Tham luận của nhà văn trẻ Trần Minh Hợp: “Mô tả về một cuộc sống thị dân lành lặn, sang trọng và sung sướng là những điều mà cây viết trẻ hiện nay làm rất tốt.  Thậm chí tạo được lối đi và diện mạo mới hơn, hiện đại hơn cho văn chương trẻ. Và các bạn và anh chị viết văn đã góp sức gầy dựng lại thế đứng của văn chương trong thị trường văn hóa. Nhưng nếu chúng ta, ngay cả tôi để ngòi bút chỉ chạm vào những mảnh đất chỉ dành cho sự lãng mạn, những tâm trạng khóc cười riêng mình thì chúng ta dần quên cuộc đời thực, dần quên nghĩa vụ của người viết là phản ánh hơi thở thật của cuộc sống. Tôi phản đối văn chương trẻ của Việt Nam trở thành “chiến trường” của những cuộc bút chiến, phê phán nhau bằng lý luận. Văn chương tồn tại và chia sẻ  được trong cộng đồng thì điều đáng trân trọng. Khuynh hướng văn chương mới, cũng sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng của văn chương Việt Nam. Khi chúng ta không đủ sức, không đủ điêu luyện và trải nghiệm để viết ra những trang viết của nghệ thuật thời thượng thì chúng ta nên biết mình vừa sức ở địa hạt văn chương nào để dấn thân cho nơi đó, và góp phần cho nơi đó”



Viết cho những người nghèo

TRẦN MINH HỢP

            Càng lớn lên cùng công việc viết lách, tôi bắt đầu đặt cho mình một câu hỏi: “Mình viết để làm gì?”. “Để chia phần trên mảnh đất chữ nghĩa, hay dùng chữ nghĩa để phục vụ? Tôi tỉnh ngộ khi nhận ra rằng được ơn viết lách, là cách cuộc đời cho chúng ta thêm sức lực, thêm cánh tay để đóng góp lại cho cuộc đời. Tôi vẫn còn niềm tin thuật ngữ “sứ mệnh của nhà văn” vẫn còn sức sống trong nền văn hóa thị trường.  Tôi chọn cách phục vụ, cách góp sức mà mình có thể làm được tốt nhà là viết cho những người lao động nghèo và san sẻ thành quả viết lách cho họ.
Cái nghèo luôn xuất hiện trong cuộc đời và trong xã hội hôm nay một cách chân thật. Nhiều khi không cần phải tưởng tượng hay khắc họa thêm những chi tiết bi kịch, vì cuộc đời nghèo, số phận nghèo đã là một hình tượng sáng tạo nghệ thuật đủ đầy cảm xúc, chứa đựng rất nhiều nụ cười, nước mắt.
Họ là ai? Họ rất đông xung quanh chúng ta, và là bức tranh sống động về nơi chúng ta đang sống, và về cả kiếp làm người. Tôi cảm ơn vì đã gặp được họ trong cuộc đời mình và viết về họ:  Họ là một bà lão miền trung lang thang ở Sài Gòn phải hút thuốc lá cho ấm ngực để đi bán vé số (Điếu thuốc). Họ là bà lão hơn tám mươi tuổi phải ngụp dưới ao để mò ốc bán cho những buổi chợ sớm (Bóng cây bánh mì). Họ là những người đàn ông của chiến trường Tây Nam sống nghèo sau khi trở về và mang trong mình gốc sốt rét rừng, đau nhức khi trời trở lạnh (Ôm tâm, Bụi ở phía Tây Nam). Họ là những người sống cơm qua ngày nhờ những dề lục bình trôi sông (Rị níu lục bình). Họ là người phụ nữ miền núi cô độc chống chọi sự bạo hành, một mình chống chọi sinh tử. (Mầm tiêu của Pơnh)…
Họ là những người thiệt thòi, họ cần một sự  bộc bạch rồi tiếp tục đương đầu trong nghèo khó. Và viết về họ, theo tôi là cách tốt nhất để bộc bạch giúp họ những tâm tư và quan trọng nhất để truyền tải những thông điệp tình người. Văn chương hướng đến người nghèo cũng là cách chúng ta góp phần vào xây giá trị tinh thần hướng đến sự chung và tình người của xã hội hôm này.
 Mô tả về một cuộc sống thị dân lành lặn, sang trọng và sung sướng là những điều mà cây viết trẻ hiện nay làm rất tốt.  Thậm chí tạo được lối đi và diện mạo mới hơn, hiện đại hơn cho văn chương trẻ. Và các bạn và anh chị viết văn đã góp sức gầy dựng lại thế đứng của văn chương trong thị trường văn hóa. Nhưng nếu chúng ta, ngay cả tôi để ngòi bút chỉ chạm vào những mảnh đất chỉ dành cho sự lãng mạn, những tâm trạng khóc cười riêng mình thì chúng ta dần quên cuộc đời thực, dần quên nghĩa vụ của người viết là phản ánh hơi thở thật của cuộc sống. Tôi phản đối văn chương trẻ của Việt Nam trở thành “chiến trường” của những cuộc bút chiến, phê phán nhau bằng lý luận. Văn chương tồn tại và chia sẻ  được trong cộng đồng thì điều đáng trân trọng. Khuynh hướng văn chương mới, cũng sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng của văn chương Việt Nam. Khi chúng ta không đủ sức, không đủ điêu luyện và trải nghiệm để viết ra những trang viết của nghệ thuật thời thượng thì chúng ta nên biết mình vừa sức ở địa hạt văn chương nào để dấn thân cho nơi đó, và góp phần cho nơi đó.
 Người viết hạnh phúc khi chạm vào tâm trạng của trái tim vui buồn của hàng vạn người đọc, nhưng cũng cần lắm việc người viết phải khích lệ sự yêu thương, khích lệ sự quan tâm đến người khác. Đó luôn là hạnh phúc lớn của những người viết như chúng ta. Khích lệ sự yêu thương từ văn chương, cũng là sự đóng góp hữu ích của người viết trong tạo ra sức mạnh của văn chương đúng nghĩa.  

Và hiển nhiên rằng, chạm vào đời nghèo không phải là đề tài quá lôi cuốn, có nhiều câu chuyện đời rất hay mà bản thân còn chưa đủ sức truyền tải được bằng ngôn ngữ văn học, nên cũng có những tác phẩm không tròn trịa, không ai mua. Nhưng tôi vẫn tin, và luôn tin giữa những cái ăn cái mặc đang vây lấy thì chúng ta sẽ không bao giờ bị đói, bị mòn ngòi bút khi dùng ngỏi bút để viết cho người nghèo, san sẻ cho người nghèo. Từ những năm tháng viết văn, tôi tâm niệm rằng, văn chương, nhiều khi phải cả gan chấp nhận đứng ngoài thị trường, chấp nhận những bề mặt lặng lẽ của nó… miễn đó là ngòi bút thẳng thớm và hòa vào dòng chảy tình người.