Câu chuyện của nhà văn Lê Văn Nghĩa: Khi còn là chú bé con, chưa làm được chuyện gì ra hồn thì tôi vẫn giúp ích dược cho ba tôi cái chuyện đi mua báo. Ngày đó, người mê đọc báo có ba cách mua báo. Cách thường xuyên nhất là đặt báo cho người đưa báo dạo, mua báo từ những đứa trẻ bán báo –hoặc là ra mua báo ngoài sạp. Ba tôi đã đặt báo tháng, có người đưa báo đến tận nhà. Thi thoảng, có tờ báo nào khác đăng tin độc quyền, hấp dẫn thí dụ như lúc tờ Đại Dân Tộc của Việt Định Phương tìm ra công chúa Bokasa thật ở tận Gò Vấp, thì hàng ngày tôi phải ra sạp mua báo. Chính vì thế tôi được làm quen với một thằng bé lớn hơn tôi vài tuổi, sau giờ đi học ngồi phụ bán báo giúp mẹ ở một cái sạp báo đặt tại ngã tư đường Phạm Văn Chí và Phạm Đình Hổ.



SẠP BÁO NGÃ TƯ

LÊ VĂN NGHĨA

Thời nào cũng vậy, báo chí luôn là thức ăn tinh thần hàng ngày của dân Sài Gòn. Báo chí không phải là đặc sản dành riêng cho những người trí thức- chỉ trừ những tờ tạp chí chuyên ngành.  Nhiều người đến thành phố năng động nầy đều ngạc nhiên khi thấy hình ảnh của những bác xich lô đạp, khi ngả lưng buổi trưa hay trong lúc chờ khách đều lấy tờ báo ra đọc một cách chăm chú. Hình ảnh những người ngồi quán cà phê cóc vỉa hè buổi sáng với tờ báo trên tay là hình ảnh quen thuộc khi có du khách muốn tìm hiểu hình ảnh buổi sáng của thành phố lúc rạng đông nầy.

Tôi không lạ gì hình ảnh nầy. Khi còn là chú bé con, chưa làm được chuyện gì ra hồn thì tôi vẫn giúp ích dược cho ba tôi cái chuyện đi mua báo. Ngày đó, người mê đọc báo có ba cách mua báo. Cách thường xuyên nhất là đặt báo cho người đưa báo dạo, mua báo từ những đứa trẻ bán báo –hoặc là ra mua báo ngoài sạp. Ba tôi đã đặt báo tháng, có người đưa báo đến tận nhà. Thi thoảng, có tờ báo nào khác đăng tin độc quyền, hấp dẫn thí dụ như lúc tờ Đại Dân Tộc của Việt Định Phương tìm ra công chúa Bokasa thật ở tận Gò Vấp, thì hàng ngày tôi phải ra sạp mua báo. Chính vì thế tôi được làm quen với một thằng bé lớn hơn tôi vài tuổi, sau giờ đi học ngồi phụ bán báo giúp mẹ ở một cái sạp báo đặt tại ngã tư đường Phạm Văn Chí và Phạm Đình Hổ.
Cái sạp báo ấy chẳng bề thế gì lắm. Chỉ là cái thùng, được gia cố bằng một khung thân sắt có mái che, chừng một mét vuông và cao hai mét. Các tờ báo hàng ngày được bày trên mặt thùng, nếu báo còn dư thì khi “đóng cửa” sẽ được cất vào thùng có khóa ngoài. Tôi không biết các kiều dáng sạp báo nầy có được “quy hoạch” đúng quy cách hay không nhưng thường thấy ở những ngả tư đường phố nhỏ. Còn ở những khu thị tứ thì tôi thầy có những sạp báo khá bề thế, người bán báo có thể ngủ trong đó được luôn. Ngay góc đường Nguyễn Chí Thanh- ngã sáu nhũng năm 1985 vẫn còn một sạp báo loại nầy do…má tôi ngồi bán. Sau nầy bị giám đốc trung tâm thương mại quận 10 dẹp đi để mở tiệm vàng với lý do là áng cái mặt tiền của tiệm vàng. Sạp báo nầy má tôi nuôi những đứa con. Khi nhìn cảnh cái sạp báo bằng gổ bị tháo dở má tôi chảy hết nước mắt.  Tiền bạc vẫn hơn văn hóa mà !

Trước 1975, ngừời ta dễ dàng tìm mua báo ở các sạp báo ngã tư đường phố. Đây cũng là một kênh phân phối của nhà phát hành Thống Nhất. Hình ảnh các sạp báo nho nhỏ làm cho các ngã tư trở nên mềm mại, dịu mắt và đầy văn hóa hơn. Một thời gian sau 1975, những sạp báo loại nầy biến mất vì báo chí lúc ấy được phát hành qua bưu điện cũng một phần là do báo chí thời kỳ đầu còn bao cấp, làm báo theo lối cũ chưa đổi mới nội dung nên người ta cũng chưa cần tìm đọc hàng ngày, vì thế sạp báo cũng chưa cần thiết lắm. Thành phố thời đó vắng những sạp báo ngã tư. Một thời gian sau thời kỳ báo chí tự đổi mới, trên lề đường, ngã tư  hè phố bắt đầu có những sạp báo nho nhỏ, không kiên cố xuất hiện. Những sạp báo nầy, đôi khi là cái bàn nhỏ, đôi khi chỉ là cái ghế đựng một chồng báo đang ăn khách. Có người thì cho báo dựa vào tường, còn họ cầm báo đứng ngoài lề đường rao vẫy khách qua đường. Phải nói rằng, những sạp báo nầy có tính cách dã chiến và không đẹp bằng những sạp báo mà tuổi thơ tôi đã biết do người bán báo phải đối phó với các chiến sĩ dọn dẹp lề đường. Tôi còn nhớ hoài hình ảnh sạp báo của nhà báo kiêm phê bình văn học Cao Huy Khanh bên hông báo Tuổi Trẻ góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Phạm Ngọc Thạch. Điều đặc biệt của sạp báo nầy là làm bằng tre, nứa lá, chủ nhân vừa bán báo vừa bình luận bóng đá bằng tấm bảng to treo bên hông sạp. Riêng nhà thơ Trần Phá Nhạc có một sạp báo bằng gỗ đường hoàng trước bờ tường Hội Văn Nghệ TPHCM trên lề đường Trần Quốc Thảo. Nhờ sạp báo mà gia đình hai nhà văn nầy cũng tạm ổn định cho đến khi bị…dẹp. Rôm rả nhất thời ấy là những sạp báo trước công báo Tuổi Trẻ đường Lý Chính Thắng,  Báo Sài Gòn Giải Phóng đường Nguyễn Thị Minh Khai. Nếu cần đọc báo, trừ buổi tối, kỳ dư  người đọc có thể dễ dàng tìm mua các loại báo tạp chí ở các ngã tư của thành phố nầy. Một hình ảnh hiếm thấy ở Hà Nội.

Các sạp báo ở ngã tư vừa giúp cho người bán có sinh kế, người mua được truyền tải tin tức chính thống từ kênh nhà nước và cũng góp phần phát hành cho hệ thống báo chí của thành phố. Mặt nào đó, không thể phủ nhận hình ảnh các sạp báo con con, dã chiến cũng góp phần làm nên bộ mặt văn hóa của thành phố. Nếu chưa làm đẹp được những sạp báo ngã tư thì cũng mong chính quyền thành phố đừng để những sạp báo dã chiến này mất đi…