Từ ngày cầm bút thay hẳn cho việc cầm  cây súng, Minh Chuyên không lúc nào quên mình là người lính. Ông viết văn như viết báo. Ông viết báo như viết văn. Kể cả viết kịch bản phim truyền hình, kể cả làm đạo diễn phim tài liệu truyền hình, ông vẫn tác nghiệp không hề câu nệ nghiệp dư hay chuyên nghiệp: Nó hấp dẫn vì cái "chất lính", chất "không chuyên nghiệp" vừa đáng tin cậy vừa dễ đem lại sự “nghi ngờ dễ thương” ấy. Đúng hơn, người đọc, người xem, người nghe vì yêu Minh Chuyên thật thà chất phác. Chất phác đến thật thà. Ông làm phim tài liệu truyền hình cũng thật thà như người lính thật thà trong các trận đánh, không biết nói sai điều mình thấy và mình suy nghĩ, mình cảm, mình làm. Minh Chuyên là người viết thực lòng không có ý niệm gì về sự "hư cấu" nên nếu trong tác phẩm của ông có lỡ nói điều gì đó sai thì người nghe người đọc, người xem cũng dễ bỏ qua.

MINH CHUYÊN BƯỚC RA TỪ RỪNG

TRUNG TRUNG ĐỈNH

Tôi thường dị ứng lối sống ồn ào, khoa trương, lối viết đao to búa lớn cùng những tính từ nổi lềnh phềnh, động từ gây sốc của một vài cây bút đồng nghiệp hay thể hiện với những trang viết có giọng điệu lên gân sáo rỗng. Cũng phải công nhận lối viết đầy chất quảng cáo khoa trương ấy đôi khi cũng gây được những ấn tượng mạnh với khá đông công chúng nhẹ dạ cả tin và mau nước mắt. Tuy nhiên, với chúng tôi, những người lính từ trong rừng ra, số lính may mắn thoát chết, thường tìm đường sớm buông súng hồi hương kiếm công ăn việc làm và  lấy vợ ở quê, rất khoái cặp với các cô giáo làng. Và thế là thấy đủ thỏa mãn. Tóm lại, những thằng lính "hạt gạo sót trên sàng" chưa kịp nhập cuộc với cuộc sống mới thường ngày như tôi và Minh Chuyên hồi sau 1975 đều vội vã phải lo cơm áo gạo tiền lập nghiệp, kiếm công ăn việc làm để tồn tại, để sống. 
Chúng tôi đa phần đều còn ngơ ngác với thế sự, với lẽ đời, nhưng  lại  háo hức với cuộc sống có vẻ đầy hứa hẹn phía trước. Thậm chí có một vài người hay cổ vũ đầy khích lệ rằng, khó khăn nào bằng khó khăn vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ mà các ông đã vượt qua, đã thắng Mỹ, thì làm gì chúng ta cũng chả vượt qua! Câu khẩu hiệu khó khăn nào cũng vượt qua, thời chiến hay thời bình lính ta cũng đạp bằng tuốt! 
Đất nước sau chiến tranh tự nhiên có một khoảng lặng linh thiêng mà cả xã hội dường như bỗng sững lại trong khoảnh khắc để dồn vào tôn vinh những người có công trong đó người lính được đề cao nhất. Cuộc chiến tàn khốc kéo dài ba mươi năm đằng đẵng nên cái khoảng lặng ngắn ngủi ấy càng được đề cao. 
Vâng, cuộc chiến ấy đã tôi đúc cho mình một thế hệ những người cầm súng và cầm bút phải đứng trước một sự thật mới với những đớn đau mất mát cũ và mới, nó lù lù xuất hiện như là số phận, như là định mệnh. Ấy là những cuộc chia ly, những cuộc tan hợp, những mất mát và sự hàn gắn của từng người, từng hoàn cảnh, của cả thế hệ những người trong cuộc. Nó đem đến cho từng gia đình, từng họ mạc, và đặc biệt nhất vẫn là những người lính và thân nhân với biết bao nhiêu hậu quả khôn lường của sự thật không thể dễ dàng chấp nhận mà chúng ta đã và đang phải chấp nhận, dù cay đắng. Ta vẫn gọi chung là sự thật của cuộc sống hậu chiến. 
Minh Chuyên trước hết là một người lính trong số những người lính kể trên. Là một nhà văn, trong số những nhà văn kể trên. Rồi thì là một nhà báo tự thân, nhà biên kịch cũng tự mày mò mà bứt ra. Sau đó ông tự mình học giữa đời sống văn chương điện ảnh mà trưởng thành. Nhà đạo diễn phim truyền hình Minh Chuyên đã thực hiện được những thước phim vô giá không phải nhà đạo diễn học hành bài bản đầy đủ qua các trường lớp nào cũng thực hiện được. Đó là cơ duyên, đó là kết quả của sự tận tâm và may mắn. Đó là tài năng…
Từ ngày cầm bút thay hẳn cho việc cầm  cây súng, Minh Chuyên không lúc nào quên mình là người lính. Ông viết văn như viết báo. Ông viết báo như viết văn. Kể cả viết kịch bản phim truyền hình, kể cả làm đạo diễn phim tài liệu truyền hình, ông vẫn tác nghiệp không hề câu nệ nghiệp dư hay chuyên nghiệp: Nó hấp dẫn vì cái "chất lính", chất "không chuyên nghiệp" vừa đáng tin cậy vừa dễ đem lại sự “nghi ngờ dễ thương” ấy. Đúng hơn, người đọc, người xem, người nghe vì yêu Minh Chuyên thật thà chất phác. Chất phác đến thật thà. 
Ông làm phim tài liệu truyền hình cũng thật thà như người lính thật thà trong các trận đánh, không biết nói sai điều mình thấy và mình suy nghĩ, mình cảm, mình làm. Minh Chuyên là người viết thực lòng không có ý niệm gì về sự "hư cấu" nên nếu trong tác phẩm của ông có lỡ nói điều gì đó sai thì người nghe người đọc, người xem cũng dễ bỏ qua. 
Cái hay trong văn trong báo trong phim của Minh Chuyên đều có chung một điểm ấy. Bây giờ người ta gọi nhà văn như Minh Chuyên là nhà văn của trường phái "phi hư cấu". Nghĩa là các tác phẩm của ông đều là chuyện người thực việc thực. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của ta mấy chục năm qua có nhiều thành công là đã đào tạo được nhiều nhà văn  trưởng thành từ phong trào viết "kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội". Hay thành danh từ phong trào viết về các anh hùng chiến sĩ thi đua, qua các chiến dịch, các cuộc vận động thi đua yêu nước v.v….
Tôi có "quan hệ" với Minh Chuyên khoảng hai chục năm nay. Quan hệ qua công việc, ít khi chén chú chén anh bàn chuyện văn chương. Hình như do cái "gu" khác nhau, dù không ai nói ra, nhưng ít khi một trong hai có ai "đề cập" đến cái sự  bày tỏ quan niệm của mình. 
Tôi là người ham chơi, ham vui, ham rượu chè quá chén. Minh Chuyên chả có nhu cầu chơi bời rượu chè, thậm chí còn ghét trò "nâng lên đặt xuống" ồn ào. Bề ngoài ai cũng nhất trí với tôi là Minh Chuyên củ mỉ cù mì, quê quê hiền lành, giản dị, nhưng có tài quan hệ, quen nhiều biết lắm. Tôi cũng thế, cũng quen biết khá nhiều. Nhưng tôi chỉ quen thân với cánh lính tráng dân thường không chọn lựa, không có tiêu chí, cứ vui thì "nhào vô". Còn Minh Chuyên là người sớm nổi tiếng, "vua biết mặt chúa biết tên". Bạn bè đa số là quan chức, quân sự thì tướng lĩnh. Dân sự thì Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng, lên xe xuống nhà hàng khách sạn có số có má. Oai! 
Tôi đọc Minh Chuyên và bị cuốn hút từ hồi ông có loạt bút ký: "Thủ tục làm người còn sống", "Tìm người mất tích", "Người không cô đơn", "Vào chùa gặp lại"… rồi sau đó trong đời sống, Minh Chuyên làm được cái việc là cùng với một vị sư thành lập quỹ "Người không cô đơn", sau chuyển sang gọi là quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" hoành tráng hơn, được cộng đồng ủng hộ lên đến trên 170 tỷ đồng. Kinh! Kinh thật. Đó là một việc làm tôi có mơ cũng không dám mơ. Tôi phục sát đất. Chưa kể đến hàng loạt bài viết về di họa chất độc màu da cam của Minh Chuyên đã có tác động to lớn, giúp cho nhiều nạn nhân được nhà nước trợ cấp hàng tháng mỗi người cả triệu đồng để góp vào khắc phục khó khăn.
Đúng là nhất bác!
Minh Chuyên làm được nhiều việc hơn cả những gì tôi hình dung. Có lẽ do tôi là người hay có định kiến với với những người khác mình nên không có khả năng tổ chức và tham gia vào các hoạt động xã hội ích nước lợi nhà.
Hơn thế nữa, Minh Chuyên là một nhà văn vào Phủ Chủ tịch như vào công sở của mình. Ông tặng sách cho Chủ tịch nước như tặng cho bất kỳ độc giả nào. Tươi cười chụp ảnh kỷ niệm với Chủ tịch nước, với Tổng bí thư, với Thủ tướng như với anh em bạn bè. Minh Chuyên quen thân với hàng loạt các Tướng lĩnh quân đội, Tướng lĩnh bên công an, gặp gỡ càfe cà pháo thường ngày với họ.
Minh Chuyên là một cựu chiến binh điển hình chịu di họa của chiến tranh. Sang thời hậu chiến, ông "lãnh đủ". Những tàn phá của chiến tranh với sức khỏe của ông cứ dền dứ liên hồi kỳ trận. Hàng chục năm qua, ông đã chiến đấu với hàng chục cuộc phẫu thuật để chống chọi với các căn bệnh nghiêm trọng gọi là ung thư. Ông đã và đang vượt qua bệnh tật như vượt qua những rắc rối đôi ba vụ bị dư luận phản biện không hề đơn giản. 
Đức tính lao động cần mẫn đúng chất nông phu, cày bừa, cấy hái hết đêm lại sang ngày, không ngừng không nghỉ như vậy mà gặt hái cũng không nhỏ. Bây giờ đã U70 rồi, hình như vẫn ôm bệnh. Và ông vẫn có nhiều kế hoạch thuốc Nam thuốc Bắc, thuốc Tây, sẵn sàng lên bàn mổ bất kỳ khi nào bác sĩ alo. Công việc bất tận vẫn đang chờ người lao công. Ông đang lo chuẩn bị cho một số thứ như in ấn mấy đầu sách đang còn dang dở, làm hậu kỳ cho một số phim đã quay, chưa dựng xong. Chỉnh sửa một số bài báo cần thiết chưa hoàn thành cho tập bút ký phóng sự. Tóm lại là còn khá nhiều việc đang chờ và đang"chuyển dạ".
Ở quê nhà, Minh Chuyên đã tự làm được cho mình một ngôi nhà xinh nhỏ, được gọi là "bảo tàng tư nhân" với hàng ngàn cuốn sách bạn bè, đặc biệt là toàn bộ sách báo của Minh Chuyên đã in mấy chục năm qua cùng với hàng ngàn bức thư của bạn đọc. Ông đã từng đoạt 102 bằng khen, giấy khen, huy chương vàng, bạc trong nước và quốc tế. Chúc mừng Minh Chuyên và ông già thời gian đang bình tĩnh đón chờ “ngài”. Bạn đọc, công chúng cũng đón chờ các tác phẩm mới đầy hứa hẹn của “ngài”.