25 bài trong tập sách hầu như đều được tác giả viết trong khoảng 4-5 năm trở lại đây. Nhưng đó là sản phẩm của mấy chục năm nghiền ngẫm, tìm hiểu, chắt lọc. Trong đó, có những bài được tác giả phôi thai từ đề tài khoá luận và luận văn khi còn là sinh viên đại học. Hồi ấy, có chàng trai tuổi 18 tạm biệt xứ Đoài đến với rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên, nhập môn khoa Văn, Đại học Tổng hợp sơ tán. Vận chiếc áo sơ mi xanh si lâm, đầu mang mũ nhựa cứng màu đu đủ non, lưng giắt dao quắm, leo dốc Dài của núi Tràng Dương  vào rừng chặt nứa, đốn gỗ về dựng lớp, làm nhà. Chàng trai dường như chẳng biết gì là gian khó. Đầu toàn chuyện văn chương. Rồi năm học cuối cùng ở Đại học. Giữa tiếng máy bay và bom nổ lúc xa, lúc gần, chàng mải miết như quên ngủ quên ăn trong mấy tuần lễ liền viết một hơi luận văn tốt nghiệp. Luận văn được đánh giá xuất sắc. Dường như cái “nghiệp” văn chương đã nhập vào Khuất Bình Nguyên đến độ không thể dứt ra được...



“GIỌT NƯỚC TRONG LÁ SEN” VÀ NHỮNG GƯƠNG MẶT THI NHÂN

NGUYỄN DUY THIỆN

Tôi đọc một mạch gần 250 trang của tập sách “Giọt nước trong lá sen” mà vẫn còn cảm hứng muốn đọc tiếp nữa. Tựa như  vừa được  thưởng  ngoạn  một tách trà  hãm bằng  những  giọt nước  đọng trên lá sen buổi sớm. Hương vị thuần khiết của tách trà cứ vương vấn mãi đâu đây.
Không  thấy cảm giác đau đầu, căng thẳng như sau khi đọc một số tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học nào đó . Có thể càng thú vị hơn nếu bạn đọc biết rằng  tập sách chân dung văn học và đàm luận văn chương có phong cách nhẹ nhàng, cuốn hút ấy lại được viết ra bởi một cựu quan chức trong một lĩnh vực khô khan và nghiêm cẩn- nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tiến sĩ Khuất Văn Nga.
Ít người nghĩ sau chặng đường quan lộ khá trọn vẹn của Phó Viện trưởng Khuất Văn Nga lại có một nhà thơ, nhà phê bình văn học (theo đúng nghĩa của nó) Khuất Bình Nguyên được hoá thân, trình làng. Cứ ngỡ rằng  cuộc mưu sinh bốn chục năm cày cuốc trên đống hồ sơ đầy những khái niệm  nào là “tội phạm”, “cáo trạng”, nào là “ án văn”, “ bị can”, “bị cáo”… cùng với trọng trách quản lý ngành đã làm khô kiệt cảm hứng thi ca, hoặc làm rơi rụng kiến thức văn học . Nhưng nhà thơ Khuất Bình Nguyên, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã mang đến cho thi đàn Việt Nam đương đại một tiếng thơ mới với phong cách  thơ đầy suy tư, trăn trở qua 5 tập thơ xuất bản từ 2009 đến nay. Và bây giờ là tập phê bình và đàm luận văn chương “Giọt nước trong lá sen”.
25 bài trong tập sách hầu như đều được tác giả viết trong khoảng 4-5 năm trở lại đây. Nhưng đó là sản phẩm của mấy chục năm nghiền ngẫm, tìm hiểu, chắt lọc. Trong đó, có những bài được tác giả phôi thai từ đề tài khoá luận và luận văn khi còn là sinh viên đại học. Hồi ấy, có chàng trai tuổi 18 tạm biệt xứ Đoài đến với rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên, nhập môn khoa Văn, Đại học Tổng hợp sơ tán. Vận chiếc áo sơ mi xanh si lâm, đầu mang mũ nhựa cứng màu đu đủ non, lưng giắt dao quắm, leo dốc Dài của núi Tràng Dương  vào rừng chặt nứa, đốn gỗ về dựng lớp, làm nhà. Chàng trai dường như chẳng biết gì là gian khó. Đầu toàn chuyện văn chương. Rồi năm học cuối cùng ở Đại học. Giữa tiếng máy bay và bom nổ lúc xa, lúc gần, chàng mải miết như quên ngủ quên ăn trong mấy tuần lễ liền viết một hơi luận văn tốt nghiệp. Luận văn được đánh giá xuất sắc. Dường như cái “nghiệp” văn chương đã nhập vào Khuất Bình Nguyên đến độ không thể dứt ra được. Có lần tôi được anh tâm sự: “Văn chương có thể nói hộ lòng mình những điều không thể nói hoặc chưa kịp nói lúc còn công tác”. Vì thế, thơ Khuất Bình Nguyên nhiều suy tưởng. Còn với tập đàm luận văn chương “ Giọt nước trong lá sen”, Khuất Bình Nguyên vừa trò chuyện với người đọc về văn chương, vừa nói chuyện đời, chuyện người, trong đó có cả một chút chuyện mình.
Về chuyện văn chương, tập sách chủ yếu đề cập đến thơ và các nhà thơ. Có sự nghiên cứu trên diện rộng về nền thi ca Việt cả thế kỷ XX (Đi tìm Nguyễn Du của thế kỷ XX), hoặc thơ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Khúc tâm tình của một thời đạn lửa). Có những bức đặc tả chân dung các nhà thơ qua tác phẩm của họ. Có những tìm hiểu về thể loại thơ ca, như về thơ lục bát (Bánh chưng của thi ca Việt Nam), hoặc “Trường ca nửa sau thế kỷ 20”. Lại còn đi sang cả lĩnh vực hội hoạ với các bài viết về hai hoạ sĩ: Lê Thiết Cương (Đơn đặt hàng của chúa Jesu), Đào Hải Phong (Bỏ quên con người).
Nhưng mảng viết về các nhà thơ, nhà văn vẫn  là mảng chính trong tập. Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên,  Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Quang Dũng, Phùng Cung, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Việt Phương, Trần Vàng Sao, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều. Và Giáo sư, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học tài năng Lê Đình Kỵ. Dường như đối với mỗi nhà thơ, nhà văn, dù đã nổi tiếng hay chưa thật sự trở nên nổi tiếng, Khuất Bình Nguyên, với  sự nâng niu trân trọng, đều cố chạm đến nét riêng độc đáo của mỗi nhà. Có thể, nét hoạ đó đã lột tả đúng hoặc chưa hoàn toàn trúng thần thái của từng thi nhân. Nhưng nhìn ngắm các bức chân dung thi sĩ do anh khắc hoạ, người ta vẫn thấy có cái gì đó có duyên, nhiều khi có nét hấp dẫn, và  cười mỉm gật đầu.
Gấp lại tập sách “Giọt nước trong lá sen”, tôi cứ thấy hiển hiện trong tâm trí mình bức ký hoạ chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bởi bàn tay “hoạ sĩ” Khuất Bình Nguyên. Nhà văn đương đại nổi tiếng với phong cách lạnh lùng dửng dưng trong nhiều văn phẩm, có những lúc là sự lạnh lùng đến nhẫn tâm, ngoài đời hoá ra lại là một ông già mũ áo xuyềnh xoàng “hiền hậu và khiêm nhường khác xa những gì trong văn chương ông viết”, có cái “bộ dạng của bác bán cháo lòng thân ái, khiêm nhường”. Nhưng mà “trên khuôn mặt ấy (vẫn) như có một âm bản hoang đường đầy chất huyễn hoặc không cắt nghĩa được. Dường như ông bị ám  chính bởi những trang văn của mình viết ra. Thiệp để lại khuôn mặt trầm lặng đầy dự cảm cho hậu thế trên hầu khắp các trang văn kỳ lạ. Một thế giới tinh thần trắc ẩn ám ảnh con người”.
Có thể nói rằng, nhiều bức chân dung văn học của Khuất Bình Nguyên đã chạm khắc được các gương mặt sáng tạo nhiều khi không dễ nắm bắt của thi nhân trên nền không gian ba chiều như thế.