Góc nhìn của dịch giả Đào Minh Hiệp: Cho đến giờ, chưa thấy một công trình nghiên cứu nào lý giải về sự “tụt dốc” đó của văn học Nga đương đại, nhưng theo quan điểm của một người dịch, nguyên nhân là không có đội ngũ nhà văn tài năng trẻ kế thừa. Các nhà văn nổi danh từ thời Xô Viết đến giai đoạn này đều đã cao tuổi, bút lực không còn sung mãn và cũng không theo kịp với những biến động dữ dội ở nước Nga, chỉ còn lại một vài cây bút có đủ khả năng thích nghi với môi trường mới và tiếp tục cho ra mắt những tác phẩm mới như Rasputin và Astaphiev, nhưng cũng không đủ sức làm lay động hội đồng xét giải. Còn các cây bút trẻ, có lẽ họ quan tâm đến việc làm kinh tế nhiều hơn là văn học.



VĂN HỌC NGA CÓ GÌ MỚI?

ĐÀO MINH HIỆP

Mới đây, một người bạn, trong lúc cà phê sáng, nghe tin tôi mới ra sách, đột nhiên hỏi như bâng quơ: Mấy năm nay văn học Nga có gì mới không anh? Tôi sững người, trời đất quỷ thần ơi, câu hỏi này phải dành cho các chuyên gia nghiên cứu văn học nước ngoài, một người dịch ở tỉnh lẻ như tôi biết gì mà nói. Tôi đáp vậy, nhưng anh ta vẫn không chịu: Anh vẫn ra sách đều đều đấy thôi, dịch là phải đọc chứ? Tôi chẳng còn biết nói gì nữa. Vậy là cả buổi cà phê sáng của tôi đành phải dành cho người bạn yêu văn chương đó, nhưng vài chục phút thì làm sao thỏa mãn được sự tò mò của anh ta, tôi tìm cách trì hoãn: Thôi được rồi, để hôm nào tôi viết một bài.

Quả thật, đúng như anh bạn nói, dịch là phải đọc, tôi không biết các dịch giả khác thế nào, nhưng với tôi thì cái công đoạn tìm đọc trên mạng các thông tin về tình hình văn học, rồi đọc hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn trang sách điện tử để chọn ra được những gì đáng giá để dịch, quả là một công việc “khổ sai”. Trong số hơn hai chục đầu sách dịch của tôi, chỉ có một cuốn Con gái Ivan, mẹ Ivan của nhà văn Nga V. Rasputin là tôi không phải mất công tìm kiếm chọn lọc. Cuốn này, anh Thúy Toàn, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ, quảng bá văn học Nga và văn học Việt Nam gọi điện đề nghị tôi dịch vì tác phẩm đã được đưa vào dự án Xuất bản sách của Tổng thống Liên bang Nga tặng bạn đọc Việt Nam và sách sẽ được in tại Nhà xuất bản Lokid Premium, Moskva. Tôi đồng ý vì ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước tôi đã có duyên nợ với ông nhà văn Nga này: tôi đã dịch tiểu thuyết Vĩnh biệt Machiora của ông. Vậy là tôi chỉ việc lên mạng tìm trong các trang web văn học bằng tiếng Nga, kể cả của chính tác giả, tải xuống vài bản, đối chiếu để tìm ra bản chính xác nhất và cắm đầu vào dịch cho kịp thời hạn. 
Khi tìm hiểu về nền văn học đương đại của một quốc gia nào đó, việc đầu tiên cần phải quan tâm là các giải thưởng văn học, mà danh giá nhất là giải thưởng Quốc gia (hay giải thưởng Nhà nước). Tôi cũng đi theo hướng đó. Tìm kiếm hàng chục trang mạng khác nhau, cuối cùng tôi cũng lập ra được một bản danh mục các tác giả và tác phẩm được trao giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga về văn học những năm gần đây. Nhưng vì đối tượng tìm kiếm là văn học đương đại nên tôi chỉ giới hạn trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2016. Trong khoảng thời gian này, các năm 2010, 2011, 2014, 2015 không có tác phẩm văn học và tác giả nào được trao giải thưởng Quốc gia. Còn các năm 2009, 2012, 2013, 2016 thì các nhà văn Evtushenko, Rasputin, Iskander, Granin - những cây bút đã khẳng định tên tuổi của mình từ thời Xô Viết - được trao giải, nhưng là vì những đóng góp “trong lĩnh vực xã hội nhân văn” hay là “trong sự nghiệp phát triển nền văn học nước nhà”. Như vậy, trong vòng 16 năm thì có tới 8 năm liên tục gần đây nhất (từ 2009-2016), không có tác phẩm văn học nào đoạt giải thưởng Quốc gia. Quả là một kết quả đáng buồn, nhưng mặt khác, cũng cần phải đánh giá cao hội đồng xét giải về sự công minh: không có tác phẩm xứng đáng - không trao giải! 
Cho đến giờ, chưa thấy một công trình nghiên cứu nào lý giải về sự “tụt dốc” đó của văn học Nga đương đại, nhưng theo quan điểm của một người dịch, nguyên nhân là không có đội ngũ nhà văn tài năng trẻ kế thừa. Các nhà văn nổi danh từ thời Xô Viết đến giai đoạn này đều đã cao tuổi, bút lực không còn sung mãn và cũng không theo kịp với những biến động dữ dội ở nước Nga, chỉ còn lại một vài cây bút có đủ khả năng thích nghi với môi trường mới và tiếp tục cho ra mắt những tác phẩm mới như Rasputin và Astaphiev, nhưng cũng không đủ sức làm lay động hội đồng xét giải. Còn các cây bút trẻ, có lẽ họ quan tâm đến việc làm kinh tế nhiều hơn là văn học. Ở nước ta, tình hình cũng na ná như vậy thì phải. Vậy là, những tác phẩm văn học đoạt giải thưởng Quốc gia đều được trao vào đầu những năm 2000, và bên cạnh các cây bút đã “một thời vang bóng” xuất hiện một số cây bút trẻ ở các nước cộng hòa tách ra từ Liên bang Xô Viết nhưng đã làm cho bạn đọc của nước Nga phải bàn luận suốt cả năm trời và cuối cùng là trao giải thưởng Quốc gia cho họ. Đó là các cây bút trẻ Andrey Volos (SN 1955), đoạt giải năm 2000 với tiểu thuyết Thành phố Khurramabad và Kanta Ibragimov (SN 1960), đoạt giải năm 2003 với tiểu thuyết “Cuộc chiến đi qua”. 
Với một người dịch văn học Nga đương đại, nếu chỉ dựa vào các tác giả đoạt giải thưởng Quốc gia thì quá ít ỏi, phải tìm thêm từ các nguồn khác. Đó là các giải thưởng dành cho truyện vừa và truyện ngắn. Ở nước Nga hiện nay, trong lĩnh vực văn học, ngoài giải thưởng Quốc gia còn một số giải thưởng khác của các tổ chức, cá nhân, của các báo và tạp chí văn học. Trong đó được đánh giá cao về mặt chuyên môn là giải thưởng truyện ngắn hay nhất trong năm và giải thưởng truyện vừa hay nhất trong năm do các báo và tạp chí văn học Nga bình chọn. Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, những biến động chính trị to lớn tưởng có thể xóa sạch mọi thứ, nhưng có một điều rất thú vị là các báo và tạp chí văn học Nga xuất hiện từ thời Xô Viết vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, thậm chí còn mạnh hơn trước vì bên cạnh báo giấy nay lại có thêm báo điện tử. Có thể kể ra đây một số đầu báo và tạp chí văn học Nga vốn rất quen thuộc với bạn đọc biết tiếng Nga như: Thế giới mới, Ngọn cờ, Tháng Mười, Hữu nghị các dân tộc, Ngôi sao, Văn học, Văn học nước ngoài… và hàng chục tờ báo, tạp chí văn học khác mới xuất hiện sau này. Vậy là người dịch có thêm nhiều nguồn để lựa chọn, giúp bạn đọc có thể hình dung ra hiện giờ người Nga sống ra sao.

Hầu hết các truyện tôi chọn dịch đều là những sáng tác mới, nên dù viết về đề tài gì, phản ánh giai đoạn nào trong lịch sử nước Nga thì cũng được cảm thụ và thể hiện dưới một góc nhìn mới, chân thực và khách quan, đồng thời vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy giá trị nhân văn của nền văn hóa Nga. Qua những tác phẩm này, người đọc như được sống lại ở một nước Nga còn bộn bề khó khăn gian khổ sau cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại năm 1945, thời kỳ xây dựng CNXH trong Liên bang Xô Viết và đặc biệt là nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết với bao chuyện buồn vui, cười khóc khi bước vào cơ chế thị trường. Dẫu không phải là những cuốn biên niên sử, nhưng nước Nga vĩ đại với bao nỗi thăng trầm đã hiện lên trên từng trang sách vô cùng sinh động, chân thực và hấp dẫn.

Sau những tháng ngày “lặn lội” trên các trang mạng và “cắm đầu” vào bàn phím, cuối cùng tôi cũng tìm được những gì sáng giá trên bầu trời văn chương của nước Nga, và kết quả là 6 tập sách dịch văn học Nga đương đại được xuất bản. Đó là các tiểu thuyết Cuộc chiến đi qua và Thế giới trẻ em của K. Ibragimov, Con gái Ivan, mẹ Ivan của V. Rasputin, tập truyện vừa Kinh nghiệm tình ái và các tập truyện ngắn Đôi cánh (dịch chung với Phan Bạch Châu), Không nên khóc của nhiều tác giả, trong đó có 4 cuốn được đưa vào dự án Xuất bản sách của Tổng thống Nga.