Về nghiệp vụ báo chí, anh có thể tự hào là ngay cả với kha khá những cây bút lừng danh anh cũng từng nhúng bút nắn câu, sửa chữ mà các vị đều chấp nhận. Người biên tập cần gan dạ, dám chịu trận, nhưng để làm được thế, cần thực sự hiểu biết, và quan trọng là trân trọng và yêu quý những người cộng tác. Thảng hoặc, hình như không thể tránh, mới thấy vài bài anh viết, với nhiều bút danh khác nhau. Thường khi hơn, anh chỉ dành một diện tích đất nhỏ hẹp để giãi bày những quan sát, nhận xét, hiểu biết, suy nghĩ của riêng mình. Ấy vậy mà, cuốn sách này tập hợp chưa đầy đủ cũng đã có hơn 150 tạp văn, đã in trên báo trong vòng vài mươi năm qua, như để lưu lại kỷ niệm những năm làm báo.
Cũng như nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi viết “Thay lời tựa” cho Đỗ Quang Hạnh, muốn lấy tên sách là “Chẳng có gì vô nghĩa”, tôi lại muốn nó là “Như đã cuối thu”. Không chỉ vì tác giả vốn từng làm thơ, được in từ khi còn ở tuổi nhi đồng. Tên sách - lấy tên một tạp văn như thế - dễ gợi cho người đọc nghĩ đến tên một tập thơ. Điều đó không sai, bởi chất thơ bàng bạc, làm nên cảm hứng của người viết, và để lại dư vị cho người đọc. Tâm hồn đầy chất thơ không bị công việc bếp núc, tỉ mỉ, cẩn trọng, khẩn trương của nghề báo làm khô cằn, cùn mòn, khô cứng.
Canh tác không đều vụ, trên mảnh sân nho nhỏ của mình, dăm bảy trăm con chữ, những bài viết ngắn, gọi là tạp văn của Đỗ Quang Hạnh đã gom, gói nhiều chuyện của đời sống, những mẩu vụn của nhiều kiếp, nhiều cảnh, nhiều mảnh đời để người đọc ngâm ngợi, nghĩ suy. Chất chuyện trong tạp văn của anh khá phong phú, bởi được kể từ nhiều vị trí, nhiều giọng điệu, nhiều nhân vật, không nhất thiết là chính tác giả. Những triết lý nhân sinh được suy ngẫm nhẹ nhàng làm nên sức cuốn hút khi tập hợp trong tập sách.
Có những ký ức và kỷ niệm với những người tên tuổi trong làng văn nghệ như Võ Huy Tâm, Nguyễn Tuân, Hoàng Cầm, Trịnh Công Sơn… Nhưng không nhiều. Nhiều hơn là những người có tên và không tên ở trong thế giới nhân sinh khá rộng mà người viết từng thân thiết, quen biết, tiếp xúc trong nhiều chặng đời khác nhau, ở nhiều địa bàn khác nhau cả trong và ngoài nước.
Không có những triết lý cao siêu, nhưng nhiều câu hỏi quá bình thường mà bỗng nhiên phải đặt lại: Người ta sinh ra, chả lẽ chỉ kiếm tiền để nuôi thân? Mà không làm gì cho xã hội? Nhưng đang có hàng triệu người, trong đó nhiều người có bằng cấp cao, chỉ lo nuôi thân còn không nổi! Một thú vui lớn ngày xưa, là túm tụm hò hét khi xem đá bóng bên những chiếc tivi tòng tọc, giờ đời sống khá hơn, nhà cao cửa rộng, tivi màn hình rộng, không ít kẻ phải: một mình với bóng đá!
Quan hệ cha con, mới ngày nào, con nói: “Bố bước chậm thôi, con đang bước theo chân bố, nhưng con không muốn ngã”, để rồi bây giờ, muốn con đi chậm hơn cho bố hy vọng theo được bước chân con. Nhìn những hiệu cầm đồ mọc lên đầy con phố, có anh chàng chê vợ lại nghĩ một đời y bị cầm chung thân trong tay vợ - một “chủ cầm đồ” vô cảm.
Nhiều, đang quá nhiều những bà mẹ một đời còng lưng nuôi đám con nghiện hút, tù tội, vẫn đành cam chịu, chỉ vì nó là con do mình rứt ruột sinh ra. Và sống khổ nhọc để nuôi lũ con hàng ngày đẽo tiền của bà, lại là lẽ sống của người mẹ! Trong khi, không ít người lại thấy: Chẳng có cái dây yêu thương hay khốn khổ nào buộc vào đời mình. Có lúc thấy: Đời người vội vàng quá. Với người già, ngày mai không dễ dàng gì, dù nó còn không bao nhiêu…
“Phà đêm” như tiêu biểu cho một lối dẫn tạp văn của tác giả: Nhân kể chuyện ra Hạ Long chụp ảnh chuyến phà Bãi Cháy đột ngột một lần hoạt động trở lại sau nhiều năm có cầu, nhưng giờ là chuyến phà phục vụ du lịch. Có vậy mà lan man chuyện gặp một ông giáo già, ký ức cuộc đời là đi qua những chuyến phà ở miền nhiều sông nước những năm bom đạn ác liệt. Điều đó nhắc đến nhân vật xưng “tôi” vốn là một kỹ sư giao thông, tốt nghiệp khi 23 - 24 tuổi, được phân công vào những bến phà miền tuyến lửa.
Một lần đạp xe vào Đồng Hới, khi qua phà, đứng gần một cô giáo nuôi dạy trẻ, cảm nhận được độ nóng và sức quyến rũ của người con gái trẻ cũng đang qua nhà ở bờ nam sông Gianh. Họ nhanh chóng làm quen nhau. Biết anh còn đi xa, cô mời anh ghé lại nhà. Bà mẹ niềm nở đón tiếp, cho ăn. Chuyện quá thông thường ở xứ sở người dân luôn mở lòng với cán bộ và bộ đội vào chiến trường. Cô giáo có người yêu đi bộ đội, đã 6 năm không tin tức, nghe đâu đã hy sinh.
Sáng mai lên đường, anh ta không quên hứa hẹn sẽ quay trở lại. Mà thời ấy, lòng tốt, niềm bao dung quá sẵn, nên ai cũng xem như một điều tất nhiên. Rồi hòa bình, rồi thống nhất, rồi anh được đi học lên cao, được học tiếp ở nước ngoài… để rồi cuộc đời cứ ấn mình xuống làm kẻ rất đỗi thấp bé, tầm thường. Bao năm cứ nghĩ, phải tìm lại cô ấy, nhưng tên làng cũng không nhớ được. Từ chuyến phà đêm lại nghĩ sẽ mãi mãi không có “Người tình” và biết đâu không có cả nhà văn Marguerite Duras, nếu không có chuyến phà Sa Đéc thuở ấy. Nhưng đáo để hơn, khi tác giả để người thầy giáo già giờ chỉ nhìn đời kiểu Du lịch qua màn ảnh nhỏ, lại có ý nghĩ so sánh cái màn hình tivi hao hao như cái ô kính trên áo quan !
Từ những câu chuyện nhỏ về những cảnh, cách, kiếp, tính, nết, cách xuất, lối xử, thói quen ăn ở, mua sắm, thú chơi, quan hệ của người đời mà tác giả kể bằng một giọng trần thuật lạnh, khô, bộc lộ muôn chiều cảm xúc. Những kiếp người, những số phận khác nhau dệt nên một bức tranh xã hội nhiều màu sắc. Mỗi tạp văn như một viên sỏi nhỏ ném xuống mặt nước phẳng lặng, những quầng sóng nhỏ lăn tăn còn lan xa mãi. Sau tất cả, gom lại hiện ra chân dung một nhà báo chịu khó đi nhiều, giao tiếp rộng, kiến văn vững vàng, biết tự châm biếm, giễu nhại để thấy người, thấy mình, để trong lẽ phải có người có ta.