Thật là đẹp đẽ và cảm động mà cũng thật là kỳ lạ: những nhà thơ bộ đội Việt Nam và những nhà thơ vốn là lính chiến Hoa Kỳ, giờ đây bên nhau mạn đàm về văn học của hai đất nước, đọc cho nhau nghe và bàn luận với nhau về những bài thơ của nhau. Mà không chỉ các nhà văn nhà thơ, trong đông đảo cử tọa dự hội thảo cũng có rất nhiều người từng là lính ở chiến trường Việt Nam. Họ từ nhiều nơi của bang Montana đã vượt đường xa về Missoula nghe mạn đàm chuyện thơ văn Việt - Mỹ, và cũng  là để gặp gỡ "những người Việt Cộng", đối thủ của mình ngày xưa. Cảnh sát trưởng Missoula, ông Pete Lawrenson, từ năm 1970 tới 1972 là sĩ quan cố vấn của lực lượng Biệt động quân Sài Gòn đồn trú ở Kon Tum. Khi biết tôi nguyên là lính Sư đoàn 10 bộ binh mà thuở xưa đơn vị của ông đã bao lần đụng độ, Pete Lawrenson mừng như là được gặp lại một người bạn đã nhiều năm xa cách.



GẶP LẠI NGƯỜI MỸ

BẢO NINH

Mùa hè năm 1998, đoàn nhà văn Việt Nam gồm nhà văn Lê Văn Thảo, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và tôi sang Mỹ dự cuộc hội thảo do Trung tâm Mansfield tổ chức. Chuyến bay quá dài, chênh lệch nhiều múi giờ nên khi máy bay hạ cánh tôi vẫn đang ngủ. Mặc dù là lần đầu tiên bước vào ngưỡng cửa nước Mỹ, nhưng vì hành khách trên chiếc 747 đều là người Á châu nên tôi đã không có một ấn tượng gì đặc biệt ngay khi vừa xuống phi trường. Nhưng, khi đã qua xong cửa nhập cảnh, vào đến trong sảnh lớn thì bất giác, giật mình: quanh tôi toàn là Mỹ! Nỗi kinh ngạc ấy tuy chỉ là trong chốc lát, song cái thoáng chốc đó tôi còn nhớ mãi, bởi đấy thật sự là một trong những thời khắc lạ lùng nhất tôi từng trải qua. Lạ lùng, khó tin, thậm chí siêu thực nữa: chúng tôi, những cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam, đang đứng ngay trên nước Mỹ, giữa những người Mỹ!
Lần đầu tiên trong đời mình tôi nhìn thấy người Mỹ là vào ngày 5-8-1964. Không hẳn là "người Mỹ" mắt xanh tóc vàng, mà là những chiếc Con Ma, máy bay ném bom F4. Hôm đó là ngày ngay sau "Sự kiện vịnh Bắc Bộ", ngày mà chính quyền Johnson quyết định mở rộng cuộc chiến tranh ra toàn cõi nước Việt Nam, khởi đầu bằng trận ném bom bất ngờ và dữ dội xuống vùng bờ biển vịnh Hạ Long, nơi tôi đang cùng các bạn học đi cắm trại và tắm biển tại đó. Với tôi, khi đó, 12 tuổi, việc Mỹ ném bom Việt Nam, một đất nước cách xa Mỹ vạn dặm đại dương, là hành động chiến tranh xâm lược hiển nhiên.
Sau 10 năm hòa bình, người dân Hà Nội bắt đầu lâm cảnh chiến tranh. Cuộc sống bị đảo ngược đột ngột. Tiếng còi báo động rú lên trong đêm khuya.  Hầm tránh bom được đào dọc khắp các tuyến phố và trong mọi ngôi nhà. Điện, nước bị cắt giảm. Ánh đèn thành phố bị giảm mức sáng. Lương thực, thực phẩm, vải vóc, nhiên liệu, cả sách vở giấy bút...  mọi nhu cầu thiết yếu của đời sống các gia đình đều phải phân phối theo tem phiếu và không đủ, thường xuyên có những dòng người xếp hàng chờ đợi trước các cửa hiệu. Trẻ em, từ 17 tuổi trở xuống, phải xa bố mẹ và rời bỏ thành phố để sơ tán về nông thôn. Tôi nghĩ hoàn cảnh của chúng tôi khi đó giống với trẻ nhỏ ở London vào mùa hè năm 1940, chỉ khác là trẻ em Hà Nội phải chịu cảnh ngộ đó lâu dài hơn (từ 1964 tới 1973) và gian khổ hơn nhiều. Tuy nhiên những cuộc ném bom dữ dội của Mỹ dù gây ra thảm kịch chết chóc và đổ nát tan hoang cho Hà Nội, nhưng không tạo ra nổi sự hoảng loạn và suy sụp tinh thần trong đại bộ phận dân chúng như Lầu Năm Góc hy vọng. Nhất là đối với những người trẻ tuổi như tôi hồi đó, thì chính những trận oanh tạc của không quân Mỹ đã thôi thúc chúng tôi nhập ngũ.
Khi nhập ngũ tôi không ảo tưởng về số phận của bản thân mình. Tôi không phải người can đảm, tôi không nhanh nhẹn, không tháo vát, cố nhiên không phải người giỏi trận mạc, do vậy, tôi biết mình rất ít khả năng sống sót qua các trận chiến. Nhưng tôi lại cũng tin rằng dù tôi sống hay chết, người Việt Nam chúng tôi cũng sẽ đánh lui được quân xâm lược và thống nhất được đất nước, Mỹ phải rút lui khỏi Việt Nam. Năm 1970, Nixon bắt đầu chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, với mục đích làm giảm dần thương vong của  người Mỹ (mà ông ta nói là để thay đổi màu da xác chết!). Tuy nhiên cường độ của cuộc chiến không hề suy giảm. Chúng tôi vẫn hàng ngày hàng giờ nhìn thấy người Mỹ. Đấy là những người Mỹ -  lính không quân -  trút bom xuống từ trên tầm cao hàng ngàn thước của Pháo đài bay B52, và những người Mỹ - lính pháo binh - nã đại bác từ tầm xa hàng cây số của các loại trọng pháo 105 ly, 155 ly, 175 ly, mà cứ mỗi lần bắn là hàng chục khẩu đồng loạt, chúng tôi gọi là "pháo bầy". Mỗi đợt bom B52, mỗi loạt pháo bầy dập xuống có thể xô đổ cả một triền núi, vùi lấp một triền sông, thiêu cháy một đại ngàn. Và cận cảnh nhất là lính Mỹ của các phi đoàn trực thăng vũ trang. Họ vẫn hiện hữu trực diện trên chiến trường, họ vẫn bay rợp trời, cho đến tận năm 1973. Chúng tôi vẫn ngày qua ngày bắn nhau với họ ở tầm rất gần. Đấy là những phi công lái trực thăng Cobra AH1G, những xạ thủ bắn đại liên M60 từ cửa khoang trực thăng "huey" HU1A. Đặc biệt thấy rõ nhất là lính Mỹ trên những U-ti-ti. Loại trực thăng này luôn bay rất thấp, là sát ngọn cây rừng và luồn cả vào trong lòng khe núi, nên chúng tôi trông thấy rõ bản mặt của tổ lái hai người. Thấy màu da, màu tóc của họ. Họ là những người thiện chiến và rất liều lĩnh. Họ có thể bay treo tại chỗ cách miệng hầm của chúng tôi chỉ vài thước, nã M60 hoặc ném lựu đạn u-ét xuống hầm, và tất nhiên, họ cũng rất dễ bị chúng tôi bắn rụng bằng AK47 hoặc trung liên RPD.
Sau chiến tranh, trở về với cuộc sống của người dân thường đã nhiều năm, mà ban đêm tôi vẫn luôn nằm mơ thấy chiến tranh. Trong giấc ngủ, tôi nghe thấy tiếng rít của những loạt bom hàng trăm quả trút xuống từ máy bay B52, nghe thấy tiếng gầm cấp tập của những dàn pháo bầy, nghe thấy tiếng cánh quạt của trực thăng vũ trang, nhìn thấy những trung đội Mỹ mũ sắt áo giáp xách M16 đổ bộ xuống từ trực thăng Chinook CH47... Và ghê sợ nhất trong tâm trí tôi là những cơn ác mộng Dioxin.
Mùa xuân năm 1971, vùng rừng núi phía tây tỉnh Kon Tum, nơi đơn vị tôi đóng quân, liên tục bị rải chất độc màu da cam, mà người Mỹ gọi là thuốc "khai quang". Tôi không hiểu hồi đó những người lính Mỹ trên những chiếc máy bay C123 có biết về sự độc hại khủng khiếp của thứ chất lỏng mà họ phun xuống không, hay chỉ những ông chủ của các hãng hóa chất Mỹ mới biết?  Còn chúng tôi thì đã tận mắt thấy sức hủy diệt của nó. Khi ba chiếc C123 vừa chậm rãi bay qua, lòng rừng đang trong mùa khô đột nhiên mờ mịt mưa, một thứ mưa mù đặc sệt và trắng nhợt. Mái rừng nhanh chóng tróc từng mảng rộng, lở ra, rụng xuống như bị lột da. Lá, hoa, quả, và cả các cành con nữa trút xuống như mưa nhưng không một tiếng xào xạc. Chẳng phải lá vàng, chẳng phải lá xanh, lá to lá nhỏ tất cả đều là những xác chết thâm xịt và nhầu nhĩ như bị vò. Cỏ dưới đáy rừng cũng rũ chết, ngả dẹp xuống và biến màu. Cả một thảm rừng nguyên sinh rộng mênh mông bên bờ đông sông Sa Thầy bị biến thành đại ngàn củi khô. 
Trước đấy, cũng như sau đấy, dọc đường chiến tranh, tôi đã trải qua những cảnh tượng không kém phần khốc liệt, tuy nhiên, ám sâu nhất vào tâm trí tôi, vào các giấc ngủ thời bình của tôi, vẫn là cảnh tượng thiên nhiên bị giết hại một cách rùng rợn trong những cái tháng Màu Da Cam ấy. Lần cuối cùng trong chiến tranh tôi nhìn thấy người Mỹ là vào ngày gần chót của cuộc chiến. Ngày hôm đó Sư đoàn 10 chúng tôi đã  tấn công vào sâu trong Sài Gòn, đã áp sát phi trường Tân Sơn Nhất. Và cũng giống như hôm 5-8-1964, những "người Mỹ " tôi nhìn thấy hôm 29-4-1975 là những chiếc máy bay ném bom Con Ma. Nhưng khác với trận oanh tạc mở đầu chiến tranh hồi năm 1964, lần này, năm 1975, Con Ma quần đảo trên vùng trời Sài Gòn là để yểm trợ cho cuộc triệt thoái toàn bộ nhân viên quân sự và ngoại giao của Mỹ ra khỏi nam Việt Nam bằng trực thăng. 
Người Mỹ cuối cùng rời Sài Gòn lúc sáng sớm ngày 30-4, thì đến buổi trưa ngày hôm đó Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đầu hàng Quân Giải phóng. Cuộc chiến tranh tàn khốc và kéo dài dường như không cùng tận, rốt cuộc đã kết thúc. Sư đoàn 10 chúng tôi đóng quân ở Sài Gòn đến giữa tháng 5. Sau đó tôi trở lại tỉnh Kon Tum làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ. Cuối năm 1975 tôi giải ngũ. Khi đó tôi 23 tuổi. Và 23 năm sau, mùa hè năm 1998, tôi lần đầu sang Mỹ, gặp lại những người Mỹ.
Tại cuộc hội thảo văn học ở Missoula, tôi đã lần đầu được nghe bài thơ nổi tiếng The Arrow and the Song của nhà thơ Henry Wadsworth Longfellow, qua bản tiếng Việt do nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đọc. Ý nghĩa của bài thơ ấy thật là thích hợp, gần như là đồng điệu vậy, với tinh thần chung của cuộc hội thảo: tình bạn, tình yêu cuộc sống và tình yêu hòa bình. Cũng trong tinh thần đó, Giáo sư Philip West, Giám đốc Trung tâm Mansfield, đọc bài thơ Chơi đền Khán Xuân của thi sĩ Hồ Xuân Hương. Bài thơ tuyệt diệu và vô cùng cao sang này như một bản nhạc, cất lên bay bổng bầu không khí thanh tĩnh, có phần man mác buồn của thành phố Missoula
Văn học thật sự là phép màu. Tôi không bao giờ quên "những ngày thơ Montana", ngồi trong sảnh đường rộng lớn của trường đại học, lắng nghe các tác giả đọc tác phẩm của mình. Thật là đẹp đẽ và cảm động mà cũng thật là kỳ lạ: những nhà thơ bộ đội Việt Nam và những nhà thơ vốn là lính chiến Hoa Kỳ, giờ đây bên nhau mạn đàm về văn học của hai đất nước, đọc cho nhau nghe và bàn luận với nhau về những bài thơ của nhau. Mà không chỉ các nhà văn nhà thơ, trong đông đảo cử tọa dự hội thảo cũng có rất nhiều người từng là lính ở chiến trường Việt Nam. Họ từ nhiều nơi của bang Montana đã vượt đường xa về Missoula nghe mạn đàm chuyện thơ văn Việt - Mỹ, và cũng  là để gặp gỡ "những người Việt Cộng", đối thủ của mình ngày xưa. Cảnh sát trưởng Missoula, ông Pete Lawrenson, từ năm 1970 tới 1972 là sĩ quan cố vấn của lực lượng Biệt động quân Sài Gòn đồn trú ở Kon Tum.
Khi biết tôi nguyên là lính Sư đoàn 10 bộ binh mà thuở xưa đơn vị của ông đã bao lần đụng độ, Pete mừng như là được gặp lại một người bạn đã nhiều năm xa cách. Trong hơn một tuần tôi ngụ ở Missoula, ông cảnh sát trưởng chạy xe hơi đưa tôi đi thăm thành phố và cả thật xa tới nhiều vùng khác nhau trong tiểu bang. Helena, Great Falls, Billings... Chúng tôi cũng đã tới Khu tưởng niệm những binh sĩ người quê Missoula trận vong tại chiến trường Việt Nam.Hôm đó, ngày Memorial Day đã qua gần một tuần, vẫn đang khá đông người viếng thăm Khu tưởng niệm. Bên chân tấm bia lớn khắc tên những người lính đã tử trận, tôi thấy ngoài những bông hoa còn có những kỷ vật mà người đến viếng khi ra về đã để lại. So với Bức tường Chiến tranh Việt Nam tại Nghĩa trang Arlington, tấm bia tưởng niệm ở Missoula nhỏ hơn nhiều, nhưng nỗi đau buồn, niềm bi thương mà tấm bia này khơi dậy trong lòng những người đến viếng hẳn là chẳng nhẹ hơn chút nào.
Tôi nghĩ ngay tới toán lính Mỹ mà tôi thấy lần cuối cùng hồi tháng 4-1971. Đấy là một trung đội lính Không vận, tuy nhiên lần đó họ hành quân bộ chứ không trên trực thăng. Họ đi hàng dọc và rất bình thản, ung dung, không chút đề phòng. Họ không hề biết rằng chỉ cách ngay vài trăm thước chúng tôi đang lặng lẽ theo dõi từng bước chân của họ và hỏa lực rất mạnh đang mai phục đợi họ. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ, như là nhìn thấy họ trước mắt mình. Đặc biệt là một người lính đeo máy PRC25. Tôi không hiểu vì sao, là lính thông tin, nhưng anh ta không đi cạnh viên sĩ quan chỉ huy, mà lại đi tụt xuống cuối cùng hàng quân, thậm chí đi tách ra một mình. Anh ta rất chểnh mảng, không mặc áo giáp, không đội mũ sắt, không mang súng M16 hay M79, chỉ đeo máy thông tin. Qua ống nhòm, tôi thấy anh ta vừa đi vừa nhai cái gì đó trong miệng (có lẽ là kẹo gôm), và... vừa đi vừa chăm chú đá một cái vỏ lon trên mặt đường. Chừng mười lăm phút sau tiếng súng rộ lên, toán lính Mỹ đã lọt vào ổ phục kích. 
Tôi không biết người lính trẻ tuổi đó còn sống hay đã chết sau trận đánh hôm ấy,  nhưng năm 1998, lần đầu qua Mỹ, được mời tới thăm một số trường đại học và trung học, nhìn các chàng trai cô gái trong các giảng đường và trên các sân trường, tôi nhìn thấy lại rõ ràng gương mặt anh ta, người lính Mỹ hồi năm 71 ấy, và tôi có cảm giác như là nghe thấy cả những tiếng "loong coong lanh canh" của cái vỏ lon Coca mà anh ta -  như một cậu học trò trên đường tan học từ trường trở về nhà với mẹ -  đang vừa đi tuần tra vừa tung tẩy đá nghịch.
*   *   *
Cuộc chiến tranh kết thúc cách nay đã hơn 40 năm, bởi vậy những tấn thảm kịch mà nó gây ra cần phải được quên đi, hoặc không thể quên thì cũng cần tránh đi, như người ta nói "gác lại quá khứ". Tôi cũng như mọi người lính còn sống sau chiến tranh luôn tự nhủ và luôn nói với nhau như vậy. Và như tôi thấy thì hầu hết các cựu chiến binh Việt Nam, cả những người nguyên là đồng đội của tôi lẫn những người nguyên là kẻ địch của tôi, theo dần năm tháng, tuổi tác, đã thực sự "gác lại quá khứ". Nhưng, "quên đi" và "gác lại" không có nghĩa là quan niệm khác đi về quá khứ. Chẳng hạn như tôi và ông bạn cựu binh Sư đoàn 23, nay là họa sĩ, cũng có những góc nhìn và quan điểm không thể đồng nhất. Tuy nhiên, dù không đồng quan điểm về toàn bộ mọi vấn đề nhưng chúng tôi cũng vẫn đồng ý được với nhau rằng: Việc tôi và ông ấy cùng là người Việt Nam, cùng ngôn ngữ, cùng văn hóa, cùng một lứa tuổi trẻ học trò trung học, chỉ khác là người thì được cha mẹ sinh ra ở Sài Gòn, người thì được cha mẹ sinh ra ở Hà Nội, vậy mà đã dữ dội chĩa súng vào nhau, quyết giết nhau. "Tôi không bắn anh thì anh bắn tôi", đó là một trong những nỗi bất hạnh sâu sắc và đau đớn nhất mà người Việt đã phải chịu đựng. Và chính nhờ không bao giờ quên nỗi đau đớn ấy của bản thân mình và đất nước mình trong quá khứ chiến tranh, mà ngày này chúng tôi mới có thể bỏ qua mọi bất đồng trong quan niệm về cuộc chiến đó để sống bên nhau, hòa thuận, bạn hữu với nhau.