa nhà. Chốn chôn nhau cắt rốn nghèo khó luôn khiến Huỳnh Văn Nghệ khắc khoải mỗi khi nghĩ đến người mẹ Đoàn Thị Hiển lầm lụi gánh cau khô bán rong khắp các thôn ấp. Năm 1939, Huỳnh Văn Nghệ viết bài “Thú tội” nghẹn ngào gửi mẹ: “Phải mẹ để mặc cho con ngu dốt/ Không hiểu đời và thế giới bao la/ Con có thể tìm vui và hạnh phúc/ Giữa gia đình đầm ấm tháng năm qua/ Mẹ lại nhịn trầu cau mua mực viết/ Nhịn bánh quà để mua sách cho con/ Những lúc ấy, mẹ ơi có biết/ Mẹ vô tình đã mua lấy đau buồn/ Giờ con lại vụng khờ hơn thiên hạ/ Chịu thua tình và thất bại với tiền/ Phải mẹ biết con muốn làm thi sĩ/ Thì mẹ ơi! Chỉ xiết nỗi ưu phiền/ Mẹ kể như một đứa con đã mất/ Cây mẹ trồng sẽ không trái bao giờ/ Công vun tưới bằng mồ hôi, nước mắt/ Để không ngờ chỉ hái những hoa sâu”. Năm 1945, Huỳnh Văn Nghệ viết bài “Lời chim” bộc bạch sự bất lực của một kẻ có tâm hồn cao đẹp trước thế sự nhiễu nhương và mong mẹ chia sẻ: “Con cứ tưởng: phước trời riêng con hưởng/ Khi mới bay chập chững dưới chân đồi/ Con cứ tưởng: khi tập tành hát xướng/ Rằng đời chim chỉ để hát ca thôi/ Nhưng Đông đến, mùa trời khe khắt quá/ Lá hoa rơi trơ trọi nhánh cây ngàn/ Mải mê hát khi cây còn quả đỏ/ Nên bao lần đói lạnh lúc Đông sang/ Người ta lại theo con lên núi đỏ/ Vào rừng xanh phá ổ, đốn cây cao/ Họ giành giựt cùng con từng trái nhỏ/ Để đem về làm vui miệng cho nhau/ Chịu sao nổi nỗi tham tàn nhân loại/ Cánh chim non dễ bay thấu tận trời/ Trí chim kém dễ gì qua cung bẫy/ Lời đau thương nào thấu được tai ai”.

Thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ được mệnh danh là “thi tướng”, vì ông vừa có tài làm thơ vừa có tài đánh giặc. Tư một nhóm du kích ở Đất Cuốc, Huỳnh Văn Nghệ đã xây dựng được một đội quân tinh nhuệ danh chấn miền Đông Nam bộ với nhiều chiến công lừng lẫy mà tiêu biểu nhất là trận đánh La Ngà diễn ra ngày 1-3-1948 trên quốc lộ 20 thuộc địa bàn Định Quán được chính ông ghi lại bằng thơ: “La Ngà nửa tỉnh nửa say/ Bờ tre sững ngọn bóng mây chập chờn/ Trăm năm một phút rửa hờn/ Rừng vang tiếng thác cười giòn đêm thâu”. Chiến khu Đ của Huỳnh Văn Nghệ không chỉ thao luyện binh lực mà còn thành lập Nhà xuất bản Tiếng Rừng. Nơi đây, tập “Thơ Đồng Nai” của Huỳnh Văn Nghệ được ấn hành vào năm 1949, với số lượng 1120 bản.

Tháng 5-1953, Huỳnh Văn Nghệ rời Chiến khu Đ ra Việt Bắc theo lệnh trung ương. Trong Bản báo cáo thành tích kháng chiến do Huỳnh Văn Nghệ tự viết tại Hà Nội ngày 23-9-1956, có đoạn nhắc đến tập “Thơ Đồng Nai”: “Tuy còn dở nhưng cũng có tác dụng động viên kháng chiến, yêu nước, có ảnh hưởng và cảm tình trong chiến sĩ và đồng bào”. Đấy là thái độ khiêm nhường của thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ. Thực chất, tập “Thơ Đồng Nai” là một trong những tác phẩm nổi trội của văn học miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp, với nỗi ưu tư mang phong cách Huỳnh Văn Nghệ: “Trán nhăn buồn nhân loại/ Mắt sâu sầu thế gian/ Máu thù chưa rửa sạch/ Hai bàn tay gian nan”. Tập “Thơ Đồng Nai” vừa có phẩm chất ngạo nghễ của chiến sĩ vừa có phẩm chất lãng mạn của thi sĩ. Bài “Thanh niên” được Huỳnh Văn Nghệ viết năm 1940: “Ta đi, gót nhịp vang đường đá/ Mắt phóng nhìn xa qua lớp mây/ Ngực nở thấm nhuần trăm thứ gió/ Rượu đời cạn chén chẳng hề say”. Hoặc bài “Chiến khu” được Huỳnh Văn Nghệ viết năm 1948: “Phấp phới cờ lay dưới gió xuân/ Quân ca từng khúc, nhịp xa gần/ Một đoàn hiệp sĩ đi ra trận/ Có bướm chim đưa tận cuối rừng”. Thậm chí, trong bài “Thơ cho Lan” viết năm 1944, Huỳnh Văn Nghệ có hai câu thơ mà hôm nay đọc lại còn thấy xao xuyến: “Ôi mong đợi kéo tàn bao bóng nến/ Nhớ thương anh mòn mỏi cột lều tranh”.

Sau hơn 10 năm công tác ở Cục Quân huấn, năm 1965, Huỳnh Văn Nghệ từ giã thủ đô vượt Trường Sơn vào Căn cứ trung ương Cục miền Nam. Những năm ở R, Huỳnh Văn Nghệ bận bịu với vai trò quản lý, chỉ viết được truyện thơ “Sau trận Tà Xia” vào tháng 3-1967: “Nắng sớm Tà Xia hiện bóng cô du kích/ Súng cầm tay lưỡi lê sáng quắc/ Lăm lăm tìm tên giặc Mỹ cuối cùng/ Cỏ tranh nùng quấn quít bước chân/ Gió bám hôn chiếc khăn rằn quàng cổ/ Người con gái Bắc Tây Ninh ta đó/ Bút mực nào tả hết vẻ hiên ngang”.

Đất nước thống nhất, Huỳnh Văn Nghệ làm lãnh đạo ngành lâm nghiệp. Thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ từng viết “Rừng đẹp như một bài thơ cổ” vào năm 1951, tình yêu rừng lại tuôn trào trong ông với bài thơ “Cây thông già và anh thợ rừng” viết ngày 7-3-1976 cảnh tỉnh sâu sắc: “Rừng đang kêu cấp cứu/ Ú ớ chẳng nên lời/ Tiếng rừng nào ai hiểu/ Chỉ gió thổi thông reo…/ Rừng chết dễ như chơi/ Vừa ngả xuống vừa cười/ Thương đời không bóng mát/ Ai che đất che trời”. Một năm sau, ngày 5-3-1977, thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 63, khi đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp!