Ngày 13-9, Cục Xuất bản đã ra văn bản yêu cầu NXB Hội
Nhà Văn đình chỉ phát hành cuốn “Mối chúa” của Đãng Khấu với lý do: Nội dung cuốn
sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó, tác giả đã vạch
trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật
trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn. Qua lời kể của các
nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bởi những
kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự
tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ
vì tiền. Một số chi tiết được viết với giọng giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực
có phần tô đậm và có tính khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám
(trang 38, 43, 74, 129, 140, 141, 158, 161, 173, 198, 251,...). Các trang viết
về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một
cách cường điệu, coi đó như hai lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một
trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vũ khí đến lực lượng bí mật (trang 113,
115, 124, 167, 168, 207, 209, 220, 248,...)
ỒN ÀO QUANH “MỐI CHÚA”
ĐÀO NGUYÊN
Tạ Duy Anh núp dưới bút danh mới toe, Đãng Khấu, vừa
cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mang tên “Mối chúa”. Ngay lập tức, cuốn sách bị/được
giới văn chương mang ra “soi” cẩn thận. Có người kết luận hùng hồn: Văn chương
Tạ Duy Anh “oách” hơn Mạc Ngôn, sánh ngang Cao Hành Kiện, nhà văn Pháp gốc
Trung Quốc. Có nghĩa là con đường đi tới giải Nobel văn chương của Việt Nam sau
nhiều phen hi vọng và thất vọng bây giờ lại xanh tươi nhờ “Mối chúa” ? Bởi Cao
Hành Kiện và Mạc Ngôn đều là chủ nhân giải Nobel văn chương các năm 2000, 2012.
Vì
sao phải ngụy trang?
Chỉ bằng một lời giới thiệu ngắn về “Mối chúa”
trên trang cá nhân mà gom đến vài tên tuổi lừng lững của văn chương thế giới,
nhà văn Phạm Lưu Vũ đã kích thích sự tò mò, phấn khích của nhiều người: Nhất định
tìm cách khám phá cuốn sách này. Tuy nhiên, người đưa Đãng Khấu lên mây xanh
cũng gặp phải những phản hồi khác: “Phạm Lưu Vũ biến ông này (Đãng Khấu- pv)
thành người khổng lồ thì ghê gớm quá”! Nhân tiện nhà văn Phạm Lưu Vũ cũng “ra
đòn” với Trần Đức Tiến khi tác giả “Linh hồn bị đánh cắp” có bài giới
thiệu về “Mối chúa” đăng trên báo đàng hoàng: “Trần Đức Tiến cũng là nhà văn mà
không biết đọc sách. Bài viết ngu hơn anh giáo giảng văn… cấp 1”. Nói thế hóa
ra xúc phạm những giáo viên dạy văn cấp 1 và vô tình làm hại “Mối chúa”. Nếu một
tác phẩm mà những người có trình độ nhất định như giáo viên dạy văn cấp 1 không
có khả năng đọc, hiểu được lớp vỏ bên trong thì tác phẩm ấy có lẽ cũng khiến phần
đông độc giả tự sợ mà… chạy. Nhưng qua chính Đãng Khấu mới hay, Phạm Lưu Vũ đã
nhanh nhảu “mắng” oan Trần Đức Tiến. Buộc phải viết một bài giới thiệu nhạt
hoét về “Mối chúa” cũng là một sự tự hạ mình của Trần Đức Tiến. Chẳng qua vì nể
và thương bạn, nên “nhà văn đoạt nhiều giải thưởng văn học nhất Vũng Tàu” đã chấp
nhận viết hộ Tạ Duy Anh một bài thiếu muối về cuốn sách. Bây giờ, khi Trần Đức
Tiến bị dư luận “ném đá” chính Tạ Duy Anh lại thấy mình có nghĩa vụ phải thanh
minh cho đồng nghiệp đàn anh bằng một bài viết nghe nói sẽ đăng trên trang Trần
Nhương: “Trần Đức Tiến phải chấp nhận “giả ngố” để chỉ kể lại nội dung cuốn
sách theo hướng viết về môi trường một cách hiền lành”.
Vì sao Tạ Duy Anh, tức Đãng Khấu, lại muốn ngụy
trang đứa con của mình như vậy? Lão Tạ tâm sự: “Mình chỉ giúp nó (tức “Mối
chúa”- pv) trưởng thành để “nó” ra ngõ không bị cho vào rọ ngay. Mình làm cách
nào để nó ra khỏi ngõ, đến được ngoài đường, lên được xe bus. Chứ mình mặc áo đắt
tiền cho “nó”, ra ngoài bị trấn liền”. Đó cũng là lí do vì sao Tạ Duy Anh không
dùng bút danh vốn đã đình đám của mình mà lại phải tránh tên trong “Mối chúa”:
“Đãng: Trừ hại; Khấu: Trộm cướp. Đãng Khấu nghĩa là trừ trộm cướp. Tên thật của
tôi là Đãng (Tạ Viết Đãng-pv)”. Lão Tạ đang chờ đến hồi tái bản sách, sẽ chuyển
sang tên Tạ Duy Anh: “Tôi có muốn tên Đãng Khấu đâu, để Đãng Khấu cho bớt bị để
ý”. Nhà văn bật mí: Vẫn còn cuốn tiểu thuyết viết ra từ năm 2004 đến giờ không
in được, vì “nó bị lộ vở hết rồi”. Thế nên “Mối chúa” cứ âm thầm ra đời, đến
lãnh đạo nhà xuất bản nơi Tạ Duy Anh làm việc cũng không biết luôn. Bây giờ thì
“Mối chúa” đã từ “ngõ ra đường” an toàn, có lên được xe bus hay lên được máy
bay bay qua biên giới hay không, Tạ Duy Anh vô can?!
Đây là cuốn sách Tạ Duy Anh lầm lì viết suốt ba năm,
không quản ngày đêm. Phạm Lưu Vũ phát hiện: “Mối chúa” là kiểu tiểu thuyết lồng
trong tiểu thuyết, với lối viết đậm chất Kafka (“Kafka dùng một chữ cái để đặt
tên nhân vật (Mr.K) còn Tạ Duy Anh dùng 3 chữ cái: Mr.Đại”). Tạ Duy Anh giải
thích giản dị hơn: “Cuốn sách này nhằm đính chính một cuốn sách khác đã từng ra
đời. Kết cấu có hai giọng kể, một giọng kể của mình, một giọng kể với danh
nghĩa là mình trích lại, mình chuyển lại tác phẩm mà mình phản biện kia”.
Có rất nhiều suy luận, đồn đoán về “Mối chúa”, Đãng
Khấu giải thích: “Mối chúa là một nhân vật không có thật, là một lốt người. Với
tất cả các chỉ dẫn thì bạn đọc phải hiểu mối chúa không phải một ông ở trong một
công ty nào đó, bởi công ty nào có khả năng thắt cổ ngân hàng, tạo ra một thể
chế nhỏ? Đó chắc chắn phải là một nhân vật cực khủng. Một con mối chúa có thể tạo
ra triệu con mối con để tàn phá”. Tôi hỏi Đãng Khấu: “Thế nếu ai đó nghĩ mình
là mối chúa thì sao?”. Nhà văn đáp: “Đó là chuyện bình thường, làm sao kiểm
soát được?”. Anh nói vui: “Nếu Puskin sống dậy đọc những bình luận của độc giả
về tác phẩm của mình có khi cũng hoảng hốt tự hỏi: “Mình có viết thế này đâu?’.
Đó chính là sự kỳ diệu. Sáng tác không dừng lại mà tiếp tục tồn tại trong độc
giả, độc giả sẽ sáng tác tiếp. Người ta cảm nhận vẻ đẹp của sách theo những
cách khác nhau. Vậy là một cuốn sách có thể phóng chiếu hàng ngàn hình ảnh khác
nhau”.
Tạ Duy Anh đủ tỉnh táo để không tham vọng cuốn sách
này sẽ cháy hàng: “Đừng hi vọng nhiều người đọc, có khi chỉ vài người đọc còn
đa phần cầm lên lại vứt đi. Nhưng không được coi đấy là tiêu chí để nản lòng. Kể
cả một người đọc có khi cũng đã tốt rồi, thế giới thay đổi bằng vài người chứ
có phải bằng triệu người đâu”. Nói vậy song lão Tạ không che giấu nỗi buồn của
người cầm bút trong đời sống hôm nay: “Chưa bao giờ tác phẩm hư cấu kém
tác dụng như giai đoạn này. Những tác phẩm hư cấu hiện nay khiến cho người viết
cảm thấy tuyệt vọng về tác dụng của nó với xã hội. Có hôm Bình Phương (Nhà văn
Nguyễn Bình Phương-pv) đọc xong cuốn này gọi điện cho tôi. Tôi bảo mình cứ hì hục
làm suốt ngày đêm, viết xong một cuốn sách nhọc vô cùng nhưng đến khi nghĩ lại
thấy nó chả tác dụng gì, chả tác động đến ai. Ông Phương động viên mình: Thôi
thì mình cứ làm, rồi sau cũng sẽ có một số người đọc, để tìm hiểu đời sống ngày
hôm nay chẳng hạn”.
Trước câu hỏi: Giới văn chương thì ồn ào với “Mối
chúa” nhưng bạn đọc xem ra vẫn dửng dưng? Lão Tạ được người trong giới ca ngợi
thông minh, quả không sai. Lão quá biết mình là ai: “Loại sách như của tôi, bọn
trẻ không đọc đâu. Chúng còn mải đọc ngôn tình, loại sách đó in vài vạn cuốn là
bình thường. Sách mình in vài ngàn đã đê mê rồi. Như cuốn “Chuyện ngõ nghèo”
(Nguyễn Xuân Khánh- pv) hot thế, ồn ào thế cũng chỉ in 2.000 cuốn mà vẫn chưa
trôi”. Sách gây ồn ào là một chuyện, còn số phận cuốn sách ra sao đôi khi còn
tùy thuộc vào may, rủi. Song Tạ Duy Anh quyết định dừng lại, để “đứa con” của
mình tự bươn chải: “Tồn tại hay không là việc của “nó”, chẳng lẽ mình đã “đẻ”
ra “nó” rồi còn phải ngày ngày đi theo “nó” cầu xin các bác bón cho “nó” ăn
không thì nó chết? “Nó” phải tự kiếm sống thôi”.
Nguồn: Tiền Phong