Huỳnh Dũng Nhân làm báo theo gien di truyền. Cha quê
Bến Tre, mẹ quê Rạch Giá, Huỳnh Dũng Nhân được sinh ra tại Thanh Hóa năm 1955
khi cha mẹ tập kết ra Bắc. Lúc đầu anh được đặt tên là Huỳnh Việt Nhân, sau đó
đổi lại thành Huỳnh Xuyên Việt, rồi cuối cùng lấy tên Huỳnh Dũng Nhân trong mọi
loại giấy tờ. Tuổi thơ Huỳnh Dũng Nhân nhảy lò cò trong khu tập thể báo Nhân
Dân trên phố Hàng Trống – Hà Nội. Cha mẹ đều làm báo, lúc nhỏ Huỳnh Dũng Nhân
đã tập thổi sáo, tập vẽ tranh, tập viết truyện… nhưng thành tích mà anh đáng tự
hào nhất là có lần nhặt được đôi guốc trên đường đã đem nộp cho đồn công an phố
Nhà Thờ! Năm 1975, đất nước thống nhất, Huỳnh Dũng Nhân vào Sài Gòn học ĐH Tổng
hợp Văn sau đó lại ra Hà Nội học ĐH Báo chí. Nhờ Huỳnh Dũng Nhân đi bằng cả hai
chân văn lẫn báo, nên độc giả có thể hiểu anh hơn qua những bài thơ phía sau những
phóng sự.
HUỲNH
DŨNG NHÂN DỌC NGANG TÌM MỘT GÓC BÌNH YÊN
LÊ THIẾU NHƠN
Đối
với những ai quan tâm đến báo chí nước nhà, tên tuổi Huỳnh Dũng Nhân được định
vị một cây bút phóng sự lừng lẫy. Trong nghề, phải thừa nhận Huỳnh Dũng Nhân là
một gương mặt thành đạt, không chỉ từng làm Tổng Biên tập mà còn được mời làm
giám khảo các giải thưởng báo chí từ Nam chí Bắc và được mời làm giảng viên
ngành báo chí ở nhiều trường đại học. Bây giờ Huỳnh Dũng Nhân đã thong dong
thân phận một công chức nghỉ hưu, nhưng đã trót dính vào nghiệp cầm bút thì “rửa
tay” chưa chắc đã “gác kiếm”!
Tài năng viết phóng sự của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
phát tiết đúng vào giai đoạn hưng thịnh của báo Lao Động. Hay nói chính xác
hơn, đúng vào giai đoạn phát triển vượt trội của báo in ở thập niên cuối cùng
thế kỷ 20, những phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân trở thành một hiện tượng khiến bạn
đọc say mê. Đến hôm nay, nhiều người vẫn nhắc các phóng sự có sức chinh phục độc
giả của Huỳnh Dũng Nhân như “Ăn Tết trong rừng chó sói”, “Hai giờ dưới lòng đất”,
“Con đường bia bọt” hoặc “Voi ơi ta bảo voi này”, “Kính thưa osin”. Thành công
của Huỳnh Dũng Nhân không phải xuất phát từ tư cách nhân chứng những sự kiện
nóng bỏng mà nhờ cách nhìn và cách viết. Huỳnh Dũng Nhân biết cách nhìn những
điều bình thường để có đề tài, và Huỳnh Dũng Nhân biết cách viết những chi tiết
nhỏ sao cho xúc động. Với độ lùi thời gian, nhiều phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân
đọc lại vẫn thấy thú vị vì anh kết hợp được chất báo chí với chất văn chương. Yếu
tố thẩm mỹ của chữ nghĩa giúp phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân có sức sống tương đối
lâu bền khi những sự kiện đã trôi tuột vào quá khứ!
Thử đặt câu hỏi, nếu hôm nay Huỳnh Dũng Nhân mới
tham gia múa bút, thì phóng sự của anh có nổi đình nổi đám không? Tâm lý thưởng
thức của bạn đọc đã khác, mà nhu cầu thông tin của xã hội cũng đã khác. Thế
nhưng, các phóng viên đang gắn bó với tốc độ internet chưa hẳn đã theo kịp Huỳnh
Dũng Nhân về mức độ dấn thân. Bằng xe máy, Huỳnh Dũng Nhân đã thực hiện hai
chuyến đi xuyên Việt. Chuyến xuyên Việt lần thứ nhất, từ Sài Gòn ra Hà Nội
trong hai tuần, đi qua 2000 km của 19 tỉnh thành. Chuyến xuyên Việt lần thứ
hai, rong ruổi hết Tây Bắc và Tây Nguyên trong 20 ngày, đi qua 3500 km của 16 tỉnh
thành. Tất nhiên, Huỳnh Dũng Nhân không phải đi “phượt” để chụp ảnh đưa lên
facebook như giới trẻ hiện đại, mà đi đến đâu viết đến đấy. Hành trình xuôi ngược
tác nghiệp của Huỳnh Dũng Nhân, không phải nhà báo nào cũng có được!
Chất liệu thực tế chỉ góp phân nửa giá trị cho bản sắc
phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân. Phân nửa giá trị còn lại được bồi đắp bởi văn
chương. Phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân có chất giọng dí dỏm, bay bổng và đôn hậu.
Ví dụ, viết về những cô gái buôn phấn bán hương, Huỳnh Dũng Nhân không đay nghiến
những mệnh kiếp trôi dạt mà bày tỏ “hãy nhìn những gương mặt của các cô gái đứng
đường. Nó không lấc lác, trơ trẽn như nhiều người nghĩ. Một cái nhìn cố gắng từng
trải cũng chỉ lóe lên một chút, rồi là quay đi, rồi là cúi xuống”. Dăm câu ngắn
ngủi ấy tiêu biểu cho phép cộng của báo chí và văn chương trong phóng sự Huỳnh
Dũng Nhân.
Huỳnh Dũng Nhân làm báo theo gien di truyền. Cha quê
Bến Tre, mẹ quê Rạch Giá, Huỳnh Dũng Nhân được sinh ra tại Thanh Hóa năm 1955
khi cha mẹ tập kết ra Bắc. Lúc đầu anh được đặt tên là Huỳnh Việt Nhân, sau đó
đổi lại thành Huỳnh Xuyên Việt, rồi cuối cùng lấy tên Huỳnh Dũng Nhân trong mọi
loại giấy tờ. Tuổi thơ Huỳnh Dũng Nhân nhảy lò cò trong khu tập thể báo Nhân
Dân trên phố Hàng Trống – Hà Nội. Cha mẹ đều làm báo, lúc nhỏ Huỳnh Dũng Nhân
đã tập thổi sáo, tập vẽ tranh, tập viết truyện… nhưng thành tích mà anh đáng tự
hào nhất là có lần nhặt được đôi guốc trên đường đã đem nộp cho đồn công an phố
Nhà Thờ! Năm 1975, đất nước thống nhất, Huỳnh Dũng Nhân vào Sài Gòn học ĐH Tổng
hợp Văn sau đó lại ra Hà Nội học ĐH Báo chí. Nhờ Huỳnh Dũng Nhân đi bằng cả hai
chân văn lẫn báo, nên độc giả có thể hiểu anh hơn qua những bài thơ phía sau những
phóng sự. Gia đình Huỳnh Dũng Nhân cũng không nhớ rõ anh chào đời ngày 3 hay
ngày 4 của tháng 3, nên Huỳnh Dũng Nhân tự ghi sinh nhật 3-3 cho các người đẹp
dễ nhớ mà tặng quà. Cái tháng 3 oe oe cất tiếng khóc đầu tiên đã theo Huỳnh
Dũng Nhân vào thi ca, kể cả khi hành nghề báo chí và khi giảng dạy báo chí: “Chuyện
thế sự quay cuồng chóng mặt/ Tôi trốn vào tháng ba đắp tấm áo sương mù/ Tôi lại
về giảng đường bên trang sách học trò/ Đi tìm những tháng ba của tôi thời rất
xưa, rất bé”.
Hoạt động song song báo chí và văn chương, Huỳnh
Dũng Nhân cũng đều được đồng nghiệp tín nhiệm. Huỳnh Dũng Nhân mấy khóa trúng
ban chấp hành Hội nhà báo TPHCM và Hội nhà văn TPHCM như anh bộc bạch: “Mình có
duyên với các thứ hội hè, bầu vào hội này hội nọ mang tính phong trào vui vẻ
thì thường có một suất, nhưng bầu vào các chức danh quyền lực có hơi tiền là
trượt thẳng cẳng…”. Sau 18 năm ở báo Lao Động, Huỳnh Dũng Nhân chuyển sang làm
Tổng Biên tập tạp chí Nghề Báo. Oai lắm, nhưng cũng nhiều tâm tư lắm: “Mình vẫn
khoái cái thời làm phóng viên trơn nhất, đi như ngựa, viết như điên, sống vô
ưu, phóng khoáng. Cái thời làm quản lý thì đã sợ quan trên trông xuống người ta
trông vào, đã bị ràng buộc, phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, phải mặc áo
dài tay và đeo cà vạt, đi họp mặt nhìn thẳng tỏ ra nghiêm nghị nhưng tay vẫn
nhoay nhoáy nhắn tin dưới gầm bàn. Còn thời làm Tổng Biên tập phải đi kiếm tiền
nuôi tờ báo là thời đau khổ nhất, mình vừa là chủ nợ vừa là con nợ, mỗi sáng phải
vắt óc nghĩ cách kiếm tiền in báo, mình không bao giờ thành công trong việc làm
kinh tế và điều đó hoàn toàn dễ hiểu đối với một kẻ đi học năm nào cũng thi lại
môn Toán…”.
Những phóng sự đã giúp Huỳnh Dũng Nhân có được sự
công nhận ở đời, còn những bài thơ lại giúp Huỳnh Dũng Nhân có được sự an ủi
trong đời: “Tôi lang thang dọc ngang thành phố/ Tìm một góc bình yên/ Sau sóng
thần đổ vỡ/ Đôi mắt con trẻ đau đáu suốt đời”. Dạo chia tay người vợ đầu tiên,
Huỳnh Dũng Nhân rơi vào khủng hoảng. Anh tếu táo rằng, cái đơn ly dị của anh được
vị thẩm phấn bình chọn là đơn ly dị viết hay nhất trong năm, nhưng ngày rời khỏi
căn nhà thân thuộc thì anh chỉ còn biết giấu nước mắt vào thơ khi nhắn gửi hai
đứa con: “Ba đi, trọ cũng gần thôi/ Leo hai lầu tối nước nôi một mình/ Căn
phòng ba ở rộng thênh/ Bốn phương tám hướng đâu hình bóng con”. Khoảng lặng nhức
nhối ấy, không thể viết… phóng sự, Huỳnh Dũng Nhân đành viết thơ: “Cất tiếng
lên thấy giọng mình buồn lắm/ Nhìn bóng mình thấy chẳng giống mình xưa/ Quẳng hết
cả niềm tư riêng vào chữ/ Quá nửa đường ai biết có ai chờ…”. Cũng may, duyên mới
đã đến, Huỳnh Dũng Nhân kết hôn lần thứ hai, dọn về Phước Kiển- Nhà Bè sống
trong căn nhà ngoại ô khang trang cùng niềm hân hoan: “Đồng tiền sạch nên có
quyền kiêu hãnh/ Mỗi mét vuông đều tình nghĩa bạn bè”.
Huỳnh Dũng Nhân may mắn hơn các đồng nghiệp báo chí
là anh còn có phẩm chất thi sĩ. Dù đường thiên lý dằng dặc những phút giây bần
thần cô độc “Thấy một chân trời xa ngái/ Một dải hoàng hôn muộn màng/ Dặn mình
đừng nhìn xuống đất/ Cứ đi như thể ngang tàng” nhưng mỗi chuyến đi của Huỳnh
Dũng Nhân đều bội thu, vì anh không chỉ có được những phóng sự, mà lại có thêm
những… bài thơ. Phóng sự về Lai Châu đã chuyển về tòa soạn, mà trong sổ tay Huỳnh
Dũng Nhân vẫn dư vài vần điệu “Này em Lai Châu/ Sao bàn tay em làm chiều nóng hổi…
Này em Lai Châu/ Hẹn nhau như gió thoảng mây trời”. Phóng sự về Điện Biên vừa
in báo xong, mà trong túi áo Huỳnh Dũng Nhân vẫn tồn đọng nhiều cảm hứng “Trời
Điện Biên anh nhớ lắm mây bay/ Màu trắng ấy hình như là rất khác/ Hôm anh về chỉ
cái nhìn man mác/ Mà theo anh suốt cả một trời Nam”. Phóng sự về Tây Nguyên nhận
nhuận bút rồi, mà xem lại kết quả thực tế thì Huỳnh Dũng Nhân vẫn lãi ròng mấy
câu dạt dào: “Ở đó có một cánh đồng không mọc nổi hoa/ Tôi thương vách nhà
hoang tàn chứng tích/ Tuổi 20 cô gái nghèo giấu sau mái ngực/ Cánh rừng nhờ
truyền thuyết khỏi vô danh”
Sự quan sát của một nhà báo và sự tinh tế của một
nhà thơ mang lại cho Huỳnh Dũng Nhân một tâm thế riêng trong cuộc sống. Thỉnh
thoảng Huỳnh Dũng Nhân đem kỹ năng phóng sự vào thi ca để phát hiện sinh động:
“Người nông dân gác cày lên nằm nệm chung cư/ Loay hoay khóa chùm, ngổn ngang
quy định/ Lối hành lang chia từng phần từng mảnh/ Rác cuối ngày sơ ý cũng phiền
nhau/ Bán đất mua xe mấy chiếc biết để đâu/ Dăm loại phí nhà mình như thuê mướn/
Treo chậu hoa khó khăn tìm hướng nắng/ Nuôi con gà sợ gáy rộn láng giềng”. Và
đôi khi Huỳnh Dũng Nhân có bài thơ viết bằng lối trần thuật của một cây bút
phóng sự cự phách: “Giữa chuyến bay trên cái nôi mây trắng/ Tiếng trẻ gào
choàng tỉnh khách không trung/ Tiếng khóc lần đầu nghe trên 10 ngàn mét/ Nỗi âu
lo sợ hãi cũng vô cùng/ Bỗng người mẹ cất tiếng ru đứa bé/ Giọng à ơi dịu ngọt
đến nao lòng/ Ngỡ máy bay dịu dàng như cánh võng/ Bé mơ màng thiếp ngủ giữa
mênh mông/ Câu ca dao ru lòng bao khách lạ/ Như mới thoáng qua cơn gió mát trên
đồng/ Tuổi ấu thơ về trong bộn bề nỗi nhớ/ Ngoài trời lúc này 49 độ âm…”./.