Bộ trưởng Văn Hóa và Hội Nhà văn
Thử đặt câu hỏi: nếu một Bộ trưởng Văn hóa có trình độ thổi kèn đám ma và kết hoa đám cưới, thì có thể trò chuyện với hội nghề nghiệp nào...
http://www.lethieunhon.vn/2017/05/bo-truong-van-hoa-va-hoi-nha-van.html
Thử đặt câu hỏi: nếu một Bộ trưởng Văn hóa có trình
độ thổi kèn đám ma và kết hoa đám cưới, thì có thể trò chuyện với hội nghề nghiệp
nào? Yên tâm nhất là có thể phát biểu chỉ đạo trước nghệ sĩ xiếc và nghệ sĩ
múa. Tiếp đến, có thể tay bắt mặt mừng ở hội âm nhạc, vì phần lớn nhạc sĩ và ca
sĩ chủ yếu trầm bổng véo von thôi. Hội điện ảnh và hội sân khấu, thì có thể viết
sẵn diễn văn để đọc, nhưng chỉ cho các diễn viên lên diễn đàn bày tỏ nỗi hân
hoan mơ hồ và nghiêm cấm tuyệt đối các đạo diễn hoặc các biên kịch giật micro
truy xét kiến thức cụ thể. Còn hội nhà văn thì càng tránh xa càng tốt, vì một Bộ
trưởng Văn hóa mà ấm ớ đứng trên bục cao ba hoa những lời vàng ngọc thì bên dưới
sẽ có những bàn tay che miệng cười mỉa mai và những đôi mắt không cách nào che
giấu sự khinh bỉ xen lẫn cay đắng!
BỘ TRƯỞNG VĂN HÓA VÀ HỘI NHÀ VĂN
LÊ THIẾU NHƠN
Ở một vài quốc gia, cấu trúc chính phủ không có Bộ
Văn hóa, mọi thứ cứ trôi chảy theo tự nhiên. Đó cũng là một chọn lựa hay ho và
thú vị. Thế nhưng, khi đã có Bộ Văn hóa, thì cái ghế Bộ trưởng là một thử thách
đối với bất kỳ ai đảm nhiệm. Bởi lẽ, ngoài khả năng quản lý nhà nước, Bộ trưởng
Văn hóa phải có tố chất cần thiết để tương tác thẩm mỹ và kích hoạt cảm hứng
cho những người hoạt động văn hóa. Với đặc thù thể chế Việt Nam, Bộ trưởng Văn
hóa còn một vấn đề nan giải khác, là phải đối diện các hội nghề nghiệp trong
lĩnh vực nghệ thuật được ngân sách dung dưỡng!
Thử đặt câu hỏi: nếu một Bộ trưởng Văn hóa có trình
độ thổi kèn đám ma và kết hoa đám cưới, thì có thể trò chuyện với hội nghề nghiệp
nào? Yên tâm nhất là có thể phát biểu chỉ đạo trước nghệ sĩ xiếc và nghệ sĩ
múa. Tiếp đến, có thể tay bắt mặt mừng ở hội âm nhạc, vì phần lớn nhạc sĩ và ca
sĩ chủ yếu trầm bổng véo von thôi. Hội điện ảnh và hội sân khấu, thì có thể viết
sẵn diễn văn để đọc, nhưng chỉ cho các diễn viên lên diễn đàn bày tỏ nỗi hân
hoan mơ hồ và nghiêm cấm tuyệt đối các đạo diễn hoặc các biên kịch giật micro
truy xét kiến thức cụ thể. Còn hội nhà văn thì càng tránh xa càng tốt, vì một Bộ
trưởng Văn hóa mà ấm ớ đứng trên bục cao ba hoa những lời vàng ngọc thì bên dưới
sẽ có những bàn tay che miệng cười mỉa mai và những đôi mắt không cách nào che
giấu sự khinh bỉ xen lẫn cay đắng!
Trong cuộc khủng hoảng thiếu nhân vật văn hóa để làm
lãnh đạo, thì việc nhập lại thành Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, thật là một
giải pháp tài tình. Khi tiếp xúc giới văn hóa, thì giới thiệu lãnh đạo có sở
trường về du lịch. Khi tiếp xúc với giới du lịch, thì giới thiệu lãnh đạo có sở
trường về thể thao. Mà khi tiếp xúc với giới thể thao thì vô tư, dù đoạt huy
chương Olympic như Trần Hiếu Ngân hay Hoàng Xuân Vinh cũng rất ít thắc mắc trước
mọi nhiễu nhương!
Có một sự thật không khó nhận ra: sau khi Nguyễn
Khoa Điềm rút khỏi chính trường, thì sự gặp gỡ giữa tư lệnh ngành văn hóa và hội
nhà văn được hạn chế tối đa. Kế nhiệm Nguyễn Khoa Điềm là Phạm Quang Nghị. Tuy
cũng có bằng cử nhân ĐHTH Hà Nội đầu thập niên 1970, nhưng Phạm Quang Nghị hoàn
toàn không phải nổi trội khi so sánh chiều kích văn hóa với những đồng môn cùng
chi viện chiến trường miền Nam cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, như Dương Trọng
Dật hoặc Hà Phương. Đến thời của Hoàng Tuấn Anh, thì khoảng cách giữa tư lệnh
ngành văn hóa và hội nhà văn càng xa thăm thẳm! ( Dù giáo sư Hoàng Chương cũng
tích cực nịnh bợ, viết bài “bộ trưởng có tâm hồn” ca ngợi thơ con cóc của Hoàng
Tuấn Anh để in trên báo Văn Nghệ!)
Theo nguyên lý cán cân, khi hai đầu quá chênh lệch
mà một bên kiên trì nhẹ hều thì phải giảm bớt sức nặng của bên trĩu xuống. Nhiệm
vụ có vẻ khổ ải ấy, Hữu Thỉnh đã thực hiện rất xuất sắc. Ghét yêu ra sao, vẫn
phải thừa nhận Hữu Thỉnh có ưu điểm tận tuỵ phục vụ những người ban phát ơn huệ
cho mình, luôn ngày đêm thao thức tìm cách để người ngồi trên mình vừa vững tin
trong dạ vừa hể hả trong lòng.
Để tư lệnh ngành văn hóa nay mai có thể dễ dàng đối
thoại giới chữ nghĩa, Hữu Thỉnh với tư cách Chủ tịch Hội đã nỗ lực kết nạp các
loại thi sĩ khu phố vào Hội nhà văn VN ( kể cả loại thơ thiền ngây ngô kiểu “tiền
nhân mượn bút” cũng kết nạp nốt!). Dẫu tóc rụng gần hết, dẫu lưng còng chân yếu
tay run, và dẫu có bị cắt bớt kinh phí bao cấp phải tính đến bài toán biến trụ
sở Hội nhà văn VN thành khách sạn cho các cặp tình nhân thuê theo giờ, thì Hữu
Thỉnh vẫn sắt đá quyết tâm làm Chủ tịch Hội nhà văn VN suốt đời, với sứ mệnh
vinh quang: đưa các nhà thơ cấp xã- phường tiến thẳng lên nhà thơ cấp trung
ương, bỏ qua giai đoạn quá cảnh nhà thơ cấp quận - huyện và nhà thơ cấp tỉnh-
thành!
Cũng sinh năm 1942 như Hữu Thỉnh, nhà chính trị Nguyễn
Minh Triết đã rời cương vị Chủ tịch nước để quay về quê hương Bến Cát – Bình
Dương vui thú điền viên từ lâu. Vậy mà, đáng kính nể thay, dù được tin cậy giao
cho cái chức Chủ tịch ủy ban toàn quốc liên hiệp văn học nghệ thuật VN, Hữu Thỉnh
ở tuổi 75 vẫn lưu luyến không nỡ buông cái ghế Chủ tịch Hội nhà văn VN. Không
phải Hữu Thỉnh đam mê quyền lực, và càng không phải Hữu Thỉnh thèm khát quyền lợi,
chắc chắn thế! Hữu Thỉnh chỉ lo lắng những ông phó Chủ tịch Hội nhà văn VN còn
sung mãn cường tráng như Nguyễn Quang Thiều hoặc Trần Đăng Khoa khi thay mình sẽ
đưa văn chương quay lại quỹ đạo sáng tạo đích thực thì nguy to!
Để nhà thơ lão thành Hữu Thỉnh tấm thân bóng chiều nắng
xế được thảnh thơi chăm chút trọn vẹn cho vai trò Chủ tịch ủy ban toàn quốc
liên hiệp văn học nghệ thuật VN, mà không phải trăm bề nhọc nhằn gánh vác thêm
cái chức Chủ tịch Hội nhà văn VN, thì Nguyễn Quang Thiều hoặc Trần Đăng Khoa phải
trang nghiêm thề thốt trước vầng trán hói thênh thang: “Chúng em nguyện tiếp nối
tinh thần của bác, nhất định phấn đấu đạt mục tiêu xã- phường hóa chất lượng
văn chương quốc gia!”.
Đấy, khi tư lệnh ngành văn hoá chưa kịp trở thành nhân
vật văn hoá, thì hệ luỵ chia đều cho bá tánh, chứ đâu riêng gì nàng Ngọc Trinh
khoe nội y hay chàng Trấn Thành diễn hài nhảm!