Tháng Tư năm 2017, nước Việt Nam kỷ niệm 42 năm ngày
Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 42 năm trôi qua, dòng văn học đề tài
Chiến tranh cách mạng không chỉ bắt đầu ở mốc son lịch sử đó, nhưng đã khẳng định
vị trí vững chắc trong nền văn học nước nhà với những nhà văn tên tuổi, mà
không ít người trong số họ đã từng tham chiến. Tầm vóc của văn học đề tài chiến
tranh là rất lớn. Ngày nay, một thế hệ nhà văn trẻ đã và đang xác lập vị trí của
họ trên văn đàn. Họ có còn quan tâm đến đề tài chiến tranh cách mạng nữa hay
không, và thể hiện sự quan tâm đó như thế nào. Nhà văn Phùng Văn Khai, Phó Tổng
Biên tập, Trưởng ban Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có một vài chia
sẻ với báo Văn nghệ.
Đề
tài chiến tranh và hậu chiến bình đẳng như các đề tài khác
@: Có ý
kiến cho rằng các nhà phê bình, những người sáng tác cứ nói mãi về một chuyện,
đó là chiến tranh và hậu chiến, nhưng chưa bao giờ đủ, chưa bao giờ thỏa mãn. Họ
chờ đợi những đỉnh cao mới ở phía trước. Là một nhà văn thế hệ mới, chưa từng
tham gia cuộc chiến tranh đó, anh có thể chia sẻ ý kiến về đề tài chiến tranh
cách mạng? Đề tài này có phải chỉ là thế mạnh của các nhà văn quân đội, hoặc
các nhà văn đã tham gia cuộc chiến hơn 40 năm về trước?
Phùng
Văn Khai: Phải thấy một điều rằng, các nhà văn thế hệ
chống Mỹ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh sáng tác của mình, xứng đáng với sự
mong mỏi của nhân dân. Chúng ta, nhất là các nhà phê bình hay đặt ra mục tiêu
phải có tác phẩm văn học đỉnh cao đề tài chiến tranh cách mạng. Tôi tự hỏi: Thế
nào là đỉnh cao? Lấy thước đo là giải Nobel, hay các giải thưởng văn chương
trong khu vực, châu lục? Điều này, tôi nghĩ không ít lúc khiến các nhà văn tài
năng mọi thế hệ thấy khó phân định được. .
Văn chương đích thực, hay văn học đỉnh cao đều phải
lấy bạn đọc, thời gian và đương nhiên có cả hàm lượng giải thưởng để làm thước
đo. Điều ấy chỉ ra rằng, không riêng đối với tôi mà còn với nhiều người khác,
thế hệ các nhà văn chống Mỹ đã có được tác phẩm tốt nhất, cao nhất, đáp ứng
nguyện vọng nhân dân. Tuy nhiên, nếu bây giờ người ta mong mỏi, chờ đợi những
gì cao hơn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Bến không chồng của
Dương Hướng; Mở rừng, Thời xa vắng của Lê Lựu; Ăn mày dĩ vãng,
Phố, Ba lần và một lần của Chu Lai… cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng văn
chương khác nhau ở chỗ không thể lấy tác phẩm này đặt lên trên tác phẩm khác,
cho rằng cao hơn hoặc thấp hơn. Vẻ đẹp của văn chương chính là sự khác biệt, sự
độc đáo. Điều này các nhà văn viết về đề tài chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến
tranh chống Mỹ đã làm rất tốt.
Viết về đề tài chiến tranh cũng bình đẳng như các đề
tài khác. Tôi không tham gia chiến tranh, nhưng cha mẹ tôi, chú bác tôi đều có
mặt, đổ máu ở trong cuộc chiến ấy. Là con cháu các anh hùng liệt sĩ, việc viết
về chiến tranh giống như máu thịt chảy trong thân thể mình vậy. Với tôi là tự
nhiên. Các truyện ngắn, tiểu thuyết, chân dung văn học phần lớn là chiến tranh,
từ chiến tranh bước ra, từ thời bình đi ngược về quá khứ thời chiến. Đây cũng
là thế mạnh của các nhà văn quân đội, đặc biệt ở Văn nghệ Quân đội.
@: Nhà
văn Ngô Vĩnh Bình, khi là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong
bài “Văn học về đề tài chiến tranh - thách thức, thành công và bài học” đã nhận
định: Văn học đề tài chiến tranh cách mạng “có lẽ là mảng văn học phát triển rực
rỡ nhất”, và ông cũng cho rằng những năm gần đây, văn học đề tài này có nguy cơ
mất vị trí hàng đầu. Việc một dòng văn học thoái trào trong dòng chảy đương đại
là dễ hiểu. Tuy nhiên, theo quan sát của anh, hiện có còn nhiều cây bút tâm huyết
theo đuổi dòng văn học này, và họ đang vận động ra sao?
Phùng
Văn Khai: Theo tôi, văn học hướng tới con người. Chiến
tranh cũng là việc con người phải giải quyết với nhau, nên với một đất nước như
Việt Nam, việc trội lên, đậm đặc tác phẩm viết về chiến tranh là đương nhiên. Không
riêng gì thời chống Mỹ, trước đó và sau này, các đề tài khác cũng luôn được các
nhà văn quan tâm, nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao. Ma Văn Kháng là một trường hợp
như thế. Nhưng cũng không thể tách các tác phẩm ra khỏi bối cảnh chiến tranh dù
nó được viết sau chiến tranh. Một đất nước từng hàng chục, thậm chí hàng trăm
năm chiến tranh thì con người xã hội sẽ không thể tách rời những ảnh hưởng đặc
trưng của nó. Điều đó cũng là bình thường. Hiện nay, nhiều cây bút ở Văn
nghệ Quân đội đang viết rất kỹ và khá hay về chiến tranh. Đó là Nguyễn
Bình Phương với Xe lên xe xuống; Sương Nguyệt Minh với Miền hoang.
Các tác phẩm này tạo luồng dư luận rất phong phú. Điều đó cho thấy đề tài chiến
tranh luôn luôn là mảnh đất màu mỡ của các nhà văn.
@: Đề tài
chiến tranh cách mạng luôn được coi là một thách thức đối với các nhà văn trẻ.
Là Phó Tổng Biên tập, Trưởng ban Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, có
điều kiện quan sát, theo dõi lực lượng sáng tác trẻ trên cả nước nói chung và
trong quân đội nói riêng, anh có thể chia sẻ riêng về lực lượng viết trẻ quân đội?
Theo anh, họ đã xác lập vị trí cá nhân trên văn đàn đương đại ra sao? Đối với họ,
đề tài chiến tranh cách mạng có thuộc về nghĩa vụ và trách nhiệm?
Phùng
Văn Khai: Lực lượng viết văn quân đội hiện nay khá đông và
chất lượng. Riêng ở Văn nghệ Quân đội đã có các nhà văn: Nguyễn Đình
Tú, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Mạnh
Hùng, Uông Triều… đang ở độ tuổi sung sức nhất trong sáng tác. Đương nhiên họ xác
lập tên tuổi trên văn đàn không chỉ trong địa hạt đề tài chiến tranh cách mạng.
Những sáng tác lấp lánh nhất không lệ thuộc vào đề tài. Còn nghĩa vụ và trách
nhiệm đối với mỗi nhà văn, cho dù có công tác ở Văn nghệ Quân đội chăng
nữa, thì cao nhất là nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Nhà văn phải có bổn phận
phục vụ nhân dân và Tổ quốc của mình. Trái tim và ngòi bút nhà văn phải thuộc về
nhân dân và Tổ quốc.
@: Riêng với
nhà văn Phùng Văn Khai. Là một nhà văn quân đội, những sáng tác của anh hiện tại
có còn hướng tới đề tài chiến tranh cách mạng hay không? Cách tiếp cận, xử lý đề
tài này như thế nào?
Phùng
Văn Khai: Đối với tôi, sáng tác đã, đang và sẽ công bố
chỉ có ở ba mảng: Đề tài chiến tranh; Đề tài nông thôn và Đề tài lịch sử. Lịch
sử cũng là lịch sử chiến tranh. Nông thôn cũng là nông thôn từng đớn đau dằn vặt
trong chiến tranh. Tôi viết khá thoải mái mà không lệ thuộc vào một kế hoạch cụ
thể nào. Tôi có thể vừa viết tiểu thuyết vừa viết truyện ngắn các đề tài khác
nhau theo nhu cầu của bản thân. Có những cuốn sách nhỏ như: Lý Thường Kiệt
- danh tướng phạt Tống bình Chiêm; Trung tướng Khuất Duy Tiến - hành trình của
người anh hùng một nhân vật lịch sử một nhân vật đương đại được tôi thể hiện
cùng một lúc. Tôi đang tiếp tục viết hai cuốn: Ngô Vương và Một
thế giới khác cũng trong tình hình như vậy. Đan xen là viết kịch bản
phim tài liệu để mưu sinh nuôi bút. Mọi thứ cũng diễn ra bình thường. Ngày nào
cũng miệt mài cày cuốc và chưa bao giờ chịu sức ép của nhà phê bình hay khát vọng
vươn đến văn học đỉnh cao. Cứ viết rồi bạn đọc và thời gian sẽ phán xét tới.
@: Đến
nay, các cuộc thi truyện ngắn, thơ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và
báo Văn nghệ, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn nhận được sự quan tâm
rất lớn của không chỉ đơn vị tổ chức, mà còn của các nhà văn tham gia. Nếu có một
ý tưởng khích lệ dòng văn học này mãi mãi giữ vị trí đặc biệt trong dòng chảy
văn học nước nhà, theo anh, ngoài các cuộc thi, các trại sáng tác, ta còn có thể
có hình thức ưu đãi nào khác?
Phùng
Văn Khai: Hãy để các nhà văn tự do, thật tự do về tư tưởng,
văn học đích thực sẽ đến với họ, với nhân dân. Việc một tờ báo, một cơ quan văn
học, toàn thể Hội Nhà văn, ngay cả Đảng ta chăng nữa đưa ra đường hướng tập
trung viết về một đề tài nào đó, ví như đề tài chiến tranh cách mạng cũng chưa
chắc thúc đẩy được nền văn học tăng tốc lên đỉnh cao. Ở các nền văn học lớn như
Nga, Ấn Độ, Ba Lan, Trung Quốc… cũng chưa bao giờ diễn biến theo cách đó. Hãy để
tự nhiên và tự do tối đa cho nhà văn. Các dòng văn học theo đề tài cũng vậy. Nó
phải được phát triển tự nhiên mới vạm vỡ và xum xuê, bền vững. Chúng ta có lúc
đã có những can dự không cần thiết về vấn đề tự do, tư tưởng, vùng cấm đối với
nhà văn. Mong rằng, những quan niệm đơn sơ cứng nhắc này sớm được nhìn nhận và
tháo cởi.
@: Vâng,
xin cảm ơn anh!
SONG NGƯ (thực
hiện)
Nguồn Văn nghệ số 17+18/2017