Là tác giả của tác phẩm “Chiếc lá thuộc bài” trong Tủ sách Tuổi Hoa vừa tái bản đã gây ra tranh cãi ầm ĩ, nhà văn Nguyễn Thái Hải chia sẻ: “Theo tôi nghĩ, việc tái bản Tủ sách Tuổi Hoa không chỉ là in lại sách của những người viết một thời, dành cho những người đọc một thời; đó chỉ là một trong nhiều mục đích. Số sách trong tủ sách thì có hạn và cũng chỉ một số trong đó có thể in lại chứ không phải tất cả. Tới một đợt nào đó, việc tái bản cũng phải dừng lại thôi. Quan trọng là những sách tái bản này được bạn đọc nhỏ tuổi ngày nay đón nhận thế nào, việc làm này liệu có là ngọn lửa nhen lên cho một tủ sách thanh thiếu nhi tương tự trong tương lai hay không? Tủ sách lúc ấy có tìm được những tác giả là những người viết trẻ như chúng tôi ngày xưa, viết và in sách ở tuổi đôi mươi hay không? Chúng tôi bây giờ đã trên dưới 70 tuổi cả rồi, nhiều người đã mất, người còn sống thì có người còn sức viết, có người không viết được nữa... Còn gì mà đặt hy vọng!”




VỀ TÁC PHẨM “CHIẾC LÁ THUỘC BÀI” TRONG TỦ SÁCH TUỔI HOA
NGUYỄN THÁI HẢI

Quanh việc NXB Phương Đông và Phương Nam Book tái bản cuốn truyện “Chiếc lá thuộc bài” (CLTB) của tôi (Nguyễn Thái Hải), tôi thấy cần nói rõ hai vấn đề như sau:
1. Vấn đề bản thảo:
- CLTB in lần đầu tiên vào năm 1971, trong tủ sách Tuổi Hoa
- Sau 1975, vào năm 1993, CLTB được in tại NXB Đồng Nai. Trong điều kiện tình hình chính trị năm đó (Cách nay 24 năm), giám đốc kiêm tổng biên tập NXB ĐN lúc ấy (Vừa là thủ trưởng cũ, vừa là một trong những người thầy viết văn của tôi) khi đọc CLTB đã cho rằng truyện có tính giáo dục cao nếu không in lại thì tiếc lắm, nhưng ông gợi ý nên thay đổi nhân vật người cha là sĩ quan VNCH thành người quản lý xây dựng để tránh rắc rối có thể xảy ra cho tôi (Trước 1975 tôi là dược sĩ trung úy trưng tập của quân đội VNCH và trong môi trường làm việc hồi ấy không thiếu kẻ ganh tị, chờ đợi sơ hở của tôi); ngoài ra thì có thể giữ lại tất cả để không ảnh hưởng đến nội dung chính của cuốn truyện. Tôi đồng ý và đã dựa trên bản cũ mà viết lại thành bản thảo mới. Trừ những đoạn, câu có liên quan đến nhân vật cần thay đổi nghề nghiệp, thì các phần khác tôi giữ nguyên bản cũ. Tuy nhiên, tác giả đánh máy lại bản thảo của mình thì không thể như một nhân viên đánh máy chỉ cần sao chép đúng nguyên văn, mà cứ thấy câu chữ nào chưa ưng ý thì lại sửa. Vả chăng, văn phong của một người viết văn sau 18 năm thì sao có thể giống y hệt trước đó! Đó là lý do vì sao khi đem so sánh hai bản cũ, mới thì thấy có sự thừa, thiếu hoặc đảo chữ (Tôi cho là không quan trọng). Tất nhiên, sau đó còn đến phần làm việc của biên tập viên nhà xuất bản theo quy định. (Cũng cần mở ngoặc ở đây, là ngày đó tôi sửa chữa để in truyện in cho bạn đọc nhỏ tuổi đọc chứ không phải để phục vụ các bạn đọc lớn tuổi “hoài niệm” như một phần mục đích của việc tái bản bây giờ). Sách in ra, được bạn đọc nhỏ tuổi đón nhận, phản hồi tích cực. Chính vì thế mà vào năm 1996, CLTB lại được in lần nữa tại NXB Trẻ, cũng với bản thảo viết lại nói trên.
- 20 năm sau lần in năm 1996, vào khoảng cuối năm 2016, tôi được một nhà văn quen biết nhắn là Phương Nam Book (PNB) có kế hoạch tái bản một số sách Tuổi Hoa (trong đó có thể có một cuốn của tôi nhưng không rõ là cuốn nào) và PNB nhờ tôi viết vài lời giới thiệu tủ sách này. Sau thời gian nhiều tháng, tôi không thấy ai liên lạc gì cả nên tưởng là kế hoạch kia không thực hiện được. Bất ngờ đến đầu tháng 7 đọc báo Người Lao Động trên mạng tôi thấy giới thiệu 8 cuốn Tuổi Hoa tái bản, trong đó có CLTB. Tôi đã nhờ nhà văn nói trên giúp để có điện thoại của một người đại diện PNB. 10 ngày sau thì nhận được sách biếu và mới biết CLTB lần này in theo bản 1993 mà không biết PNB lấy nguồn từ đâu? (Tôi không trực tiếp gửi bản thảo cho PNB vì có được thông báo đâu!).
- Do PNB thông tin trên báo chí là TSTH tái bản theo nguyên bản trước 1975, nên một số bạn đọc đã đối chiếu và lấy CLTB làm thí dụ minh chứng rằng PNB đã làm không đúng điều mình nói, là lừa gạt mọi người. (Với 7 cuốn còn lại, tôi không biết rõ nên không thể nói gì ở đây).
- Dù sao ở cuối truyện, sách CLTB mới in vẫn in dòng: Biên Hòa 1970 - viết lại 1993 - NTH. Một người bình thường cũng hiểu ngay đây không phải bản in cũ 1971!
- Về nội dung trong bản viết lại CLTB, một số bạn đọc đã bức xúc nhận xét (trên FB) với những lời lẽ khó nghe. Có bạn đọc đưa ra lý lẽ vì người cha chỉ là một công nhân nên đứa con không thể nói: “Con thương ba nhiều lắm” (Nhận xét này xin để các bạn bình luận)... Một số bạn đọc do không đọc kỹ (hoặc không đọc) nên đã nhầm lẫn cho rằng nhân vật người cha trong bản in 1971 là “lính” và người cha trong bản in mới là “công nhân”; đúng ra phải là sĩ quan (bản 1971) và người quản lý công trình xây dựng có công nhân thuộc quyền (bản 2017). Tôi cũng ngờ rằng nhiều bạn khác chưa đọc hết CLTB (mới) và cũng không có điều kiện để so sánh với bản cũ để biết rằng chỉ có sự thay đổi một nhân vật là người cha (vài đoạn, câu) cùng một số biên tập câu, chữ không quan trọng, còn lại đều giữ nguyên như cũ. Vậy mà các bạn này cùng những bạn “tôi chưa mua sách và chưa đọc” vẫn “hồn nhiên” kết luận rằng nội dung mới không hay (?) thì có lẽ chỉ là “nói lấy được”. Ngoài số bạn đọc “quá nhiệt tình” này, tôi tin rằng đa số bạn đọc sau khi đọc xong truyện, sẽ nghĩ khác hơn. Tất nhiên, bình luận truyện của tôi hay hay dở thì đó là quyền của các bạn, tôi luôn lắng nghe.
- Đến đây, có thể tạm kết: Bởi nghĩ rằng PNB đã “sửa nát” CLTB nên một số bạn đã bình luận chê bai nơi đây biên tập dở, ẩu... đồng thời qua đó cũng có ý “bênh vực”, có ý “tội nghiệp” tác giả. Hóa ra các bạn ấy lại đang “phê bình” người được các bạn ấy “bênh vực” mà không biết!
- Tái bản TSTH, tôi nghĩ những người có liên quan không phải chỉ nhằm phục vụ số bạn đọc lớn tuổi tìm lại kỷ niệm xưa mà còn muốn giúp các em ở độ tuổi thanh thiếu nhi ngày nay có thêm nguồn sách để đọc và tham khảo. Vì vậy không thể bắt những người làm sách phải thỏa mãn những đòi hỏi của riêng cá nhân mình (Những bạn đọc lớn tuổi). Đó là chưa nói một số từ ngữ trước đây mà ngày nay chỉ có thể giữ nguyên như cũ khi đưa lên sách trong một số ngữ cảnh nào đó...
- Tôi đã có 50 năm cầm bút, cay đắng đã nhiều, nghe khen chê cũng không ít... nên không mấy bức xúc trước việc “bình luận theo đám đông” của một số bạn. Vả lại, mỗi người đều có quyền có nhận xét riêng của mình và tôi tôn trọng. Với những ai đã vô tình nặng lời với tôi, tôi vẫn quý trọng vì qua đó biết các bạn ấy vẫn yêu mến mình qua việc đọc sách mình sau nhiều năm.
Qua phần trình bày như trên, tôi xác định PNB không biên tập “nát” sách của tôi. Tuy nhiên do PNB công bố là in nguyên bản (trên sách CLTB lại in dòng “viết lại 1993”) nên đã khiến nhiều bạn đọc ngày trước bực bội! Và sách của tôi được các bạn đọc yêu quý Tuổi Hoa dẫn ra như một “thí dụ”!
2. Vấn đề bản quyền:
- Nếu tôi nhớ không lầm thì ngày trước, tôi và nhiều tác giả khác đã ký hợp đồng bán bản quyền không thời hạn cho NXB Tuổi Hoa. (Khi đó tôi còn là cậu sinh viên tuổi đôi mươi, đã được in sách lại được nhận nhuận bút hậu hĩnh là sướng lắm rồi, là cảm ơn NXB lắm rồi, chẳng hề lăn tăn gì khi ký hợp đồng!). Hai lần tái bản CLTB vào năm 1993 và 1996, tôi đều được nhận nhuận bút do các NXB trả theo quy định và cũng vì không có thông tin liên lạc gì với chủ sở hữu TSTH. Bây giờ, nếu chiếu theo hợp đồng và đại diện TSTH muốn đòi lại số tiền nhuận bút ngày ấy, thì tôi sẵn sàng trả lại. (Tôi đoán sẽ không bị đòi...)
- Tôi được biết PNB đã ký hợp đồng tái bản với đại diện Tủ sách Tuổi Hoa là nhà văn Quyên Di vì ông Nguyễn Trường Sơn, chủ NXB – người tôi hằng kính trọng, đã mất và NV Quyên Di được gia đình ông ủy quyền. Như vậy, nếu hợp đồng của các tác giả với NXB Tuổi Hoa ngày đó - thời VNCH - vẫn còn hiệu lực đến thời hiện tại (Xin hỏi ý kiến các nhà làm luật), thì lần tái bản này không tác giả nào được nhận nhuận bút. Nhận mấy cuốn sách biếu đã là vui lắm rồi. Tuy nhiên tôi được NV Quyên Di cho biết sẽ đề nghị gia đình ông Nguyễn Trường Sơn trích một phần để tặng các tác giả. Nếu việc này được thực hiện thì đây là chuyện tình nghĩa giữa những anh chị em trong gia đình Tuổi Hoa, mừng cho sự xuất hiện lại của tủ sách, thế thôi. Số tiền này nếu có, về phần tôi cũng chỉ dành để mua lại sách của mình tặng học trò như nhiều năm qua tôi vẫn lấy nhuận bút các sách thiếu nhi được in của mình (và thêm tiền túi) để mua sách tặng học trò nghèo trong tỉnh Đồng Nai vậy.
- Cá nhân tôi không băn khoăn gì chuyện nhuận bút nhưng không biết các tác giả khác thì sao? Liệu có ai không ký hợp đồng bán đứt bản quyền?
- Việc khiến tôi bức xúc là PNB và người đại diện TSTH đã không thông báo cho tôi biết việc in lại cuốn CLTB của tôi (Những tác giả khác thì tôi không biết có được thông báo hay không). Nếu được thông báo thì tôi đã đề nghị 2 hướng để cùng nhau bàn bạc: 1/ Hiện tại cái nhìn trong xã hội VN đã thoáng hơn nhiều, liệu có thể in CLTB nguyên bản 1971 và có thêm phần ghi chú những chỗ cần thiết? – 2/ Không in CLTB mà chọn một cuốn khác cũng của tôi để in (Tôi có 8 cuốn trong TSTH). Đáng tiếc, thật đáng tiếc đã xảy ra việc chủ quan tự tìm nguồn bản thảo để in trong khi đã có người liên lạc được với tác giả! Đến lúc này, mọi chuyện đã rõ, nhưng nói thật lòng, tôi vẫn giận PNB lắm lắm!
Thưa các bạn
Theo tôi nghĩ, việc tái bản TSTH không chỉ là in lại sách của những người viết một thời, dành cho những người đọc một thời; đó chỉ là một trong nhiều mục đích. Số sách trong tủ sách thì có hạn và cũng chỉ một số trong đó có thể in lại chứ không phải tất cả. Tới một đợt nào đó, việc tái bản cũng phải dừng lại thôi. Quan trọng là những sách tái bản này được bạn đọc nhỏ tuổi ngày nay đón nhận thế nào, việc làm này liệu có là ngọn lửa nhen lên cho một tủ sách thanh thiếu nhi tương tự trong tương lai hay không? Tủ sách lúc ấy có tìm được những tác giả là những người viết trẻ như chúng tôi ngày xưa, viết và in sách ở tuổi đôi mươi hay không? Chúng tôi bây giờ đã trên dưới 70 tuổi cả rồi, nhiều người đã mất, người còn sống thì có người còn sức viết, có người không viết được nữa... Còn gì mà đặt hy vọng!
Tôi vốn sống trầm lặng để viết. Tôi sợ đám đông người lớn, thường tránh xuất hiện. Tôi cũng là một người nhạy cảm, nhất là với những chuyện khuấy động đến cuộc sống bình lặng của mình. Những chuyện vừa qua đã tạo ra một sức ép lớn lên con người tôi – về nhiều mặt. Tôi không sợ sai và sẵn sàng sửa sai, cũng không sợ bị chê dở khi đã làm việc hết mình, biết mình viết cho ai, để nói lên những điều gì. Tôi lại đang viết với hai bút danh: Nguyễn Thái Hải cho thiếu nhi và Khôi Vũ cho người lớn, nên rất cần sự yên ổn cho việc “phân thân”. Vì vậy tôi mong các bạn yêu mến tôi, ủng hộ tôi với những trang viết cho thiếu nhi, xin hãy tiếp tục ủng hộ vì tôi rất cần liều thuốc tinh thần này để hoàn thành nguyện ước của mình: “Những trang viết cuối cùng cuộc đời tôi vẫn là những trang viết cho thiếu nhi”. Năm nay tôi đã 67 tuổi rồi, đang đi dần đến chỗ “cuồi cùng của cuộc đời”, các bạn ạ.
Xin phép cho tôi được nở một nụ cười vì điều này: bên cạnh chuyện lùm xùm không vui quanh CLTB tái bản, hình như tôi đang có thêm rất nhiều người bạn mới, cả người lớn tuổi và người trẻ tuổi.
Ngàn lần cảm ơn các bạn đã đọc bài viết không ngắn này. Và bỏ qua cho tôi những câu chữ nào đó vô tình khiến các bạn phật ý.