Ở mặt quản lý, vụ cấm – cấp phép – chưa cấp phép, việc sai nguyên lý tiếp cận đã không dừng lại trong phạm vi 5 bản nhạc bị cấm rồi hủy lệnh cấm. Nó làm sụt ra một lỗ hổng khổng lồ: chúng ta đang quản lý văn hóa không dựa trên những hiểu biết văn hóa mà dựa trên những quy chụp, suy diễn. Việc cấm hay cho là một sự lạm dụng quyền lực chứ không phải thực thi đúng quyền hạn. Trong nhiều trường hợp, sai nguyên lý tiếp cận đã khiến cách hành xử với tác phẩm nghệ thuật bị biến thành trò cười, nhất là khi nó bị gán cho mục đích chính trị, tư tưởng. “Chinh phu – cô phụ” là một cặp hình tượng mỹ học truyền thống quen thuộc cho nên không cần xét lý lịch để phải khẳng định đó là cuộc chiến nào, chính nghĩa hay phi nghĩa. Tương tự, “chiến trường anh bước đi” cũng chỉ là một hình ảnh giàu tính cảm thức, thân phận, hà tất cần riết róng phân biệt. Lấy lý do chưa chứng minh được bản gốc, cấm các bản hiện hành vì sai nguyên tác cũng không thuyết phục. Tính dị bản, thất truyền, cải biên của tác phẩm nghệ thuật là một đặc trưng dễ thấy, chấp nhận được và phải chấp nhận trong quá trình lan tỏa, nhất là với tác phẩm văn nghệ dân gian.



RANH GIỚI GIỮA QUYỀN LỰC VÀ QUYỀN HẠN

NGUYỄN ĐỨC

1.
Cả trên báo chí lẫn mạng xã hội, ba sự kiện đều gây nên khủng hoảng cách nhìn, gây chia rẽ trong quan niệm và đều tạo thành cớ để không ít người mang mục đích không trong sáng chĩa mũi dùi công kích vào quản lý nhà nước. Tranh cãi mang màu sắc dân chủ hoặc khoác áo dân chủ thật ra chỉ là cách che đậy dã tâm.
Khi sự việc lắng xuống, người ta mới nhận ra rằng: cốt lõi của vấn đề, cái mà chúng ta đang thiếu trầm trọng là một nguyên lý tiếp cận và tranh luận đúng đắn. Không nắm vững nguyên lý tiếp cận, người đại diện cơ chế quản lý lúng túng, tạo ra những lỗ hổng, sai lầm đáng tiếc trong quản lý, nhất là khi vấp phải những thách thức về tư tưởng hay luật lệ.
Không nắm vững hoặc cố bẻ cong nó để phục vụ mục đích thiển cận, hẹp hòi khi tranh luận, những bài viết đấu tranh dễ gây bão truyền thông nhưng cũng sẽ dễ trở nên bất chấp đạo lý. Sai nguyên lý tiếp cận trong sáng tạo, những ý tưởng cách tân, dù xuất phát từ mục đích tích cực cũng dễ sa vào phản cảm, lố bịch hoặc nhẹ hơn là không phù hợp, dễ bị đào thải hoặc gây tranh luận.
Hãy bắt đầu từ sự kiện Đồng Tâm, vụ nóng nhất. Ngay khi vừa xảy ra vụ việc, bản chất vấn đề chưa rõ, thông tin sự kiện chưa đầy đủ, những kẻ khoác áo “đấu tranh dân chủ” đã khoái trá vỗ tay reo mừng viết hàng loạt bài đăng lên báo nước ngoài hoặc trang mạng “dân chủ”. 
Họ gọi ngay vụ Đồng Tâm là một cuộc “cách mạng” với hy vọng đây là ngòi nổ tạo phản ứng dây chuyền làm sụp đổ chế độ. Họ không ngần ngại vin vào đó, lấy cớ ủng hộ “cuộc đấu tranh của người nông dân mất đất” để tha hồ mạt sát công kích chế độ.
Thật ra, họ không hề thương xót, lo lắng gì số phận, sự an nguy của nhân dân. Không có thông tin, không cần kiểm chứng, những gì họ mong muốn, chờ đợi là bạo lực và đổ máu, miễn có thể khiến sự việc vỡ tung gây rối loạn xã hội để có cớ công kích, thậm chí đòi lật đổ chính quyền.
Họ tự phao tin, tự vẽ nên một kịch bản ghê rợn: người dân có tổ chức bắt giữ Cảnh sát cơ động (CSCĐ), tẩm xăng sẵn sàng đốt gây sức ép. Họ hối thúc, kêu gọi lửa bùng lên. Theo kịch bản bạo lực họ tự vẽ, chính quyền sẽ tổ chức đột kích giải cứu  CSCĐ, đàn áp, bắt bớ. Nhân dân những nơi khác, thậm chí là ở cả nước  sẽ “vùng lên ủng hộ Đồng Tâm”. Quốc tế sẽ có những  động tác can thiệp v.v... và v.v.
Trong cơn kích động, đám dân chủ giả hiệu này tha hồ chửi mắng, mạt sát những ai có cái nhìn ôn hòa, phân tích rõ ràng các luận điểm mà không công kích nhà nước. Báo chí đưa tin thận trọng, bị họ coi là “hèn”, là “đầy tớ của chế độ” để đàn áp dân…
Khi mọi chuyện kết thúc trong nhẹ nhàng, đồng cảm và đầy chia sẻ, họ quay ngoắt 180 độ, kêu gọi mọi người cảnh giác trước âm mưu “giả hòa” của chính quyền. Nói gì thì nói, dã tâm chống phá của họ vẫn không thể che đậy.
Về mặt tư tưởng, mục đích, chúng tôi không bàn sâu. Nhưng cách thông tin, viết bài, trả lời phỏng vấn như thế đã cho thấy rõ một sai lầm nghiêm trọng, sai do cố ý của những kẻ ngụy dân chủ trong nguyên lý tiếp cận và phản ánh thông tin. Đó là họ đặt giả thiết trước khi hội đủ dữ kiện. Giả thiết sai nên kết luận ắt sai.
Mà thực ra, kết luận đã nằm sẵn trong những cái đầu hằn học, chống phá, thiếu nhân cách và bất chấp đạo lý, không dựa trên dữ kiện hay sự phân tích duy lý nào cả. Họ chà đạp, thách thức, phỉ báng cả luật pháp và đạo lý rồi tự chuốc lấy hằn học khi sự thật không xảy ra như họ mong muốn.

2.

Ở mặt quản lý, vụ cấm – cấp phép – chưa cấp phép, việc sai nguyên lý tiếp cận đã không dừng lại trong phạm vi 5 bản nhạc bị cấm rồi hủy lệnh cấm. Nó làm sụt ra một lỗ hổng khổng lồ: chúng ta đang quản lý văn hóa không dựa trên những hiểu biết văn hóa mà dựa trên những quy chụp, suy diễn. Việc cấm hay cho là một sự lạm dụng quyền lực chứ không phải thực thi đúng quyền hạn.
Trong nhiều trường hợp, sai nguyên lý tiếp cận đã khiến cách hành xử với tác phẩm nghệ thuật bị biến thành trò cười, nhất là khi nó bị gán cho mục đích chính trị, tư tưởng. “Chinh phu – cô phụ” là một cặp hình tượng mỹ học truyền thống quen thuộc cho nên không cần xét lý lịch để phải khẳng định đó là cuộc chiến nào, chính nghĩa hay phi nghĩa. Tương tự, “chiến trường anh bước đi” cũng chỉ là một hình ảnh giàu tính cảm thức, thân phận, hà tất cần riết róng phân biệt.
Lấy lý do chưa chứng minh được bản gốc, cấm các bản hiện hành vì sai nguyên tác cũng không thuyết phục. Tính dị bản, thất truyền, cải biên của tác phẩm nghệ thuật là một đặc trưng dễ thấy, chấp nhận được và phải chấp nhận trong quá trình lan tỏa, nhất là với tác phẩm văn nghệ dân gian.
Gần như tuyệt đại đa số ca sĩ, nghệ nhân đương đại khi biểu diễn bài dân ca Nghệ Tĩnh “Giận mà thương”  đều nhả chữ là “phải ngăn anh không đi chuyến ngược đường”. Công chúng thưởng thức cũng mặc nhiên hiểu, chấp nhận và tán đồng. May ra chỉ có một bộ phận công chúng ở Đô Lương, Nghệ An mới “tỏ tường” rằng từ khởi thủy, nếu đúng thì phải hát là “ngược Lường”, với Lường là tên một ngôi chợ biên mậu buôn bán tấp nập ở địa phương này, tồn tại từ xưa.
“Ngược Lường” nghĩa là sa vào chuyện mánh mung, buôn bán, đổi chác, hàm ý vụ lợi, không chính đáng, theo quan niệm trọng nông khinh thương từ xưa cũ. Tuy nhiên, hát đúng thì nguy cơ người vùng khác không hiểu sẽ rất cao. Dị bản, trong trường hợp này chính là một giải pháp.
Tương tự, chỉ một câu “Đường dù sa ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang” trong “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhiều cách tiếp cận khác nhau đều chấp nhận được. Đó là khi chữ được đổi thành “dù xa/ dầu xa/ dầu sa/ dù sa”… hoặc như đề xuất của cố Giáo sư Trần Văn Khê là “dầu say” thì nghe cũng… chẳng làm sao cả.
Khi mới sáng tác, nhạc sĩ Cao Văn Lầu viết bản này để chơi nhịp 2. Các nghệ nhân, tài tử đi sau đã lần lượt chơi bản nhạc theo các nhịp nâng dần 4, 8, 16, 32, 64… cho nên việc ngắt câu làm lệch từ cho cũng không có gì là lạ. Càng không thể vịn vào “bản gốc” chưa hề được xác định nào đó để đưa ra lệnh cấm hay cho phép bản nhạc lưu hành. Vả lại, việc chứng minh bản gốc lại là trách nhiệm của cơ quan quản lý, không thể đẩy trách nhiệm về phía nghệ sĩ biểu diễn hay công chúng thưởng thức.
Việc đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Huế bị tạm ngưng vì có một số bài không nằm trong danh mục đã được cấp phép lại bộc lộ  một cái sai khác. Việc sáng tác và phổ biến tác phẩm nghệ thuật là một loại quyền hiến định. Người biểu diễn chỉ không được phép biểu diễn những tác phẩm đã bị cấm, chứ không thể bị ngưng biểu diễn vì tác phẩm chưa được cấp phép (trừ trường hợp có tranh chấp quyền lợi khai thác bản quyền)…
Câu chuyện quần cộc - áo rách của GS Trương Nguyên Thành – Đại học Hoa Sen tuy không gây ra sự phản ứng đến mức lên đồng nhưng nó cũng chứng tỏ rằng không cứ sáng tạo là có thể biện minh cho sự tồn tại. Mọi sáng tạo đều phải dựa trên chữ phù hợp, cả về đạo lý và thẩm mỹ. Trong trường hợp này, vị GS dường như đã đặt sự sáng tạo của mình không đúng chỗ và cũng không đúng lúc.