Vài ba năm trở lại đây, trên các trang báo giấy, báo mạng ngày càng thưa thớt, trống vắng những bài viết giới thiệu hay phê bình những tác phẩm văn xuôi. Càng ít hơn, trống vắng hơn những bài viết về các nhà thơ, các tập thơ. Có thể vì bản thân tiêu chí, các chuẩn mực chiếu rọi thơ, thẩm thơ chưa định hình, còn đang ngọ nguậy. Mà cũng có thể khi cơn sóng thần “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ” đang trong cơn thịnh phát, cất lên tiếng nói khen hay chê vừa là việc quá dễ dàng, lại vừa cần tới sự cẩn trọng, đắn đo chăng? Ấy vậy mà trong khoảng hai thập niên vừa qua, nhà thơ- nhà báo Lê Thiếu Nhơn vẫn thủng thẳng, nhẩn nha; vẫn hào hứng và xông xáo để cung cấp đều đặn những bài viết về các nhà thơ, khen chê một cách rạch ròi!



TRÊN NHỮNG NGÓN TAY TÀI HOA…

TÔ HOÀNG

“Hoa rơi hữu ý”- cái tựa tập sách của nhà thơ – nhà báo Lê Thiếu Nhơn, đã buộc người đọc phải dừng lại, ngẫm ngợi, trước khi lật tiếp những trang sau. Chữ “rơi“ không ai dám nghĩ rằng nó sẽ đi liền với chữ “rụng”mà rơi ở đây trong sự đỡ hứng, đón nhận, nâng niu..Vì đấy là hoa, là rơi một cách hữu ý. Cái Tôi –Người viết đã ngửa bàn tay ra hứng lấy những bông hoa kia để làm sinh sôi những trang bạn đang đọc. Rắc rối cài đặt mà cũng tinh tế, sâu sắc đây. Với mấy dòng cuối ở bài mở đầu tập sách, tác giả viết: “Nhiều nhà thơ đã thả ưu tư vào bộn bề hôm nay như hoa rơi hữu ý, lẽ nào bạn đọc lại như nước chảy vô tình..? “ Lại thế nữa, tác giả còn muốn chính người đọc chúng ta không nên, không được lạnh giá …

            Xin nói ngay tới một hiện tượng văn học còn nóng: Vài ba năm trở lại đây, trên các trang báo giấy, báo mạng ngày càng thưa thớt, trống vắng những bài viết giới thiệu hay phê bình những tác phẩm văn xuôi. Càng ít hơn, trống vắng hơn những bài viết về các nhà thơ, các tập thơ. Có thể vì bản thân tiêu chí, các chuẩn mực chiếu rọi thơ, thẩm thơ chưa định hình, còn đang ngọ nguậy. Mà cũng có thể khi cơn sóng thần “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ” đang trong cơn thịnh phát, cất lên tiếng nói khen hay chê vừa là việc quá dễ dàng, lại vừa cần tới sự cẩn trọng, đắn đo chăng? Ấy vậy mà trong khoảng hai thập niên vừa qua, nhà thơ- nhà báo Lê Thiếu Nhơn vẫn thủng thẳng, nhẩn nha; vẫn hào hứng và xông xáo để cung cấp đều đặn những bài viết về các nhà thơ, khen chê một cách rạch ròi!

            Trong “Hoa rơi hữu lý” có những bài viết giới thiệu chân dung (hai nhà thơ khiếm thị Lê Đình HòaHuỳnh Duy Siêng). Ở những bài này Lê Thiếu Nhơn, với tư cách của một nhà báo- đã nổi trội với tính phát hiện, với lối nói kiệm chữ, kiệm lời mà khắc họa rất nhanh diện mạo nhân vật. Những bài viết về các nhà thơ Đông Hồ, Hải Kỳ, Chim Trắng, thế mạnh của ngòi bút vẫn nghiêng về hướng phát hiện, khắc họa nhưng cũng đã nhang nháng độ say tỉnh của một nhà thơ hành nghề báo hay một nhà báo cất giấu trong mình bản ngã của một nhà thơ. Phần tạo nên sức nặng, cái độc đáo không giống bất kỳ ai, độ tinh tế toát ra từ mỗi dòng, mỗi trang viết trong tậpHoa rơi hữu lý” nằm ở những gì khi Lê Thiếu Nhơn cảm thụ thơ, thẩm thơ của trên một chục nhà thơ lọt vào mắt xanh của anh.

            Họ là những nhà thơ lớp trước anh vài ba thập niên như Thi Hoàng, Tường Vân, Thanh Tùng, Dư Thị Hoàn, Hoàng Nhuận Cầm, Lê Thành Nghị, Triệu Từ Truyền…Nhiều người còn là bậc “tiền bối”, bậc “ lão làng” của anh như Văn Cao, Chế Lan Viên, Phùng Cung, Hữu Loan… Lê Thiếu Nhơn là một nhà thơ - nhà báo thuộc thế hệ 7X. Vấn đề không phải là ở chỗ dám hay không dám lên tiếng với các bậc “trưởng thượng”, mà là ở chỗ nói như thế nào đây, khi di sản thơ của những người đi trước ấy đã được lật qua, sới lại, đã tựa như thấm đẫm cơn mưa móc khen, che quá nhiều rồi.

            Nói tới gia tài thơ của nhạc sỹ-thi sỹ Văn Cao, Lê Thiếu Nhơn  nhìn ra cuộc đời sáng tạo của ông có ba giai đoạn: Mềm mại, đắm đuối- Lạc quan, hào sảngCan trường, sắc sảo. Từ xuất phát điểm này Lê Thiếu Nhơn cảm thụ, rung động với những vần thơ của Văn Cao một cách minh xác và đầy sự đồng cảm trong những biến động cụ thể do thời thế, do đời sống cơm áo cùng những ngọt bùi mà người nhạc sỹ- thi sỹ này đã tri qua. Nói đến thơ Văn Cao ở giai đoạn can trường sắc sảo, Lê Thiếu Nhơn viết: “Không phải cuộc chơi nghệ thuật nữa, thơ Văn Cao trở thành cuộc truy vấn số phận”. Trên nền của cách chia ra 3 giai đoạn để làm minh xác thơ của Văn Cao ở từng giai đoạn, thiết nghĩ đây chính là một đóng góp mới mẻ của cây bút phê bình Lê Thiếu Nhơn với thơ của nhạc sỹ- thi sỹ Văn Cao.

            Bài viết về thơ của Hoàng Nhuận Cầm, theo ý chúng tôi mang yếu tố “xuất thần”. Ban đầu là những nhận định có vẻ thuần túy “bếp núc” như “thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa trọng âm vận, vừa trọng nhạc tính, nên lời thơ thường tràn qua cả ý thơ” rồi dấn thêm “khi và chỉ khi Hoàng Nhuận Cầm để trái tim mình đắm đuối đến mức cực đoan thì thơ tạo được dư vị”. Và cuối cùng ngòi bút Lê Thiếu Nhơn như mở bung một phát hiện giúp bạn đọc chúng ta nhìn ra được cái căn cốt làm nên vẻ đẹp trong những vần thơ Hoàng Nhuận Cầm “cái rạo rực làm nên phẩm chất thơ Hoàng Nhuận Cầm đã được nuôi dưỡng khá lâu. Rạo rực yêu thương, rạo rực gắn bó và cả rạo rực ngộ nhận, rạo rực sai lầm đều mang vẻ đẹp thi sỹ”. Thiết nghĩ có được một sự khẳng định qua những trăn trở đảo chiều như vậy, đâu phải là điều dễ dàng đối với một ngòi bút phê bình nếu không có sự kỳ công để đọc, để hiểu đến ngọn nguồn cả thơ lẫn người?

            Với thơ của nhà thơ Dư Thị Hoàn, cũng xy raa trường hợp tương tự. Lê Thiếu Nhơn viết “Dư Thị Hoàn không nhằm thu hoạch dăm câu thơ bóng bẩy và ngọt ngào, mà các câu dài ngắn khác nhau liên kết trong một chỉnh thể khiến người đọc hình dung mạch lạc về sự trắc ẩn đời thường cao hơn mọi lý thuyết phán đoán”. Và nữa, Lê Thiếu Nhơn viết “Dấu ấn nữ sỹ Dư Thị Hoàn biểu lộ sắc nét qua những câu thơ chênh chao cuồng si bản năng và chuẩn mực đạo lý”. Bạn đã đọc được ở đâu và ai đã viết về thơ Dư Thị Hoàn như vậy chưa? Để cuối cùng là một sự khẳng định, như một nhát rìu bằm sâu vào thớ gỗ, về thơ, về chính “chất người” rất riêng của nhà thơ: “Thơ Dư Thị Hoàn xa lạ với những chú giải thuần túy. Trong sự khốc liệt có sự yếu đuối, trong sự nghẹn ngào có sự bao dung”.

            Nói ngay, với từng phác họa chân dung nhà thơ hay với phần “thẩm” thơ của nhà thơ này nhà thơ kia, Lê Thiếu Nhơn lúc nào cũng quyết liệt, xé toang những gì mù mờ, rối rắm để đi tới một sự khẳng định của riêng anh.

            Với phần đông các nhà thơ được đề cập tới trong “Hoa rơi hữu ý”, Lê Thiếu Nhơn hay có những xác quyết “như dao chém đá”. Thiết tưởng đây tuyệt nhiên không phải là thói quen ưa chuộng của những cây bút viết phê bình thơ. Với “ông vua thơ đất Cảng” thì “Thi Hoàng phát triển thơ theo hai hướng. Một hướng chao chát kỹ thuậ. Một hướng thô ráp đời sống” để đi tới khái quát “Thao tác thơ của Thi Hoàng chẳng khác gì một người câu cá chuyên nghiệp. Có khi cao hứng, Thi Hoàng cứ mài giũa lưỡi câu sao cho thật nhọn hoắc, sao cho thật sáng choang, khiến bao đồng nghiệp vị nể mà đàn cá cũng hoảng sợ. Và khi một lưỡi câu có nét lóng lánh của một…cây kim, chắc chắn không câu được con cá nào. Ngược lại, khi Thi Hoàng trễ nải dùng lưỡi câu giản dị thi sỹ của mình, thì được lắm con cá thơ hay”. Với trường hợp Hữu Loan, Lê Thiếu Nhơn đánh giá “Hữu Loan chỉ thực sự là Hữu Loan với những câu thơ gân guốc, bộc trực”. Còn với trường hợp Y Phương, Lê Thiếu Nhơn nhận định “Bước vào thế giới thơ Y Phương, độc giả luôn được thực hiện một chuyến ngược ngàn”.

            Thơ Thanh Tùng hình như là trường hợp được cây bút phê bình Lê Thiếu Nhơn băm vằm, mổ xẻ kỹ càng, công phu nhất. Có thể liệt kê ra tới cả chục lần nhà phê bình đưa thơ anh lên bàn chụp cắt lớp để mong tìm ra kết quả cuối cùng: 1- “Đọc thơ Thanh Tùng giống như bước vào một vùng cảm xúc mâu thuẫn, giữa s ngang tàng và sự yếu đuối, giữa sự tinh tế và sự vụng về, giữa sự mạnh mẽ và sự dở dang!”. 2.Thanh Tùng trình bày một lối thơ nguyên sơ được vọt khởi tùy hứng, triển khai tùy hứng và kết thúc tùy hứng”. 3- “Bên cạnh những câu thơ mỏng mảnh Tây Thi, Thanh Tùng có những câu thơ ầm ĩ Trương Phi”. 4- “Đôi khi sự thiếu nghiêm túc với nghề của Thanh Tùng khiến bạn đọc cảm thấy thơ ông có nhiều chỗ cẩu thả và nhộn nhạo”. 5- “Hệ lụy không tránh khỏi, đọc thơ Thanh Tùng một vài bài thì trầm trồ, nhưng đọc cả tập thì thấy sự dễ dãi, hình ảnh lp lại, khái niệm lặp lại và cú pháp cũng lặp lại”. 6-“Có thể mường tượng Thanh Tùng sáng tác mỗi bài thơ giống như một võ sĩ dùng cả tứ chi để tấn công đối phương. Theo cấu tạo cơ thể, chân luôn dài hơn tay, do vậy khi chân đã chạm đối phương thì tay vẫn quơ quào giữa khoảng không, nghĩa là chỉ đánh được một đòn trúng đích bằng chân, còn tay trở nên thừa thãi”. 7- “Gặp được sự mới mẻ kích thích thì lập tức có thơ”. 8-“Thanh Tùng không có cái chi chút và cần mẫn của người làm việc theo thói quen, theo lịch trình”. 9- “Thơ Thanh Tùng dằng dặc chia lìa và giăng mắc đổ vỡ”. 10-“Thơ Thanh Tùng hơi rối rắm, nhưng nếu bỏ công gọt giũa và chọn lọc khoảng 40 bài, thì những tác phẩm được viết từ “một trái tim chưa hề mệt mỏi” sẽ có được một vóc dáng nhà thơ mà không ít kẻ cầm bút bon chen hưởng nhiều phúc lộc và xưng tụng, ắt cũng phải ganh tỵ đấy!”. Phải chăng lần soi chụp thứ 10 đã vạch ra phương pháp điều trị chuẩn xác? Vị tất! Nhưng đấy là chuẩn đoán và kê thuốc của bác sỹ Lê Thiếu Nhơn.

            Giữa thời buổi thơ mọc ra như nấm trong rừng sau mưa, trong lúc phong trào viết phê bình tập thơ này, tác giả kia chủ yếu mang tính “cánh hẩu” và “bốc thơm”, thì với tác giả “Hoa rơi hữu ý” hãy ghi nhận thêm một điểm son: sự khách quan, trung thực; có khen và dám chê, trên một công phu đọc kỹ, biết trân trọng sự khó nhọc, vất vả của người làm thơ. “Hoa rơi hữu ý” cũng giúp chúng ta giật mình trước một sự thật giản đơn lâu nay bị quên lãng: Hóa ra nghề chơi ( làm thơ ) cũng lắm công phu./.

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng, ra ngày 25-8-2017